Thứ Hai, 7 tháng 7, 2025

 LÃO GIÀ

By TRẦN THỊ CÚC PHƯƠNG

Có lần, chồng tôi (Nguyễn Thế Thịnh) viết chuyện anh ấy hay nấu nước chanh sả ngâm chân cho tôi, nhiều bạn (nữ) trẻ vào bình luận, có vẻ thần tượng anh chồng này lắm, tôi mới viết về dưới đó, nói đại ý rằng, chuyện là thế nhưng nó không đẹp đến hoàn hảo thế đâu. Có ý khuyên, đừng tin quá vào ba chuyện viết trên mạng meo, nên đọc và biết vậy thôi.
Rồi trên trang của tôi, tôi cũng từng viết, “Giữ được một sinh vật như thế gian nan vô cùng”- “sinh vật” đó là chồng tôi.
*
Nhớ là, lúc năm 2, một đêm ôm chồng sách vở (hồi đó sinh viên ở nội trú trong Cư xá 27 Nguyễn Huệ- Huế, đêm lên giảng đường học bài) đi dọc hành lang tầng 2, thấy lớp Văn đàn em (họ Văn K6, tôi Văn K5) ngồi đầy đủ, trên bục là một cha quần Jean, áo xoa Pháp trắng, kiểu chẽn, tóc dài, ria mép, già không già, trẻ không trẻ đang nói mấy câu tiếng Nga. Tò mò nên nép vào tường, nhìn qua cửa sổ. Đoán là, lão đó đang phù đạo cho đàn em cùng lớp. Nghĩ bụng, cha này ở đâu ra mà coi bộ tiếng Nga (thứ mình khó nhằn) cũng được phết. Thì cũng tò mò vậy thôi chứ chả ấn tượng gì. Chị đây rực rỡ không quan tâm.
Nhưng mà, hồi đó anh này “hơi nổi” nên mọi chuyện cứ đập vào mắt.
Gần cuối năm hai, tôi hỏi một cô em ở cùng phòng, “Cái cha mà tụi bây kêu Thế Thịnh, Thế Thịnh đó linh tinh hè. Tao thấy mỗi ngày ổng đèo một đứa lên thư viện. Cô em mới nói “Anh ấy không linh tinh mô, ổng coi bọn em như em út cả í mà, em cũng thường được đèo hoài”.
Cho đến một hôm, cô em đó bảo: “Anh Thế Thịnh thích P đó, không biết à?”. Tui hứ một tiếng rõ to: “Mơ!”.
*
Hết năm 2, tôi 18 tuổi.
Mỗi buổi tối, cứ tầm 7 giờ, “lão già” lại sang phòng chọn cho tôi một vài cuốn sách rồi “áp giải” bước 64 bậc cầu thang lên giảng đường.
Hồi đó sinh viên đa số ở ký túc xá, đi học được nhà nước bao cấp, không có ai phải làm thêm hay thuê nhà trọ giống bây giờ. Công bằng mà nói, những buổi tự học như thế có khoảng 1 phần 3 thời gian là dành cho việc viết giấy trao qua đổi lại (giống như chát bây giờ). Thỉnh thoảng cũng có giải lao, các sinh viên thường ra đứng ở hành lang, bên những ô của sổ được mở cách nhau khoảng 50cm để hóng gió. Tôi với “lão già” hẹn hò vậy mà cũng được mấy tháng rồi, thỉnh thoảng cũng hay ra đứng như vậy, tôi một ô, lão một ô.
Tự nhiên hôm đó, lão đứng chung luôn với tôi bên một ô cửa (Có âm mưu rồi! Thế mà sao hồi đó mình lại không nâng cao cảnh giác nhỉ, nếu như mà nâng cao cảnh giác, mình đứng sang ô kia thì biết đâu?).Thế rồi lão nói với tôi rằng, tuần tới lớp lão (bước qua năm thứ hai) sẽ học quân sự một tháng. Lão là bộ đội về nên được miễn, có thể lão ra quê.
- Ờ. Anh ra quê giúp ba mẹ đi .
- Đố em khi nào thì anh vô?
- Ủa, nghỉ một tháng thì hết một tháng vô chớ sao.
Lão im lặng, hình như lão hơi buồn. Các cô gái khác khi người yêu thông báo sắp đi xa hình như là phải giãy nảy lên: Em sẽ nhớ anh sao chịu nổi, em hổng chịu đâu… đầy nũng nịu chớ sao lại như tôi nhỉ?
Thực ra, tôi cũng là một kẻ hay nói năng khiêu khích, lại cũng hơi dè dặt trong thể hiện tình cảm nhưng mà lúc đó chắc lão nhận thấy tôi nói điều đó ra với tất cả sự hồn nhiên chân thành. (Mà không hồn nhiên chân thành làm sao được vì tôi đâu có biết người ta xa người yêu thì sẽ thế nào). Lão cứ im lặng như thế, 5 phút, hay 10 phút trôi qua tôi cũng không biết (vì khi đứng bên người mình thích thì khái niệm thời gian không chính xác được).
Rồi bất ngờ, lão đưa tay sang nắm lấy bàn tay tôi. Trời đất ơi! “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Tôi như bị điện giật, định la một tiếng nhưng sau lưng, trong phòng kia có nhiều người đang học, dòng điện ấy chạy khắp người , tim tôi đập thình thình (nhưng mà nói thiệt là tôi thấy cũng rất dễ chịu). Mấy phút như thế nhỉ, không biết, nhưng sau đó là lão vào phòng ôm sách vở, tôi về phòng tôi, lão về phòng lão.
Đêm đó tôi ngủ với một cảm giác thật lạ lùng.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì lão đã được một người bạn chở lên tàu để về quê từ lúc nào rồi. Lão đi, mang theo của tôi những tiếng cười thơ trẻ. Lão để lại cho tôi những buổi chiều với khoảng sân mênh mông những chiếc ghế đá bên những gốc xà cừ cổ thụ xao xác lá. Những buổi tối một mình đi lên 64 bậc cầu thang để đến với dãy hành lang hun hút vẫn sáng đèn. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận ra rằng tôi đã nhớ một người đến như vậy…


*
Công bằng mà nói thì lão hiểu biết nhiều.Thật sự là nhiều.
Tôi học trước một năm, làm luận văn trước, thi tốt nghiệp trước…nhưng mà nói thật, nhờ có lão tôi đỡ vất vả ra nhiều. Không có lão kèm, chắc tôi thi tốt nghiệp môn tiếng Nga không chắc gì qua. Lão bày dễ hiểu và nhớ lâu. (Vì lão học tiếng Nga nhiều năm thời trong trường Quân sự).
Đẹp trai có một chút, tài có một chút nhưng không đến nỗi là nguyên nhân làm nên gương mặt ấy. Ai mới gặp lão cũng không có thiện cảm vì gương mặt “tao biết rồi” của lão. Chả hiểu sao gương mặt lạnh câm đó lại làm nhiều cô ấn tượng.
Sau này, lão nổi tiếng và cũng tai tiếng, rất mệt. Nội chuyện đi uống nước nghe phụ nữ bàn bên khen lão đã muốn nổ bong bóng. Ấy là chưa nói người nhiều chuyện hay giả vờ vô tình nói cho tôi nghe chuyện gì đó. Nên mới nói, chịu cho được cái sinh vật ấy vất vả vô cùng. Khổ cho tôi là lão rất lười thanh minh. Nghe tôi nói chi xong lão nhìn kiểu “tao biết rồi” cái rồi kệ.
Nói giữ là cách nói thế thôi, tôi chả mắc gì phải giữ, có giữ cũng không được. Mà ổng không giữ tôi thì thôi mắc gì tôi giữ ổng. Haha.
Thôi thì “Em thế nào thì cứ thế mà đến, đừng loay hoay sửa soạn…”. Tôi cứ như thế thôi vì tôi biết và hiểu giới hạn của anh ấy.
Nhưng con người đó cũng có cái…khác người. Lão không bao giờ giữ gì cho mình. Vợ mua gì mặc nấy, sắm gì dùng nấy. Lão còn gây gổ với công chứng không thèm đứng tên cái người ta quy định phải đứng tên chung.
Có lần vui chuyện tôi đùa: “Cũng phải lập ít quỹ đen chứ một ngày đẹp trời nào đó vợ nó bỏ rồi làm sao?”. Lão bảo: “Đến vợ mà còn bỏ thì giữ cái gì cho mệt”. Rồi lão nghiêm trọng: “Nhưng khi đuổi anh đi nên cho anh mặc cái quần đùi”. Tôi hỏi gắt: “Lúc đó còn tiếc cái quần đùi?”. Lão lại nghiêm trọng: “Ấy, không mặc, mấy bả thấy rồi về…chê chồng”. Câu đó phát ra từ miệng của một người quanh năm lạnh như cà-rem nghe hài hước lắm. Không phì cười không được.
*
Một người đàn ông giờ đã mang màu tóc khác. Có thể trong mắt những người bạn cũ, những người mới gặp, những người chưa quen... anh ấy có những chân dung khác. Có thể, tôi chưa thể hiểu hết chồng mình, nhưng thú thật tôi luôn có cảm giác anh ấy đến từ thế giới của những đứa trẻ, hồn nhiên và cũng dễ tổn thương.
Đứa trẻ con nhiều tuổi đó rất ít cười, nhưng anh ấy có nụ cười rất hiền. Lão là “Lão già”.

 https://znews.vn/bi-mat-sau-tham-cua-con-nguoi-khi-sap-tu-gia-coi-doi-post906183.html


 ĐỂ BIẾT THÊM CHÚT VỀ "NGOÀI KIA TRỜI RẤT XANH"



🍀 Nhã Nam; Anh Nguyễn Thế Thịnh, người bạn đời đã sánh bước bên cạnh chị Trần Thị Cúc Phương trong suốt chặng đường đời, chia sẻ về con người chị, một người phụ nữ đẹp đã thong thả đi qua cuộc đời và để lại cho chúng ta một "Ngoài kia, trời rất xanh"...
***
🍀 Nhã Nam: Nếu được, anh có thể chia sẻ với độc giả, xuất phát từ hoàn cảnh nào chị Cúc Phương lại có ý tưởng viết cuốn sách này không?
🎗 Anh Thịnh: Từ khi phát hiện ung thư lần thứ nhất, Phương nhà tôi đã viết nhật ký. Đó là lời khuyên từ một bác sĩ người Mỹ, ông cho rằng, ghi lại những gì diễn ra trong ngày và trong người là cách tốt nhất để trao đổi với bác sĩ điều trị.
Vậy rồi có một lần, cùng Phương đi dạo trong khuôn viên bệnh viện, thấy nhiều bệnh nhân ngồi hàng giờ trên ghế đá. Cô ấy bảo tôi, giá mà trên tay họ có một quyển sách…
Một lần khác, cô ấy nhắc lại, bệnh nhân đa số là người nghèo, ở nông thôn, họ không có điều kiện để lướt mạng như chúng ta. Từ khi bị bệnh, em đọc nhiều nhưng về ung thư thì rất nhiều quan niệm khác nhau, loạn cả lên. Giá có ai đó viết một quyển sách để họ đọc…
Tôi nghĩ, có lẽ ý tưởng bắt đầu từ đó.
🍀 Nhã Nam: Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình vào giây phút chị Cúc Phương nói chị bị ung thư lần thứ 2 không?
🎗 Anh Thịnh: Sau phẫu thuật ung thư lần đầu, Phương nhà tôi thực hiện nhiều lần kiểm tra, tầm soát và tất cả đều có kết quả khả quan. Phương đi làm bình thường. Thậm chí là vẫn tiếp tục học cao cấp chính trị. Cô ấy nói với tôi, xin thôi thì cũng được nhưng cứ coi đó là một thử thách để mình vượt qua.
48 tuổi nhưng da Phương vẫn trắng mịn như khi mười tám, lúc chúng tôi mới yêu nhau. Sau này, đọc sách Phương viết, tôi mới biết đó là mối lo của cô ấy: Estrogen (nội tiết tố nữ) cao.
Một hôm bên nhau, tôi đùa, em đã U50 mà ngực đẹp thế này sao bọn trẻ phải đi bơm nhỉ? Vợ tôi nhéo tôi một cái rồi nói, không hiểu sao mấy hôm nay em thấy ngực trái hơi đau.
Vài hôm sau, tôi đi làm về trước, nấu cơm, Phương về muộn, ăn xong lên phòng nghỉ. Khi tôi cầm cái điều khiển bật tivi lên thì Phương quay sang, ôm lấy tôi, nói rất nhỏ: “Em bị ung thư vú nữa rồi”. (P nhà tôi bị hai loại ugn thư chứ không phải di căn).
Tôi thả cái điều khiển, ngồi bật dậy: “Sao như thế được, sao như thế được!”. Nhưng mà nó là như thế.
Cô ấy vẫn thế, không bao giờ cho tôi chở đi khám, cứ tự làm một mình vì sợ người khác lo. Nhưng mà, không lo trước thì cũng lo sau thôi.
Lúc đó tôi có cảm giác chiếc giường hai vợ chồng chao đảo. Tôi nằm xuống, cố trấn tĩnh, ôm và xoa vào lưng Phương, không sao đâu, cứ bình tĩnh, ta sẽ có cách…
Cách gì thì tôi đâu có biết.
🍀 Nhã Nam: Trong quá trình chị Cúc Phương viết cuốn sách này, có lúc nào cuốn sách bị gián đoạn không? Nếu có, anh có thể chia sẻ thêm về thời điểm đó không?
🎗 Anh Thịnh: Không kể lần phẫu thuật loại ung thư đầu thì nhà tôi phải đoạn nhũ hai lần. Kèm theo đó là những đợt hóa trị rồi xạ trị. Mỗi ngày, cô ấy chia thời gian ra rất nhỏ để lau nhà, tập thể dục, thiền, đến cơ quan, xử lý công việc…và viết. Chỉ những khi phải nằm ở bệnh viện, còn ở nhà, ngày nào Phương cũng viết. Tuy nhiên, người bệnh ung thư ăn uống không đủ chất lại uống nhiều thuốc nên cơ thể dần suy kiệt, lại bị những cơn đau hành hạ nên nhiều khi không tắt kịp máy tính để về giường nằm. Mình khỏe mạnh, viết lách còn khó huống gì người bệnh nặng. Phải nghị lực lắm…
Hai vợ chồng luôn tôn trọng công việc và sự riêng tư nên tôi cũng không biết cô ấy đang viết sách. Cứ tưởng là viết nhật ký, biên tập kịch bản, duyệt chương trình của Phòng Văn nghệ… như bình thường.
🍀 Nhã Nam: Với tư cách một độc giả, tôi nhận thấy sự bi quan không tồn tại trong cuốn sách của chị Cúc Phương. Nỗi buồn thì chắc chắn có, khi tác giả phải dừng lại trong khi 'ngoài kia trời vẫn xanh'. Nhưng sự bi quan thì không. Theo anh, điều gì đã làm nên điều đó?
🎗 Anh Thịnh: Phải nói thêm một xí, Phương nhà tôi là người không giống bạn bè cùng trang lứa. Cô ấy thích nhạc Văn Cao từ khi còn là thiếu nữ và hát ca khúc Văn Cao rất hay. Phương thích đọc sách. Đến nỗi người ở thư viện TP coi cô như người nhà. Sách cô ấy đọc cũng không theo trend.
Lấy tôi, mọi việc cô ấy một tay thu xếp đâu ra đó. Chứ không phải bị bệnh mới “về thu xếp lại”. Sau này, có người nói, “cô ấy có chồng giỏi, con ngoan, câu chuyện có gì phải nói?”. Tôi thì muốn hỏi lại, vì sao chồng cô ấy giỏi, con cô ấy ngoan? Là từ cô ấy!
Thật khó để cắt nghĩa câu hỏi này nhưng tôi nghĩ, nó xuất phát từ văn hóa cá nhân. Phải thừa nhận, cô ấy đã nghĩ hơn tôi một bậc. Cô ấy chả viết “Hãy đếm cuộc đời bằng số nụ cười chứ không phải bằng nước mắt” đó sao?
🍀 Nhã Nam: Có một câu chị Cúc Phương viết rất hay mà khiến bản thân tôi thấy rất đúng. Đó là "Thân xác cũng giống như ký ức, khi vẫn phải bước đi mà sức còn có hạn thì cần phải bỏ lại vài thứ, nếu không thì làm sao mà bước tiếp?
🎗 Anh Thịnh: Cũng là P tôi nói, "đôi khi, khỏe không phải là nâng lên mạnh mà là đặt xuống được nhẹ nhàng."
Trong cuộc đời không dài của mình, Phương nhà tôi đã có khá nhiều giải thưởng về nhiều lĩnh vực. Nếu muốn làm người nổi tiếng thì cô ấy có rất nhiều cơ hội. Tôi nhớ nhất hồi trước, khi cô ấy đoạt danh hiệu Á khôi thời trang thanh lịch (mà báo chí vẫn tiếc là vì sao cô ấy không phải là hoa khôi?), hồi đó chưa có các cuộc thi thi hoa hậu tràn lan như giờ, ảnh cô ấy xuất hiện nhiều trên mặt báo, tạp chí. Nhiều người gặp cứ khen nọ khen kia, Phương tôi xua tay, nói một câu khôi hài “Để đó tính sau, giờ đi chợ nấu cơm cho chồng con ăn cái đã!”.
Kể câu chuyện này để nói, ngay cả vinh quang cũng phải biết quên đi, huống chi là chuyện buồn.
Nhưng mà, phải đoạn tuyệt với bộ phận cơ thể, nơi đã nuôi hai thiên thần của chúng tôi, tôi biết, cô ấy đau đớn lắm (và tôi cũng thế). Câu đó như một triết lý về cuộc sống, nhưng để làm được thì hoàn toàn không dễ. Đó là sự đúc kết tích cực nhất và cũng là đau đớn nhất mà tôi từng đọc.
Tôi không dám dùng từ “đắc đạo” mà chỉ muốn nhắc lại lần nữa, suy nghĩ đó chỉ có ở người có văn hóa.
🍀 Nhã Nam: Anh có đặc biệt có cảm xúc với một đoạn nào trong cuốn sách không?
🎗 Anh Thịnh: Tôi thích đoạn Phương nhà tôi trả lời một cô em nói là "thần tượng" cô ấy, vì nó rất… đàn bà và rất thực tế:
“Em gái. Cảm ơn em đã thần tượng chị.
Nếu em vẫn muốn có một cuộc hôn nhân như chị thì chị chỉ có thể nói với em rằng: Với chị, chồng là một người đàn ông. Anh ấy có những điều đáng yêu và cả những điều rất không tốt mà mình phải chịu đựng. Nhưng, một khi, anh ấy là chồng chị thì chị sẽ chung thủy, yêu và đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ cái gia định mà anh ấy là một thành viên.
Bởi trong hôn nhân, chỉ yêu thôi thì chưa đủ. Bất cứ người vợ nào, trước khi đòi được yêu thì hãy bắt đầu với việc để được tôn trọng.
Bạn có xứng đáng được tôn trọng không khi chỉ ngồi và đòi hỏi.
Hãy yêu cái mà mình có, rồi một ngày, ta sẽ có cái mà mình yêu.”
🍀 Nhã Nam: Cảm xúc của anh khi cầm trên tay cuốn sách của chị Cúc Phương như thế nào?
🎗 Anh Thịnh: Cô ấy có một ước nguyện, một mục đích, và cuối cùng cô ấy đã làm được. Chúng ta đã làm được. Mục đích đó là bất luận trong hoàn cảnh nào thì "Ngoài kia trời vẫn rất xanh".
Đó cũng là dịp trả lời câu hỏi của nhiều người, vì sao tôi yêu Phương đến thế!
🍀 Nhã Nam: Xin cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện ngắn này!

Cách đây 6 năm, vào ngày này, Nhã Nam tổ chức tọa đàm về quyển sách "Ngoài kia trời rất xanh" của Trần Thị Cúc Phương (là P nhà mình) tại Trung tâm VH Pháp (Hà Nội).



Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, BTV Nhã Nam dẫn chuyện, TS Đặng Hoàng Giang là diễn giả chính.
Anh Đặng Hoàng Giang là tác giả của quyển sách "Điểm đến cuộc đời" (Hành trình cận tử) viết về những ngày cuối cùng của bệnh nhân ung thư. Anh đi nhiều và tiếp cận nhiều, lắng nghe những điều sâu thẳm nhất của cõi lòng những người cận tử. Hôm đó anh có nói rằng, P nhà tôi là bệnh nhân đầu tiên viết về những trải nghiệm của chính mình trong hành trình quái ác đó bằng một cái nhìn bình thản, không bi quan mà còn đầy năng lượng.
"Cuộc đời của mỗi người cũng giống như một cuốn sách, có thể sẽ dày mỏng khác nhau. Trong cuốn sách đó, sẽ có rất nhiều chương. Có những chương vui, có những chương tẻ nhạt và khó đọc. Nhưng với tôi, cho dù chương tiếp theo có thế nào thì tôi cũng sẽ bắt đầu chương đó bằng một chữ viết hoa đầy kiêu hãnh!"- (Đoạn kết của Ngoài kia trời rất xanh)
*
Cho đến bây giờ tôi vẫn căm giận: Những đầu óc phi thường của loài người có thể chế ra đủ loại vũ khí tối tân để giết người hàng loạt nhưng không thể chế ra loại thuốc cứu người, chữa lành căn bệnh ung thư thì đó là một nỗi ô nhục.
Ai nói cái gì mà không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền?
Khỉ!
Điên hết cả người.

 TÌNH THÂN ở "NGOÀI KIA TRỜI RẤT XANH"



Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là người biên tập quyển sách “Ngoài kia trời rất xanh” của Phương (Trần Thị Cúc Phương) nhà tôi.
Dù chưa gặp, chỉ đọc email và điện thoại nhưng tôi có rất nhiều điều muốn nói về con người này. Thôi để con tôi nói thay vậy:
“Nếu ngày trước mẹ gặp chị Thủy chắc hai người sẽ thân nhau lắm. Con có cảm giác chị ấy không phải hiểu mà thấu hiểu, thấu cảm những điều mẹ viết. Một người phụ nữ tinh tế và sâu sắc. Rất thích chị ấy”.
Con tôi cũng chưa gặp, chúng nó chỉ đọc các email mà Thủy trao đổi với tôi. Sau đó thì đọc bài viết của Thủy trên Zing.
Tôi cảm nhận, Thủy là một người tinh tế, tận tụy, cực kỳ có trách nhiệm với công việc giỏi nghề và có tâm với nghề. Cô ấy nâng niu từng con chữ của tác giả như chính gia đình tôi yêu quý mỗi từ mà Phương nhà tôi để lại.
Trong cuộc đời con người thường có một chữ duyên, là vậy.
*
Cũng như câu chuyện Phương nhà tôi kể ở trong sách về vài người, trong đó có cô em Trương Huệ Minh:
“Có thể nói, gia đình Trương Huệ Minh (Vien Dang) là món quà ấm áp nhất mà mạng xã hội mang lại cho tôi. Một thời, tôi cũng tham gia phong trào rồi thả vài ba suy nghĩ linh tinh của mình lên blog 360.
Tôi là người hạn chế kết bạn, đặc biệt là với những người mình chưa gặp ngoài đời. Một hôm, tôi nhận được một comment của một người xa lạ. Click vào thử, thấy người này cũng…có vẻ đơn giản giống mình, vậy là trở thành “ bạn” nhau. Nhiều năm sau, khi Minh có việc về VN, gặp nhau lần đầu ngoài đời, tự nhiên có cảm giác người này với mình hình như đã thân quen với nhau từ đời nào kiếp nào rồi. Bất cứ lúc nào tôi thấy bất ổn, cách này cách khác, thể nào Minh cũng có mặt.
Bệnh nhân ung thư thường dễ mang lại cho người khác một cảm giác sợ hãi rất bản năng. Khi mẹ con Minh ào vô phòng, ôm lấy tôi mà hít hà đã làm trái tim tưởng đã quá lười nhác vì bệnh tật thêm một lần được kích hoạt. Cảm giác như khi tôi nhìn thấy ánh mắt anh trai mình trước ngày tôi cưới.
Chính Minh là người đã tìm kiếm cho tôi một thực đơn dinh dưỡng ưu việt nhất, chọn cho tôi những chiếc khăn xinh xắn cho dù lúc đó tóc tôi vẫn còn dài. Chân thành và thực tế, mạnh mẽ mà tinh tế, mẹ con Minh đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh để vượt qua những tháng ngày gian nan nhất.
Tình thân đôi khi không phải đơn giản chỉ là cùng huyết thống. Cũng như quê hương, đôi khi không phải là nơi ta được sinh ra mà là nơi ta làm cho ta cảm thấy yên ổn và khi rời xa thì lại nhớ và cứ muốn tìm về”


"NGOÀI KIA TRỜI RẤT XANH" CỦA TRẦN THỊ CÚC PHƯƠNG



"Đây là những trang viết trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời chị, đầy chân thành, cảm động và gợi nhiều suy ngẫm. Chị viết cho chính mình, để tự an ủi, tự làm lành và tự yêu thương chính mình. Chị viết cho chồng, con, cho người thân, bạn bè để gửi gắm lại yêu thương. Chị viết cho những người không quen biết có cùng cảnh ngộ, để họ được chia sẻ"

"Thông điệp họ gửi lại nằm ở ngay tên sách.
Đó dường như cũng là cách họ đến, rồi đi qua cuộc đời này. Vô cùng tinh trong, vô cùng nhân hậu, và toả sáng cả khi họ đã về một bầu trời khác.
Trái tim của họ đã tận hiến vô vàn yêu thương cho cõi trần gian này, cho đến những nhịp đập cuối cùng.
Mình nghĩ, có lẽ họ là các thiên sứ".
"...khi gấp trang sách này lại, bạn sẽ thấy một niềm bao dung và ngọt ngào quanh đây. Bạn sẽ hiểu về con người hơn để chia sẻ và cảm thông hơn. Bạn sẽ thấy mình may mắn và cuộc sống đẹp hơn bao giờ hết, dù đang ở giữa đám tắc đường vào sẩm tối mùa đông lạnh giá, bạn sẽ bớt càu nhàu, bạn sẽ dành thời gian ngồi lâu hơn bên người thân yêu đôi chút. Bởi cuộc sống không phải là vô hạn".



“Cuộc đời mỗi người giống như một cuốn sách, có thể sẽ dày mỏng khác nhau. Trong cuốn sách đó, sẽ có rất nhiều chương. Có những chương vui, có những chương tẻ nhạt và khó đọc. Nhưng với tôi, cho dù chương tiếp theo có thế nào thì tôi cũng sẽ bắt đầu chương đó bằng một chữ viết hoa đầy kiêu hãnh. Cho dù, thực ra đôi khi đôi chân ta đang cảm thấy rã rời. Nhưng không sao, hãy gác nó cao lên một chút và nhìn qua cửa sổ. Bởi vì ngoài kia, trời rất xanh!”