Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

"Làng tỷ phú" cơm nắm muối vừng


"Ai cơm nắm muối vừng?"
Người phụ nữ bán cơm nắm muối vừng ở ngõ chợ Khâm Thiên có gương mặt thuần phác và tần tảo như những nhân vật phụ nữ trong chuyện của Thạch Lam. Chị xưng tên là Diệu, nhưng khi tôi ghi vào sổ tay chữ Diệu thì chị lắc đầu, tự tay sửa lại chữ Riệu, dù miệng vẫn phát âm là Diệu. Những người ở ngõ chợ này bảo rằng, chị chính xác như một cái đồng hồ điện tử. Mỗi sáng, mùa đông cũng như mùa hè, vào đúng giờ ấy, phút ấy... chị lại cất tiếng rao “Ai... cơm nắm muối vừng”. Và buổi trưa, đúng giờ ấy, phút ấy, tiếng rao ấy lại cất lên ở Bệnh viện K, đường Quán Sứ... Vừa cắt cơm nắm thành từng lát cho khách, mắt chị vừa quan sát, để rồi sau đó, chị cẩn thận nhặt tất cả những mẩu cơm khách ăn không hết, cẩn thận, gói lại, nhẹm vào thúng. Chị bảo hạt gạo là hạt ngọc của trời... Rồi chị lại cẩn thận vuốt thẳng từng đồng tiền mà chủ yếu là những tờ 500đ, 1.000đ... bỏ vào chiếc ví thẳng cứng.
Chị Riệu kể rằng, chị bán cơm nắm muối vừng từ 4 năm nay. “Ơn trời đã cho tôi biết cái nghề này - chị kể - có vất vả thật đấy nhưng thu nhập “được”. Con tôi mới vào đại học nửa năm rồi, vài năm nữa biết đâu nó cũng làm nghề “oai” như chú - mắt chị sáng lên - mà chú hỏi để viết báo à? Về Lạc Đạo mà viết. Cơm nắm này là của làng Lạc Đạo mà ra. Tôi ở Như Huỳnh lên Hưng Yên, lấy lại rồi đem lên Hà Nội bán”. “Có nhiều người bán như chị không?”. “Nhiều, phố nào, bệnh viện nào, chợ nào mà chẳng có. Họ đều lấy từ Lạc Đạo cả đấy. Chú không biết Lạc Đạo à? Để tôi chỉ cho, dễ lắm!”.
“Làng tỷ phú”
Người đàn ông bán tương Bần bên QL5 hồ hởi kể chuyện về làng Lạc Đạo mà ông gọi là “làng tỉ phú”. Thực ra, Lạc Đạo là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội chừng 20km. Ông bảo: “Xã ấy giàu lắm, bao nhiêu là nhà có xe ô tô riêng, cả nghìn xe máy, nhà nào cũng có điện thoại”. Tôi trố mắt, vẻ ngạc nhiên, ông tiếp: “Chú ca ngợi cái nghề tương Bần nhà tôi nhưng thu nhập không bằng dân cơm nắm muối vừng Lạc Đạo đâu”. Thực ra sau này tìm hiểu kỹ thì cả xã Lạc Đạo cũng có chục chiếc ô tô, 600 - 700 xe máy và xấp xỉ 300 chiếc máy điện thoại nhà riêng (chứ không phải cả nghìn và nhà nào cũng có như “ông tương Bần” nói). Nhưng, nhìn tổng thể bộ mặt làng xã thì còn nhiều điều mà “ông tương Bần” có kể cũng khó tưởng tượng ra. Người Hưng Yên không gọi xã Lạc Đạo là “làng tỉ phú” mà gọi là “xã anh cả” - anh cả trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Năm 2000 vừa qua, ước tính con số tổng thu nhập toàn xã đạt xấp xỉ con số 50 tỉ đồng. Bình quân thu nhập đầu người trên 4 triệu đồng. Nhà tầng liền dãy như phố xá. Tất nhiên, không chỉ từ mảnh đất làm sào ruộng khoán, cũng không hẳn chỉ do “cơm nắm muối vừng”, người Lạc Đạo năng động “mỗi lúc một nghề”, nhưng “cơm nắm muối vừng” lại chính là nghề làm nên sự đổi thay kì diệu ở quê hương này. Ai từng đến Lạc Đạo, nhìn cuộc sống ở đây rồi, hẳn cũng phải muốn gọi làng này bằng cái tên mà “ông tương Bần” đã gọi, dù thực tế chưa một ai trở thành tỉ phú.
Người khai sinh nghề "cơm nắm"
Bà Ẩm đã ngoại lục tuần vốn xưa chuyên bán xôi nén, giò chả trên tàu khách. Những năm 70, cuộc sống hầu hết khó khăn, bà phải tần tảo mỗi ngày trên tàu chợ Hà Nội - Hải Phòng để bán xôi cho mấy bà đi buôn chuyến. Có lần, một người buôn chuyến quen ăn xôi nén của bà lắc đầu: “Sao chị không bán cơm, ăn xôi mãi nóng cổ lắm!”. Không ngờ câu nói vu vơ đó lại làm bà Ẩm (lúc ấy là chị Ẩm) suy nghĩ rất lung. Chị thấy đúng. “Sao không phải cơm mà cứ phải là xôi?”.
Rồi chị quyết định nắm cơm lên tàu. Chẳng ngờ ăn xong, khách lắc đầu quầy quậy vì nắm cơm rời rạc như... cơm đùm. Lỗ chuyến ấy, nhưng chí đã quyết, chị Ẩm không chịu thua. Về nhà, rủ thêm chị Đảo, bạn cùng xóm, góp tiền mua đủ các loại gạo khác nhau, nấu theo nhiều cách khác nhau... cho đến khi thành nghề. Bà bảo, bây giờ thì dễ, cả Lạc Đạo ai cũng biết làm cơm nắm, nhưng lúc đó thì khó khăn lắm. Rồi bà cũng chẳng giấu nghề, kể rằng: Phải mua đúng gạo C70 hoặc Q4. Ngâm nước xát kỹ cho đến khi trắng xanh. Cơm sôi đảo đều, nhỏ lửa, cho sôi “rúc rích” cho đến khi sền sệt thì tắt lửa, ủ tro nóng quanh nồi. Không vội, vội là hỏng. Cơm chín đem ra nắm. Nắm cơm phải chắc. Cắt ra giữa ruột thấy “nhuyễn”. “Nhuyễn” nhưng không “nhão”. “Nhão” là có mùi cháo chứ không còn mùi cơm. Cơm nắm đúng độ, để lâu không sợ thiu.
"Liên hiệp các xí nghiệp"...cơm nắm
Gà gáy canh hai, ấy là khi dân Lạc Đạo thức dậy. Bên ngọn lửa bập bùng, mỗi nhà, từ trẻ con tới người lớn, cứ theo công việc mà làm. Người đãi gạo, thổi cơm; người rang, giã muối vừng (có cả muối lạc, ruốc bông, chả giò...); người nắm cơm... Cứ như vậy cho đến sáng, người mua, kẻ bán, mối nào theo mối ấy. Khi chuyến xe cuối cùng của xã chở bà con bán dạo cơm nắm muối vừng lên Hà Nội, tỏa về các ngõ phố... Lạc Đạo trở lại cuộc sống bình yên thường nhật. Mãi đến khuya (khoảng 21 giờ) người bán trở về điểm hẹn cùng lên xe trở về, chợp mắt cho đến canh hai... Cách đây hơn 20 năm, cả xã chỉ có bà Ẩm và bà Đảo làm nghề bán cơm nắm. Khi cách làm của bà Ẩm thành công, cũng chỉ có thôn Cầu, thôn Mụ và thôn Ngọc làm nghề này, mỗi đêm nấu chừng hơn tấn gạo. Bây giờ thì cả xã làm nghề, nhu cầu ngày càng lớn, người Lạc Đạo tự đi bán cũng nhiều mà người nhận cơm đi bán cũng lắm. Mỗi gia đình như một “xí nghiệp”, cả xã như “liên hiệp các xí nghiệp”... cơm nắm. Dễ mỗi đêm dăm bảy tấn gạo. Cái nghề tưởng quê kệch này lại giải quyết việc làm cho cả nghìn lao động trong xã và vùng phụ cận. Nghĩ cũng kỳ lại quá chừng.
Món ăn chân quê của người sành điệu
Thoạt đầu, mục tiêu của bà Ẩm là khách trên tàu, sau rồi phát triển “đối tượng” ra các ga tàu, bến xe, chợ búa, rồi vào bệnh viện... những nơi dân nghèo chỉ cần một nghìn đồng cơm nắm muối vừng là chắc dạ một bữa. Nay thì mọi ngõ ngách phố phường kinh kỳ đều có người rao cơm nắm. Cơm nắm đi nghỉ cuối tuần gọi đặt qua điện thoại phục vụ tận nơi, cơm nắm đi vào công sở. Cái tiện lợi là chỉ cần 1.000đ cơm nắm muối vừng, hoặc giả thêm 500đ giò chả, ruốc bông là xong một bữa. Cơm nắm “chân quê” lại rất phù hợp với thời gian “công nghiệp”... Lạ hơn, người Hà Nội, giới trẻ, đặc biệt là công chức, nếu chưa ăn cơm nắm thì bị “ối dà” ... chưa phải người “sành điệu”. Trong cuộc mưu sinh, bà Ẩm có biết đâu mình đã “phát minh” ra một điều kỳ diệu thế này.
o0o
Ông Chủ tịch xã nói rằng người Lạc Đạo năng động lắm, mỗi lúc một nghề, họ biết đến lúc nào thì làm nghề gì phù hợp. Người xã khác cho đó là sự tinh khôn, cái “quái” của “anh cả xóa đói giảm nghèo”... Nói cách nào tôi nghe cũng đúng. Nhưng, không gì đã cho bằng, giữa cảnh phồn hoa đô hội, trong thiên niên kỷ mới, lại thấy các anh, các chị ăn mặc lịch lãm, điện thoại đi động áp tai, giơ tay vẫy một chị nông dân khi nghe tiếng rao “Ai... cơm nắm muối vừng đai...i...y!”.
Hà Nội,




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét