Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Hà Nội mà vội làm chi?

CSGT Hà Nội lập tổ công tác mật phục các hàng quán để kiểm tra nồng độ cồn những người trong quán đi ra. Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội CSGT số 2 nói: Mình cắt cử một chiến sĩ mật phục thì quán bia cắt cử 2-3 người mật phục chiến sĩ của mình. Hehe, mới thấy thực tế cuộc sống diễn ra không như lý thuyết của chủ trương.
Hà Nội định mở tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ để tránh bị quấy rối tình dục. Người ra chủ trương chắc không biết, bọn gọi là đàn ông bây giờ hay...quấy rối nhau hơn. (Cái này giống các bà vợ quản chồng đi với gái, ai dè các anh chồng bây giờ mới lộ, thích đi với giai hơn). Lại phải cười hehe.
Ngẫm mới thấy câu "Hà Nội không vội được đâu" quá đỉnh!

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Ảnh bìa báo Xuân

 Đang mùa làm báo Xuân.

Hầu như năm nào, báo nào trang bìa cũng có ảnh hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, người đẹp, cành mai, cành đào...Trong đó, nhiều nhất vẫn là ảnh gái đẹp. Cầm tờ báo không chỉ thấy nhàm chán mà nó còn rất thiếu sinh khí...

 Hãy đưa những bức ảnh nói về những con người bình dị nhưng quả cảm, những con người đang vật vả mưu sinh nhưng đầy niềm tin ở tương lai, những con người muốn làm gì đó để đóng góp công sức bé nhỏ của mình cho cuộc sống…Bởi chính họ là cuộc sống!

Lúc đó, nhìn vào trang bìa báo Xuân người đọc sẽ có nhiều cảm xúc như đang chứng kiến một câu chuyện đẹp về cuộc đời, thấy cuộc đời còn nhiều điều mà ta  phải sống và khám phá…Thấy cả mùa Xuân…



 “Ngày xưa Ngọc đẹp nhất làng đó. Là con út nên được cha mẹ thương lắm, đi đâu cũng nhắc nó suốt”, chị Thiết - chị gái của chị Ngọc, người phụ nữ duy nhất trong vụ sập hầm thủy điện - từ quê vào chăm em, kể với mọi người.

Chị Ngọc quả nhiên rất đẹp, suy nghĩ của chị dung dị nhưng cũng đẹp vô cùng:  ‘Cứ sống tốt sẽ không ai bỏ mình đâu’.



Những người tham gia cứu chị Ngọc cũng là những người sống tốt, rất tốt, vô cùng tốt, báo Xuân đừng bỏ họ.

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

NIỀM VUI 12 CÔNG NHÂN ĐƯỢC SINH RA LẦN THỨ HAI

(Tản mạn về nghề)
Cuộc cứu nạn 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện không chỉ thần kỳ khi 12 người như được sinh ra lần thứ hai, cùng năm, cùng tháng, cùng ngày mà còn thần kỳ hơn khi chính nó đã làm hàng chục triệu người VN cùng chung nhịp đập trái tim, chung nỗi buồn, sự lo âu và cùng vỡ òa niềm cảm xúc.
Nhân vật chính vẫn là 12 công nhân nhưng không hiểu sao, mình lại cứ ngắm đi ngắm lại bức ảnh của Mai Vinh chụp cảnh thiếu tá Nguyễn Văn Cường (Bộ tư lệnh Công binh) được đồng đội công kênh, và mỗi lần nhìn lại cứ thấy rưng rưng không cầm được nước mắt dù đó là niềm vui khôn tả (ảnh đăng cùng).
Mình không chắc mình có thể làm được gì hơn nếu được cử tường thuật sự kiện này, nhưng người ngồi ngoài bàn cờ thường tỉnh hơn người trong cuộc nên thấy thích đọc những bài có nhiều chi tiết, thích góc tiếp cận khác biệt, thích biết 3 ngày họ đã sống ra sao, suy nghĩ gì trong đường hầm tối om đó dù cũng rất muốn biết cuộc cứu nạn diễn ra như thế nào.
MÌnh rất phục PV khi tường thuật có những chi tiết thế này:
- Ngọc ơi, đừng ngủ, sắp tới nơi rồi. Ðừng ngủ, đừng ngủ. (một chiến sĩ công binh)
- Anh khóc to lên, nhưng mở mắt to ra. Ánh sáng kìa, thấy chưa, sống rồi! (chiến sĩ Hoàng Văn Thảo).
-Chị Ngọc đâu, chị Ngọc đâu? (một chiến sĩ công binh).
Chỉ một câu nói nhưng chúng ta cũng có thể hình dung được toàn bộ khung cảnh, tình cảm của con người vào thời điểm đó.
Sư phụ Tom Plate từng dẫn lời một đồng nghiệp khuyên người làm báo đại ý “Khi lấy tư liệu phải có được cả tên con chó”. Một cách nói để biết ông coi trọng chi tiết như thế nào.
Chi tiết như cầu thủ có cú chọc khe thiên tài.
Chi tiết làm nên sự khác biệt của bài báo.
Chi tiết phân biệt được nhà báo này với nhà báo khác.
Có những chi tiết lay động lòng người, khiến hàng triệu trái tim dâng tràn cảm xúc thánh thiên và ở một mức độ nào đó, nó hơn cả nghìn ông tuyên giáo.

NOEL, FACEBOOK VÀ…SỰ TỒN TẠI

Đối với những người làm công việc như mình, nếu không có blog, facebook thì rất nhàm chán. Nhàm chán ở chỗ, hầu hết thời gian buổi chiều cứ ngồi nhìn vào màn hình chờ tin, bài để biên tập. Thời gian còn lại giữa cuộc chờ nếu chỉ đọc thôi cũng đơn điệu, may có cái để viết, để bình luận và để…cười khùng khục một mình khi gặp những ý tưởng khác người của muôn vàn trí tuệ thông minh và hóm hỉnh.

Thoạt đầu mình hơi sợ fb, có cảm giác nó như là cái chợ với đủ thành phần khác nhau. Sợ nhất là người đọc mà không hiểu, người có suy nghĩ cực đoan và người đặc biệt không thiện cảm với chế độ…Sợ đến mức không dám gửi lời kết bạn với một ai, có ai gửi lời kết bạn cũng vào ngược lại fb của họ xem họ “mặt mũi” ra sao rồi mới…đồng ý hoặc không.

Ghét nhất là những người cứ tag vào tường nhà mình. Ghét đến mức, cứ thấy ai tag vào là chặn. Có cảm giác như mình về nhà mình, mở cửa, đã thấy họ ngồi trong đó. Sau này coi lại hơn 800 fr của người khác bị chặn mới biết trong số họ nhiều người bị oan (chắc mình cũng thế) không biết thế nào lại biến thành “có ông chú Vietel…” (Rỗi mình sẽ khôi phục lại).

Fb là nhật ký của mình. Có nhiều ý tưởng nếu không viết ra thì sẽ quên đi và càng lâu càng không nghĩ ra điều gì hay ho hơn thế. Nhờ fb mà đồng nghiệp nào nhờ viết cái gì mình đều có ý tưởng để nhận lời. Cái này khi đi truyền kinh nghiệm cho sinh viên mình gọi nó là phương pháp “nhặt gạch vỡ xây nhà”. Fb với mình, phần nào đó chính là tiền.

Cái gì cũng cần thời gian. Những người đi chợ fb dần dần biết được đặc tính từng quầy hàng, nếu hàng hóa không hợp gu của họ, họ sẽ tự bỏ đi. Những người thường lui tới, ơn giời, có độ lịch lãm cần thiết; họ đồng ý cũng lịch lãm, không đồng ý, viết lời tranh luận cũng lịch lãm…mình cám ơn họ vô cùng. Nói thế nhưng thỉnh thoảng cũng có vài người đọc mà không hiểu làm mình khó chịu vô cùng (dù không hiểu là quyền họ chứ không phải quyền mình).

Nhờ fb mà mình thấy dường như cuộc đời có quy luật về “vòng quay”. Nói thế là vì, nếu tìm lại ngày này, dịp này của năm trước sẽ thấy có gì đó dường như trùng lặp.  Ví dụ, cứ đến dịp Noel nào cũng có chuyện không đâu, khá buồn. Nên mình không thích Noel là vậy. Đó chỉ là một ví dụ, mọi người thử nghiệm xem?

Có fb, mình thực sự cảm nhận như thấy cả thiên hạ trên màn hình với đủ hỉ, nộ, ái ố…Thật khó có người nào làm quản lý nhân sự có thể hiểu hết người mình quản lý nếu không có fb. Nhưng mình cũng ghét những người có chuyện gì cũng cập nhật, hỏi nhau “đã lên phây chưa”, ghét những ông sếp coi fb như kẻ thù, cho nó là thứ rác rưởi (nhưng các ông/ bà đó cũng chẳng cô đơn mà chết).
*
Mình tưởng tượng đến ngày trăm tuổi, mình sẽ viết một note thế này: “Sau khi đọc những dòng này, các bạn đừng ngạc nhiên, đó là quy luật muôn đời. Rất tiếc, những người đến nhà tôi ngày tôi trăm tuổi không có nhiều bạn bè vì họ đã ra đi trong chiến tranh hoặc chiến tranh làm họ không thể đến được hôm nay mà bắt tôi phải đến với ngày này của họ trước. Tôi biết trong số người đến có (kể tên) là những người có thể chỉ vô tình gặp nhau trên cuộc đời rồi trở thành thân thiết; tôi cũng biết có (kể tên) là những người đã từng không thích tôi nhưng là những người biết đích xác giá trị của một vật nào đó dù vì lý do nào đó mà họ phải làm khác đi; tôi biết những có (kể tên) là những người luôn luôn sống chỉ vì mình nhưng hôm nay bắt đầu sống cho người khác…

Cuộc sống mỗi cá thể không thể vĩnh hằng nhưng những gì họ viết ra có thể vĩnh hằng nếu điều đó từng làm người khác thích thú hoặc căm giận.  Dân gian ta đã từng nói không gì lưu giữ lâu hơi bia miệng đó sao?

Cám ơn người sáng tạo ra fb (và bây giờ chuyển sang sản phẩm này- dù tôi cũng chưa biết sản phẩm lúc đó là gì), nhờ nó mà tôi hiểu được thêm chút ít về nhân gian, nhờ nó mà tôi có thể luyện trí nhớ suốt nửa thế qua, bởi tôi viết là tôi tồn tại.”

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

AI TIN KHÔNG?

Không biết vì sao mà mình lại tin vào tên sách và tít báo Xuân, ngẫm lại nó rất hay vận vào người. Vì thế, năm nào biên tập báo Xuân, gặp cái tít của anh em nào đó nghi có thể vận vào hên xui năm đó của người viết là mình nhất định phải sửa.

Ngày trước, anh Đỗ Quý Doãn viết báo Xuân có cái tít ”Hạt giống đỏ giữa rừng xanh”, mình bảo, năm này anh lên chức. Quả nhiên anh ấy vào thường vụ Tỉnh ủy lúc bấy giờ trẻ nhất nước.
Một sếp khác viết đặt cái tít hay nhưng thấy không hên, mình sửa, ảnh cự, bắt lấy lại tít cũ. Vì ảnh là sếp có quyền quyết nên mình không sửa được. Năm đó ảnh mất chức. Đó chỉ là hai ví dụ.

Mình dọc báo Xuân, gặp những tác giả quen lại nhìn cái tít để ngẫm, toàn đúng trở lên.

Hồi Nguyễn Quang Lập viết tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” mang bản thảo cho mình đọc, mình bảo tên thì hay nhưng nên đổi lại, nó không chịu, quả nhiên sau đó kẻ khen người chê tanh bành.

Nguyễn Quang Lập mở blog, có câu “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, mình đọc xong lạnh xương sống, bảo nó bỏ đi, nó không chịu bỏ. Kinh!

TƯỚNG THẠCH KHÔNG RÀNH PHONG THỦY

Bạn đọc ở xa, đọc vụ tướng công an hồi hưu xây biệt thự trái phép giữa rừng đặc dụng Hải Vân không ai là không nổi đóa; nhất là việc xây mà không có phép càng làm mọi người nổi đóa hơn.
Tôi thì tôi lấy làm lạ cho tướng Thạch, ở chỗ, có tiền, thiếu gì nơi xây mà ông lại xây vào vùng tử địa đó.
Nói là vùng tử địa vì nó nằm dưới chân núi, phía Bắc và phía Tây là dãy Hải Vân bao bọc, mùa hè không một ngọn gió, mùa đông thì gió quẫn, tạo nên nhiều cơn lốc xoáy vô cùng khó chịu. Chẳng thế mà cách đó không xa, có khu du lịch xây rất đẹp từ rất lâu nhưng kinh doanh không mấy thành công.
Đó cũng chẳng phải “giữa rừng”, vì khu đất này ngày là đất làm nhà ở của công nhân lâm trường, xung quanh có nhiều nhà dân. Rừng thì đã “phân lô” cả rồi.
Tôi chỉ ghét ông Thạch ở chỗ xây nhà mà không xin phép chứ không ghét cái vị trí ông làm vì cho đất tôi cũng không lây chứ đừng nói mua. Nhà đó có cho tôi cũng không ở.
Ông Thạch không rành phong thủy nên hậu quả thấy liền.
Tôi có tiền như nhà ông Thạch, tôi mua 10 lô (1.000 mét vuông) đất khu đô thị mới Nam cầu Nguyễn Tri Phương (cách sân bay 4km, cạnh bờ sông) hết 4 tỷ, trả tiền 1 lần giảm 10% còn 3,6 tỷ, làm cái biệt thự hoành tráng ở chơi.
Nói đi thì cũng nói lại: Trên Hải Vân- Sơn Trà có bao nhiêu biệt thự ?. Nhiều! Của ai? Chờ hết thảy mọi người về hưu sẽ biết!

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

KIẾM 1.000 TỶ GIẢM 5 NĂM TÙ

Một lần đi nhậu, thằng em cầm lý lên mời, nói, hết đi anh, bia chứ có phải toán, lý, hóa chi đâu mà anh sợ. Hehe.

Thực ra tui xuất thân từ dân chuyên toán, nhưng không hiểu sao càng ngày càng dốt toán. Bằng cớ là đọc vụ án Huyền Như lấy 4.000 tỷ đồng tui thấy rối tung rối mù. Mình làm ra đồng bạc chảy máu mắt, chị ấy lấy tiền tỷ như thò tay vào ví lấy thỏi son. Rốt cục đặt tờ báo xuống, cảm thán: Tài thật, tài thật, tiên sư chị Huyền Như!

Đọc vụ xử ông Nguyễn Đức Kiên, thấy ổng nói trước tòa, nhớ vanh vách từng số liệu, từng điều khoản luật, nghị định, quy định (ông này kinh doanh đủ cách, kiếm tiền như bơm nước dưới sông)…trong lúc quan tòa quan viện ấp a ấp úng, rốt cục đặt tờ báo xuống , vỗ đùi: Tài thật, tài thật, tiên sư Gã Đầu Bạc!

Rốt cục mới luận ra, toán mình không hẳn dốt nhưng dốt tính. Vì thế nên có từ tính toán. Người xưa không gọi làm toán mà gọi là làm tính là vậy.


Mình có quyền, mình sẽ cho làm một trại giam đặc biệt cho những người này ở (kiểu như Z30D ngày trước), cho họ kết nối thông tin toàn cầu, chỉ có nhiệm vụ ngồi nghiên cứu phương án kinh doanh kiếm tiền nghìn tỉ, từ đó để hoàn thiện luật vì mình rất dị ứng với hai từ “lách luật”. Ai làm được một dự ản kiếm 1.000 tỷ thì giảm 5 năm tù, 4.000 tỷ thì giảm 20 năm, cứ thế, ai thông minh thì ra trước, ít thông minh hơn thì ra sau chút. Cho họ về sớm họ còn kiếm tiền trả nợ chứ vụ nào cũng xử phải bồi hoàn chừng này chừng nọ mà nhốt họ trong tù họ lấy chi bồi?

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

MIURA, ĐỪNG TỪ CHỨC!

Từ điển tiếng Việt không có từ nào đủ độ để mô tả những gì xẩy ra tại sân Mỹ Đình hôm qua. 
Nhưng mà Miura, đừng từ chức, chỉ là ông chưa hiểu gì về người Việt Nam thôi. Từ nay ông cần làm hai việc:
1. Không nghe bất kỳ ai là người VN, đặc biệt là quan chức VFF, góp ý (chỉ đạo) về chiến thuật, không nên hỏi trợ lý ngôn ngữ về bình luận của báo chí VN.
2. Sau mỗi trận thắng, ông gọi cầu thủ đang ngồi trên đọt cây tụt xuống đất cho cái.
Hôm nay, ông cũng đừng đọc báo và xem truyền hình VN. OK?

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

CÓ CHỖ MÔ KHÔNG NHẠY CẢM?

Đừng đổ hô cho TT- Huế cấp đất trên đèo Hải Vân cho dự án nước ngoài mà tội họ. Theo tui nghĩ, các khu vực, vị trí chiến lược trọng yếu thì tất nhiên phải
nắm giữ, nắm giữ thì theo kế hoạch phòng thủ từ trước, đất đó giao cho quốc phòng quản, ai dám cấp? Cái này càng nói càng lộ ra cái dở của nhà mình.
Sau dự án World Shine-Huế trên đèo Hải Vân- vị trí được cho là nhạy cảm- 
bị dư luận phản ứng thì phong trào...nhạy cảm đang tăng cao.
Theo đó, dự án trồng rau 11,6 ha tại thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); dự án khu ký túc xá cho nhân viên Silver Shores (tại phường Hòa
Hải, quận Ngũ Hành Sơn); dự án khu phức hợp bến cảng du thuyền trên sông Hàn tại cảng cá Thuận Phước (cũ)…đều bị cho là nằm vùng nhạy cảm.
Mình trải thảm đỏ mời người ta đầu tư, người ta đầu tư vào rồi ưa đuổi khi nào
thì đuổi là không có thật thà. Chừ tui hỏi nghe, Quốc hội vừa thông qua việc cho người nước ngoài mua nhà ở VN, họ sang họ mua những nhà đã xây, nhà do
họ chọn,họ nhiều tiền họ mua cả tòa, cả khu, mình lại bảo nhạy cảm không
bán nữa à? Chơi vậy đâu có được!
Nói thiệt với bà con, tui không thích kiểu chạy theo…nhạy cảm này. Kiểu ngày
xưa đuổi Mỹ rồi sau đó chạy theo, anh Mỹ ơi, anh sang nhà em chơi dọa bọn
hàng xóm cho em xí; ngày xưa đuổi Nga ra khỏi Cam Ranh, nay báo anh Nga ơi, anh sang ở đó dọa bọn hàng xóm cho em xí…Anh nào thì cũng phải xác định
bền chặt.
Tui cũng không thích phân tích kẻ thù theo suy nghĩ của nhiều người bây giờ.
Vì tui nghĩ, nếu tui là kẻ thù của VN, tui không dại gì đầu tư vào các dự án có
vị trí được cho là nhạy cảm đó để VN đề phòng; tui rót tiền cho người VN làm;
Việt gian mới là nguy hiểm. Mà Việt gian dễ mua vì nó tham!
Nói vui thế thôi, thời mà dùng điện thoại di động vô Google Map cũng coi được tận trong nhà bếp nhà họ rồi, ấn nút phát tên lửa vượt đại châu bùm phát rồi mà không cho làm bến du thuyền và tàu lượn nghe nó kỳ.
Mà không phải, ưa vẫn thì có lý khác, chẳng thế mà có hồi định lấy đất sân bay làm sân golf rồi bảo không ảnh hưởng đó sao? Chả phải đã giao rừng cho người nước ngoài rồi đó sao? Chả phải giao Tân Rai cho nước ngoài khai thác rồi sao?
Đã nói nhạy cảm chẳng có chỗ mô không nhạy cảm? Mắt, tai, mũi, miệng, ngực, lưng, mông, vú, chân, tay…có nhạy cảm không?
Theo tui chỗ mô lồi ra cũng nhạy cảm, lõm vào cũng nhạy cảm, không lồi không lõm cũng nhạy cảm…Nhạy cảm hết.
Vậy chỗ nhạy cảm để dùng hay để ngắm?

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Bia mộ anh của Công Phượng, hay bia một lũ điên

Sao nhiều chuyện khiến ta ngứa mồm thế này? 
Cái cha Nguyễn Nguyên lên HTV đưa chuyện nhóm Động mả 24h nói lại là ra mộ anh của Công Phượng nhưng không có bia, từ đó hắn nêu ra nghi vấn đã có người giấu bia mộ vì sợ biết năm sinh. Trời ơi là trời, ở quê (miền Trung), chết trẻ không được dựng bia. Vả lại, nhà nó cái ăn cũng không có chứ nói gì khắc bia. Sao thế gian này có nhiều người độc ác thế hở Nguyên?
Xem đoạn clip xong cảm giác như thấy thằng nhậu xỉn nôn ra bát rồi húp vào lại. Kinh!

Chuyện ông Cao Sĩ Kiêm và ông Đinh La Thăng

ĐI NHƯ ÔNG THĂNG, NGỒI NHÀ NHƯ ÔNG LUẬN
Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu QH nói Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nên ở nhà nhiều hơn vì bộ trưởng, tư lệnh đầu ngành không phải chỉ giải quyết vụ việc cụ thể và “làm sao mà anh có thể chạy hết mọi công trình được”.
Về nguyên lý thì ông nói không sai, nhưng bối cảnh thì không đúng. Cả một bộ máy lừa trên dối dưới, chỉ chăm hăm vào ăn huê hồng dự án, đục khoét miếng bánh đầu tư công, công trình kéo dài thời gian để đòi thêm vốn… mà ngồi ở nhà thì sao biết được? Ông Thăng làm bộ trưởng 3 năm, nhờ đi mà cắt giảm được hàng chục nghìn tỷ đồng chứ ổng ngồi nhà thì nó đã bốc hơi hết rồi. Ông ấy ngồi ở nhà thì người dân thuộc dự án mở rộng QL1 sống chung với bụi đất chưa biết đến bao giờ.
Ông Thăng không chạy hết mọi công trình nhưng ông ấy đến những nơi bức xúc nhất, nóng nhất…đó là điều đáng làm và phải làm.
Bao giờ cải tổ cả bộ máy ông Thăng mới có thể ngồi nhà được. Mà như vậy thì còn …khuya!
Ngồi nhà như ông Phạm Vũ Luận, đề ra cái gì sai cái đó. Không đi như ông Hoàng Tuấn Anh nên để cái khu văn hóa mấy nghìn tỷ tan hoang…
Ông Kiêm thấy không? Vì không đi, không biết dân sống thế nào nên thời ông làm Thống đốc Ngân hàng NN (từ 1989-1997) dân tình mới khốn đốn như thế!
Ông Nguyễn Bá Thanh thời làm Chủ tịch UBND TP có đi ăn ốc hút mới biết bà bán bán ốc hút cũng bị đánh thuế dã man thế nào.
Bộ trưởng Bộ KH- CN không đi nên không biết người nông dân phải cứu mình bằng các sáng chế phục vụ cho họ; ở nhà cấp tiền cho các dự án nghiên cứu thì khác chi ném tiền vào túi thằng khác. Không đi nên anh Hai Lúa phải đi sang Căm pu chia chế xe bọc thép cho họ.
Chính sách phải phù hợp với đời sống, ông không đi thì chỉ biết ra chính sách trên…giấy.
Ông Kiêm nói để tỏ vẻ ta đây cũng biết tầm chiến lược chứ chẳng ích lợi gì với cái đất nước này trong bối cảnh hiện nay.
Cần thêm nhiều bộ trưởng đi như ông Thăng!
ÔNG CAO SĨ KIÊM VÀ CÁI BƠM CAO ÁP
Thời còn HTX, dân ta có câu: “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà” để chỉ mấy cha lái máy cày, có gà máy mới cày, không gà, máy hỏng.
Có lần anh Nghị lái máy cày ở HTX Lộc An bảo ông chủ nhiệm: Cái bơm cao áp máy cày bị hỏng, phải cử 2 cô dân quân trẻ khỏe đi cùng hai anh lái máy cày (lái chính và lái phụ) lên huyện khiêng về. Ông chủ nhiệm lo sốt vó, cử liền hai cô. Về, mỗi cô được chấm 2 công (mỗi công 10 điểm) vì công việc nặng nhọc. Ông ta đâu biết hai anh lên huyện đú đởn với hai cô rồi bỏ cái bơm cao áp trong túi đi về.
Trở lại chuyện ông Cao Sĩ Kiêm chê ông Đinh La Thăng hay đi, cần ở nhà để điều hành tầm chiến lược, Báo Tuổi Trẻ sáng nay gọi hành động hay đi của ông Thăng là “Vi phạm thuyết chính danh”. Chính danh cái con khỉ mốc, bao nhiêu đứa sùng tín thuyết hám danh chưa là gì nữa là…
Mà ông Kiêm lẩm cẩm, đi hay hay không đi hay ông nói làm chi, đi mà công việc trôi chảy, ngồi mà công việc ùn ứ, đó là cách làm của mỗi người. Không có thằng lãnh đạo nào suốt ngày ngồi chăm hăm vào việc ra quyết sách mà tốt cả.
Cái này y như ngày xưa ở cơ quan tôi, có người được khen chăm chỉ, suốt ngày ngồi trong phòng và sau đó rất nhanh tiến bộ; có cha bị phê bình hay đi. Trời đất, làm báo địa phương thời đó, mỗi số được giao biên tập 2 trang báo, báo lại hai ngày ra một số mà ngồi trong phòng thì chỉ có ngu mà phải ngồi thôi chứ đâu phải chăm chỉ chi? Huống gì ông Thăng đi là để biết, để xử lý, để có quyết sách cho vấn đề đó…
Hồi đầu tôi rất ghét ông Thăng vì ổng có gì đó như thể anh cán bộ phong trào, nhưng càng lâu, tôi thấy ông ấy có nhiệt huyết với công việc. Ít nhất là thế đã. Công bằng mà nói, tôi thấy Bộ trưởng Kim Tiến cũng xông xáo, nhiệt huyết, dù vía bà hơi nặng nên xẩy ra nhiều chuyện chứ bà ấy cũng là người hành động.
Hỏi lại ông Kiêm: Bao nhiêu bộ trưởng không đi thì nghĩ ra được tầm chiến lược gì? Thay sách giáo khoa, tổ chức ASIAD, thay tiền giấy bằng đồng keng và polyme, vòng ngực nhỏ hơn 70cm thì không được lái xe…hay cái gì nữa, ông ví dụ coi? Đừng ví dụ cái tầm chiến lược giá- lương- tiền làm bao nhiêu người khốn khó thời ông mà tôi nổi sảy!

Tôi dẫn chứng cho ông, không đi mới ngồi nghĩ ra thế này đây: Một Vụ Kinh tế ngành mà có đến 1 Vụ trưởng, 2 hàm vụ trưởng điều hành phó vụ; 1 vụ phó, 20 hàm vụ phó…Ngay cái tên chức vụ thôi cũng đã phỉ báng cả nên hành chính quốc gia rồi. Đi mà nghe dân người dân nói mình là ai, hám danh hay chính danh?

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Từ chuyện của Công Phượng: Bất tài mới yên thân!

I. ĐỘNG MẢ 24H
Nhiều người xem chương trình “Chuyển động 24h” hôm trước kể lại, họ đã rất thích thú khi nhà văn Nguyễn Quang Vinh “gây hấn” về chuyện gian lận tuổi của Công Phượng với BTV Ngọc Trinh. Tò mò nên vào mạng để xem. Hóa ra đó là chiêu câu khách lá cải của truyền hình Quốc gia, vì rõ ràng, chương trình đã chuẩn bị sẵn khi cho chạy hình nền Công Phượng. Vả lại, trong một chương trình trực tiếp, khi khách mời (Nguyễn Quang Vinh) lái sang chủ đề khác, lập tức ê-kíp thực hiện sẽ dùng biện pháp kỹ thuật để chặn (ví dụ có thể làm mất tiếng). Vì thế không thể không suy luận, VTV hợp tác cùng Vinh dàn cảnh diễn tuồng trước bàn dân thiên hạ.
*
Mở ra xem tiếp. Chương trình sau là của BTV Trần Việt dẫn. Khoan nói về câu chuyện thì ngữ điệu của anh này (mà đó là của chương trình của đài Quốc gia) rất hằn học. Có cảm giác như anh ta là mụ hàng xóm đang chửi nhau với mụ hàng xóm khác, mụ ta rống to lên theo kiểu lấy thịt đè người, cả vú lấp miệng em.
Còn cái gọi là bằng chứng thì chẳng nói lên được điều gì. Có sai chỗ nào đó thì đó là cái sai của chính quyền xã chứ đâu phải của thằng con nít ham đá banh?
Để kết luận, BTV Trần Việt nói những câu sởn gai ốc, đại ý: Công Phượng, ngay lúc này đây, em đang ngồi trước màn hình, đây là giây phút để em thanh thản, em hãy lên tiếng đi- Đại để thế.
Không thể không phun ra câu chửi tục.
*
Giấy tờ hành chính xã phường của những năm đó, ở vùng quê đó thì chuyện một tờ khai sinh không có số chẳng có gì lạ. Còn sổ hộ khẩu thì công an viên đến ghi hoặc gia đình tự ghi, khó mà chính xác. Ở quê học một lứa khác tuổi cũng là chuyện bình thường.
Nhà tôi đây, 8 anh em đi khai sinh một lần , vì thế, để cho tiện, mạ tôi đã khai tất cả anh em đều sinh ngày 11 tháng 12, mỗi người cách nhau 2 năm.
Tôi cam đoan, nếu các PV của “Chuyển động 24h” khảo sát thêm vài chục giấy khai sinh các em cùng trang lứa với Công Phượng, nó cũng mắc cái sai y thế.
*
Ngay từ đầu, Công Phượng làm hồ sơ và thi tuyển vào Học viện bóng đá Hoàng Anh- Gia Lai chứ không phải làm hồ sơ gian lận để đá cho U19.

Vì sao “Chuyển động 24h” hằn học với chuyện này? Là vì họ cố tình bảo vệ cái lý của họ. Cái lý của mụ già mồm.
Giả sử Công Phượng có sai cũng không ai hành xử kiểu...VTV.
Đúng là Động mả 24h!

CÓ CHÚT TÀI THÌ KHỐN ĐỐN, BẤT TÀI MỚI YÊN THÂN!
Đã viết một stt rồi, định không nói nữa, nhưng rồi ngứa ngáy, muốn có đôi lời: Có một chút tài mới khốn đốn như thế, chứ vô tài bất tướng thì yên thân. Đó là điều khốn nạn nhất mà người dân đất nước này đang hứng chịu.
*
Trong dân gian vẫn lưu truyền câu “Một mảnh giấy lừa hai chế độ” để nói chuyện, nhiều người sinh ra ở miền Nam trước đây thường khai thấp tuổi để trốn quân dịch; nhiều người sinh ở miền Bắc thường khai tăng tuổi đề đi bộ đội. Bây giờ, cùng độ tuổi đó nhưng (kể cả quan chức hám ghế) người về hưu sớm, người về hưu muộn cũng chỉ căn cứ vào giấy khai sinh, CMT hoặc căn cước cũ…Biết thế nhưng chẳng ai kiện, cũng chẳng ai điều tra mà có điều tra thì suốt đời cũng không xong. Cá nhân tôi thấy đó cũng chẳng phải là chuyện ai lừa ai vì đó là hệ quả của một thời
*
Trường hợp cầu thủ Công Phượng, về nghiệp vụ điều tra của báo chí, tôi thấy có mấy điểm chưa làm:
1.Giấy khai sinh gốc của Công Phượng cấp ngày 20.10.1995 không có số: Nên tìm hiểu thêm những người khai sinh năm đó có số không? Nếu giấy khai sinh y như thế thì lỗi của chính quyền.
(Giấy khai sinh của tôi hiện bản chính cũng không có số, không ghi quyển. Nhờ mình bất tài nên chẳng có ai kiện).
2. Học bạ phê khác chữ của một học sinh khác cùng lớp: Nên xem thêm nhiều học sinh khác cùng lớp như thế nào. (Ngày xưa đi học, tôi và một vài bạn chữ đẹp nhiều lần được thầy/cô kêu kên nhờ ghi điểm và đọc cho chép lời phê trong học bạ) rồi cô/ thầy ký. Nếu cùng lớp mà nhiều nét chữ phê thì xác minh chữ ký của thầy/cô có trùng khớp không?)
3. Không khó để tìm ra những thầy cô dạy Công Phượng thời tiểu học, học ở quê thì thầy cô thường nhớ, nhất là học trò ham đá banh như Công Phượng.
4. Không khó để tìm ra các bạn học của Công Phượng.

Đó là cái lý của nghiệp vụ điều tra; còn mục đích điều tra thì tôi không thích. Nếu Công Phượng vừa mới khai lại tuổi để lần đầu tham gia U19 thì làm, chứ nó học ở Học viện bóng đá 7-8 năm nay rồi thì thôi.
Thấy quá tội thằng nhỏ, bằng tuổi nó nhiều đứa còn được mẹ nhắc ăn cơm, học bài, lo lắng thì nó ấm đầu hay kho khan một tiếng, thế mà nó phải chịu áp lực thế này.
Những người ác thế nào cũng bị quả báo.


Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Năm chục và một trăm

Hồi đó thằng Chinh làm kiểm sát viên. Hắn cũng ham chơi như một số người. Một hôm, nhận được mật báo, vợ hắn xông đến quán karaok làm toáng lên. Trong con nóng giận vì bị vợ làm mất mặt với đám bạn, Chinh ta nổi đóa, hung hăng quát: Có chi mà ghê gớm, chỉ là ngồi hát karraoke thôi, mà có chi đi nữa thì cũng là “bóc bánh trả tiền” chứ ảnh hưởng chi?
Đến đây, chị vợ tím mặt lại, hỏi, vậy mỗi lần “bóc bánh anh trả nhiêu?”, Chinh ta đang cao trào ngu, bảo, năm chục ngàn. Vợ hắn la lên, vậy lương anh chưa đủ ba lần bóc bánh (Thời điểm đó lương hắn đâu như 140 ngàn).
Chị vợ ra tòa ly dị, hắn thuê phòng trọ.
Chiều chiều buồn tình, hắn lại rủ bạn bè đi nhậu, nhậu tê tê, theo quán tính, hắn lại về nhà vợ đang ở, năn nỉ được vào. Vào rồi thì gạ gẫm. Chị vợ lạnh tanh: “Năm chục ngàn!”. Hắn móc túi đưa năm chục.
Chiều hôm sau đi nhậu, lại mò về, lại năm chục…ục ục.
Thế rồi đến hôm trong khi xin xỉn lại đang cao trào, vợ (cũ) hắn xòe tay ra hỏi: “Năm chục?”. Hắn lục ví nhưng hết tiền nên bảo: “Cho anh nợ”.
Chị vợ lạnh tanh “không có bánh nào bóc mà không trả tiền” rồi tống khứ hắn ra khỏi nhà.
*
Hết tiền nên ai rủ nhậu thì đi nhậu, nhậu xong lại muốn về nhà vợ cũ nhưng sợ không tiền mất mặt nên thôi, dần dần hắn cũng quen.
Bẳng đi ít lâu, hắn nghe mọi người xì xầm là vợ hắn sinh con trai. Tò mò nhưng tự ái nên hắn cũng không đến xem thực hư ra sao.
Rất lâu sau nữa hắn mới bí mật quan sát và thấy thằng nhỏ y chang…mặt hắn. Hắn âm thầm trở về nhà trọ.
*
Một hôm hắn gõ cửa nhà vợ cũ, gọi, em ơi, anh có tiền rồi. Vợ cũ của hắn mặt vẫn lạnh như cà rem, bảo “giá lên một trăm”, hắn gật.
Một trăm.
Một trăm măm măm....
*
Rồi vợ cũ hắn được báo, lần này không phải mật báo mà hắn…lên báo, hắn nhận hối lộ nhưng chưa đến mức truy tố, chỉ bị đuổi việc.
Vợ cũ của hắn về phòng trọ, giọng vẫn lạnh như cà rem: “Về!”. Hắn ấp úng: “Anh hết tiền rồi”, vợ hắn quát: “Đã bảo là về, không cần một trăm nữa!”

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

ĐỒN CHẾT THÌ SỐNG LÂU

Nhớ hồi trước, có một lớp tập huấn đến thăm báo Nhân Dân, lúc trao đổi nghiệp vụ thì Nguyễn Chính, bấy giờ là cây bút có tiếng của báo ĐĐK, phủi một câu: Báo Nhân Dân chỉ chuyên bắt cá chết. Câu nói làm bác Hữu Thọ, Tổng biên tập hồi đó, ứa gan.
Bây giờ thì nhiều báo bắt cá chết (câu dùng để ví đưa tin nguội).
Mới đây, thiên hạ đồn rầm lên là bác Nguyễn Bá Thanh bị bệnh, đã qua đời. Nhiều người nói cứ y như thiệt. 
Nguyên do là bác Thanh bị bệnh đi điều trị ở Mỹ thiệt, và một hôm, người ta đưa một Việt kiều chết ở Mỹ về VN, qua cửa khẩu sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay tiếp từ Hàn Quốc về, gia đình người này lại ở cùng đường, gần nhà với bác Thanh, họ làm đám tang, cầu siêu mấy ngày, thế là chuyện nọ xọ chuyện kia.
Nhiều người cũng trách, sao có chuyện chừng đó mà không công khai. Thực ra thì bác Thanh tầm ủy viên Trung ương, chưa phải là yếu nhân và chuyện một trưởng ban bị bệnh đi điều trị cũng bình thường thôi, cuộc đời ai chẳng có lúc đau ốm. Nhưng mà bác Thanh lại là người được nhiều người quan tâm, nói theo cách nào đó thì là người nổi tiếng, thế mới ồn ào lên vậy.
Nhưng mà, làm báo là làm cái gì bạn đọc cần chứ không phải làm cái mình thích, chuyện bác Thanh là chuyện nhiều người muốn biết.
Nhưng vì sao các báo trước đó mãi không nói? Chắc là vì ngại người khác, bảo ông ấy chức ấy, có gì phải quan trọng hóa, có thể đó là lý do.
Lúc đó Thanh Niên đưa tin đầu tiên, là tui viết, nhưng cũng không rõ ràng, chỉ là “Xác minh thông tin về…”
Vì bạn đọc không biết theo đường chính thống nên cứ theo tin đồn. Hôm rồi có cha còm vô fb tui, nói như đinh đóng cột, thi hài bác đã được đưa về trên chuyến bay…giờ đó (lúc ban đêm), tại cổng đó…Tui phải điện hỏi quanh, té ra là một anh lao động xuất khẩu chết ở Hàn quốc.
Tin tui nghe: Bác ấy bị bệnh rối loạn tiểu cầu, tất nhiên là liên quan tới tủy (chứ không phải tụy như lời đồn), và ca ghép tủy được các bác sĩ đánh giá là thành công.
Người nào bị đồn chết cũng sống lâu. Hy vọng bác Thanh cũng thế.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

TRAI LÀNG LỘC AN


Mẹ anh này là vợ mình. Người vợ đầu tiên, duy nhất và cuối cùng.
Ngày xưa mình chở ảnh đi học.
Hết phổ thông, ảnh vào học trường mình từng học, thành bạn đồng môn.
Rồi mình dạy anh í. Anh í gọi mình bằng thầy. Lúc đó ảnh là cán sự lớp nên phải đưa đón thầy, là mình.
Ra trường, ảnh đi dạy cấp 4, là đồng nghiệp của mình (xét về ngạch đi dạy).
Sau cấp 4 thì ảnh đi học chung, thành bạn học với mình.
Lâu lâu, mình với anh í đi uống bia, thành bạn nhậu.
Tháng sau ảnh về đôi lúc lại thành thầy giáo của mình. Vì ảnh học truyền thông Quốc tế, mình loanh quanh trong nước. Lúc đó mình sẽ đưa đón thầy mình là ảnh vì mình có phẩm chất làm cán sự lớp; vả lại không đưa đón sợ mẹ ảnh la.
Cũng vui vì hiếm gặp chơ bộ.

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

MỤC ĐÍCH CỦA HỌC CHỮ

Chuyện đã kể: Có người đố một đại gia quê tui một triệu (1.000.000) có mấy số không. Hắn bảo, tao cần éo chi biết, có cả trăm thạc sĩ, cử nhân làm thuê cho tao nó biết là được.
Thằng này vui.
Nhưng không vui bằng thằng này: Nó nhiều tiền đến mức, nếu rút một lần thì ngân hàng đó bị sập.
Một hôm nó hỏi: Nếu như anh, anh có thể dạy một người không biết chữ đến đọc được mất bao lâu? Mình nói, tao dạy thì mất 15 buổi. Nó hỏi lại, anh nói chắc không? Mình bảo chắc. Vậy em thuê anh mỗi buổi 2 triệu, anh phải bảo đảm đúng 15 buổi thì đọc được chữ. Mình hỏi nó: Nhưng dạy cho ai mà gấp thế? Nó bảo dạy cho em. Mình ngạc nhiên: Thế lâu nay mày không biết chữ? Dạ không! Không biết chữ mà giàu thế rồi cần gì biết chữ? Nó lúng túng một hồi mới nói: Cái gì em cũng thuê người làm hết, nhưng có một cái không thuê được nên em phải tự làm. Mình hấp tấp: Cái gì mà đến nỗi không thuê được?
Nó bảo: Đi hát karaoke!
Mình vỗ đùi, la lớn: OK!
Hehe.

CÀNG NGHĨ CÀNG QUÝ BÁC THANH

Từ ngày 1.1.2011, công dân Đà Nẵng vào bệnh viện không phải mất tiền gửi xe. Tin này từng mang lại cảm xúc tốt đẹp cho nhiều người từ thời bác Nguyễn Bá Thanh còn ở Đà Nẵng.
Bây giờ bắt đầu có người muốn xóa chuyện này vì cho rằng làm thế thì mỗi năm các bệnh viện thất thu 12 tỷ đồng.
12 tỷ nhiều không? Nhiều, rất nhiều.
12 tỷ để được lòng dân, thể hiện sự ưu việt của xã hội, đắt không? Quá rẻ!
Vậy thì sao người ta lại muốn làm ngược lại bác Thanh?
*
Chắc chẳng mấy người hiểu vì sao bác Thanh lại tâm huyết với việc xây dựng Bệnh viện ung thư Đà Nẵng để điều trị miễn phí cho dân nghèo. Cũng chẳng ai hiểu vì sao quyên tiền của các doanh nghiệp xây dựng nên bệnh viện rồi ngân sách lại trả lương cho bộ máy đó, họ bắt đầu mang ra mổ xẻ chuyện này.
Thế này: Nếu bệnh viện đó là bệnh viện công lập thì rất khó gọi được các chương trình, dự án phi chính phủ; khó vận động được sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và vì thế dân nghèo khó được chữa bệnh nan y miễn phí.
Có lẽ bác Thanh đi khỏi Đà Nẵng thì khó ai kêu gọi được nguồn tài trợ nên mới sinh chuyện muốn làm ngược lại ý tưởng bác Thanh.
*
Đời thiệt không dễ dàng gì.
Vì thế tôi càng thần tượng bác, bác Thanh!


Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Quản lý đất nước như vợ quản chồng mê gái

Điều lo ngại của tôi đã trở thành hiện thực, người mua lại hệ thống METRO ở Việt Nam là người Thái gốc Trung Quốc. Sắp đến, hệ thống này sẽ bán hàng Trung Quốc giá sỉ và hệ thống bán lẻ khắp đất nước này sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc. Đừng nói là quản họ, vì họ nhập hàng theo đường chính ngạch, giá lại bèo thì ôi thôi rồi.
Như vậy, sau khi cơ bản hoàn thành việc giao rừng cho nước ngoài, nay giao hệ thống phân phối cho họ, sắp đến, người Trung Quốc sẽ mua hết các dự án đầu tư ven biển của các nhà đầu tư dự án để bán (lãi vài chục, vài trăm triệu đô ai mà cưỡng được), vậy là hết.
*
Chính khách đương thời, mình mê Hina Rabbani Khar, nữ ngoại trưởng của Pakistan; chính khách thất sủng mê nhất là cự thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra; ca sĩ mình mê nhất là Julie Roberts... Nói, nhiều người cứ tưởng mình vừa uống mật gấu, nhưng thật ra mình chưa uống và không có mà uống. Có điều này thì mọi người không phải ai cũng hiểu, bà nào coi việc một gã đàn ông mê gái là bình thường thì hợp quy luật của tạo hóa, trong lúc mấy bà khác lại quá yên tâm khi thấy chồng mình chơi với lũ con trai, các bà không hiểu, bây giờ là trào lưu đàn ông mê trai. Nguy chưa?
*
Quản lý đất nước này cũng như mấy bà vợ nói trên, cứ chăm hăm xem chồng mình có theo gái không, theo gái nó vẫn là đàn ông, nó không mê gái mà lại theo trai thì….xong phim!

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Coi tướng

Hôm ra Đông Hà, LS Hùng thấy một cô quan tâm đến tướng số, mới nói, em có muốn xem tướng không, anh xem cho. Cổ bảo có, có. Hùng ta mới nói: Em đưa tay đây, được rồi, giờ bỏ hai tay lên đầu gối. OK. Ngồi thẳng lại, để đầu gối vuông góc với mặt đất. OK. Bây giờ thì xòe hai đùi ra tí. OK. Ngực ưỡn về phía trước. OK…
Cô đó mới nói, anh coi tướng chi lạ rứa? Hùng bảo, anh là luật sư, ngày trước có học nhân tướng và tâm lý tội phạm, bảo đảm coi không đúng không lấy tiền. Đoạn phán: Cuộc đời em nếu cố gắng thì cái gì cũng đạt được hết. Chỉ có một điều phải bỏ, bỏ ngay và luôn, không thì hỏng hết. Cổ hỏi, điều chi anh nói đi. Hùng ta dấm dẳng: Đừng nghe ai bảo gì cũng làm y như họ bảo. Anh bảo em đưa tay, em đưa, xòe đùi, em xòe…đứa khác nó bảo cái khác em cũng làm, hỏng, hỏng…
Hehe. Y rứa.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Cuốn phim cuộc đời

 Năm 22 tuổi
 Sáng, vừa thức dậy đã nhận được hai cuộc gọi của anh Thẩm và Danh, thông báo rằng, 30.4 sẽ tổ chức gặp mặt anh em nhập ngũ cùng đợt, vào chiến trường cùng lần tại huyện Lệ Thủy. Anh Thẩm lệnh, năm nào gặp mặt mày cũng không về, năm nay kỷ niệm 40 năm mày nhất định phải về!
Mình á ra, trời đất, đã 40 năm rồi sao?
40 năm, thời gian đủ biến một chàng thanh niên 17 thành ông già 57 tuổi. Nhưng điều đó không đáng kinh ngạc bằng chuyện, vậy là, kể từ khi mình được ra Bắc đi học đến nay, trong 100 người đi cùng đợt (hy sinh 5 người) thì có chừng 80 người mình chưa từng gặp lại.
Mình hỏi anh Thẩm: Năm ngoái tổ chức anh em đi có nhiều không anh? Anh Thẩm giận: Đi hết, không chỉ chồng mà vợ đứa nào cũng đi cả, chỉ thiếu mày!
Há?
Trong 100 đứa vào chiến trường cùng lần năm 1974, anh Thẩm, anh Côn, anh Liền, anh Cáo, anh Đạt lớn tuổi hơn cả. Tôi lúc đó 
nhỏ tuổi nhất, 17.Từ hôm qua, viết xong stt trên fb về chuyện 40 năm, minh cứ bị ám ảnh hoài. Nhất là khi nghe anh Đỗ Quý Doãn, một người anh, người sếp cũ, một đồng đội… khuyên rằng, “Những cuôc gặp thế quý lắm, chú về gặp lại anh em đồng đội kẻo sau càng khó...”
 57 tuổi
                                                                                                          *
Anh Doãn học cùng trường cấp 3 Lệ Thủy nhưng khóa trước mình. Anh sinh năm Giáp Ngọ 1954 nhưng sau khai sinh thành năm 1953 để được đi bộ đội sớm, và vì thế, thay vì năm nay mới về hưu thì anh về hưu từ năm ngoái. 
Anh là chiến sĩ đánh thành cổ Quảng Trị năm 1972. Sau chiến tranh, học truyền hình ở Lomonosov (MGU), trường đại học lớn nhất và được coi là lâu đời nhất của Liên Xô (cũ).
Anh Doãn theo tuổi khai sinh lớn hơn một năm thì năm 36 tuổi đã là tỉnh ủy viên, 37 tuổi là ủy viên thường vụ Tỉnh ủy (hồi đó hầu như là trẻ nhất nước). Anh làm tổng biên tập báo Quảng Bình năm 34 tuổi. Thời trẻ, mình là đứa làm việc nghiêm túc nhưng khá chướng, ít nói nhưng nói thường thiếu khôn ngoan, làm người khác rất khó chịu, thành ra nhiều người ghét. Anh Doãn “biết” mình, không ưu ái quá nhưng cũng không ghét. Nói chung, anh chỉ lấy công việc của người khác làm trọng. Cũng chỉ anh mới có thể bổ nhiệm mình làm Thư ký tòa soạn kiêm trưởng phòng phóng viên từ lúc mình…chưa đảng viên. Thời đó đó là trường hợp duy nhất trong hệ thống báo Đảng: làm thư ký tòa soạn trẻ nhất và...chưa đảng viên. 
Sau này anh làm thứ trưởng, có chuyện gì mình thường điện thoại hỏi anh, mình chỉ hỏi một câu, anh chỉ nói một câu mình hiểu liền, không dây cà dây muống.
Anh cũng là người đặc biệt, bạn bè, người quen có đứa nửa đêm gọi điện thoại tâm tư đủ chuyện, anh vẫn bình thản nghe, khuyên, chưa bao giờ tỏ ra khó chịu.
Nhớ hồi trước, có lần gặp, mình hỏi: “Anh ơi, em giờ coi bộ cũng chững chạc hơn tí, cũng có vẻ được quy hoạch, em định mần lãnh đạo cú chơi, anh thấy sao?”. Ảnh cười: “Mần cũng được nhưng mần mần chi? Mần báo thì mần cho giỏi là được rồi!”.
Hihi, hình như chưa có gì mình không nghe ảnh.
*
Sau này về Thanh Niên, mình làm lính anh Nguyễn Công Khế. Anh Khế cũng tạng người lấy công việc làm trọng. Một lần ảnh nói: “Thịnh nè, tui với ông tưởng chết trong chiến tranh, thế mà sống đến ngày thống nhất, vậy là lãi rồi. Bây giờ sống đến sau giải phóng hàng chục năm, lãi to hung.Vì thế làm được gì làm cho xứng đáng, viết báo thì viết cho hay!”
Tôi thích cách nghĩ đó.
*
Hồi bộ đội, tôi có hai người bạn thân, 3 thằng trông khá giống nhau, thằng Nguyễn Thanh Sinh, đứa bạn cùng xóm (bên trái, ảnh 1). Nó hy sinh khi chưa biết yêu là gì. Đứa bạn thân thứ hai là Thân Trọng Bình (bên phải ảnh 2). Sau chiến tranh Bình về học âm nhạc, nó là đứa học lên cao nhất, thành giảng viên Học viện Âm nhạc Huế rồi mới lấy vợ. Nó cũng đã mất, vì bệnh.
Vậy cuộc đời cũng đã quá ưu ái với mình. Thế mà cuộc sống như dòng xoáy cứ cuốn mỗi người đi, cho đến hôm nay, giật mình, đã 40 năm!
*
Đồng đội- hai từ xưa cũ, hôm nay nhắc lại, cuốn phim cuộc đời cứ thế hiện về, lòng thấy rưng rưng...



Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

"Cháu ơi, mình ngã đâu thì đứng dậy ở đó!"

(Thư gửi cháu N. Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai)
 Bác đã định không nhắc lại chuyện này vì thấy như thế sẽ làm cháu ám ảnh. Nhưng không viết thì nó lại làm bác ám ảnh.
Vậy nên, cháu hãy cùng bác đối diện với sự thật. Đừng sợ. Vì bác từng là thăng ăn cắp, rất nhiều lần, hồi bằng tuổi cháu.
Đó là thời đi chăn trâu, tụi bác, trong đó có nhiều người nay đã là giáo sư, tiến sĩ, nhiều người thành cán bộ cấp cao...thường rất nghịch ngợm, hầu như ngày nào cũng chui vào vườn người khác hái ổi, bẻ mía...Tụi bác tệ hơn, là vì miếng ăn, cháu chỉ vì muốn đọc...Hai điều này dù hành vi khá giống nhau nhưng bản chất khác nhau nhiều.
Cháu hãy nghe bác kể hai câu chuyện sau đây:
*
 Bác Lê Văn Nghĩa, nhà văn, nhà báo nổi tiếng, trong cuốn sách Mùa hè năm Petrus kể: Ông Trương chủ nhà sách số 62 Bonard (sau đó là Lê Lợi) , nhân viên của ông đã bắt nhiều người ăn trộm sách. Nhiều nhất là bọn du thủ du thực sống chung quanh vỉa hè Lê Lợi, khu Cầu Muối vào ăn cắp sách để bán lại cho những hàng bán sách “xôn” ngoài vỉa hè. Với bọn này, ông Trương thẳng tay giao cho cảnh sát vì bọn họ chỉ cần tiền chứ không cần sách. Còn những người là học sinh, sinh viên, thậm chí những trí thức vì một lý do gì đó ăn cắp sách, ông chỉ cho viết một bản cam kết “không ăn cắp sách” để ngăn ngừa họ tái phạm lần thứ hai rồi cho về, bởi họ là những người ăn cắp sách vì cần chữ.
Hôm đó ông phát hiện thằng Mai lấy một quyển. Ông kêu nó vào, bắt viết bản cam kết. Thằng Mai viết xong thì nói: “Dạ, thưa ông, con lỡ dại một lần ông tha cho. Xin đừng báo về trường con...”.
“Lần này tôi tha cho cậu, không báo về trường, lần sau...”.
“Dạ, con xin thề, không có lần sau. Nếu vào nhà sách này con sẽ mua...” - nó láu táu nói vì mừng. “Dạ thưa ông, con đi về”.
Khi nó vừa bước ra cửa, ông Trương gọi nó lại. Nó giật nảy mình. Ông chủ nhà sách đổi ý rồi chăng?
“Dạ, ông kêu con?”.
Ông Trương cầm quyển sách hướng dẫn làm nghệ sĩ đưa cho nó: “Nè, tôi cho cậu quyển sách. Khi nào trở thành tài tử nổi danh nhớ diễn cho tôi xem...”.
*
Bác Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT- TT nhớ câu chuyện của hơn 50 năm trước. Ông có thằng bạn lúc đó khoảng 10 tuổi vào vườn nhà hàng xóm hái trộm khế. Ông chủ nhà biết nhưng nếu làm nó sợ nó có thể rơi ngã chết nên ông nhẹ nhàng bảo nó hái giùm ông một quả rồi xuống. Nó mừng quá tìm hái quả to và tụt xuống đưa ông. Đến nơi ông nói với nó là từ nay nếu thích khế thì gặp ông để xin vì không người ta tưởng trộm họ đuổi, dễ rơi ngã chết đấy... Thằng cu thoát nạn mừng nhưng cũng xấu hổ lắm nên từ đó ai rũ nó đi hái trộm khế , ổi ... nó đều từ chối.
*
Nhân viên siêu thị Dĩ Yên đã không đối xử với cháu như ông Trương chủ tiệm sách, ông chủ cây khế quê bác Doãn, họ thật đáng trách, nhưng cháu hãy hành xử như thằng Mai hay người bạn trộm khế mà bác Doãn kể. Bác và tụi bạn của bác cũng đã làm như vậy khi vượt qua cái tuổi ham muốn nông nỗi và nghịch ngợm của trẻ con.
Ngã đâu thì đứng dậy ở đó. Cháu đừng sợ xấu hổ với bạn bè. Có ai đó vô tình hay cố ý nhắc lại điều đó, cháu hãy công nhận sự thực, thưa lại thế này: "Đúng là tớ đã định lấy hai quyển sách đó thật, chỉ vì thèm đọc quá, nhưng tớ biết sai rồi, tớ rất hối hận, xin mọi người bỏ qua cho!".  Bác cũng rất muốn cháu đủ can đảm để trình bày với thầy cô cho cháu được nói điều này trong buổi chào cờ, trước mọi người.
Bác tin, khi cháu nói thế rồi thì họ sẽ không nói lại lần sau. Cháu hãy chứng minh bản lĩnh của mình có được từ đọc sách, đừng nghĩ điều gì dại dột.
Bác nghe nói, sau sự việc đó, cháu nhìn thấy sách là hét lên, bảo mẹ đốt đi. Đừng.
Vào một thời điểm thích hợp, bác sẽ gửi cho cháu nhiều sách, trong đó có trọn bộ truyện Trạng Quỳnh. Nhiều người bảo thế là phản cảm nhưng bác nghĩ khác, cháu đừng để nó ám ảnh. Sách không có lỗi. Khi cháu coi sách là kẻ thù thì đó thực sự là thảm họa.
Bác nói "ngã" tức là cháu đã có lỗi, thậm chí là lỗi lớn, nhưng nói "đứng dậy" là nói cách cháu vượt qua và không lặp lại.
*
Bác muốn lên Chư Sê, đưa cháu đến chính siêu thị đó, hai bác cháu chọn mua sách. Khi trả tiền có thể có nhân viên  phát hiện ra và nhìn, cháu hãy nhìn thẳng vào họ và nói, cháu chính là đứa trẻ hôm trước định trộm sách, nhưng nay thì cháu mua, tính tiền cho cháu. Và cháu rút tiền ra trả. Cũng đừng ngoái lại nhìn bác. Bác chỉ đi bên cạnh thôi.
*
Con người sống phải biết tha thứ.
Và cháu này, người lớn cũng cần được tha thứ!
Rất tin ở cháu!
Nguyễn Thế Thịnh  

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Quanh chuyện ông Nguyễn Xuân Anh Đà Nẵng

Anh Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa được giới thiệu vào chức vụ Phó bí thư Thành ủy khiến bàn dân thiên hạ chộn rộn. Khổ nhất là ông Trưởng ban Tổ chức Bùi Văn Tiếng, sau trả lời phỏng vấn thì bị mang ra mổ xẻ té lè le.
Tui xin đính chính thế này: Anh Nguyễn Xuân Anh trước khi rời Báo Thanh Niên là Trưởng ban Quốc tế, không phải (chỉ) phóng viên. (Nói thế mất công suy diễn, PV làm được phó bí thư, ông Babel trưởng ban chắc làm được...phó thủ tướng. Kekekeke).
Vợ ảnh là hoa hậu VN qua ảnh, lấy chồng thì theo chồng và làm công việc khác, chứ răng lại giật ít "Hoa hậu theo chồng bỏ cuộc chơi", chơi cái khỉ gì?
Thiên hạ nực cười thiệt a.
Ngoại trừ việc anh Xuân Anh con ông này ông kia bà con nói nhiều tui không bàn đến, giờ thì ảnh đã làm chức vụ đó rồi, 38 tuổi, tiến sĩ, học nước ngoài về,  đã từng kinh qua Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư; Bí thư kiêm chủ tịch quận; Phó chủ tịch TP... vù vù. 
*
Hồi trước còn ở quân đội, một lần trung úy Mười, trợ lý tham mưu Sư đoàn 471 vui chuyện hỏi tui: Mày có thể làm được chức gì trong quân đội? Tui nói: Em có thể làm đến thượng tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, còn đại tướng bộ trưởng thì không làm được. Không ngờ anh Mười kể lại với Tham mưu phó sư đoàn, ông ấy nạt tui trận te le. Nhưng mà tui vẫn cự: Thủ trưởng à, anh Mười hỏi thì em nói thiệt, em mần được. Hồi đó tui 20 tuổi. Hehe. Cả gan thiệt.
Anh Ngô Văn Dụ, lúc đó ở cùng với tui và Lương Văn Thản (Hiện ở Sở VH-TT Hải Phòng) chung phòng, tui trung sĩ, anh ấy thượng sĩ, anh ấy cấp nhỏ hơn anh Mười, nay anh ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương to oành đó thôi. Chả tại tui "phấn đấu" không tốt chơ bộ. Keke. 
*
Có điều, nói thiệt, nếu anh Xuân Anh làm được chức vụ đó thì người Đà Nẵng ít nhất có 1.000 người cũng làm được. Chỉ tiếc họ không có bố như anh.
*

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

HẠNH PHÚC LÀ CHO CŨNG DỄ DÀNG NHƯ NHẬN!

(Vài dòng của kẻ ngoại đạo về Valentine)
Mình là tên sinh ra ở miền Bắc XHCN, thời trai trẻ chẳng biết gì về Valentine (và nhiều thứ khác liên quan đến yêu đương). Mãi gần đây mới biết chút chút, nhưng gu- gồ mãi cũng không thỏa mãn được là tình nhân hay tình yêu...
Tính mình lại hay thực tế nên cái gì thuộc về hình thức cứ thấy nó sao sao ấy, đù đôi khi thấy nếu thế cuộc đời sẽ mất đi phần thi vị. Nhưng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
*
Thấy bọn trẻ giờ thích thật, không có tình nhân thì...thuê. Đúng là cái gì cũng mua được bằng tiền (hoặc bằng nhiều tiền). 
*
Một cha, ngày hôm nay, 14.2, ra hàng hoa, bảo bà bán hoa bán cho một bó, lại nói đây là lần cuối cùng tôi mua hoa. Bà bán hoa ngạc nhiên hỏi, cha này mới nói rằng, vì ngày mai cha ấy ...cưới vợ rồi. Hết tặng hoa.
Một chị khác được hỏi sao Valentine anh không tặng hoa cho chị, chị ấy hỏi lại, chú có bao giờ thấy ai câu được cá rồi lại banh miệng nó ra nhét mồi vào không? Ha ha...
Lại nghĩ về tình nhân và tình yêu. Valentine là một ngày, "tám mươi năm cuộc đời" là một chuỗi ngày. Có ai biết mách cho mình, làm sao ngày nào cũng...Valentine không?
*
Nhưng mà đừng câu nệ, ngày này, được tặng, có thể rất nhiều người tặng quà, bạn hãy nhận đi, đừng ngại, chỉ nên nhớ một điều thôi: Hạnh phúc là cho cũng dễ dàng như nhận.
Mình nghĩ thế.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Chuyện người quê tui bị tố "hôi nhãn man rợ"

Nhìn tôi như tên...hôi của
Từ hôm mấy tờ báo loan tin dân xã Hóa Thanh, huyện miền núi Quảng Bình “hôi nhãn dã man”, tui đi mô cũng bị nhìn như thằng sắp…hôi nhãn, vì tui là dân bọ chính gốc, quê Lệ Thủy, Quảng Bình, như nhiều người khác tỉnh, chỉ là công dân Q. Hải Châu, Đà Nẵng mà thôi. 
Nhiều người dẫn đường link các bài báo gửi email hoặc nhắn tin cho tui. Họ quan tâm vấn đề một cách hỉ hả. 
Tui hơi nghi ngờ, vì hơn ai hết, tui rất biết người miền núi Minh Hóa. Đó là vùng đất hiếm hoi còn sót lại những con người chân chất, còn nét rừng rú hoang sơ. Tui mới trở lại vùng đó, trước tết. Tui nghĩ vấn đề không đến nỗi không tin họ….dã man. Nếu có lấy nhãn thì đó cũng là thứ bản năng vốn sinh ra đã hái lượm.
Hôm qua, thấy một số bài báo “hôi nhãn dã man” đã bị gỡ, thay vào đó, nhiều tờ báo viết lại vụ việc và khẳng định chẳng có người dân nào man rợ hay dã man cả. 
Vậy thì ai man rợ, ai dã man?
Tom Plate- một nhà báo trứ danh- viết trong “Lời tự thú của một nhà báo”, rằng, “Người làm báo hầu như chỉ có một điều duy nhất là ham muốn, ham muốn săm soi cuộc sống của người khác, gần như là để phá hỏng cuộc sống của họ dưới bất cứ hình thức nào, vô tình hay cố ý”. Hồi mới đọc, tui đã rất giận Tom về câu này, giờ thì không giận mà buồn.
*
Anh em trong một gia đình, bạn bè học chung một lớp…có gốc gác và được giáo dục như nhau nhưng vẫn có người tử tế, người không tử tế, huống chi là một xã hội. Một vùng đất sinh ra Bác Giáp nhưng cũng sinh ra ông Diệm. Một vùng đất có thể người theo bên này người theo bên kia. Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh người Quảng Bọ có công mở cõi về phương Nam nhưng khối thằng Quảng Bọ đi theo sau này làm việt gian bán nước, âu cũng là lẽ thường tình của cuộc đời.
Vậy thì các bạn (nhất là đồng nghiệp) đã gửi đường link kèm lời nhắn “hôi nhãn dã man” cho tui mấy ngày qua hãy gửi lại đường link “không hôi nhãn dã man” cho tui với, thế mới công bằng chơ?
*
Ngay cả người dân Quảng Bọ nhà tui có hôi nhãn tui cũng thấy không đến nỗi phải dùng từ man rợ hay dã man, nhưng sao ta không xót xa suy ngẫm cho thế thái nhân tình mà (một số- như những người dẫn đường link gửi email và nhắn tin cho tui) hỉ hả vì điều đó?
Ít nhất là dã man với tui!
Thấy gì trong clip tố “hôi của” ở Quảng Bình?
Hôi của không thể gọi là “bốc vác” và có sự chỉ đạo của nhà xe.
Video clip do Công ty Bích Thị cung cấp được cho là nhằm chứng minh có tình trạng hôi của sau khi xe chở container hàng của công ty này bị lật ở huyện vùng cao Minh Hóa, một sự việc đang diễn ra hai luồng dư luận và hai tuyến bài phản ánh khác nhau: có và không.
Theo tin từ các báo trước đó, phía đại diện nhà xe từng cam kết không khiếu nại gì (đã ký vào biên bản), nhưng theo thông tin trên các báo mạng mới nhất, công ty này lại có đơn đề nghị công an Quảng Bình làm rõ. Đó là điều cần thiết.
Clip cho thấy không có “hôi của man rợ”
Để có một cái nhìn khách quan, chúng tôi đã xem đi, xem lại rất nhiều lần clip này, và thấy:
Thứ nhất, có khá nhiều người đến vị trí chiếc xe đổ và đang dọn nhãn. Không có cảnh tranh giành, họ lấy những thùng nhãn và chất vào một vị trí nào đó. Một số người ôm thùng nhãn đi lên phía trên (vực) rồi chạy xuống tiếp tục dọn.
Thứ hai, có tiếng người chỉ đạo: “quay, quay đoạn này”, tức là người quay clip rất chủ động và người dân cũng thấy chuyện quay đó bình thường.
Trong clip có tiếng hai người đàn ông nổi bật, một người nói giọng miền Bắc, một người nói giọng  địa phương.
Người nói giọng Bắc(có lẽ là người nhà xe):
- …Quay chỗ này….Thấy chưa, quay cái pò- xẹt (không rõ lắm) này cho tui.
Người đàn ông nói giọng địa phương nói với mọi người:
-Nhưng mà moi moi cái này coi chừng nó lật xuống là không ai chịu mô nà. Cái này này. Nó rơi xuống là úp, nó võng đó.
Người nói giọng Bắc:
- Dưới này khỏi lấy, lấy ác không bán được đấy chứ; trên này nhìn nó thương.
Người nói giọng Bắc tiếp:
-Coi người ta bốc vác lên trên, đó. Quay lên trên, quay lên trên.
Có thể thấy, mọi người trong clip đều rất bình tĩnh với công việc của mình. Một công việc có người chỉ đạo nên mới gọi là “bốc vác” (trong câu bốc vác lên trên). Còn nhắc mọi người coi chừng chiếc xe võng bị lật. Người chỉ đạo quay clip bảo “quay lên trên”, tức là chủ động ghi hình hàng hóa. Người nhà xe (giọng Bắc) còn nói “Dưới này khỏi lấy, lấy ác không bán được đấy chứ; trên này nhìn nó thương”. Có thể thấy người nhà xe đã làm chủ động điều hành công việc ở hiện trường, tính toán được lấy phần nhãn nào thì bán được, phần nào thì không.
Nếu là hôi của, chắc sẽ có sự tranh giành, ít nhất là vội vàng, đằng này thấy họ rất bình thản; cũng chẳng có tiếng cãi cọ, hay la lối, phàn nhàn của người nhà xe.
Vậy thì clip này không nói lên được đây là vụ “hôi của man rợ” được.
Vấn đề là, công ty còn có đoạn clip nào khác không?
Cần làm sáng tỏ
Ngoài những vấn đề báo chí đã nêu qua hai tuyến bài trái ngược, một số vấn đề khác, theo tôi, cũng nên được xem xét: Chiếc xe container của Công ty Bích Thị có thể chở 18 tấn nhãn (vì nhãn nhẹ nên khối lượng lớn) hay còn chở hàng gì; giá có đến 1,3 tỉ đồng không (cái này xem vận đơn qua cửa khẩu sẽ biết), vì như vậy, giá mua 1kg nhãn Thái lên đến 72.000 đồng, trong khi thị trường hiện nay nhãn này bán sỉ ở TP HCM 25.000 đ/ kg (xe này chở 18 tấn tính ra khoảng 450 triệu đồng. Xem xét vấn đề này, ngoài những chuyện liên quan đến các vấn đề khác không thuộc phạm vi các bài báo đặt ra, nếu xe chở đủ 2.000 thùng nhãn (như công ty cho biết) thì việc điều tra chuyện tẩu tán số nhãn này (nếu có) là không khó.
Clip của Công ty Bích Thị cung cấp còn đó, những người có mặt tròn clip còn đó, việc làm ra để khẳng định một sự thực là điều không khó và nên làm. Danh dự của con người và một vùng đất cũng rất quan trọng và khuyết điểm của họ cũng cần nói ra và rút kinh nghiệm nghiêm túc và đúng mức.
 *

Làm báo cốt nhất 3 điều: Chân thật, chân phương và chân lý.

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Nguyễn Quang Lập và "Đại Nam bịa, tạp nham biên"

Hồi trước còn blog 360, Nguyễn Quang Lập thông báo sẽ viết Đại Nam bịa ký tạp nham biên, mới nghe đã thấy hay rồi. Lập viết tài, thật như bịa, bịa như thật, đang đọc phải bật cười khùng khục, đọc xong chảy nước mắt sống. Tui hay làm nhân vật bất đắc dĩ trong bài viết của hắn, đôi lúc tức điên nhưng mà chẳng nói gì được. Ví dụ hắn nói, “nếu mình có đôi mắt đục đục, lành lạnh như thằng Thịnh thì có ba ngàn đứa con gái chết với mình, thằng Thịnh được cái nghiêm túc, chắc chưa đến vài trăm”. Đại để thế.
*
Nói chuyện sách mới nhớ hồi Lập viết Những mảnh đời đen trắng. Phòng tôi cạnh phòng Lập ở Huế nên viết xong chương nào Lập cũng cho tôi đọc. Lập viết bút bi trên giấy kẻ ngang. Lâu lâu không thấy đưa, lại sang hỏi, có đoạn nào mới không?
Khi mang in, người sắp chữ ở nhà in (hồi đó in ti-po) vừa sắp vừa cười khùng khục; công nhân nhà in thì lượm từng tay in thử giấu vào áo để về đọc và cho bạn bè đọc chơi. Sách nổi tiếng từ khi chưa phát hành. Lạ!
Sách in ra, mọi người tung hô Lập muôn năm, Lập thiên tài, Lập số 1, Lập là tất cả văn chương Việt Nam...Tôi chơi với Lập nên được vinh quang lây. Thấy mình cũng là số...2. Hi hi...
Bẳng đi ít lâu, tách tỉnh, cũng chính bọn từng tung hô Lập tổ chức hội thảo, đánh Những mảnh đời đen trắng te tua, không thấy trắng đâu chỉ có đen tuyền. Hồi đó tôi làm thư ký tòa soạn, lãnh đạo tỉnh cho gọi tôi, bảo Hội VHNT kiện, bắt tôi phải viết tường trình vì sao không tường thuật hội thảo. Tổng biên tập của tôi hồi đó là anh Đỗ Quý Doãn, nói một câu nhẹ bâng: Tôi không cho đăng chơ không phải hắn mô! Ha ha, thoát nạn!
*
Nhớ hôm TV tường thuật trực tiếp lễ trao giải Cánh Diều Vàng cho phim Đời Cát (Kich bản Nguyễn Quang Lập, Đạo diễn Thanh Vân), mấy cha ở tỉnh từng chủ trì hội thảo đánh Những mảnh đời đen trắng (hôm đó có họp hành chi đó) ngồi xem chung ở Hội VHNT reo lên: Lập mềng đó, Lập mềng đó; phim nớ hắn viết về quê mềng đó....Thằng tài, thằng tài, đi đâu cũng tài, cát cả đống mà nó viết có tí đã thành vàng, tài tài...
Tôi thủng thẳng: Cái thằng ni thâm thiệt, hắn nói xấu quê mềng (thực ra bối cảnh là Quảng Trị), nói xấu cán bộ như rứa là cùng, cán bộ tập kết, bỏ vợ già ở nhà, lấy thêm vợ trẻ, rồi về sống cùng lúc hai vợ, cả Mai Hoa lẫn Hồng Ánh, vi phạm luật hôn nhân...Bậy thiệt, bậy thiệt...
Mấy cha nghe nói trợn tròn mắt, lát sau như ngộ ra, à lên: Ừ, có chuyện đó à, bậy thiệt à nghe. Cái thằng này, chứng nào tật ấy...(Thực ra cả bọn đã xem phim mô mà biết).
Ha ha... Chết mi chưa Lập!
*
Và như thế, ta khuyên mi Lập, mi định đặt tựa sách Đại Nam bịa ký tạp nham biên, có chữ ký vô đó nó bắt lý liền, dù trước chữ ký là chữ bịa, thôi mi đặt quách: Đại Nam bịa, tạp nham biên cho rồi, khỏi mất công chúng nó hội thảo mời tao về dự, tường thuật chuyện đánh mi, mệt lắm.
Hắn đọc xong, còm cho tui, “Entry ông làm tôi nhớ đến biết bao các gương mặt thân thiện và không hiếm các gương mặt giả cầy. Tôi nghe ông, bỏ chữ kí, tôi đang đọc tài liệu, ít lâu nữa mới trình làng "Đại Nam bịa, tạp nham biên”
*
Mà tao nhắc chuyện ni cho mi nhớ để mi viết cho xong "Đại Nam bịa, tạp nham biên" chứ mi ngồi làm blog chừng mô tao vả mồ hôi chừng đó. Nói thiệt với mi, tao nhát lắm mi nờ.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Rất nhớ ông Thanh

Cuộc đời ai cũng thế, có những người mà mình yêu thích và kính trọng, dù đôi khi ta chưa từng gặp họ. Đối với tui thì đó là ông Nguyễn Bá Thanh. Nhưng ông Thanh thì tui đã gặp rồi. Nói thiệt bụng là tui vô cùng ngưỡng mộ ông, đến mức ngưỡng mộ cả những gì có người nói không tốt về ông, vì tui không tin điều họ nói. Cái ni có thể gọi là cuồng. Cuồng thì không hay, nhưng mà thừa nhận tui cuồng.
Cuồng đến mức, tết này đi sắm đồ, thấy mấy tay bảo vệ bãi giữ xe cạnh Big C hung hăng như giang hồ, lại nhớ ông Thanh; về chợ Hàn thấy bảo vệ đá thúng, quẳng hoa mấy bà nông dân bán bên vỉa hè, lại nhớ ông Thanh; thấy mấy cụm hoa trên đường Bạch Đằng gọi là đường hoa nhưng lèo tèo lại nhớ ông Thanh; vô bệnh viện thăm người ốm phải đưa tiền gửi xe lại nhớ ông Thanh; thấy taxi tràn chiếm lòng đường cũng nhớ ông Thanh...Đành rằng, ông Thanh không phải làm những chuyện đó, nhưng không hiểu sao lại cứ nhớ ông. Lạ thế!
Nói thiệt là hôm mùng 2 tết, nhấc máy lên định điện cho ông, định đến thăm ông xí, nhưng không hiểu sao lại thôi. Bình thường tui cũng chẳng bao giờ điện cho ông, thỉnh thoảng gặp là do ông điện, bảo, ông làm chi đó, lên tán dóc chơi...Và tui gặp ông, ông nói đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện nào cũng có tứ thành một câu chuyện, câu nào ông nói cũng có thể "rút tít" được. Thú vị là thế.
Từ khi ổng ra Hà Nội tui chưa hề gặp lại, là do ổng không hề điện thoại rủ tán dóc chơi. Cũng biết ổng đâu rảnh để tán dóc với mình.
Con đường hoạn lộ không bằng phẳng của ông là đề tài được nhiều người nói đến, tôi thì không coi đó là thảm họa, vấn đề là ông vẫn là ông, vẫn làm những gì trong chừng mực có thể như tính cách của ông.
*
Xin những ai không ưa ông Thanh (hay tui) đừng ném đá status này, đây là ý kiến cá nhân tôi, không thích cũng nên tôn trọng, vì như tôi đã nói, tôi là người cuồng ổng. Nhớ hồi còn blog 360, có một bloger lập blog chỉ chuyên vạch chuyện xấu ông Thanh, một lần tui viết chi đó về ông, anh này comment bảo ông Thanh cho tôi rất nhiều đất. Tôi trả lời rằng, "Rất nhiều, chỉ có Hoàng Sa là tôi chưa có đất thôi!" Nói vui thế, chứ tôi mà có một tấc đất của TP cấp thì xác đã banh ra mà không cần nổ.
Nên để yêu ghét như một lẽ tự nhiên.

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Chia sẻ


Trước tết, tấm bảng xin lỗi của đơn vị thi công ở Đà Nẵng khiến cộng đồng mạng thích thú. Nhìn nó, đọc nó, thấy tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống và cứ nghĩ, giá như, mọi chuyện đều được chia sẻ một cách thân thiện thế này thì cuộc đời đẹp biết chừng nào.
*
Dịp tết, CSGT thường chặn hai đầu quán, cứ ai ra bắt thổi đo nồng độ cồn và phạt. Cũng đúng thôi. Nhưng nếu họ dán lên những chiếc xe vào quán tấm giấy "Bạn đã uống bia rượu, xin đừng lái xe"; "Hãy gọi 090..., chúng tôi sẽ cho người đưa bạn về nhà, bạn chỉ trả tiền như đi taxi"...Chắc mọi người sẽ thấy cảm tình hơn nhiều.
*
Sát tết, bà con nông dân mang hoa về vỉa hè TP bán. Mấy anh bảo vệ lật thúng, quăng hoa đầy đường kèm theo những lời mắng mỏ thô tục, không thương tiếc. Chiếm vỉa hè đương nhiên là sai, nhưng nhìn những người nông dân bằng tuổi mẹ mình bị mắng mỏ, thấy lòng nao nao. Ngày trước, mạ tôi cũng mang rau củ vườn nhà đi bán như thế để nuôi anh em tôi ăn học, mạ cũng nhiều lần bị mắng, mạ đã cắn răng lại vì lũ chúng tôi.
"Bác ơi, bác ngồi lùi vào để lối cho người khác đi. Bác ngồi lùi vào giùm con bác nha...". Câu này sao ta không thể nói ra?
*
Đằng sau mỗi con người là một gia đình với đầy đủ thân phận của họ. Hãy thấu hiểu và chia sẻ, cuộc đời sẽ đáng sống hơn.
Là mình nghĩ thế!

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

"Hãy lấy phần của mình, không thừa, không thiếu!"

Hôm qua, coi bộ phim trên Star Movies có tựa The Marine, hơi bạo lực nhưng mình thấy thích.
1. HÃY LẤY ĐỦ PHẦN MÌNH
Câu chuyện kể về một người xuất phát từ tầng lớp trung lưu thành lập một nhóm cướp và khủng bố; nhóm này cho rằng xã hội không công bằng, người thuê nhà đóng thuế quá cao trong lúc thu nhập thấp khiến nhiều người phải ra đường. Trong lúc, các ông chủ nhân hàng thu nhà rồi bán giá cao gấp 10 lần người bỏ tiền xây ra nó. Họ bảo đây là hành động cướp cạn.
Nhóm này đột nhập vào ngân hàng, khống chế ông chủ, bảo thu ngân mang hết tiền ra rồi nói với tay chủ, ông hãy lấy phần của mình, không thừa, không thiếu. Nói xong thì đổ xăng châm lửa đốt hết tiền (nhóm cướp không lấy một đồng).
2. GIẾT BAO NHIÊU THÌ ĐƯỢC LÊN TRUYỀN HÌNH?
Thủ lĩnh nhóm này bảo, nếu cướp, đốt tiền một ngân hàng địa phương may ra mới được lên tờ báo địa phương; giết 2 tay chủ ngân hàng may ra mới được lên kênh truyền hình vớ vẩn; giết 12 chủ ngân hàng may ra mới lên kênh Fox hoặc CNN...không ăn thua, nên lập kế hoạch tấn công trung tâm thương mại lớn nhất nước với hy vọng đánh động được xã hội về "mấy tay chủ ngân hàng cướp cạn, làm suy thoái xã hội". Tất nhiên, âm mưu này bị phá bởi một trung sĩ thủy quân lục chiến về phép.
3. LẤY TIỀN DỄ NHƯ LẤY ĐỒ TRONG TÚI
Vụ án Huyền Như đang phần tranh tụng. Cô này lấy 4.000 tỷ. Rồi vụ Bầu Kiên đang điều tra lại, lấy hàng trăm tỷ, đây như gần nghìn tỷ. Tiền nghìn tỷ, trăm tỷ mà lấy dễ như thò tay lấy chìa khóa trong túi.
Vậy các ông chủ ngân hàng lấy tiền đâu ra? Chắc chắn không phải lấy từ quầy vàng mã? Thiệt hại thế mà ông nào cũng giàu có mới lạ.
4. BIẾU PHONG BÌ LÀ...QUÊ!
Tiền nghìn tỷ, trăm tỷ lấy dễ thế, hèn chi có chuyện, một tay đàn em mang đến một phong bì dày cộm biếu quan, con quan mới đi học lớp 11 đã phán: Chú này quê quá, thời buổi này mà còn mang phong bì, mang xanh- xô- nai (samsonie) đã là quá lắm, người ta xách vali cả rồi!
5. LỜI KHUYÊN CỦA TƯỚNG CƯỚP
Mình rất thích câu nói của tay thủ lĩnh: "Hãy lấy phần mình, không thừa, không thiếu!"

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

U19 làm hơn nghìn ông tuyên giáo!

Câu này tôi lấy ý của ông Nguyễn Khoa Điềm lúc đương là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ phát biểu trong hội nghị tổng kết tổ chức tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng (tôi không nhớ chính xác năm).
Ông nói đại ý, khi Văn Quyến ghi bàn thắng đưa VN lên ngôi vô địch, cảm giác sung sướng vỡ òa, hào khí dân tộc dâng cao trong lòng triệu triệu người VN. Lúc đó anh này có thể không ý thức được việc mình làm, nhưng theo tôi- ông Điềm nói- anh ta đã làm việc hiệu quả hơn mấy nghìn ông tuyên giáo. Rồi ông nói thêm, đại ý, thời điểm đó, vận nước ta đang vượng.
Hôm qua xem U19 đá, tôi không phải AQ để tự sướng "mặc dầu thua nhưng thua đẹp", nhưng thực sự tôi có cảm giác rất đặc biệt, cảm giác đã không đóng băng từ lâu. Có lẽ hàng triệu người VN cũng có cảm giác như tôi: tự hào về một lứa cầu thủ trẻ trong sáng, hồn nhiên và tự tin. Nhìn không khí ở sân vận động và các điểm xem bóng đá qua màn hình, tự nhiên tôi muốn nói, vận nước ta sắp vượng!
Thực sự, cá nhân tôi, một người hâm mộ bóng đá, muốn nói lời cám ơn ông Đoàn Nguyên Đức. Nếu ví U19 hôm qua đã làm thay cho nghìn ông tuyên giáo, thì ông Đoàn Nguyên Đức là trùm của nghìn ông đó!
Lại nghĩ: Đất nước 100 triệu dân, mỗi người đóng góp 10 nghìn đồng thì chúng ta có thể mở được một học viện bóng đá đàng hoàng để vài năm sau không còn lăn tăn sợ sệt bóng đá các nước trong khu vực.
Lại nghĩ: VFF nên thương lượng với ông Đoàn Nguyên Đức, để U19 thành đội tuyển quốc gia tham dự SEAGEM kỳ tới, được cọ xát hai kỳ đến khi họ đúng lứa tuổi U23, tôi tin họ sẽ làm nên chuyện mà lâu nay chúng ta kỳ vọng.
Vấn đề là VFF, Bộ VH-TT dẹp tự ái, đừng nghĩ rằng, làm thế hóa ra bảo thằng Đức giỏi hơn chúng tao à?