Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Chạy đua với...ánh sáng!


Ngày trước, làng báo có rất nhiều "cây bút", nhắc đến, mọi người đều nể trọng, mở tờ báo ra, nhất định đọc bài của họ viết trước, thậm chí lướt qua, không thấy tên của họ thì không mua.
Bây giờ thì ít dần và có cảm giác như đã mất hẳn các cây bút. Người làm báo bây giờ được biết đến là do tần suất xuất hiện nhiều, đồng nghĩa với việc họ có nguồn tin tốt. Nhiều người quan niệm làm báo thời này chỉ ném thông tin ra là được, có tòa soạn lại quan niệm đội ngũ phóng viên như một đội bóng, đội bóng đá tốt là tốt ở tập thể, không cần ngôi sao. Có chuyện đó là vì thời đại sống nhanh, thông tin nhanh, nhanh là thắng.
Điều đó không sai nhưng chưa đúng.
Xét về khía cạnh thông tin thì bây giờ thông tin trên mạng nhanh với tốc độ...ánh sáng. Mỗi ngày, mở internet ra vài lần, lướt một cái là có hết. Vì thế, tờ báo in mà chạy đua thông tin với mạng chẳng khác nào người chạy đua với...ánh sáng là vậy.
Nhưng không vì thế mà báo in mất đi, bởi vì, báo in có lợi thế về thời gian suy ngẫm và sắp đặt vấn đề. Mỗi sáng, người ta mua báo, lướt qua như lướt web, xong nhét vào túi sau, đi làm, vào mạng đã đời, tối về mở báo in ra đọc lại.
Hãy thử đặt mình vào vị trí người mua báo, mở tờ báo ra, ta mong có gì trong đó?
Như đã nói, không có một tin tức nào lọt qua được báo mạng và mạng xã hội, do đó, người ta đọc báo in là đọc hai chỗ: góc nhìn của tác giả (cũng là của tờ báo), và văn phong thể hiện. Đó cũng là hai điểm chính để tạo nên cây bút.
Bi kịch nằm ở chỗ: các tòa soạn không thương tiếc khi chém đứt từng khúc, từng đọan liên quan đến các loại văn phong. Ấy là chưa nói góc nhìn: nhìn cũng phải tròn trịa. Thời không cá tính.
Quan niệm đó có vẻ như là sai lầm của người làm báo in. Khi anh không thể nhanh hơn ánh sáng thì anh không thể nghĩ đến việc chạy đua với nó.
Nhật báo phố Wall là tờ báo lâu đời ở Mỹ, họ viết bài rất dấm dẳng, như tường thuật những gì đang xẩy ra. Đây là câu chuyện họ viết về đề tài môi trường: Buổi sáng, vợ con các ngư dân tiễn chồng ra bãi biển, những người đàn ông lên thuyền đánh cá, bao nhiêu người đi chung một thuyền, họ phải vật lộn với cái nắng như thế nào, bủa lưới ra sao...cho đến khi về. Những người đàn bà, những đứa nhỏ lại ra bờ biển đón chồng, đón cha với biết bao kỳ vọng. Và khi thuyền cập bến, người trên thuyền vứt lên bãi cát hai con cá, mỗi con bằng hai ngón tay và nói: Đây là bữa tối của hai gia đình chúng ta. Trong bài tuyệt nhiên không nhắc đến hai từ môi trường nhưng làm người ta dựng cả tóc khi đọc câu cuối. 
Bọ nghĩ, thời buổi ni lướt thì phải nhanh, nhưng đọc thì phải chậm. Báo in sinh ra để đọc chứ không phải để lướt.
Bọ lại nghĩ, coi bóng đá đôi khi không chỉ là coi chuyện đội nào thắng mà coi họ, nhất là các ngôi sao, đá như thế nào. Đội có nhiều ngôi sao là đội có nhiều fan hâm mộ. Ca nhạc, điện ảnh cũng thế, phải có ngôi sao. Và vì thế, tờ báo phải có cây bút.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét