Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

BÀI BÁO ĐÁNG NHỚ và ĐÁNG SỢ

Năm 1997, khi chuyển từ báo Quảng Bình sang báo Thanh Niên, ra làm việc tại Tòa soạn Hà Nội, mình được anh Nguyễn Quốc Phong, Phó tổng biên tập giao viết bài về chuyện nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô.

Trịnh Văn Bô là một thương nhân Việt Nam giàu có bậc nhất Hà Thành giữa thế kỷ 20. Ông là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ.

Nhà riêng của ông tại số 48 phố Hàng Ngang quận Hoàn Kiếm Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám là nơi Hồ Chí Minh ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, và là nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mọi hoạt động của Chính phủ lúc bấy giờ phần lớn dựa vào tài chính của gia đình ông. PPng cũng là người đưa vàng cho Bác Hồ mua lại kho vũ khí của Nhật. Sau này, nhiều ngôi nhà của ông ở quận Hoàn Kiếm đưa cho nhà nước sử dụng. 
*
Tháng 10/1987, cố vấn Trường Chinh mời ông Trịnh Văn Bô và vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.
Hai ông bà ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm (1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả.
Năm 1986, tướng Hoàng Văn Thái mất, Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh cao cấp tại Liễu Giai rất rộng rãi, khang trang. Gia đình tướng Hoàng Văn Thái được chuyển về Liễu Giai.
Ngày 1/6/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô. Ngày 10/7/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho bà Bô.
Nhưng mãi đến năm 1993, gia đình bà Bô vẫn chưa nhận được nhà.
Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Hồ (lúc đó ông Bô đã mất).

Việc trả nhà lại cho gia đình ông Trịnh Văn Bô được Báo Nhân Dân đăng rất trang trọng trên trang nhất.
Thế nhưng xà quần xà quần mãi người ta vẫn không trả nhà cho gia đình ông bà với vô số lý do vô lối.
*
Một tuần sau khi Thanh Niên đăng bài viết của mình, anh Nguyễn Công Thắng, Trưởng ban Bạn đọc Báo Thanh Niên điện thoại (bàn) cho mình nói rằng, trong thời gian làm bạn đọc khá lâu của anh, chưa có bài báo nào được bạn đọc quan tâm, ủng hộ như bài viết của Nguyễn Thế Thịnh. Tòa soạn đã nhận được 19,2 kg thư!
*
Lúc đó mình thấy lạ, không sao lý giải nỗi, một gia đình cống hiến cho cách mạng như thế mà đến một cái nhà cũng không trả lại cho người ta.
Lạ hơn nữa là sau bài viết đó, sếp mình, anh Quốc Phong nhận được điện thoại yêu cầu không được nói về vấn đề đó nữa.

Mãi sau đó nhiều năm, năm 2003, gia đình bà Bô mới lấy lại được nhà với tình tiết ly kỳ như… phim.
*
Nhân ngày Báo chí, đọc lại bài báo đó, mới nghĩ và phục các sếp mình, trực tiếp là anh Quốc Phong.
Sau nữa mình cũng…. phục mình. Thời còn trẻ, máu me nghề nghiệp. Dù nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người xưng danh này nọ nói rất rõ ràng: “Mày im cái mồm lại, tao cho chén rượu là xong!” nhưng có vẻ mình chẳng sợ.


Giờ mà thế, có lẽ mình phải tính. Già rồi thường lấy an toàn làm trọng nên mình không thích người già là vì thế. Hehe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét