Mình có nghề tay trái: đi
truyền nghề mình đang làm.
Những tiết học, mình thường
có vài trò chơi nho nhỏ, trò thì do mình nghĩ ra, trò thì do mình học được từ
thầy hoặc bạn học.
Ví như ở môn Kỹ năng báo chí,
trò chơi đầu tiên thế này:
Mình cầm một bao diêm, vừa
quẹt lần lượt 3 que vừa hướng dẫn: Bây giờ mỗi em quẹt một que, trong thời gian
que diêm cháy, phải giới thiệu với mọi người thông tin về mình. Làm sao để khi
que diêm cháy xong, người khác có thông tin tốt nhất để có thể liên lạc với em.
Trò này thầy Lars Moeller dạy.
Có lần hướng dẫn xong, mình
thấy cả lớp ai nấy đều ngơ ngơ, có vẻ không hiểu, bèn hỏi, các em có biết chơi
trò đó làm gì không. Tiếng trả lời đều ran: Dạ khoooông!
Bèn nói: Trò này có hai ý
nghĩa, một là, người chơi phải có kỹ năng sống, trong trường hợp này là quẹt
cháy que diêm và làm sao để nó cháy lâu nhất; hai là, rèn luyện cách truyền
thông tin.
Trong lĩnh vực báo chí, đó là
kỹ năng làm sao với một thời lượng có hạn, mình có thể chuyển tải được những
thông tin tốt nhất đến người khác. Thông tin nào cần thiết nhất phải nói trước.
Còn tìm cách để que diêm cháy
lâu làm gì? Ngoài việc mình truyền được nhiều thông tin nhất cò có ý nói rằng,
mình phải viết chặt chẽ và hấp dẫn nhất đến mức có thể, buộc người biên tập
không thể cắt gọt được chỗ nào cả và người đọc (người nghe) dù có dài hơi vẫn
thấy hấp dẫn…
Mặt hết ngơ.
Nhiều người quẹt diêm không
cháy.
Nhiều người vừa thấy cháy đã
thả (sợ nóng).
Nhiều người nói liến thoắng
đến mức chẳng ai nghe gì.
Nhiều người nói khá mạch lạc
nhưng đến hai phần ba que diêm thì thả.
Đến lượt người truyền nghề
quẹt. Que diêm cháy và anh ta bắt đầu giới thiệu về mình. Khi que diêm cháy đến
2/3 thì anh ta dùng tay khác cầm đầu mũ que diêm đã cháy (lúc đó đã hết nóng), phần
còn lại của que diêm vẫn cháy và anh ta vẫn tiếp tục nói cho đến khi que diêm
rụi lửa.
Không biết quẹt que diêm làm
sao cho cháy cũng là việc bình thường, vì xét cho cùng nhiều em đâu đã cầm hộp
diêm lần nào mà biết. Nhưng khi người truyền nghề cố tình quyẹt 3 que nhưng các
em không chịu quan sát để học theo, đó là cái dở. Cái dở của sự đại khái. Kiểu
đọc bài chỉ đọc cái tít.
Đến khi thấy người truyền
nghề có cách để que diêm cháy toàn thân cũng không thấy ai tỏ ra ngạc nhiên
hoặc gật gù về cách làm độc đáo, đó là cái dở thứ hai. Cái dở của những người
tỏ ra “biết tuốt”. Cái dở cố hữu của người làm báo (và sẽ làm báo) ở Việt Nam : không bao
giờ khen bài của đồng nghiệp.
Thầy Lars Moeller có lần
nói với học viên (là giảng viên sau này): Người Việt Nam rất giỏi chê, cái gì cũng tìm
ra chỗ để chê. Trong khóa học này, tôi yêu cầu các anh chị phải “phản hồi tích
cực”, tức là chỉ khen, tìm ra cái tốt của bạn mà khen. Khen được mới giỏi!
Nhiều khi ngồi độc ẩm trà,
nhớ lời thầy, mình lại gật gù một mình: Thầy thật là giỏi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét