Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Trò chuyện với người trẻ (No2): HỌC AI VÀ HỌC CÁI GÌ?



Tôi vừa đọc xong và đang đọc lại quyển ĐẠI HỌC của TS. Nguyễn Xuân Xanh. Trước đó, có đọc CÁC CÔNG DỤNG CỦA ĐẠI HỌC của Clark Kerr.
Lâu nay đọc sách chuyên môn về báo chí là do mình hành nghề báo, nay đi dạy nhiều nên phải biết đại học là cái gì. Và đọc xong, thực sự… hoảng hốt. Hóa ra chúng ta được đào tạo trong một môi trường… rất sai! Đó là lý do tôi viết “Trò chuyện với người trẻ". Đây là bài thứ 2. Mục đích là gợi mở vấn đề để bạn trẻ suy nghĩ.

CHỈ VN MỚI CÓ ĐẠI HỌC… LÀM GÌ CŨNG ĐƯỢC
Trong bài đầu, ĐỪNG CHẾT VÌ ẢO TƯỞNG. tôi nhận được comment của Phan Văn Tú: “Không có ai mơ ước làm khoa học hết hả anh?”, câu hỏi làm tôi giật mình y như đã giật mình khi đọc xong hai quyển sách nói trên.
Nói gọn lại, đại học chính là nơi đào tạo ra những con người làm thay đổi thế giới nhờ những phát minh khoa học của họ. Vì thế, thầy muốn dạy cái thầy muốn và sinh viên muốn học cái sinh viên muốn. Ta đã nhận thức sai về đại học và vì thế tạo ra một môi trường cũng… sai nốt.
Thử hỏi xem: Người trẻ bây giờ có ai muốn làm khoa học? No!
Mà đất nước không có các nhà khoa học tài danh thì không thể nào tiến lên được, mãi mãi lẹt đẹt chạy theo người ta.
Cả nước từ nhí đến già đua nhau đi thi sắc đẹp, thi giọng hát, thi tấu hài, thi MC… Cứ như cả nước sắp gia nhập giới showbiz (các địa phương đều thành đầu tàu).
Có một cuộc thi có thể coi là đàng hoàng nhất, “Đường lên đỉnh Olympia” thì lại là nơi phát hiện nhân tài cho… nước khác.
Oái oăm thay, nhiều địa phương, như Hà Nội, đặt ra mục tiêu phổ cập tiến sĩ cho cán bộ lãnh đạo. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo là tiến sĩ, tức là vô cùng nhiều nhà khoa học đi làm cái việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn của mình. Vì thế trong nhiều thập niên, VN chưa có một phát minh nào nên hồn. Những phát minh phục vụ đời sống toàn dựa vào… nông dân! Bi kịch chưa?
Thực ra, những người có bằng tiến sĩ nói trên không phải là tiến sĩ đúng nghĩa (trừ làm ở nước ngoài mà cũng chỉ vài người làm thật thôi).
Cái sai từ đào tạo đã dẫn đến cái sai về cuộc sống. Sinh viên học đại học như đi học nghề. Và họ có học lên cao thì để nhằm mục đích đạt các tiêu chuẩn để tuyển dụng và tiến thân theo đường công chức. Và cho dù đã học như thế, nhưng muốn tiến thân họ phải qua trường chính trị. Cứ học xong cử nhân hay cao cấp chính trị thì ra làm gì cũng được. Cả thế giớ chỉ có VN có trường này. Kinh chưa?

NGHỀ… LÃNH ĐẠO
Một cán bộ, trong cuộc đời, để làm lên hàng lãnh đạo, phải “luân chuyển” rất nhiều nơi. Các bạn thấy không, mình làm một việc, hiểu rõ về việc đó đã khó, cán bộ thì lúc làm công thương, lúc chuyển qua văn hóa, lúc làm bí thư, lúc làm chủ tịch…
Còn cán bộ đoàn rồi thì làm lãnh đạo tuốt, lãnh đạo gì cũng xong, như thể siêu nhân. Cái gì cũng làm và cái gì cũng… trời ơi đất hỡi. Đến nói trên nghị trường cũng làm trò cười cho thiên hạ.
Cha ông đã dạy: “Một nghề cho chin hơn chin mười nghề”. Cán bộ lãnh đạo của ta nếu rời chức vụ không có ai thuê làm là vì thế. Và vì thế, họ kiên quyết giữ cái ghế của mình bằng mọi giá, kể cả nghĩa đen của giá. Trong cuộc đời họ chỉ làm nghề không khai trong lý lịch: Nghề lãnh đạo!
Điều này đã tác động lớn đến tâm lý, suy nghĩ và động cơ của người trẻ.
XIN TIỀN BỐ MẸ?
Đó là thói dựa dẫm thâm căn cố đề do chính bố mẹ tạo ra. Cái gì cũng nghĩ làm cho con trong lúc đáng lẽ, chỉ nên cho con kiến thức là đủ.
Một người sức dài vai rộng thế nhưng làm gì cũng xin tiền bố mẹ, kể cả xin để đi làm… tình nguyện. Đến khi ra đi làm rồi, mua nhà cửa, xe cộ cũng xin bố mẹ. Mà bố mẹ thì già, chân lấm tay bùn, phải oằn lưng lượm từng đồng bạc.
Tôi đã gặp rất nhiều sinh viên sử dụng laptop, máy ảnh, điện thoại di động loại mà cả đời tôi chưa có, dù rõ ràng tôi làm ra tiền hơn sinh viên. Vì sao? Vì tôi thấy dùng những thứ tôi dùng là đủ. Trong lúc sinh viên về nói với ba mẹ là con học báo chí, cần phải thế này thế kia, thế là đến cắm sổ đỏ ba mẹ cũng cắm để vay mà sắm cho con. Sắm để con làm gì? Làm màu!
Sắm đồ xin không dùng vào mục đích hành nghề mà để làm anh hùng bàn phím, để seo-phì, để a dua với số đông vào thần tượng trước đây là bà Tưng, sau này là anh Khá Bảnh, anh Phúc XO… Thật vô bổ! Vô bổ là vì sao? Là vì những đứa đó không có cái gì để ta đáng học, nó có thể ồn ào trên mạng một lúc rồi thiên hạ sẽ quên nó đi vì có đứa khác nhố nhăng hơn, tưng hơn.
Hãy nhớ, anh theo đám đông nào người ta sẽ đánh giá được con người anh ngay. Và thời đại kỹ thuật số này, nó lưu giữ suốt đời. Mai kia anh có làm gì thì sẽ có người lục anh ra mà phán xét. Coi chừng!
NÊN HỌC TẬP AI?
Cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi là người thần tượng Bác Hồ vì thế thấy không có gì sai cả. Nhưng thực sự để học tập và làm theo một con người có lẽ chỉ có một trên cõi đời này thì thật là khó cho người học.
Trong cuộc sống, em nên học anh, con nên học cha mẹ, bạn bè nên học nhau, cao hơn thì nên học và thậm chí thần tượng những danh nhân, những người gần gủi với lĩnh vực mình đeo đuổi. Con người không bao giờ toàn bích nên học là học cái tốt của họ.
Học bạn là học cái bạn giỏi, vì sao mình ngoại ngữ yếu thế này mà bạn mình giỏi thế? Học. Mà nói học thì học ngay đừng để đến ngày mai.
Tôi thường khuyên sinh viên, ngoài học tập chuyên môn của mình thì chỉ có một điều đáng quan tâm, đáng học và phải học là ngoại ngữ. Trẻ không học, có thời gian không học thì đợi đến khi nào?
Điều vô lý nhất của người trẻ hiện nay là khi đi học lại tính chuyện đi làm thêm, đến khi ra đi làm lại tính chuyện đi học. Lúng túng mãi mà chẳng có cái gì ra hồn. Lạ chưa?
Làm đến ông này bà kia mà khi bắt tay ngoại giao, giới thiệu thành phần đoàn của mình cũng không nói nỗi một câu tiếng Anh hỏi có nhục không? Nghĩ thế đi.
Bác Hồ biết mấy chục thứ tiếng đấy, bây giờ có ai học được không mà suốt ngày ra rã? Lãnh đạo là họ nhận lãnh cái phần chỉ đạo, mà chỉ đạo thì không làm cụ thế nên họ chẳng rành gì đâu, tin họ một vừa hai phải thôi.
ĐỌC SÁCH
Này nhé, nếu lãnh đạo và những người quản lý ngành đọc ĐẠI HỌC của TS. Nguyễn Xuân Xanh hay CÁC CÔNG DỤNG CỦA ĐẠI HỌC của Clark Kerr thì ta đâu có một nền giáo dục nhôm nhựa như hiện nay? Đến đọc cái người ta đúc kết trí tuệ nhân loại để áp dụng cũng không đọc nữa thì làm được gì? Phải không?
Người trẻ thông minh, năng động nhưng phải có ý chí. Muốn có ý chí thì phải độc lập suy nghĩ. Muốn độc lập suy nghĩ thì phải đọc sách, đọc sách và đọc sách. Đọc sách để xây dựng văn hóa nền của mình.
Buồn thay, văn hóa đọc ngày càng mai một.
Đừng bao giờ than học xong không có việc làm, cử nhân, thạc sĩ đi xe ôm… Tôi cam đoan, đó là những người kém, xe ôm chính là công việc phù hợp với họ.
Lãnh đạo đừng bao giờ nhắc lại câu: “Thừa thầy thiếu thợ”. Học đại học VN ra không phải là thầy mà càng không phải là thợ!
Trong vô vàn nhiễu nhương của đời sống thì ta chọn cái gì? Đó mới là người giỏi!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét