Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Bố ơi, đừng… hy sinh kiểu đó!

Thanh Niên số ra ngày hôm qua, 6.8, có bài Không để tham nhũng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”- đó là một trong những ý kiến của các chuyên gia khi trả lời Thanh Niên về nỗ lực phòng chống tham nhũng.

Clarence Budington Kelland  từng viết: "Cha không nói với tôi phải sống như thế nào, cha sống và để tôi chứng kiến điều đó". Nếu cha hy sinh đúng nghĩa cao đẹp của từ này, nghĩa là cuộc đời cha chịu nhiều thiệt thòi để phấn đấu cho gia đình có cuộc sống hạnh phúc và qua đó, đóng góp tích cực cho xã hội thì đó là tấm gương để các con soi vào và noi theo.  

“Hy sinh đời bố” theo cách nói ở trên thì hoàn toàn ngược lại. Có thể hiểu nôm na rằng, người cha (mẹ) này, bất chấp tất cả, bằng mọi thủ đoạn, làm sao vun vén cho cuộc sống cá nhân và gia đình ông ta, bà ta, mà trong thâm tâm họ xác định có vi phạm pháp luật, có trả giá thì họ vẫn chấp nhận để con họ được sung sướng hơn người khác.

Làm cha, làm mẹ, rốt cục ai cũng vì con cái, nhưng vì theo cách nàylà một quan niệm hết sức sai lầm.

Trong thực tế, ai cũng có thể nhìn thấy, nhiều gia đình mà bố mẹ có một chút chức quyền thì con cái họ được “hầu hạ” không khác gì công tử, tiểu thư. Ngay từ thuở thiếu thời đã “lên xe xuống ngựa”, chỉ cần mở miệng nói chưa hết câu đã có người đáp ứng. Thậm chí đi học thì điểm cũng đã có người khác lo cho. Vậy thì các em đó còn động lực nào để học hành, chưa nói là phấn đấu?

Sống trong một ngôi nhà mà hàng ngày chứng kiến những người khác xu nịnh, quà cáp ngập tràn, phong bì phong bao không cần giấu diếm, mỗi khi thấy chuyện gì cũng quá dễ, thậm chí cả chuyện kiếm tiền, các cháu có thể nghĩ, mọi điều thầy cô dạy ở trường có vẻ như không đúng.
Làm sao các cháu có thể tưởng tượng ra một gia đình bạn nào đó thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tiền mua sách vở? Vì tiền người ta tự mang đến cơ mà?

Khi cuộc đời không còn gì để mơ ước, để phấn đấu, thì các cháu sẽ làm gì? Chắc không còn gì khác ngoài việc ăn chơi, hưởng thụ.
Đó là nói chung, còn thì, phải công bằng mà nói, nhiều gia đình quan chức cũng tiết chế được, cũng không để con biết nhiều chuyện: nhiều bạn trẻ cũng có bản lĩnh để tự “vượt giàu học giỏi”, nhưng không nhiều lắm.

“Cái kim trong túi cũng có ngày lòi ra”, sự “hy sinh” bằng tham nhũng, cho dù có thể không hoặc chưa bị phát hiện, chưa bị pháp luật trừng trị nhưng nó vẫn hiện diện đâu đó không khó để nhận ra.  Mỗi khi cái tâm không sáng thì hành động sẽ bất minh và tự nó đã chế ngự cuộc sống của mỗi người.

Thực tế cũng thấy, nhiều gia đình, bố mẹ miệt mài đâu tranh cho cái ghế, cho tiền bạc, ngoảnh lại đã thấy con hư mất rồi. Vậy thì “hy sinh” để làm gì?

Hãy nghĩ, một ngày nào đó, bố mẹ bị tai tiếng, con họ đi học sẽ nghe bạn bè hỏi: “Bố (mẹ) mày sao thế?”, rồi mở tờ báo hay điện thoại ra, lúc đó các em có chịu nỗi không?

Cuộc đời của mỗi con người luôn có hình bóng mẹ. Mẹ là bóng mát chở che cho con từ bước đi chập chững cho đến cả lúc về già. Nhưng cha là người mà con luôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Người cha luôn ở bên con, đỡ con mỗi khi con vấp ngã. Người cha thực thụ có thể giàu, có thể nghèo, nhưng luôn dạy cho con những điều chính trực. Cuộc sống không có gì thanh thản hơn khi mình chính trực. Nghèo có thể cần mẫn làm việc để sống nhưng mất đi sự chính trực là mất đi tất cả vì bản thân mình đã tự lừa dối mình rồi.

Có những người cha đầu tắt mặt tối, có những người cha thậm chí không được đi học, nhưng gia đình và con cái vẫn hạnh phúc, đó là dù “cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu thương các con theo cách hoàn hảo nhất”.
Những người cha đó, mỗi khi nhắc đến, con cái có thể ưỡn ngực ra mà nói rằng: Cha tôi đó!

Vậy thì, tham nhũng không thể gọi là hy sinh trong bất luận trường hợp nào. Và “Bố ơi, đừng… hy sinh kiểu đó!”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét