Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Thích và chia sẻ

Ngày 28.7, TNO có bài viết Sao lại tiếp tay cho trò đùa nhảm nhí trên Facebook? phản ánh chuyện một người đưa lên facebook của mình thông tin ở Công viên 29.3 Đà Nẵng tổ chức một lễ hội sờ ngực (chủ trang dùng từ trần trụi hơn) kéo dài 15 ngày, ai bỏ ra 50 nghìn sẽ được sờ ngực các cô gái trẻ từ 16 đến 22 tuổi.  Số tiền thu được sẽ ủng hộ cho người khuyết tật.

Ngày 31.7, Công an Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng cho hay đã ra quyết định xử phạt người tung tin lễ hội sờ ngực 5 triệu đồng.

Người bị xử phạt là N.K.Anh (30 tuổi, ngụ H.Đô Lương, Nghệ An), chủ Facebook nói trên, hiện là chủ một cửa hàng mua bán, sửa chữa máy tính cũ trên đường Hàm Nghi, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.

Điều đáng nói ở đây là, ngay khi đọc, chắc chắn ai cũng biết không ai đi tổ chức một lễ hội như thế cả, điều bịa đặt này không chỉ làm ảnh hưởng đến TP Đà Nẵng mà cả những cô gái, cả những người khuyết tật. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng ngàn lượt người bấm núy thíchchia sẻ. Hơn thế, rất nhiều người có lời bình luận cợt nhã hoặc đùa nhưng dung tục, thô thiển…

Người viết bài này thực sự không hiểu người ta thích cái gì ở đó và vì sao họ lại chia sẻ hoặc rủ rê bạn mình vào đọc nhiều như thế?

Tiếp tay cho một trò đùa nhảm nhí, vô văn hóa thì người tiếp tay là gì?

Nhiều người bấm thíchchia sẻ, đặc biệt là nút thích (like) như một thói quen vô thức. Vì thế cộng đồng mạng mới có từ “like dạo” (dạo một vòng và bấm like).

*

Còn nhớ cuối năm trước, trên tài khoản Facebook có tên Nguyễn Liên đăng một bức ảnh chụp cảnh một người đàn ông đang ôm một người phụ nữ, kèm theo lời dẫn: “Người ta gọi đây là những tên dâm quan, đây là hình ảnh một trong 21 cô giáo được chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh và Phòng giáo dục thị xã điều đi tiếp khách là quan chức Hà Tĩnh. Các bạn xem hình ảnh quan chức đang ép cô giáo trong buổi tiếp khách mà trưởng phòng giáo dục thị xã nói là bình thường...".
Lập tức, thông tin này đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận, tạo nên một làn sóng trong cộng đồng mạng xã hội.

Tuy nhiên, sau đó một số người tìm ra nhân vật trong ảnh là một quan chức và cô gái là tiếp viên đều ở Trung Quốc và chủ Facebook nói trên bị phạt 10 triệu đồng.

Câu chuyện này lại nói lên một khía cạnh khác của người sử dụng mạng xã hội. Đầu tiên là người đưa thông tin nói trên. Không biết vì động cơ gì nhưng ông ta không lường hết hậu quả xã hội của nó. Chỉ vì thông tin này mà cộng đồng mạng bức xúc (mà nếu sự việc là thật thì quá bức xúc), từ đó có nhiều bình luận không hay ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành giáo dục.

Điều đáng trách là, trước một sự việc có thể nói không ngoa là “tày trời” đó, ít ai đặt câu hỏi ngược lại mà chỉ bấm nút thíchchia sẻ.
Rất may mắn là có vài người lấy bức ảnh đó đưa vào Google tìm kiếm vụ việc mới được làm sáng tỏ.
*
Chưa nói đến chuyện nhiều người chơi Facebook chủ ý đưa lên trang cá nhân để bôi nhọ người khác, thì nhiều người tung tin giả mạo chỉ để câu view, câu like… (như chuyện tung tin máy bay rơi, bịa chuyện bắt cóc trẻ em… vừa rồi) là những người thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với thế hệ trẻ và với cả nền văn hóa của một Quốc gia.

Vì thế người chơi Facebook (hay các mạng xã hội khác) trước khi đưa con trỏ vào nút thích hoặc chia sẻ, hãy dừng lại, chậm hơn một tí để nghĩ lại một tí… Việc dừng lại đó không tốn bao nhiêu thời gian nhưng như là một thói quen để tự răn mình, đó cũng là thể hiện văn hóa của mình, trách nhiệm của mình trước cộng đồng.

Người ta nói “văn là người”, anh viết về chuyện gì, quan điểm ra sao, ngôn ngữ, văn phong thế nào… thể hiện rất rõ con người anh. Anh có thể chửi bới, mạt sát hay tung hô điều này điều khác hoặc có vẻ “cao đàm khoát luận” ở một chỗ nào đó nhưng hệ thống lại, người ta vẫn nhận ra chân tướng của anh.

Bấm thích hay chia sẻ là thể hiện anh đồng quan điểm và muốn mọi người chia sẻ quan điểm đó với mình, nên nó cũng thế, là mình đã thể hiện ra cho bàn dân thiên hạ biết mình là ai cả đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét