Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Arem: Châm rău!


“Tiếng Arem là cả một bí mật đầy thú vị giúp tôi hiểu rõ hơn lịch sử tiếng Việt và nhiều vấn đề thuyết của vùng Đông Nam Á”

Tôi có hai người em, không hiểu thế nào lại gắn bó cả với người Arem. Một, đồng nghiệp tôi ở báo Quảng Bình có mặt từ những ngày đầu các chiến sĩ đồn biên phòng Cà Roong phát hiện ra 98 người Arem ở các hung đưa về định cư ở km 39, đường 20 thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Chàng võ sĩ karaté này đã có những chuyến đi dài ngày để mang về những bài báo nóng hổi kèm theo những trận sốt rét rừng cũng không kém phần … nóng lạnh. Một nữa, đang công tác ở ngành y bỗng dưng xin bằng được lên Arem để vừa làm thầy thuốc vừa hy vọng được dạy học. Chàng thư sinh chưa vợ này quả đã gây nhiều phiền toái cho tôi khi người ta hỏi “Mày xem lại cậu út có bất mãn điều gì không. Người ta xin về xuôi không được nó lại xin đi miền núi?”. Hóa ra trong cơ chế thị trường, lòng tốt của con người không hẳn lúc nào cũng được người ta thừa nhận. Nhưng dù sao thì lòng nhiệt tình của hai đứa em cũng lây cả sang tôi. Chúng tôi cùng thắc thỏm buồn vui với từng biến động của tộc người này, cùng suy nghĩ và viết nhiều bài báo. Có điều sau đó, các bài báo này về sau được các “nhà báo nhớn” chế tác thành những tác phẩm hay ngang tầm… chuyện viễn tưởng. Họ cho người Arem là người rừng như họ đã từng gán cho người Rục trước đây. Đến nỗi một đồng nghiệp tôi ở thành phố Hồ Chí Minh phải thốt lên “Quảng Bình sao nhiều người rừng thế!”. Câu nói đó là nguyên nhân khiến ba anh em chúng tôi ngồi lại để cùng viết phóng sự này. Trước hết là để thanh minh cho người Arem, sau nữa để cậu út bớt băn khoăn khi rời cái chốn “khỉ ho cò gáy” mà cậu gắn bó để ra Hà Nội học .
Châm Rău Arem
Một đêm mùa thu 1992, dưới chân núi Côtaret sừng sững, ngọn lửa rừng bập bùng cháy, xiên thịt thú rừng đã hết, ché rượu nằm nghiêng, già làng Đình Riêng ngửa mặt lên trời :
- Sống rồi, sống rồi. Chăm rău! Chúng tao là người mà!
Chợt giọng ông chùng xuống, trầm cảm:
- Người Arem trước đây nhiều lắm, nhớ không hết được, nhiều lần chạy đói, chạy con ma, chết hết rồi, buồn lắm …
Tất cả im lặng nhìn vào bóng đêm.
Nhớ lại hồi đầu năm, khi các chiến sĩ biên phòng phát hiện ra người Arem đang cư ngụ ở hung Va, hung Én, bản Nịu, khe Rung … thì có thể nói không ngoa rằng họ đang hấp hối. Thật khó tin rằng đó là những sinh – vật – người: Những đứa trẻ trần truồng vào bủng, những cô gái quắt queo như cây sậy những người già đờ đẫn chờ ngày về với Giàng. Từ các hung, 98 người còn sót lại được bộ đội đưa về km 39.
Những ngày đầu gặp Jân (người Kinh, theo cách gọi của người Arem) họ luôn mồm thốt lên câu “Chăm rău”. Tiếng Arem “châm rău” là người, nhưng khi nói “Châm rău” có nghĩa là họ đang khẳng định “Tôi là người”.
Có thể chúng ta sẽ còn tranh cãi về chuyện họ là “người rừng” hay không nếu Minh Toản, đồng nghiệp của tôi không phát hiện ra một điều kỳ lạ: Già làng mang ra một con dấu của UBND xã Tân Trạch có từ thời “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, dùng nhọ nồi bôi đen rồi đóng vào giấy công tác của Toản và cho biết đây là lần đầu tiên ông sử dụng con dấu của mình. Hóa ra họ chỉ là một đơn vị hành chính bị … thất lạc
Đến lúc này, các chiến sĩ biên phòng điều tra và thấy rằng: Hầu hết người Arem bị mắc bệnh sốt rét, 40% bị bướu cổ, riêng một trận dịch năm 1991 đã có 20 người bị chết. Toàn bộ người Arem chưa bao giờ được biết cái chữ .
Một dự án định canh định cư được triển khai, bộ đội biên phòng cử ba đại úy lên “ba cùng” với đồng bào. 21 ngôi nhà của 21 hộ quần tụ thành một làng kinh tế mới có tên “Bản 39”.
Năm 1995, sau hơn ba năm thực hiện dự án, người Arem đã có cái ăn, cái mặc nhưng chỉ có bốn đứa trẻ ra đời và hai bà mẹ mang thai. Trong lúc đó riêng hai năm đã có 9 người chết vì bệnh tật. Ngoài căn bệnh vốn dĩ là sốt rét và bướu cổ, hai phần ba số người mắc thêm một căn bệnh kỳ lạ: Đau bụng khan. Chịu không được, có người già đã đào hầm sâu hai mét lợp cỏ tranh để sống như họ đã từng sống trong hang trước đây. Bảy hộ gia đình khác chuẩn bị thu dọn để quay trở lại hung Va, nơi họ đã sinh sống suốt một thời gian dài .
Một lần nữa, những người làm công tác dân tộc – miền núi Quảng Bình lại phải vất vả, khó khăn để cứu người Arem. Bây giờ, qua 5 năm thực hiện dự án với số vốn đầu tư trên 500 triệu đồng, cuộc sống của người Arem đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra vẫn là một dự án bảo tồn tộc người này chứ không phải là một dự án định canh định cư mà ta thường áp dụng cho tộc người khác. Bởi vì nếu chỉ so sánh con số một cách cơ học thì số dân Arem hiện còn giảm đi 40% so với số dân mà người ta biết được những năm 1959-1960. Đó là những con số đáng báo động. Có như thế người Arem mới có thể tự tin khi nói rằng : “Châm rău!”.
Người Arem – Những điều chưa biết .
Như tôi đã kể, Toản là võ sĩ karaté, sức khỏe tốt và “đô” cũng rất cao, có thể đọ với bất kỳ “anh hai”, “anh ba” nào của miền xuôi nhưng cũng không chịu nổi cách uống rượu của người Arem. Rượu đong thà từng bát và sắp dài cả sải tay, uống theo kiểu “không say không về”. Điều kỳ lạ từ già đến trẻ, thấy rượu là mắt sáng rực lên, đang sốt hừ hừ cũng vùng ngồi dậy, nếu không có lương thực ăn, họ có thể nhịn được một ngày, không có rượu uống họ có thể nhịn một buổi nhưng họ không thể nhịn thuốc lấy một giờ. Bất kỳ lúc nào, đâu, trên môi họ cũng phì phèo điếu thuốc lá. Họ hút bằng loại thuốc họ trồng, quấn bằng lá rừng hoặc bẹ vỏ bắp phơi khô nay thì thỉnh thoảng kiếm được tờ giấy bỏ. Những thói quen  nguy hại này cộng với một trình độ hiểu biết thấp và đời sống hầu như quanh năm thiếu đói khiến người Am sinh đều nhiều nhưng không dưỡng được là bao. Với họ, sinh đẻ cũng tự nhiên như đi làm mương, làm rẫy. Anh Đinh Bu có vợ mới 33 tuổi đã có tám lần sinh nhưng chỉ nuôi được ba đứa. Còn anh Đinh Trâu thì nói : “Vợ mình năm mô cũng đẻ, nhớ không hết được”. Nhưng đến năm 1994 khi chị mất cùng đứa trẻ sơ sinh, anh cũng chỉ còn lại ba đứa con .
Một lần, già làng Đinh Riêng kể :
- Nghe nói ngày trước người Arem ngồi bên bếp lửa hát và kể chuyện mình hết đêm này sang đêm khác. Nhưng nay không ai nhớ gì, không ai biết gì.
Chúng tôi giật mình: Cả một tộc người bây giờ không còn biết gì về lịch sử của mình .
Có một điều rất lạ người Arem biết rất nhiều thứ tiếng của các tộc người khác trong vùng như Mày, Khùa, Mã Liềng, Vân Kiều, Ma Koong … nhưng tuyệt nhiên không ai biết tiếng Arem, kể cả dâu, rể của họ. Chỉ có người Arem mới biết tiếng của họ và chỉ dùng khi có các việc hệ trọng như cúng bái, cầu xin … và đặc biệt không dùng khi có người lạ. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến không còn ai nhớ gì những câu chuyện ngày xưa họ kể bên bếp lửa?
Trừ tiếng nói là họ cố tình giấu, còn lại trong mọi quan hệ, người Arem khá thoải mái. Điều này có thể thấy ngay được khi phó bản Arem lại là người Ma Koong đang thời gian ở rể .
Đến tuổi yêu đương, người con trai tự do đi tìm vợ. Đến bản nào có con gái ưng ý, họ ở lại và bản có con gái phải nuôi. Thời gian tìm hiểu, trai gái có quyền quan hệ với nhau thoải mái nhưng phải ngoài phạm vi của bản. Bằng lòng rồi, người con trai phải tì a lít ke (đi hỏi vợ). Lễ vật là bạc nén (hay thì tiền). Nếu nhà gái đồng ý, người con trai có thể làm lể xù (xin ở rể) với lễ vật hai con gà và hai ché rượu. Trong thời gian ở rể, họ có quyền sinh hoạt như vợ chồng cho đến lúc cưới. Lễ cưới gồm 2 con lợn, 6 hoặc 16 con gà, 6 hoặc 16 chén rượu, 6 đồng bạc trắng, một chiếc nồi đồng. Có lẽ như thế là quá sức nên có người đã có con, có cháu rồi vẫn chưa làm được lễ cưới . Anh Đinh Lâu kể : “Nay người Arem ít quá nên con chú cũng lấy được con bác, con cô lấy con cậu, trước đây thì không”. Đây là một tình trạng hết sức nguy hại .
Trước đây, người Arem sống ở các hung. Hung là một khoảng đất hẹp, bằng phẳng, bên cạnh một con suối có những mái đá vôi chìa ra tựa như những cái ô văng mà người miền xuôi thường gọi là hàm ếch. Nay thì họ đã có nhà ở. Vào nhà người Arem, chỉ cần chú ý một cột nhà ở phòng khách, đó là cột thờ Giàng, mọi sinh hoạt khác thì đơn giản hơn. Có gạo mới nấu cơm ăn, hay có rượu để uống họ đều đặt lên cúng tổ tiên. Rượu được rót ra ba bát, gắp một ít lửa để vào bát làm sao cho có khói bốc lên là được. Lời cúng cũng đơn giản, đại ý : Có cơm ngon, rượu ngon mời tổ tiên ma nhà cùng ăn uống cho vui, ăn uống rồi ma nhà phù hộ cho mọi người khỏe mạnh .
Khi bắt được con thú hay lượm được sản vật trong rừng họ cũng cúng nhưng cúng ma rừng : Họ đặt thứ đã có lên ngoài rừng, lấy một cái bát cắm hoa rừng vào rồi khấn. Câu khấn đại để nhờ có ma rừng mà có thứ này thứ khác, mời ma rừng về cùng hưởng để lần sau giúp có nhiều hơn. Lời khấn bằng tiếng Arem, chúng tôi biết nhờ hỏi lại một thanh niên cởi mở và hiếu động .
Sức hấp dẫn của người Arem
Phó tiến sĩ Trần Trí Dõi, người đã có 15 năm chuyên nghiên cứu ngôn ngữ của Arem, cho biết: Ông Phạm Phú Phong, người Việt quốc tịch Pháp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp, giáo sư Đại học Paris VII, là người nước ngoài đầu tiên đến Arem vào tháng 5.1985. Tiếp đó là một đoàn nghiên cứu ngôn ngữ Việt – Xô, một sự hợp tác giữa Viện Ngôn ngữ của Việt Nam và Viện Đông phương của Liên Xô cũ. Nhưng sự tiếp xúc của học giả chỉ tiến hành ở Huế chứ không phải trên thực địa. Người nước ngoài thứ ba đến với tộc Arem ở nơi cư trú là Kasuga Atsushi, quốc tịch Nhật Bản, nghiên cứu sinh của Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Người thứ tư là Michel Ferlus, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp. Đối với Michel Ferlus, tiếng Arem là cả một bí mật đầy thú vị giúp ông hiểu rõ hơn lịch sử tiếng Việt và nhiều vấn đề lý thuyết của vùng Đông Nam Á. Ông Trần Trí Dõi cũng đã vận động nhiều người, kể cả sinh viên của ông, tiếp tục công việc mà chỉ một vài người như ông không thể làm nổi. Nhưng tiếc thay, vấn đề chỉ làm hấp dẫn những người nước ngoài chứ chưa làm người Việt Nam chú ý lắm .
Với dân Quảng Bình, ông Trần Trí Dõi là một nhà nghiên cứu rất đáng nể trọng. 15 năm qua, ông đã có nhiều chuyến lăn lộn nhiều ngày cùng người Arem. Điều mà cho dù một cán bộ chuyên phụ trách vấn đề này ở địa phương cũng khó làm được. Những kết quả nghiên cứu của ông bước đầu đưa đến những kết luận : “Tiếng Arem là hình ảnh tiếng Việt thời cổ xưa. Điều này là một thực tế thú vị không chỉ dành riêng cho các nhà ngôn ngữ học mà cả những nhà văn hóa học của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”. Và điều quan trọng hơn là ông đã đưa ra những cứ liệu thuyết phục  để khẳng định ba tộc người Arem, Rục và Mã Liềng là ba nhóm dân tộc khác nhau chứ không phải là một như lâu nay nhầm tưởng. Điều này giúp rất nhiều cho những người làm công tác dân tộc-miền núi ở Quảng Bình có giải pháp đúng để bảo vệ ba tộc người mà công trình nghiên cứu của PTS Trần Trí Dõi chỉ ra rằng đang “có nguy cơ biến mất” này .
Thay lời kết
Tháng trước, 11 học sinh của người Arem được đưa về Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Bố Trạch để học cái chữ. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên sẽ mừng hơn nếu sớm có một dự án hoàn chỉnh để bảo tồn và phát triển tộc người Arem ngay khi còn chưa muộn. Đừng để một lúc nào đó, người ta phải hạ bút viết rằng : Tiếng Arem là hình ảnh tiếng Việt thời cổ xưa, đáng tiếc ngôn ngữ của họ đã bị hòa đồng.
Tháng 10.1996.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét