Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

House of Cards: NGƯỜI CHƠI CỜ VÀ VÁN CỜ SÂN GOLF- SÂN BAY

***
Có hai quy ước khi đọc note này:
Một là, có thể tranh luận hoặc có ý kiến trái ngược nhưng không được miệt thị.
Hai là, hãy coi đây như người bình luận sau khi đọc một cuốn tiểu thuyết, dù đây là cuốn tiểu thuyết chính trị hay cuộc đời. Tiểu thuyết là một phần sự thật, một phần hư cấu và cách thẩm là do từng người.
Ai không đồng ý có thể dừng tại đây, đừng đọc tiếp.
***
Tôi là một cựu binh. Dù thời gian ở quân đội chỉ 8 năm nhưng chất lính vẫn đậm đặc trong người.
Tôi tự nói với mình, từ tháng 5.1975 trở về sau là thời gian lãi của cuộc đời mình, vì thế hệ tôi, chẳng ai có thể nghĩ rằng mình có thể sống để chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Không phải bi quan, mà thấy chiến tranh quá tàn khốc, nhiều đồng đội của tôi đã không có thời gian lãi như tôi..
Gần đây, trên diễn đàn Quốc hội cũng như công luận và dư luận nói về sân bay và sân golf, tự nhiên thấy nhói lòng. Rốt cục thì quân đội chiến đầu và chiến thắng là nhờ nhân dân, vì nhân dân, vậy thì sao lại không vì nhân dân cho trót?
Vì sao? Một câu hỏi vô cùng dễ mà cũng vô cùng khó.
Rồi tôi lặng im đọc, suy ngẫm và chờ đợi, chờ đợi ý kiến của Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương.
Mãi cho đến hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định: khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng số 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
"Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định"
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định vì mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nếu cần Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng để làm việc này.
Tôi bắt đầu thấy có tín hiệu vui, vui vì trước đó, tôi thậm chí đã nghĩ, người ta sẽ chọn sân golf thay vì chọn nhân dân.
Nhà tôi có một khoảnh sân, trước đào làm hồ nuôi cá để ăn, nay trồng có để ngắm. Cả hai thứ đều cần cho cuộc sống nhưng tùy từng thời điểm khác nhau.
*
Cuộc đời và chính trường có nhiều chuyện mà một nhà tiểu thuyết đại tài cũng khó có thể nghĩ ra. Nó vừa kịch tính, vừa chứa đầy bi kịch.
Tự nhiên nghĩ đến người chơi trong bàn cờ ấy.
Và tôi nghĩ đến ông Nguyễn Phú Trọng.
Sau nước cờ Nguyễn Bá Thanh hơi loạng choạng, ông Trọng dường như đã ngộ ra. Bây giờ, ông đã tính cờ trước nhiều nước, tôi linh cảm thế và rất hy vọng ở ông.
Nhân đây, tôi cũng nhắc lại với tôi, để nhớ. Làm cách mạng hay chuyện nhỏ hơn, làm một việc gì đó cũng phải có mục đích, có phương pháp và có nguồn lực, không thể làm cách mạng bằng việc chém gió. Nhiều người mắc bệnh coi thường người khác, trong lúc, tôi có lần nói, làm tổ trưởng tổ 3 người cũng phải đạp lên 2 người khác, huống gì làm các chức vụ lớn hơn. Chẳng qua là vì thế cờ triệt buộc người chơi cờ, thấp cơ thì buông bỏ, chỉ có cao cơ mới nghĩ nước đi gỡ thế và phản công.
“Cờ ngoài bài trong”, nhân dân là người đứng ngoài.
Nước cờ Thủ tướng đi là nước cờ bên bàn cờ của Tổng bí thư. Nhưng có được nước cờ này ông Trọng cũng đã lao tâm khổ tứ. (Chi tiết nghe được chưa tiện kể ra)
*
Nhớ lại chuyện cũ, khi ông Đinh La Thăng trúng Ủy viên Bộ chính trị, được cử vào là Bí thư Thành ủy TPHCM, tôi đã rất ngạc nhiên về nước cờ của ông Trọng.
Lâu dần, như đã nói ở phần đầu, như người đọc tiểu thuyết, tôi nhận ra, nước cờ cao, mà cao đến mấy nước.
Đôi khi nhà văn, nhà thơ viết bằng cảm hứng, nhưng người phê bình chẻ nó ra thành thi pháp này nọ, cũng có, đôi khi khi viết, họ không nghĩ đến thi pháp nhưng thi pháp đã được bản thân họ nhập tâm, thế mới có chuyện phong cách nhà văn này, nhà thơ nọ.
Quay lại chuyện ông Đinh La Thăng.
Khi vào TPHCM, tôi vẫn đánh giá ông là người có khát vọng cống hiến thật sự, những gì xẩy ra trước đó là do ông đứng trong thế cờ mà quân cờ bị triệt buộc. Với tư cách người đọc tiểu thuyết, tôi thấy nhân vật này rất hấp dẫn, chứa đựng nút thắt và cả nút mở.
“Đi” nước cờ ông Thăng, có mấy điều hay:
Một là, cắt đứt ảnh hưởng của quân cờ trước đó, tức là người tiền nhiệm vốn có sức ảnh hưởng lớn ở khu vực. Hai là, để người chơi cờ phía bên bàn cờ bên kia thấy dường nhưng đối phương đã bị sập bẫy, từ đó chủ quan rồi chính mình sập bẫy.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí, bị bắt và bây giờ, nghe nói, cùng với một vài người khác bị xử tội nặng nhất. Vậy thì những người liên quan chắc không thể yên thân.
Vụ mua bán AVG của Mobifone cũng đang đến hồi hay. Nghe đâu để gỡ thế cờ này, bên bán đã xin không bán nữa. Tình tiết còn thú vị hơn nhưng xin chưa nói ra.
Vòng vây khép chặt, chỉ vài nước nữa là chiếu tướng.
*
Có thể nhiều người không ưa hoặc thấy điều tôi nói là sai, có thể. Nhưng đó là cảm nhận khi đọc tiểu thuyết của tôi, như đã mào đầu.
Cái làm cho xã hội bức xúc nhất trong nhiều điều bức xúc là nạn tham nhũng. Ông Trọng phất ngọn cờ chống tham nhũng, vì sao nhiều thế lực chống lại ông?
Lịch sử ghi lại, những cuộc khởi nghĩa đều phải có người cầm cờ và thu phục nhiều người đi dưới ngọn cờ ấy. Có thể người cầm cờ không toàn bích, vì thế mà nhiều cuộc khởi nghĩa giành được cái cần giành nhưng sau đó không lâu thì bị đả thương chỉ vì hoặc là nhiều người vùng dậy cầm cờ hoặc là vì đám quan lại hủ bại mà tiêu vong. Đó là cái dở nhất mà chúng ta gọi là “bài học lịch sử”.
Đồng đội của tôi ơi, hãy nghĩ đến những người đã hy sinh trước khi nghĩ đến những người đã quá giàu. Giàu không có lỗi, lỗi là ở chỗ giàu là nhờ làm nghèo người khác.
Tự nhiên nhớ câu thơ của Lê Anh Xuân:
"Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Dáng đứng tự hào, dáng đứng Việt Nam!"
Thế giới phẳng và thế giới mở, mọi người đều có quyền suy nghĩ khác nhau, tôi thì thế, tôi ghét tham nhũng nên đi theo ngọn cờ chống tham nhũng. Đơn giản vậy thôi.
***
(Nhắc lại lần nữa: Những phản hồi mang hơi hướng miệt thị cá nhân đều bị xóa bỏ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét