Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Chính trị và mạng xã hội: CÂU CHUYỆN “BIẾN ĐÁM CHÁY THÀNH PHÁO HOA"

“Biến đám cháy thành pháo hoa” là một trong những phương pháp xử lý khủng hoảng truyền thông mà khi có dịp nói chuyện với các tập đoàn, công ty... tôi rất tâm đắc và thường khuyên họ đặc biệt lưu ý.
Tôi chưa từng được nói chuyện với các chính trị gia hoặc những người mà chúng ta hay gọi nôm na là quan chức, dù chỉ là tâm sự riêng tư, về truyền thông nội bộ hay xử lý khủng hoảng truyền thông để xem họ có chú ý việc này không. Nhưng theo quan sát của tôi, có vẻ như họ đã không coi trọng, vì thế rất nhiều sự việc, họ đã dùng xăng chữa lửa hoặc muốn dập lửa nhưng không rút củi ra mà tự chêm củi vào lò.
Lấy một ví dụ:
Một tờ báo đưa tin Bí thư Thành ủy ĐN đi xe biển số giả (sau đó tờ báo này bị phạt), thay vì chỉ cần nói một câu, giao cho Phòng CSGT Công an TP trả lời có phải biển giả hay không là xong thì họ lại trưng ra hết các loại giấy tờ, từ đó, báo chí mới biết chiếc xe đó giá bao nhiêu, do doanh nghiệp nào tặng... Đó là “lấy xăng chữa lửa”.
Chuyện đó còn phải nói dài dài và nếu các cơ quan công quyền không chú trọng việc xử lý khủng hoảng truyền thông thì họ sẽ còn gặp thêm nhiều rắc rối.
Hôm nay nói chuyện khác.
*
Trong lúc ở Mỹ điều trần vụ Nga chi phối kết quả bầu cử tổng thống thì Facebook vừa tiết lộ, họ thống kê rằng, các đối tượng ở Nga đã mua ít nhất 3.000 quảng cáo chính trị và đăng tải thêm 80.000 thông điệp khác lọt vào mắt 126 triệu người Mỹ trong 2 năm qua.
Ngày 19.10, Facebook thử nghiệm chức năng News Feed mới tại Campuchia và 5 quốc gia nhỏ khiến cho làng báo chí nước này nhảy lên như đỉa phải vôi.
Là vì, người ta không còn đọc và xem các kênh truyền thông truyền thống nữa.
Nhưng Thủ tướng Hun Sen biết rõ sự phổ biến của Facebook từ lâu. Ông đã nắm lấy cơ hội này, trang cá nhân của ông có tới gần 9 triệu người theo dõi, xếp hạng 8 trong danh sách những trang cá nhân nổi tiếng nhất của các lãnh đạo thế giới.
Đối thủ lâu năm của Hun Sen, Sam Rainsy, cựu chủ tịch đảng đối lập CNRP nói lượng truy cập đối với trang cá nhân nổi tiếng của ông đã giảm 20% từ khi Facebook đưa ra thử nghiệm mới. Không như thủ tướng, người bị cáo buộc là đã mua "like" trên Facebook, ông Rainsy nói ông không thể trả tiền để khiến các cập nhật của ông tiếp cận với nhiều người dùng hơn trên News Feed bình thường.
"Sáng kiến mới nhất của Facebook thậm chí có thể sẽ gây ra sự cạnh tranh mạnh hơn đối với chế độ độc tài và mua chuộc các chính trị gia," Sam Rainsy nói.
Kiểu gì thì Hun Sen cũng quá giỏi trong việc biến mạng xã hội thành công cụ của mình. Thay vì “làm việc với Facebook” để chặn này gỡ khác thì ông đã lợi dụng nó, “biến đám cháy thành pháo hoa”.
Facebook đang tìm cách quay lại Trung Quốc sau 8 năm bị chặn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. (Năm 2009, do không muốn thông tin về các vụ nổi dậy khiến 140 người thiệt mạng ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương bị phát tán rộng rãi trên mạng Internet mà Trung Quốc đã triệt để cấm Facebook). Khi Facebook trở lại Trung Quốc, dù có phần mềm kiểm duyệt gì đi nữa thì họ cũng không ngần ngại mở rộng cửa “cách làm Nga kiểu Trung Quốc” sang Việt Nam. Có lẽ sẽ là như thế.
*
Ở Việt Nam không phải giới chức không chú ý, thậm chí rất chú ý vấn đề mạng xã hội nhưng đối sách xem ra chưa hoặc không hiệu quả. Ví dụ việc Bộ TT-TT làm việc với Facebook để gỡ bài có thông tin này nọ mà cũng đưa lên truyền thông chính thống coi đó như một biện pháp, một thành tích thì rất sai lầm. Làm mà như không làm mới giỏi.
Thật buồn cười là cộng đồng mạng có thể chỉ ra được trang nào là của dư luận viên. Kiểu, thưa anh em đang ở trong đống rơm.Thật sai sách.
Quay lại việc “quảng cáo chính trị” mà Nga đã làm cho 126 triệu người Mỹ phải xem. Những cái gọi là “quảng cáo” này phải được làm ra từ những đầu óc siêu đẳng, cao cơ mới “lọt mắt” người Mỹ, một quốc gia dân trí cao.
Tôi thường hay nói đùa, người bị hiếp dâm, nếu không chống cự được thì nên tận hưởng”, có thể ai đó bảo tôi bất nhẫn, nhưng đằng sau sự tếu táo đó là câu chuyện có thật, chống cự vừa không thoát vừa có thể bị mất mạng. Vậy thì tương kế tựu kế đi.
Mạng xã hội cũng thế. Hãy nghĩ cách như tôi nói “biến đám cháy thành pháo hoa”. Đừng sợ nó, hãy làm chủ nó. Ít ra phải được như Hun Sen.
Ở Việt Nam, các trang mang tên các chính trị gia là của ai nhỉ? Có chính trị gia nào có Facebook công khai?
Tôi nói công khai là công khai vì biết có nhiều người có trang chỉ để đọc. Rất thụ động. Thay vì dẫn dắt thì anh lại chạy theo. Không được rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét