Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

CHƠI VỚI BẠN BÈ

Mình làm Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Bình hồi mới chia tỉnh, năm 1989, cái thời đói rách vĩ đại.
May là, sau đó ít lâu, tờ báo Lao Động chủ nhật làm ở TP Hồ Chí Minh rất nổi tiếng (do nhóm anh Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện) và nhiều người làm báo trứ danh chủ xị). Mình mê tờ báo đó rồi viết.
Lúc đó Lao Động thường đăng phóng sự ở trang nhất, ai có bài mình đều rất ngưỡng mộ, thấy họ vĩ đại vô cùng.
Rồi mình cũng được lên đó. Sau thì được Lao Động trả phụ cấp tháng 200.000 đồng, không gọi CTV mà gọi là đặc phái viên, oai thế!
Mỗi phóng sự được trả 1 triệu, bài hay được thưởng thêm 500 nghìn. Vàng một chỉ đâu như 200 nghìn đồng. Phóng sự mua được hơn 7 chỉ vàng, cả một gia tài chứ không phải giỡn.
Nhưng mà đâu có được đăng thường xuyên, cạnh tranh nhau gần chết.
Kể chuyện này mới cám ơn anh Đỗ Quý Doãn, Tổng biên tập lúc đó.
Trong cơ quan có một bác chuyên lấy chuyện này ra phê phán, rằng đã hưởng lương của báo này sao còn đi làm cho báo khác, Vả lại, viết cho Lao Động phải những vấn đề gai góc nên lãnh đạo tỉnh không ưa, thêm ý kiến của bác này nên mình lắm phen lên bờ xuống ruộng.
Mình vẫn kệ, cứ viết vì thấy anh Doãn không nhắc nhở gì.
Đại hội Hội Nhà báo tỉnh, Chủ tịch Hội là anh Đỗ Quý Doãn mới đọc bản tổng kết, đại ý, nhiều phóng viên của tỉnh đã học hỏi về chuyên môn, vượt lên, viết cho các tờ báo nổi tiếng, như... (tất nhiên có mình), từ đó mấy ổng mới tắt tiếng.
*
Kể chuyện để khoe nhưng cũng để nói, thời khốn khó, thu nhập thêm như thế gọi là khủng. Nhưng từ tiếng tăm đó mà bạn bè cũng... khủng luôn. Bất kỳ anh em làm báo nào, từ trong Nam, ngoài Bắc, đến Quảng Bình cũng tìm mình.
Tính mình thì lại thế, trong túi không có một đồng cũng như trong túi có tiền triệu, mặt tỉnh bơ. Anh em gặp nhau vui vẻ nhậu nhẹt, toàn tôm cua rùa cá  Không ai biết mình ký nợ hàng quán đến khi trong ví không còn cái thẻ nào để cầm. 
Nhưng kệ.
Tính đó vẫn kéo dài cho đến nay. Sau này thì thu nhập tốt hơn nên cũng không đến nỗi ký nợ như trước nhưng cái cơ bản là phải có sức. Đà Nẵng “đáng sống” chừng nào thì bạn bè về nhiều mình kiệt sức chừng đó. Nhậu cũng phải có sức chứ bộ?
Bạn bè làm báo tìm mình không phải là để nhậu nhưng tâm lý ai cũng thế, đến chỗ nào cũng có thổ địa thì vui hơn. Mình cũng thế. Nên ai gọi là có liền. Có rồi tranh trả tiền. Gọi là nghèo mà làm sang 
*
Không chỉ bạn bè làm báo, mình đã chơi với ai thì chơi đến cùng. Nhiều bạn bè mình sau này làm lớn rồi bị phốt, lúc có chức tước thì lắm kẻ xun xoe, lúc rớt đài thì chẳng ai đoái hoài, mình thì không.
Lắm khi Phương nhà mình cười bảo, anh đúng như cái sọt rác, họ oai phong thì chẳng nhớ đến (nhiều đứa tệ rứa thiệt), thất bại thì một Thịnh hai Thịnh, tâm tư trút hết vào anh. Vui hí. Mình cũng thấy thế nhưng nói với cổ, kệ em, rứa mới là... người. Mình chơi là chơi với cái hay của họ.
Ai bỏ mình thì bỏ, mình đã từng chơi thì không bỏ.
(Nói đến đây mới nhớ, nhiều người chưa từng gặp mình, không hề liên quan gì nhau nhưng cứ chửi mình cha đó này này nọ nọ, mình thiệt là lạ nghe. Mình chắc nếu họ chơi với mình thì sẽ không nói ra điều độc mồm đó).
Nhưng đó là một tính dở của mình, một đặc tính không thể làm lãnh đạo được. Bởi lãnh đạo là phải có tố chất... quên. Quên mà nhớ. Đó là quên đi cái không có lợi cho mình, nhớ người mang lại cơ hội hoặc lợi ích. Ví dụ chơi với ai đó mà họ rớt đài thì còn lợi lộc gì mà chơi. Mình biết đó là chơi kiểu bè chứ không phải bạn nhưng công nhận những người như thế rất dễ thăng tiến. Đã nói rồi, họ có tố chất lãnh đạo.
Nhưng xét về con người thì họ chẳng đáng một xu.
Đó là bạn, còn đối với sếp nữa mới là bi kịch.
*
Trước đây ở Quảng Bình, sau ra Hà Nội, mình chứng kiến nhiều chuyện “lên voi xuống chó” của anh em bạn bè, rồi chuyện Đà Nẵng lùng bùng trong thời gian qua là chuyện buồn, nhưng qua đó, bản thân mình nhận ra bộ mặt thật của một số người, không phải mối quan hệ của họ với lãnh đạo mà cách đối nhân xử thế với cuộc đời của họ, đôi khi chỉ là vài dòng trên stt thôi nhưng bộc lộ hết.
Mình đã nói rồi, theo luật hấp dẫn, ai thường nghĩ chuyện gì thì vũ trụ hấp dẫn vào họ điều đó, trù úm người khác chính là trù úm mình.
Dân gian đã nói từ lâu, “ghét của nào trời trao của đó”, “cười người hôm trước hôm sau người cười”... đó chính là luật hấp dẫn.
*
“Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Giàu ở đây không chỉ nói về vật chất mà mình nghĩ, quan trọng nói về khía cạnh tinh thần.
Có lúc nào đó, ngồi một mình bạn thử tự hỏi mình: Nếu cần 5 triệu đồng thì mình mượn ai, và ai sẽ cho mình mượn? Hoặc, giờ muốn uống bia nói chuyện thì gọi ai đây?
Lúc đó bạn sẽ ngộ ra,
Mình tin là thế.
Riêng khía cạnh bạn bè, mình thấy, mình chưa bao giờ bị thiệt vì mình giàu bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét