Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (2)


Tờ báo tôi làm đầu tiên vốn có cái tên rất hay, báo Dân- Cơ quan của Đảng bộ Đảng CSVN tỉnh Bình Trị Thiên. Và như đã kể ở trên, nó được đổi tên thành báo Bình Trị Thiên chỉ vì một lý do duy nhất báo Đảng không thể mang tên Dân.

Tổng biên tập lúc đó là nhà báo Phạm Xuân Thích, ông quê Quảng Bình, từng làm kế toán Ty Lương thực, việc vì sao ông về làm báo thì tôi hoàn toàn không nghe kể.

Hồi đó báo in ti- pô, tuần hai số, thứ ba và thứ bảy. Số thứ bảy có mục “Chuyện hàng tuần”. Bài chuyện hàng tuần đầu tiên tôi đọc được là bài “Nhà văn cũng cần đọc báo”. Vào thời điểm đó, trên tạp chí Sông Hương có đăng một bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đã quên mất đầu đề, nhưng đại ý thì vẫn còn nhớ. Bút ký viết về một ngôi trường và ông hiệu trưởng ngôi trường tên Lê Phước Thuý. Kết thúc, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng, một ngôi trường như thế, một hiệu trưởng như thế nhưng báo Đảng của tỉnh tuyệt nhiên không có một dòng viết về họ. Chuyện hàng tuần trên chỉ ra rằng, không những không viết mà báo Dân còn viết rất nhiều bài, và kết luận, “nhà văn cũng cần đọc báo”. Thế thôi.

Bẩm sinh của nhà báo là săm soi thiên hạ, nên khi xếch mé được một người về một việc gì đó người ta thường hỉ hả lắm. Hôm đó cơ quan tôi đang bàn luận râm ran thì ông Thích đi xuống, ông dặn bọn trẻ chúng tôi rằng, nếu ai hỏi thì không được nói tác giả (vì bài viết ký một bút danh hơi lạ). Vào thời điểm đó, tôi không biết bài viết đó là của Tổng biên tập nhưng cũng dạ.

Mấy hôm sau, có một cuộc uống rượu gạo quán Mệ, mấy người bạn đồng nghiệp và anh em văn nghệ sĩ hỏi đi hỏi lại tên tác giả, thầy Phong (vốn thích giao du với giới báo chí, văn nghệ) đùa, anh em Huế ai cũng yêu anh Tường, nên tao đoán bài đó chỉ có thể là thằng Thịnh Quảng Bình. Tôi cười cười không nói không cũng không nói có. Chuyện chỉ thế thôi.

Thế rồi một hôm giao ban, ông đầu bạc mang chuyện này ra nói. Ông ta bảo tôi là phóng viên trẻ, chưa có cống hiến gì đã nhận vơ bài viết của người khác là bài của mình. Ông dẫn lời thầy Phong ra làm chứng, rằng, thằng Thịnh nói với tôi là nó viết. Tôi kể lại câu chuyện trên bàn rượu nhưng có vẻ như ông không tin. Lúc đó ông là một quyền lực. Một quyền lực vô hình tự có, không ai giao trọng trách. Một quyền lực khiến ai cũng sợ. Vì thế mới có định nghĩa: “Chi bộ là gì? Chi bộ là nơi người ta nói xấu người khác mà không cho người khác biết họ đã nói xấu mình như thế nào!”.

Câu chuyện rồi cũng qua đi, cho đến một ngày, cũng trên bàn rượu, có anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Tô Nhuận Vỹ, chị Lê Thị Mây…và có cả thầy Phong. Anh Tạo mang chuyện này ra trách, bảo sao Thịnh lại viết chuyện đó lên báo, nếu có thế, chỉ cần nói với anh Tường một câu. Tôi khẳng định đó không phải là bài viết của tôi, để tránh hiểu nhầm và thời gian cũng đã trôi qua rồi, tôi nói luôn, đó là mục của Tổng biên tập giữ.

Không ngờ vào kỳ họp sau, ông đầu bạc, tạm đặt tên là ông Quyền Lực, lại mang chuyện này ra nói, ông bảo đã lỡ nói của mình rồi thì để cho họ hiểu thế đi, ai lại phủ nhận nó và khai ra người viết. Tôi thừa nhận là tôi đã khai ra. Tất nhiên là tôi bị ông dạy cho một bài học.

Đây là bài học đầu tiên của cuộc đời làm báo của tôi. Và càng lâu tôi càng thấm thía. Rằng, trong báo chí, đối với quyền lực thì cho dù bạn có đấu tranh bằng phương pháp nào cũng không thể chiến thắng, kể cả bạo lực cách mạng, điều Lê nin từng dạy (mà ta không thể ứng dụng trong báo chí). Nếu bạn cố gắng đấu tranh chống lại quyền lực thì bạn bị nghiền nát bởi chính nó, hoặc nhanh, hoặc từ từ. Bằng chứng là ông Quyền Lực từng nói một câu “kinh điển”, tụi bây học hành chi cho tốn cơm, báo chí chỉ có hai thể loại, bài và tin, bài ngắn gọi là tin, tin dài gọi là bài, thế mà tuyệt nhiên không ai cãi lại. Nhưng trong sự khốn nạn đó, tôi đã nghĩ ra một cách rất hay, viết. Và tôi bắt đầu nhảy vô viết “Chuyện hàng tuần”. Anh Trần Đàn, Thư ký Toà soạn vừa đọc vừa cười tủm tỉm.

Dễ đến tháng sau, sau một chuyến công tác dài ngày từ cơ sở, ông Quyền Lực trở về và phát biểu hùng hồn trong cuộc họp, rằng, lớp trẻ phải học cách viết của Tổng biên tập. Và ông dẫn ra và phân tích cái hay trong mấy câu chuyện hàng tuần đã đăng. Ông nói một thôi một hồi, Tổng biên tập ngắt lời không được, mãi sau ông mới đứng lên, ra hiệu cho ông Quyền Lực ngồi xuống rồi nói giọng từ tốn: “Anh này, mấy bài anh nói đó là của cậu Thịnh viết chơ có phải tui viết mô!”. Ông Quyền Lực há hốc mồm kinh ngạc, nhưng rất nhanh, ông chuyển mũi nhọn sang anh Trần Đàn, đại để, đồng chí Thư ký Toà soạn nhận thức rất non, không thể để một phóng viên trẻ đứng trong mục chung với Tổng biên tập. Anh Đàn bịt miệng cười khùng khục, nói, anh lại nhầm nữa rồi, tui chưa phải là đồng chí. Quả thật anh Đàn chưa là đảng viên.

Một lần nữa tôi thấm thía, rằng, trong báo chí, đối với quyền lực thì cho dù bạn có đấu tranh bằng phương pháp nào cũng không thể chiến thắng, kể cả bạo lực cách mạng, điều Lê nin từng dạy (mà ta không thể ứng dụng trong báo chí). Sau này ở nhiều nơi, biết nhiều chuyện, tôi mới ngộ ra, phàm trong cơ quan báo chí nào cũng có những nhân vật bản sao của ông Quyền Lực dưới nhiều hình thức, đó là một hiểm hoạ mà ta phải sống chung và chịu đựng, không chịu đựng được mà bỏ đi là thì là thất bại. Và chúng ta nên nhớ một điều, đừng thất bại trước những con người như thế. Quyền lực phải để quyền lực triệt tiêu. Tôi từng khuyên tôi điều đó, dù sau này phải sống chung thêm với nhiều ông quyền lực như thế.
Và quả nhiên, lý thuyết của tôi đã được chứng minh, quyền lực triệt tiêu quyền lực. Đó cũng là định mệnh. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét