Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Đề xuất quy trình cho sinh viên báo chí thực tập

NGUYỄN THẾ THỊNH
Nhà báo, giảng viên
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực tập là quảng thời gian vô cùng quan trong trong chương trình đào tạo báo chí- truyền thông. Bởi đây là thời gian hầu hết sinh viên mới thực sự bắt tay vào làm nghề. Nói hầu hết là vì trước đó, một số sinh viên đã cộng tác với các cơ quan báo chí.
Hiện nay, các trường có đào tạo báo chí phân bổ thời gian thực tập có khác nhau. Ví dụ, Khoa Báo chí- Truyền thông (BC-TT) Đại học Khoa học Huế phân thời gian thực tập làm hai năm (năm thứ 3 và năm thứ 4), mỗi năm một tháng, trong lúc Khoa BC-TT Đại học KHXH và NV Quốc gia TP. HCM thì thực tập 3 tháng vào năm cuối.
Việc bố trí thời gian thực tập, việc chọn cơ quan báo chí thực tập là việc rất quan trọng, có tác động rất lớn đến sinh viên về cả hai khía cạnh: sự yêu nghề và hướng lựa chọn chuyên nghành khi ra làm việc. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nó chưa được chú ý đầu tư thỏa đáng.
Vì thế, tham luận này xin đề xuất một quy trình cho sinh viên báo chí thực tập có hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng đã nêu ra ở trên.
               II. THỰC TRẠNG CỦA SINH VIÊN THỰC TẬP
2.1. Coi thời gian thực tập là chuyến… du lịch.
Là một người làm công tác quản lý ở khu vực của một tờ báo, trong nhiều năm, chúng tôi nhận khá nhiều sinh viên thực tập của các trường đại học trong cả nước.
(*) Dự án nâng cao năng lực báo chí VN của Bộ TT-TT và Đại sứ quán Thụy Điển.

Theo khảo sát, sinh viên các khóa cách đây 5 năm về trước của các trường, nhiều sinh viên có tinh thần học hỏi, đam mê nghề nghiệp hơn là các khóa sau đó. Điều này chúng tôi chưa lý giải được vì sao nhưng thực tế diễn ra là thế.
Nếu các khóa trước, chúng tôi nhận nhiều sinh viên (có đợt 11 sinh viên một khóa về thực tập cùng lúc) và tất cả đều vượt chỉ tiêu tin, bài, hơn thế, số nhuận bút mà mỗi sinh viên thu nhập được có thể cải thiện đáng kể đời sống. Hầu hết các sinh viên này đều có tính kỷ luật cao, có sự cầu tiến và niềm đam mê nghề nghiệp, có sự thi đua với nhau… Thời gian thực tập các sinh viên đến cơ quan thường xuyên và sinh hoạt như một phóng viên.
Thế nhưng, những khóa sau đó mức độ giảm dần. Nhiều sinh viên thực tập chỉ đến trình giấy với cơ quan xong thì vắng mặt dài ngày. Mãi cho đến khi kết thúc mới quay trở lại xin xác nhận theo quy định của trường.
Theo dõi trên facebook của các sinh viên này, thấy họ kết thành nhóm để phượt. Họ đã biến đợt thực tập thành chuyến du lịch chứ không phải thời gian học nghề.
2.2. Lựa chọn cơ quan thực tập không phù hợp.
Nhiều sinh viên thực tập, do mối quan hệ cá nhân hoặc theo cảm tính, xin thực tập ở các cơ quan là các tờ báo lớn hay các đài truyền hình cốt để cho… sang hoặc theo nhóm bạn thân quen mà không căn cứ vào điều kiện và năng lực của mình.
Ví dụ, sinh viên quê ở các tỉnh phía Bắc chọn thực tập ở Đà Nẵng hoặc các tỉnh phía Nam. Điều này hết sức bất lợi vì trong thời gian ngắn đó, sinh viên chưa thuộc đường đi chứ đứng nói đến chuyện thiết lập quan hệ.
Nếu thực tập ở các tờ báo lớn, có đội ngũ phóng viên hùng hậu và chuyên nghiệp, sinh viên sẽ rất khó cạnh tranh tin tức, bài vở.
Các sinh viên quê ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… xin thực tập ở các đài truyền hình phía Nam hoặc phía Bắc sẽ rất khó hoàn thành công việc, đơn giản vì hiện nay, các đài truyền hình đào tạo phóng viên kiêm biên tập viên. Họ là người tác nghiệp vừa là người dẫn chương trình, trong lúc giọng nói đã khó được chấp nhận.
2.3 Các cơ quan báo chí không “mặn mà”.
Thực tế, có nhiều cơ quan báo chí nhận bao nhiêu sinh viên thực tập cũng được nhưng họ không mặn mà. Nói trắng ra là sinh viên cứ về thực tập, tự bơi lấy, viết được bài nào tốt thì đăng, không tốt thì bỏ, cũng không cần chỉ bảo, góp ý. Điều này cũng khó trách, vì họ bị áp lực về công việc, lo điều hành số phóng viên, biên tập viên của tòa soạn đã chiếm nhiều thời gian nên khó có thời gian giành cho sinh viên.
2.4. Không có nguồn tin.
Do các cơ quan báo chí đã bố trí phóng viên theo dõi các mảng và họ bị áp lực về định mức tin, bài nên rất khó để họ chia sẻ đề tài với sinh viên thực tập, trong lúc sinh viên- với vị trí thực tập- rất khó để kết nối, xây dựng nguồn tin. Hầu hết chỉ đi theo phóng viên hoặc nhờ họ chỉ cho một số tin tức vừa diễn mà họ không có thời gian để làm. Còn lại, sinh viên phải tự đi tìm hiểu, đó là điều khó nhất.
2.5. Từ khó khăn sinh ra “chống chế”
Nhiều sinh viên, để có kết quả, thường phải “xin” ghi tên kèm với phóng viên. Nhiều sinh viên khác (đặc biệt thực tập ở truyền hình), khi kết thúc, xin phóng viên sửa băng các tác phẩm ghi thêm tên mình. Đó là một sự chống chế có phần dối trá, rất không hay.
            III. SINH VIÊN THỰC TẬP Ở BÁO THANH NIÊN
3.1. Được quan tâm.
Hầu hết các sinh viên từ Khóa 33 trở về trước của Khoa BC-TT Đại học Khoa học Huế về thực tập ở Báo Thanh Niên sau khi ra trường đều có việc làm, một số đã thành cây bút chủ chốt ở các cơ quan truyền thông.
Phải nói một cách công bằng, thì, do tác giả tham luận này là sinh viên cũ lại có tham gia giảng dạy ở trường nên có chú ý hơn.
Có năm, trước đợt thực tập, vì biết sinh viên về nhiều nên cơ quan cho mua thêm máy tính để sinh viên đủ dùng. Hàng ngày, cho sinh viên giao ban, đăng ký, nhận đề tài. Cơ quan cử người theo dõi, giúp đỡ. Khi sinh viên nộp bài có sự thảo luận, trao đổi. Hàng tuần họp rút kinh nghiệm. Đi công tác, được cơ quan cho giấy giới thiệu là phóng viên.  Nói chung, thời gian sinh viên thực tập họ không khác gì một phóng viên.
3.2. Thành công nhờ sự đam mê và tính kỷ luật.
Sự quan tâm nói trên đã tác động rất lớn đến tâm lý, tạo cho sinh viên có niềm cảm hứng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức của mỗi người.
Như đã nói ở trên, từ K33 trở về trước, các sinh viên đều rấ có ý thức, tuyệt đại đa số tuân theo sự phân công của cơ quan. Trong trường hợp có việc riêng, sinh viên đều báo cáo, xin phép. Tóm lại là tính kỷ luật rất cao.
Điều quan trọng hơn là ý thức học hỏi để làm nghề.
“Học thầy không tày học bạn”, câu nói xưa rất đúng cho trường hợp làm nghề báo. Các học tốt nhất của người làm báo là học từ đồng nghiệp.
Nhờ cầu thị, ham học hỏi nên các sinh viên tiến bộ rất nhanh.
Đơn cử một việc: Khi 8 sinh viên K29 về thực tập một tháng thì cơ quan tổ chức đi du lịch ở Thái Lan (một nửa số người đi, một nửa ở nhà làm việc đi chuyến sau). Do sau đợt thực tập là nghỉ hè nên tôi (quản lý cơ quan) vận động các em ở lại văn phóng làm việc, một phần để học nghề, một phần để có thêm thu nhập. Khi đó tôi giao cho một sinh viên phụ trách nhóm, người này thay mặt các bạn kết nối với người trực văn phòng. Theo một cách hiểu nào đó, các em như là một phòng phóng viên.
Điều đáng mừng là sau 10 ngày trở về, số lượng tin, bài của sinh viên được đăng rất nhiều, dĩ nhiên là chất lượng tốt, được tòa soạn thấm định mới đăng. Thực sự đợt thực tập đã làm sinh viên lớn lên rất nhiều.
IV. ĐỀ XUẤT QUY TRÌNH CHO SINH VIÊN THỰC TẬP
Từ thực tế nêu trên, tôi xin mạnh dạn đề xuất một quy trình cho sinh viên thực tập.
4.1. Các trường nên tăng thời gian thực tập.
Do thời gian 1 tháng, sinh viên chưa kịp làm quen đường sá đi lại, không thể kết nối với các nguồn tin, sinh viên lại không thể cạnh tranh với phóng viên chính thức, vả lại, làm báo thiên về kỹ năng hơn là lý thuyết, vì thế, các trường nên nghiên cứu bố trí thời gian thực tập dài hơn (như Khoa BC-TT Đại học KHXH và NV Quốc gia TP. HCM). Tốt nhất, trong 4 năm học nên có 6 tháng thực tập chia làm 2 đợt (năm thứ ba và thứ tư).
4.2. Chọn cơ quan thực tập.
Nếu sinh viên lựa chọn hoặc giảng viên hướng dẫn chọn nơi thực tập cho sinh viên nên quan tâm đến hai yếu tố: Địa bàn và khả năng.
Như đã nói, địa bàn là chí ít để sinh viên quen đường đi và có mối quan hệ: khả năng là chọn cơ quan phù hợp với mình.
Hiện nay các báo đều có văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc hoặc phóng viên thường trú khắp các tỉnh thành, vì thế, năm đầu tiên, theo tôi, sinh viên nên chọn địa bàn quen thuộc và cơ quan báo chí vừa sức mình.
Nếu sinh viên chọn nơi xa lạ, cơ quan báo chí đòi hỏi chất lượng bài vở cao sẽ rất khó có tác phẩm được đăng. Nếu không được đăng hoặc ít được đăng thì sẽ gây ra cảm giác nản lòng, không có cảm hứng với nghề nghiệp. Trong lúc đó, sinh viên chọn tờ báo yêu cầu thấp hơn (như báo địa phương chẳng hạn) hoặc tờ báo mà khu vực đó ít hoặc chưa có phóng viên, tin bài sẽ được đăng nhiều hơn khiến mỗi người đều có động lực.
Nếu thành công ở lần thực tập đầu tiên, năm sau, sinh viên có thể thử sức mình ở địa bàn khác, tờ báo có yêu cầu cao hơn.
4.3. Cẩn thận khi viết công văn hoặc quyết định hay giấy giới thiệu.
Rất nhiều trường đã không chú ý đến vấn đề này. Từ những sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả là các cơ quan báo chí mất cảm tình với sinh viên. Có mấy lỗi thường xẩy ra:
-         Giấy giới thiệu không đóng dấu.
-         Ghi sai tên cơ quan hoặc chức vụ người quản lý. (Ví dụ ông Nguyễn Thế Thịnh, Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung chứ không phải trưởng đại diện hoặc trưởng Văn phòng Đà Nẵng…)
-         Quyết định cử sinh viên thực tập nên có câu: Được sự chấp thuận của Báo (Đài) nay quyết định cử sinh viên Nguyễn Kim B về thực tập… Trong các quyết định từ trước đến nay thường nhà trường đơn phương quyết định, điều đó không đúng vì trường không thể quyết định cử sinh viên về một cơ quan không thuộc sự quản lý của mình.
4.4. Không nên giao chỉ tiêu (định mức) tin, bài được đăng trong thời gian thực tập.
Thực tế, như đã nói ở trên, sinh viên thực tập khó lòng cạnh tranh với phóng viên lại lạ về địa bàn, chưa kết nối được nguồn tin, do vậy để được đăng tin bài là rất khó (hiện có báo mạng thì đỡ hơn). Nên giao định mức tin bài nhưng chỉ cần cơ quan báo chí nhận xét vào bài viết (có thể cho điểm vào bài viết) là được.
4.5. Nên để cơ quan nhận thực tập cho điểm sinh viên.
Như thế người hướng dẫn sinh viên và cả người quản lý có trách nhiệm hơn là nhận xét chung chung.
Cho điểm một sinh viên thực tập, ngoài chất lượng tin, bài còn bao gồm cả tính kỷ luật, tinh thần làm việc, sự học hỏi, khả năng tiến bộ… thì giảng viên khó sâu sát như cơ quan thực tập.
4.6. Xây dựng, duy trì mối liên kết với cơ quan báo chí.
Để sinh viên có nơi thực tập ổn định, Khoa và Nhà trường nên xây dựng và duy trì mối quan hệ với các cơ quan, không chỉ tình cảm mà phải có tính chuyên nghiệp.
-         Tổ chức kết nghĩa với các cơ quan báo chí để có những buổi giao lưu.
-         Mời những người quản lý và các nhà báo giỏi các cơ quan báo chí nói chuyện với sinh viên về các chuyên đề cụ thể. Các chuyên đề đó không cần cao siêu, ví dụ, làm một phóng viên báo (đài) tỉnh thì phải thế nào, quy trình vận hành của một cơ quan báo chí cụ thể chẳng hạn.
-         Cho sinh viên viết bản thu hoạch (không phải hình thức như báo cáo thực tập hiện nay), trong đó, sinh viên có quyền bày tỏ, nhận xét về cơ quan mình thực tập (điều hay và điều thấy chưa được, bao gồm cả chuyên môn và quy trình làm việc hoặc thái độ…)
-         Sau mỗi đợt sinh viên thực tập, giảng viên phụ trách nên có buổi làm việc với từng cơ quan để rút kinh nghiệm về tất cả những vấn đề liên quan.

- Gửi thư cám ơn đến các cơ quan báo chí. Tốt nhất là đến từng người hướng dẫn sinh viên ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét