Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Ký ức đồng chiêm


Quê tôi ở vùng đồng chiêm trũng Lệ Thủy, “vựa lúa” của tỉnh Quảng Bình, nơi nhiều người từng nghe danh qua câu “nhất Đồng Nai, nhì hai Huyện”. Trước đây để “làm ăn lớn” người ta nhập “hai huyện” Lệ Thủy và Quảng Ninh làm một, gọi là huyện Lệ Ninh, nay để có “điều kiện phát huy thế mạnh từng vùng” lại chia ra như cũ .

Tuổi thơ của tôi gắn liền với mùi bùn đất, mùi rơm và mùi… trâu. Thuở ấy không có karaokê, vi tính, máy lạnh, lên bảy tôi đã suốt ngày mài đít trên lưng trâu và ông ổng ngâm nga độc một bài “Trâu ơi ta bảo trâu này” theo điệu cò lả “độc chiêu” do bọn con nít chăn trâu truyền lại. Trước tết Đinh Sửu, nhân nói về chuyện con trâu, anh họ tôi hát điệu cò lả bài tủ “bí truyền” đến đoạn “Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” bỗng ngừng lại đột ngột, bảo :”Chú này, ta về quê một chuyến, ngộ nhỡ sau này không gặp được chúng nó ở đồng đất quê mình”. “Chúng nó” ở đây là con trâu, tôi biết vậy nên đồng ý ngay …
Lại nói về anh họ tôi. Tuổi thơ cũng như tôi : chăn trâu, lớn lên đi đại học rồi vào bộ đội, lái xe tăng đánh nhau ở Cửa Việt, suýt trở thành anh hùng thì bị thương phải về học lại đại học. Nay ngót tứ tuần, đưa chuyện của mình ra viết, được giải, được dựng thành phim, rồi in thành tập tái bản đến ba lần. Con người bề ngoài râu quai nón xồm xoàm coi bộ dữ tợn ấy lại đau đáu về những ký ức đồng chiêm trên từng trang viết. Đến mức ngồi uống với nhau chai bia anh cũng quy ra thành lúa , thành khoai .
Năm 1974, trên đường hành quân vào Nam, gặp nhau ở Vĩnh Linh, anh dặn: “Em đổi cái quay súng này đi, lấy cái quai làm bằng da trâu mà đeo”. Sau này ở chiến trường, mỗi lần đưa cái quai súng da trâu lên ngửi, tôi thấy anh thật có lý .
Thuở “làm ăn lớn”  nhà tôi thuộc diện chính sách nên qua nhiều lần bình bầu, HTX ưu tiên cho chăn môt đôi trâu, ngày được 10 điểm, tính bằng một công, tương đương 1,5 kg thóc. Bốn giờ sáng mỗi ngày, ông thợ cày gọi “Trâu ơi!”. Chúng tôi bật dậy khỏi giường, mùa rét khoác thêm tấm áo choàng bằng bao bố, cho trâu thêm nắm cỏ rồi lùa ra đồng, xong mới cắp sách đến trường. Trưa tan học, cầm cả sách vở ra đồng đón trâu và học bài, chờ mẹ mang ra cho củ khoai luộc hoặc nắm cơm độn sắn lát. Tối mịt mới lùa trâu về chuồng .
Con trâu đối với người quê tôi quý lắm nên nó được đặt cho những cái tên bằng các từ rất cổ, nếu đực thì gọi là xê, ô, ve, lẹo …. Nếu cái thì gọi là noọng, mởn, vạy … kèm theo tên người chăn lúc con trâu đó được đẻ ra. Ví như : Ô Tâm, Xê Tổ, Lẹo Tía… hay Noọng Tu, Mởn Nghiếc, Vạy Cồ …
Tôi có người bạn chăn trâu tên là Thí, tục gọi là Thí Cợt, sau này đi bộ đội đổi tên là Tuân. Thí là bạn chăn trâu cùng với anh tôi, sau đó lại cùng chăn trâu với tôi. Thí chăm con trâu Ve Hoa và quý nó lắm, Ve Hoa đầm giữa ruộng. Thí cũng đầm giữa ruộng; Ve Hoa xuống hói, Thí cũng xuống hói (kênh, rach); Ve Hoa ăn cỏ, Thí cũng giả bộ ăn cỏ; Ve Hoa húc nhau, Thí cũng rủ bọn chăn trâu bày trận húc nhau.
Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, chúng tôi sơ tán ra tận Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Lần đầu tiên nhận được thư cha. Thí khóc nức nở. Tụi tôi tưởng gia đình Thí bị bom đạn gì, hóa ra không phải. Thư viết bằng một câu mở đầu nắn nót và tha thiết : “Thí ơi! Ve Hoa chết rồi con ạ”. Và suốt bốn trang, người cha kể cho con nghe cái chết vì bom bi thương của một con trâu đã từng gắn bó với gia đình ông .
Mùa nông nhàn, chúng tôi mang trâu đi chọi. Tôi còn nhớ, con trâu Ô Tâm của làng tôi một thời nổi tiếng là “thiên hạ vô địch”, chọi đâu thắng đó. Hôm ấy, Ô Tâm lang thang theo mấy con trâu nái làng dưới thì bị đám trâu đực đuổi húc. Ô Tâm đại bại, cắm đầu chạy về. Lũ trẻ nít làng dưới được dịp hò la sung sướng. Nhưng ngang Hói Lẹp, ranh giới giữa hai làng. Ô Tâm quay lại nghênh chiến. Lũ trâu đực làng bên bỏ chạy tán loạn. Chúng tôi lại hò la. Sau này đi học, phân tích câu “Trâu ỷ thế đất” tôi có dẫn chứng sinh động nên được điểm rất cao. Tiếc là mùa nông nhàn không dài, trâu cũng chỉ nuôi để cày chứ không phải để húc. Vải lại Ô Tâm hay phá bĩnh, đi theo đám trâu nái nên người ta phải thiến. Hôm thiến Ô Tâm, trẻ con chăn trâu xúm lại khóc như ri .
Đến bây giờ, sau hàng chục năm, tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi lội xuống ruộng nước ngập tận cổ để cắt từng nắm cỏ cho trâu, bên cạnh thỉnh thoảng lại nổi lên một con cá lừ đừ sắp chết rét. Rồi mùa gió bấc, trâu ngã hàng loạt, cả làng buồn như đưa đám .
Nói thì nói thế, nhưng thuở làm ăn theo kiểu “cha chung không ai khóc” con trâu cũng long đong lận đận lắm .
*
Dượng tôi có thâm niên hai mươi năm làm chủ nhiệm HTX hợp nhất, sau khi chia thành 5 HTX nhỏ, ông không quen điều hành tầm “vi mô” nên thất sủng. Về nhà ông thường kể cho tôi câu chuyện nghe như giai thoại :
Ấy là mùa đông năm 1962, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bấy giờ là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương vào chỉ đạo nông nghiệp ở Quảng Bình. Đại tướng về Lệ Thủy, mang tơi rách, đội nón cởi ra đồng. Gặp một nông dân đang cắt cỏ cho trâu, qua trận lụt, cỏ dính đầy phù sa, ông hỏi :
- Bứt cỏ ni trâu ăn răng được, bác?
Người nông dân quay lại, thấy một người cũng… nông dân như mình (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người Thừa Thiên Huế nói giọng với giọng Lệ Thủy) bèn ngúng ngẳng trả lời :
- Hắn ăn không được thì hắn chết, được bữa xào lá lốt!
Đang độ rét, xã chết hàng trăm con trâu, vấn  đề sức kéo đang bức xúc, Đại tướng vào trụ sở ủy ban xã, hỏi, cán bộ xã trả lời ấm a ớ về chuyện chống rét cho trâu bò, nên sau đó một số người trong “bộ khung” của xã bị cách chức. Bà con đã lắm!
Về HTX hợp nhất cũng có nhiều chuyện tội nghiệp cho con trâu. Khi đưa được hai chiếc máy cày xuống ruộng, người ta tưởng rằng đã cơ khí hóa được chuyện cày đất, bèn lùa hết trâu lên đồi cách hàng chục cây số “đứng chơi… xơi cỏ”. Thậm chí bị giết thịt để liên hoan mừng “trâu đỏ”. Sau khi thực hiện “cơ khí hóa” việc cày đất được mấy thửa ruộng, người ta bèn nhận ra rằng, máy cày to không cày được các góc ruộng, bỏ lại mỗi góc đến nửa sào đất, cuốc cũng không xong. Nguy hại hơn, toàn bộ bờ ruộng giữ nước cho từng thửa cao thấp khác nhau đều bị cày sạch, đắp lại tốn rất nhiều công. Thế là lũ trâu lại được điều về, chỉ tội mấy con bị thịt không thể sống lại được.
Rời bộ đội, tôi lại về làng bám đuôi trâu. Dạo ấy, cơ chế đã “mở” hơn, dượng tôi mua được con trâu riêng đi khai thác gỗ trong đội sơn tràng, làm thuê cho các lâm trường. Nghe tôi xin theo, các bác sơn tràng cho ngay, bảo là tôi có chút đỉnh khiếu văn thơ, có thể sáng tác các câu hò hợp người hợp cảnh cho trâu kéo gỗ năng suất hơn .
Chả là, quê tôi có điệu hò trâu kéo bắt nguồn từ việc đi kéo gỗ trên rừng. Khi đã buộc gỗ vào chưa hò, có đánh mấy con trâu cũng không đi. Trâu chỉ đi theo những nhịp hò. Người hò càng hay, câu hò càng hợp thì trâu càng “nhiệt tình” kéo gỗ. Vì thế, người sơn tràng, ngoài việc khỏe, có kỹ thuật chặt và đẽo gỗ còn phải biết hò. Hồi ấy, không hiểu sao, tôi “xuất thần” ứng tác nhiều câu hò được các bác khen lắm. Cho nên, khi các bác trằn lưng đẵn gỗ thì tôi chỉ có việc lẩm nhẩm nghĩ ra các câu hò. Tôi cũng là người nghĩa ra cách tiếp tế lương thực, thực phẩm bằng trâu. Số là, trước đó, mỗi tuần tổ cử một người dắt trâu ra lấy thêm lương thực cách nơi khai thác gỗ chừng 20km. Sau ba lần đi, tôi đã huấn luyện để sau đó, đến kỳ, chỉ việc viết một lá thư, đeo vào chiếc mõ buộc ở cổ trâu, dặn dò vài câu, con trâu sẽ tự động mang ra ngôi nhà gần hồ Cẩm Ly. Ở đó, người chủ nhà sẽ mua các thứ cần thiết, buộc chặt vào hai túi trên lưng trâu, con trâu sẽ tự động mang vào rừng. Sau này trở thành “Cậu Cử” đi làm báo, mỗi lần về quê, gặp lại các bác sơn tràng, nghe các bác kể chuyện về từng con trâu, hò lại điệu hò trâu kéo những câu do tôi sáng tác, tôi lại bồi hồi xúc động .
Về xã, gặp Kháng, bạn đồng học hồi cấp hai, nay là chủ tịch xã, nói chuyện suốt ngày không chán, chuyện “đồng, điện, đường, trường, trạm, chợ” chuyện  công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cuối cùng cũng quay về chuyện con trâu .
*
Nhớ là thời học sinh, nhà trường phát động làm ruộng tự túc, lớp tôi làm hai mẫu ruộng lầy ngoài phá, không có trâu phải cày bằng đò. Buộc chiếc cày vào đằng lái, cả bọn trằn lưng ra đẩy đò, trời rét căm căm, nước ngập tận ngực, trưa sáu đứa cả gái cả trai đánh bay một thúng cơm bụng hãy còn lưng. Ăn mỗi đứa hết chục thúng cơm để cuối cùng thu hoạch, mỗi đứa được chia một thúng thóc.
Bạn bè lâu ngày gặp, Kháng bóc mấy lon bia, cứ mỗi lần nghe nổ cái tách, anh tôi lại chật lưỡi “Lại mất nửa thúng thóc rồi”. Nghe vậy, kháng cười:
- Thời thế khác rồi mày. Ngày xưa ăn theo công điểm, cả xã hỏi có mấy gia đình thu nhập được trên tấn thóc. Nay thì hàng trăm hộ thu nhập trên mười tấn. Ngày xưa làm nông nhọc nhằn lắm, không như giờ đâu, cứ hỏi bà con mà xem .
Quả vậy, quê tôi bây giờ khác lắm, đồng ruộng được quy hoạch lại, tưới tiêu chủ động, không còn ảnh hưởng “chiêm khê mùi thối”, sự giàu có không còn được đánh giá bằng “ruộng sâu trâu nái” mà bằng triệu, chục triệu… xe ô tô về đậu ngay tận ngõ. Cả xã, antel tivi mọc tua tủa.
Tôi hỏi dượng tôi :
- Rồi đây làm đất hoàn toàn bằng máy, chắc trâu bò lại phải lùa lên đồi “đứng chơi …xơi cỏ”? Dượng còn nhớ lũ trâu bò?
- Phải thế thôi, bây giờ, cái máy cày tay còn rẻ hơn con trâu, biết làm sao được, “Quy luật tất yếu” mà lại. À, với lại, dượng đọc báo nghe đâu “bên tây” họ nuôi trâu lấy sữa, sữa trâu tốt hơn sữa bò, vậy thì ta cũng nuôi trâu lấy sữa, sợ gì – Dượng tôi cười khà khà ra chiều mãn nguyện .
Anh họ tôi nói:
- Ra đồng, thấy cái dáng vẻ to lớn và chất phác của nó, những muốn sờ vào sừng nó, ôm vào cổ nó, khe khẽ hát vào tai nó rằng “Trâu ơi ta bảo trâu này”, nhưng khi tiến tới với bộ mặt thân thiện thì nó giương đôi mắt ốc nhồi nhìn tao lùi lại, vểnh đôi sừng lên thủ thế. Mới biết đã trọn một phần ba thế kỷ xa nhau rồi còn gì!
Tôi im lặng, hít thở mùi rơm rạ, mùi bùn đất, mùi … trâu và ký ức ngày xưa bất chợt ùa về. Một ký ức chưa xa…

Lệ Thủy, mùa cày đât 1996

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét