Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

BỊ ĐÌ VÌ HÁT GUANTANAMERA

(Chuyện kể sau hiệu ứng cấm... ca khúc"

NGUYỄN THẾ THỊNH 
*
Tháng 3 năm 1975 giải phóng Buôn Mê Thuột, Trung đoàn 53 chúng tôi tiếp quản Khu Mai Hắc Đế (khu thiết giáp của chế độ cũ). Tôi, Thân Trọng Bình và Nguyễn Thanh Sinh lúc đó mới 18 tuổi, cùng ở Đại đội Vệ binh của trung đoàn và đều hiếu động như nhau.
Tôi thì còn cá biệt hơn, mỗi đếm điểm danh xong lại cầm đèn pin chui xuống hầm chứa đồ cũ lục sách báo ra đọc lén. Có đêm đọc say sưa đến tận... báo thức thì chạy vội lên tập thể dục.
Rồi tôi lục được cái máy hát và chồng đĩa cũ, cắm điện, bật lên. Bài hát đầu tiên tôi nghe được là bài "Xuân này con không về". Một cảm giác vô cùng kỳ lạ, rất khó cắt nghĩa, chỉ có điều, nghe qua vài lần là thuộc luôn.
Chuyện này kể sau, để kể chuyện này trước.
*
Hồi đó Sư đoàn 470 tổ chức một đêm văn nghệ giao lưu quân dân, 3 thằng tôi được giao một tiết mục.
Thân Trọng Bình (sau này là giảng viên Nhạc viện Huế) gợi ý, mình hát bài gì đó đừng nhà quê quá mà dân trong này họ cười cho, bèn đề xuất bài Guantanamera. Tôi và Sinh (sau học sĩ quan và hy sinh ở biên giới phía Bắc) đồng ý ngay.
Bình chơi guitare, Sinh trống, tôi cello (viôlôngxen), các loại nhạc cụ đó đều do Bình dạy từ hồi chúng tôi ở Stungtreng, Cambodia. Bài hát đó ít hợp âm, chơi cũng dễ. Chỉ có chuyện mượn cây cello là rất kỳ công.
Tập được mấy ngày ngon trớn, một hôm thủ trưởng chúng tôi xuất hiện, mặt ông hầm hầm, quát: "Ai cho các cậu chơi loại nhạc xập xình này? Dẹp ngay cho tôi!".
Chúng tôi thưa, đó là một bài hát của Cu ba, hát bằng tiếng Tây ban nha có lời Việt. Thủ trưởng vẫn kiên quyết: Dẹp!
Chúng tôi không chỉ bị truất khỏi đội văn nghệ mà còn bị kiểm điểm chỉ vì chơi nhạc xập xình. (Mà lạ,trong đại đội toàn người miền Bắc, thế mà chẳng ai mở miệng bênh vực chúng tôi một câu).
Thực ra bài Guantanamera do Joseíto Fernández” (1908-1979) sáng tác là bài hát Cu ba nổi tiếng nhất. Hầu hết các nước trên thế giới đều biết.
Ở VN, có nhiều bản dịch lời Việt (trong đó lưu hành nhiều ở miền Nam là bản dịch của Phạm Duy).
Lúc đó, chúng tôi hát lời Việt theo một bản lưu truyền từ ngoài Bắc (khác bản Phạm Duy dịch) nhưng không rõ tác giả. Sau này tìm trên mạng cũng không có lời này:
Guantanamera/ Guafira Guantanamera
Guantanamera/ Guafira Guantanamera
Hàng cây cỏ cao vươn trời mây xanh
Là muôn ý thơ trôi về nơi đây
Tưởng như mẹ ru khi còn thơ ngây
Ôi bao yêu thương đất quê hương này
Một lòng trung hiếu
xin hứa với nước non
Hiến dâng cuộc đời cho quê nhà…
Guantanamera…
Biển nắng chói chang gió ngàn reo vui
Người nông dân chúng tôi
Hiến dâng cuộc đời cho quê nhà...
Điều đáng nói là, trong đêm văn nghệ, một tốp ca ở trung đoàn khác đã hát chính bài hát này, được khán giả hò reo cổ vũ và hát theo đoạn điệp khúc.
Nhưng cuối năm đó, tôi không được trung đoàn cho đi học sĩ quan (dù đã có danh sách từ trước). Mãi đến năm sau nữa, chuyển sang sư đoàn 471 tôi mới được đi ôn để thi vào Đại học Quân sự.
Chuyện hay không? Hay quá đi chứ lị!
Hehe.
*
Nhưng chưa hay bằng chuyện này:
Cuối năm 1975, về sư đoàn khác, đóng quân ở Châu thành Gia Nghĩa (Đăk Nông), Tết năm đó, tụi tôi chui vô vườn mít Lệ Xuân (gọi thế vì nghe nói hồi xưa bà ấy cho trồng mít ở đây, mít bạt ngàn, không biết bây giờ còn không) cầm đàn nghêu ngao bài “Xuân này con không về”.
Đang nức nở thì đại đội trưởng xuất hiện, quát: “Ai cho các cậu ra đây hát “Xuân này con không về”? Đoạn ông hạ giọng: “Mà sao không rủ tôi ra hát với!”
Trời ạ, câu đầu làm cả bọn rụng rời tay chân, sợ đến són đái ra quần, câu sau mới à lên một tiếng, nhảy cẩng lên, đu cả lên cổ ông: “Đúng là… thủ trưởng!”
*

Uptempo Dance Party remix of Julio Iglesias doing Guantanamera. This is just good fun!. Hope you enjoy it!.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét