Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

ƯỚC MƠ LÀM... SẾP

Một lần, nói chuyện với đoàn viên thanh niên thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ có khuyên: “Các bạn cũng phải mơ ước một ngày nào đó sẽ làm bí thư, chủ tịch, phó bí thư… chứ không thể cam chịu làm đoàn viên mãi được”.
Mình không bình luận về câu nói vì người đọc dư sức hiểu, chỉ trích dẫn để nói rằng, có một thực tế là rất nhiều người có ước mơ làm... lãnh đạo.
Ước mơ chả có gì sai, chỉ có điều quá nhiều người ước mơ vào một vị trí, nói như dân gian, “ghế thì ít đít thì nhiều” mới sinh ra lắm chuyện.
Mình quan sát và thấy, hầu hết khi đi xin việc, ai cũng chỉ có một ước mơ là được vào vị trí đó, ở cơ quan đó, thế là vĩ đại lắm rồi. Khi vào rồi, dần dà mới thấy mình không thể ở ví trí đó, mình phải thế này, phải thế kia...
Cũng bình thường, như câu chuyện bà già 80 nửa đêm la làng bị hiếp dâm, khi mọi người chạy đến chẳng thấy gì mới mắng bả, bả thản nhiên nói, cuộc đời ai chả có ước mơ.
Chỉ là ước mơ thôi mà 
Có ước mơ để phấn đấu là tốt, nhưng dùng thủ đoạn để tiến thân thì không.
Mình chưa từng thấy ai kiện cáo, đấu đá nội bộ mà thành công cả, kể cả khi người bị kiện bị kỷ luật thì người ta cũng không sử dụng anh đi kiện.
Làm báo khá lâu mới nhận ra một điều, nếu nội bộ nào đoàn kết hoặc chí ít tuân thủ nguyên tắc thì đố anh nhà báo nào có được thông tin. Mọi chuyện cơ quan lộ ra cũng từ mâu thuẫn nội bộ.
(Mọi người ca ngợi thầy Khoa chống tiêu cực trong ngành giáo dục. Vụ việc thi cử đầu tiên thầy Khoa tố cáo mình OK, nhưng sau đó, họp hành, công việc, lúc nào thầy cũng ghi âm, quay clip đưa lên, ở cơ quan mà có một người như thế thì đổ điên chứ chẳng chơi, mình không thích cách đó của Khoa).
Nội bộ có vấn đề thì góp ý, góp ý không sửa thì đưa ra cuộc họp, họp hành không giải quyết được thì báo cáo lên cấp trên... nếu như không được nữa thì mới dùng đến truyền thông. Chứ chuyện gì “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường” thì không được.
Trong cuộc đời, mình trân trọng nhất là sự trung thành. Nếu được làm sếp, mình sẽ đánh giá nhân viên qua sự trung thành, coi đó là tiêu chuẩn số 1.
Trung thành ở đây không chỉ là trung thành với sếp mà trung thành với cả cơ quan mình. Sự trung thành đó biểu hiện khi đơn vị gặp khó khăn nhất mình cùng chung lưng gánh vác để vượt qua chứ không tháo chạy. Trung thành ở chỗ đấu tranh để tiến bộ chứ không phải để tranh giành, phá đám.
Hiện nay, nhiều đơn vị tuyển người nhìn vào CV và đánh giá cao họ đã từng làm chức vụ này chức vụ khác ở đơn vị này đơn vị khác, nếu mình làm sếp mình không thích người nhảy việc như nhảy cóc đó. Thà mình nhận một người rồi đào tạo dần họ lên còn hơn. Bởi vì, người có CV đẹp đó không gắn bó với cơ quan khác thì chắc gì họ đã gắn bó với mình? (Đây chỉ là quan điểm cá nhân của một người già  )
Nhưng trung thành thì phải trung thực chứ không phải trung thành mù quáng. Thấy sếp làm không đúng thì phải góp ý, tranh luận cho ra nhẽ, xong rồi thì thôi, coi đó là chuyện nội bộ, không mang bức xúc nói ra ngoài.
Trường hợp gặp người sếp dốt, góp ý nhiều lần không nghe thì thôi, bỏ. Đó là cách chẳng đặng đừng nhưng lại là cách duy nhất.
Nhưng bỏ rồi thì thôi, đừng mang câu chuyện cơ quan cũ đến cơ quan mới hoặc tám ở ngoài. Kiểu nói cho mình oai lên. Mình cam đoan, người làm sếp họ rất để ý chuyện đó, cho dù họ không nói ra nhưng trong bụng sếp mới sẽ đánh giá về bạn và bạn rất khó để chiếm được sự tin cậy của họ. Vậy thì công việc của bạn khó rồi.
Ước mơ làm sếp, OK, làm sếp mới có điều kiện biến ý tưởng của mình thành hiện thực, OK. Nhưng phải lượng sức mình.
Theo quan điểm của mình, bao giờ làm một công việc, đảm đương một vị trí dưới sức mình một tí thì sẽ rất nhẹ nhàng, vui vẻ, nếu không thì sẽ rất căng thẳng, căng thẳng thì dễ sinh ra sai lầm...
Người đeo đuổi quyền lực sẽ như người suốt đời đeo một tảng đá vào cổ. Mệt mỏi và phù phiếm lắm!
Cơ quan, nơi làm việc, là ngôi nhà thứ hai của mình. Làm sao để mỗi sáng thức dậy mình thấy nhớ nó và muốn đến đó sớm hơn.
Cuộc đời thế là vui rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét