Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Giữ Sơn Trà

Câu chuyện giữ bảo tồn và khai thác bán đảo Sơn Trà, một khu đa dạng sinh học nằm ở một quận của TP Đà Nẵng đang là vấn đề được công luận và dư luận quan tâm trong mấy tháng qua.
Quan tâm là vì, Sơn Trà là biểu tượng trong tâm thức của người Quảng Nam- Đà Nẵng, đối với người dân, đó không chỉ là một khu rừng nguyên sinh hiếm hoi mà còn là linh khí của một vùng đất.
Qua hai cuộc hội thảo cũng như nhiều cuộc họp bàn gần đây, mấu chốt là xử lý mâu thuẫn giữ bảo tồn và phát triển du lịch. Hầu hết đều nhất trí phải bảo tồn, gìn giữ Sơn Trà theo nguyên trạng. Vấn đề đặt ra nguyên trạng là nguyên trạng thế nào?
Nói thế là vì, ở Sơn Trà ngoài các dự án đã hoàn thành thì còn đến 18 dự án đã được cấp phép trước đây, có doanh nghiệp đã triển khai, có doanh nghiệp chưa triển khai dự án.
Doanh nghiệp đầu tư vào Sơn Trà đều có giấy tờ hợp pháp, họ hoàn toàn không có lỗi, nhưng bây giờ rà soát lại thấy nó không hợp lý, cần phải điều chỉnh mà thôi.
Chính phủ đã thấy vấn đề và có quan điểm chỉ đạo, sai thì phải sửa, chưa hợp lý thì điều chỉnh. TP cũng đang rà soát và xử lý theo hướng này.
Quan điểm của UNESCO cũng thể hiện, khai thác tài nguyên, phát triển du lịch phải cân đối. Phát triển trên cơ sở bảo tồn. Đó là một bài toán không dễ.
Muốn giải bài toán đó thì mấu chốt nằm ở hai phía.
Về phía chính quyền, nói như ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội: “Cái gì trái phép là phải dẹp, xử lý, thậm chí trừng trị nếu vi phạm nghiêm trọng. Cái gì hợp pháp mà nay không hợ lý nữa thì phải tìm giải pháp đáp ứng lợi ích của các bên. Thiệt hại thì bàn cách chia sẻ…”
Về phía nhà đầu tư, cũng theo ông Nghĩa: “Vận động doanh nghiệp vì tinh thần yêu nước, vì trách nhiệm xã hội, vì thương hiệu. Nếu có thiệt hại thì hy sinh phần nào đó cho Sơn Trà. Coi đó là vinh dự. Và nếu làm được thế thì tăng thêm lòng yêu mến của người dân đối với doanh nghiệp đó”.
Người viết bài này tâm đắc với phát biểu trên. Tuy thực tế thì không đơn giản.
Không đơn giản là vì, một số dự án đã được “mua đi bán lại” giá tăng lên hàng trăm tỷ so với giá ban đầu, doanh nghiệp khó dứt bỏ và TP cũng khó đền bù.
Điều này chỉ có thể giải quyết được khi doanh nghiệp thực sự có tâm với TP, với cộng đồng, phải hợp tác với TP, chia sẻ khó khăn trên tinh thần trung thực. Nếu chủ đầu tư nào chưa chuyển nhượng thì tiên phong xin rút. Nếu đã chuyển nhượng thì TP phải rà soát lại chuyển nhượng có đúng nguyên tắc hay không để tìm cách giải quyết bằng cách đền bù cho họ, chuyển dự án đến nơi khác.
Tóm lại thì cách gì cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải hy sinh. Vậy thì hãy coi đó như một sự hy sinh vì cộng đồng, nói rộng hơn là vì đất nước.
Hành động này không chỉ chúng ta tôn vinh hôm nay mà con cháu mai sau cùng vô cùng biết ơn. Nói không sợ ngoa ngôn là nó sẽ đi vào lịch sử!
*
 Nhìn rộng ra, vào đầu năm nay,thực hiện di nguyện của người chồng quá cố, vợ của triệu phú Mỹ Douglas Tompkins đã hiến cho Chính phủ Chile một diện tích đất rừng khổng lồ lên tới 407.625 ha (lớn gần 100 lần diện tích bán đảo Sơn Trà), để xây dựng vườn quốc gia.
Số đất rừng này vợ chồng ông Douglas Tompkins đã bỏ tiền ra mua để giữ cho được rừng nguyên sinh nơi đây và biến vùng đất rộng lớn này thành vùng bảo tồn sinh học.
Trước đó, vào tháng 12.2015, bà Kristine Tompkins cũng đã gặp Tổng thống Argentina Mauricio Macri để hiến 150.000 ha đất ở khu vực biên giới Argentina - Brazil nhằm thành lập khu bảo tồn quốc gia Ibera.
 “Như suy nghĩ của nhiều người, chúng tôi thấy rằng đa dạng sinh học và hệ sinh thái xung quanh đang bị hủy hoại. Vì thế chúng tôi phải bắt tay vào để bảo vệ môi trường. Nếu không, chúng ta có thể phải tạm biệt hành tinh xinh đẹp này”.

Hãy nghĩ về thông điệp của ông Douglas Tompkins.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét