Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Ném đá lên trời

Ném đá lên trời
Ba tôi với bác Thuần là bạn đồng niên. Cùng có thời gian công tác và chức vụ thuộc loại cao nhất làng Ninh, nên khi về hưu hai ông đều được mọi người kính trọng. Ba tôi là ngươi cao, gầy, thầm lặng và cẩn trọng, nói năng từ tốn, có phần rụt rè. Bác Thuần cao to, đường bệ, nói năng khúc chiết, lập luận đâu ra đấy nên đi đâu ông cũng trở thành nhân vật trung tâm. Cả làng Ninh ai có chuyện gì cũng đến nhờ ông phân giải, ý chừng coi ông như một Bao Công.
Từ ngày ba tôi nghỉ hưu, nhà tôi như trở thành câu lạc bộ hưu trí của làng. Không có tối nào các ông không gặp nhau để bàn đủ mọi thứ chuyện trên đời, từ chuyện đi chợ của bà già trong nhà đến chuyện của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Nhưng bất luận chuyện gì, cuối cùng cũng quay lại chuyện chống tham nhũng.  Như các bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, trong câu chuyện mà tôi nghe được, rốt cục thì mấy ông đương chức đương quyền tất yếu gắn liền với tham nhũng, không ông nào thoát.
*
Hôm điện về làng, cả làng reo vui, bàn luận đủ điều cho tương lai sắp tới thì ở nhà tôi, các bác chỉ bàn quanh chiếc Cúp 78 của ông chủ tịch xã mới tậu trong thời gian thi công đường điện. Vốn là chánh án nên bác Thuần luận sắc như dao. Nghe bác nói, tôi có cảm giác là ông chủ tịch ra toà đến nơi. Những lúc như thế, ba tôi thường không tham gia tranh luận, cuối cùng chỉ nói vài câu, lại rặt như câu hỏi. Hôm đó ba tôi nói đại để rằng, mấy chục năm rồi, bao nhiêu đời chủ tịch xã chẳng ai đưa được điện về. Tôi và các anh bôn ba đó đây, chẳng có điều kiện lo cho bà con mình. Nay sắp cán bộ mới, trẻ, năng nổ, làm được nhiều việc cho nó, cho ta. Chuyện tiêu cực có hay không là chuyện của nhà nước, của pháp luật. Có, tại sao dân tín nhiệm bầu họ thêm một nhiệm kỳ nữa? Nhà chủ tịch xã làm kinh tế khá, chiếc Cúp 78 không phải là chuyện quá tầm tay. Hôm nay có điện, vui chuyện có điện cái đã.
Bác Thuần không đồng tình, nhưng cũng như mọi lần, ai thì thôi không biết, chứ ba tôi nói thì ông không cãi, chỉ im.
*
Bác Thuần có bốn người con, nửa nếp, nửa tẻ. Hạnh là con gái út, cùng học với tôi. Nghe nói từ xưa, hai ông có hứa với nhau là sẽ cơ cấu để làm thông gia. Không biết các cụ cơ cấu thế nào nhưng mấy anh mấy chị trước đều trật lất. Thấy chúng tôi chơi thân từ nhỏ nên hai cụ hài lòng lắm.
Cuối năm phổ thông, tôi vì mê cái dáng oai vệ, cách nói năng khúc chiết của bác Thuần nên thi vào trường luật. Mong được như bác, làm một Bao Công. Hạnh thì lại thích tính cách của ba tôi, thích nghề ba tôi đã làm nên thi vào ngoại giao. Cả hai đều trúng. Không thể nào diễn tả hết niềm vui của hai cụ, hai nhà.
*
Tôi và Hạnh về hè năm nhất thì nghe được một tin ngang sét đánh: Có một người con trai nhà ở thị xã vừa lên nhận bác Thuần làm ba, xin đổi lại họ của bác. Bác Thuần gái bù lu bà loa, ca bài ca muôn thuở của ngạch phụ nữ. Cả làng Ninh như bị dội nước lạnh.
Ba tôi an ủi bác Thuần gái:
-Thôi mình cũng đã già rồi, con cái gia thất lâu nay mọi bề yên ấm, người trên trông xuống, kẻ ngoài trông vào….Chuyện xẩy ra thì cũng đã xẩy ra, con tìm lại cha âu cũng là tình cảm đáng trọng. Từ nay chúng nó có thêm anh thêm em, sum cành sây trái. Bác mà làm ầm lên cũng phỏng có ích gì…
Bác Thuần gái nghe ra, im lặng. Làng nước nói ba tôi đã cứu bác Thuần trai một bàn thua trông thấy.
Hai năm sau, có có ba trường hợp nữa đến nhận bác Thuần là ba. Nói là đến nhận, nhưng mới nhìn cũng biết họ có mối thâm tình với nhau rồi. Từ nay theo thứ tự, Hạnh là thứ sáu. Vốn là con út, nay Hạnh có thêm hai em gái nữa.
Ba tôi lại phải lặp lại điệp khúc sum cành sây trái với bác Thuần gái nhiều lần. Hạnh nói, thiệt tội cho ba anh.
*
Ngày tôi và Hạnh nhận bằng cử nhân, đang chờ công tác, đêm nào ông con rể tương lai là tôi cũng sang đàm đạo với bố vợ tương lai về chuyện luật mới, luật cũ, chuyện thế thái nhân tình, chuyện sẽ phải làm gì với bọn tham nhũng mà theo bác Thuần nó đang đầy rẫy như rươi. Tôi bắt đầu học cách đi đứng đường bệ, nói năng đỉnh đạc của bác Thuần. Nhất là học bác trong túi lúc nào cũng có một cái lược nhỏ, chải đầu thẳng tắp cho có vẻ “sư”!
*
Chúng tôi quyết định cưới nhau trước khi nhận công tác một tháng.
Cả hai gia đình đang vui vẻ chuẩn bị cho lễ cưới thì có một phụ nữ dẫn anh thanh niên bước vào. Thì ra đó là anh Thực, chàng kỹ sư hàng huyện đẹp trai mà lâu nay con gái làng tôi trầm trồ coi như thần tượng. Hơ, lâu nay sao tôi không nhận ra nhỉ, anh ta giống bác Thuần đến thế cơ mà!?
Đầu tiên là bác Thuần gái, sau là ba tôi ca lại bài ca cũ.
*
Mẹ con anh Thực về, liên tục mấy ngày, Hạnh chẳng nói chẳng rằng, chỉ nằm khóc ấm ức. Tôi học giọng ba tôi:
-Thôi thì chuyện cũng đã xẩy ra. Từ nay mình có thêm một người anh. Cũng là sum cành sây trái…
Tôi chưa nói hết câu, Hạnh ngồi thẳng dậy, quắc mắt lên. Tôi chưa bao giờ thấy mặt Hạnh biến dạng như thế. Chưa hết ngạc nhiên, Hạnh bất ngờ giáng một cái tát vào mặt tôi đánh bốp, đoạn hét lên:
- Khốn nạn!
Tôi chưa kịp hiểu mô tê gì thì Hạnh đã oà lên, nức nở:
-Không phải tôi khóc về điều anh vừa nói. Anh biết không, tôi khóc vì tất cả chồng của năm bà mẹ ấy đều đã từng là bị cáo của cha tôi! Bao Công ơi hỡi Bao Công…
Quá bất ngờ, tôi há hốc mồm. Mặt tôi lúc ấy giống như người ném hòn đá lên trời nhưng không thấy nó rơi xuống đất…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét