Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Phà Gianh đôi ngã


Đất Quảng Bình, như một nhà văn đã viết - là mảnh đất “có nhiều phà nhất Đông Dương”. Nhưng có “ấn tượng” nhất vẫn là phà Gianh, bởi đó là con sông rộng, nước chảy xiết và nổi tiếng về sự... kẹt xe...

Mấy chàng lái xe lém lỉnh mỗi khi trêu con gái Quảng Bình thường lấy hai câu:
Thương em anh cũng muốn ra
Sợ đường Hồng Thủy, sợ phà sông Gianh
“Đường Hồng Thủy” là đường quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hồng Thủy, Lệ Thủy. Những năm trước đây, mỗi đợt mưa lũ về, nhiều cây số của đoạn đường này ngập sâu trong nước. Hàng trăm xe vào Nam ra Bắc phải nằm lại ở hai đầu, chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, ít nhất cũng mất cả tuần. Thế vẫn còn may mắn hơn số xe bị kẹt ngay giữa đoạn này, buộc tài xế “bỏ của chạy lấy người”. Thương cho số hàng tỏi, ớt xuất khẩu trên xe thi nhau đâm chồi nảy lộc. Còn phà Gianh, hẳn ai cũng biết. Đó là bến pha ngang qua sông Gianh, dòng sông mà năm 1786, Nguyễn Huệ vượt qua, tiến quân ra đất Thăng Long “phò Lê diệt Trịnh”, thu giang sơn về một mối, rửa hết mối hận chia cắt đất nước trên 200 năm dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Đất Quảng Bình - như một nhà văn đã viết - là mảnh đất “có nhiều phà nhất Đông Dương”. Ngoài phà Gianh còn có 4 phà khác là Quán Hàu (QL1A), Sào Phong, Minh Cầm (QL29) và Xuân Sơn (12A). Nhưng có “ấn tượng” nhất vẫn là phà Gianh, bởi đó là con sông rộng, nước chảy xiết và nổi tiếng về sự ... kẹt xe.
Ngày 17.5.1995, hàng nghìn người dân Quảng Bình được chứng kiến một sự kiện trọng đại: Lễ khởi công xây dựng cầu sông Gianh. Dòng sông ngàn năm cách trở sẽ được nối liền bằng một chiếc cầu. Vâng, đúng thế, đó là chuyện của năm 1998, còn bây giờ, phà Gianh vẫn còn đôi ngả...
Nôi niềm này ai tỏ...
Một đồng nghiệp của tôi ở Đài PT - TH Quảng Bình, cameraman Bùi Dũng đã thực hiện một cú bấm máy “đã” nhất trong đời khi anh ngồi sau xe Honda để ghi hình lại toàn bộ đoàn xe dài đến 8km nằm ở hai bở Nam-Bắc phà Gianh. Khi xem lại băng hình, anh nói:
- Nhìn xe xếp hàng từng dãy, đủ loại, kể cũng đẹp thật, nhưng nhìn kỹ mặt tài xế và hành khách thì lại thấy... đau quá ông ạ...
Một đồng nghiệp khác, anh Quang Trung ở báo Quảng Bình, khi đi công tác ở huyện miền núi Tuyên Hóa đã thử ghi lại số xe cuối cùng nằm ở phía Bắc phà, tận Quảng Xuân (Quảng Trạch). Ngày hôm sau về, anh vẫn thấy chiếc xe đó chưa qua nổi phà.
Còn theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (CA Quảng Bình) thì bình quân mỗi ngày có chừng 300 xe ùn tắc. Ngày cao điểm con số đó tăng lên gấp hai, gấp ba. Có nghĩa đến cả nghìn xe.
Xe tắc, hàng nghìn hành khách đi công tác, đi phép, đi buôn bán... ngoài việc chậm trễ đã đành, còn chịu cảnh màn trời chiếu đất. Người ít tiền còn phải chịu đói, chịu khát. Rau quả, hàng tươi sống trên xe bị hư hỏng; trâu bò, chó lợn... chết hàng loạt, vừa thiệt hại về kinh tế lại vừa gây ô nhiễm môi trường.
Dân Quảng Bình một lần đã “cười ra nước mắt” khi đài Truyền hình tỉnh phát phóng sự về tình trạng tắc phà, trong đó có hình ảnh phóng viên phỏng vấn một chị phụ nữ về việc “giải quyết đầu ra” trong những ngày ở đây. Dù e thẹn, chị phụ nữ cũng giơ một vòng tay, ý muốn nói là ở bất kỳ chỗ nào có thể. Còn các phóng viên chuyên mục “Vì an ninh Tổ Quốc” thì gọi đây là “điểm nóng phà Gianh”. Bởi cảnh chen chúc, tranh mua tranh bán, chen chúc ẩu đả, chửi nhau... xảy ra như cơm bữa. Mùa mưa lũ, kẹt phà, một gói mì tôm có thể lên tới 20.000đ, một ấm trà cũng vậy. Thế nhưng đôi khi cũng không có mà mua. Có lúc Hội Chữ thập đỏ của tỉnh phải thực hiện việc cứu trợ, tuy chỉ người gói mì tôm, chiếc bánh mì, chai dầu Nhật Lệ...
Các chiến sĩ phòng cảnh sát hình sự cho hay, hai bờ phà Gianh có chừng 60 đối tượng hình sự hoạt động. Trong đó có 37 tên đã có tiền án, tiền sự. Bọn này thường trà trộn vào đám đông, thấy ai sơ hở là ra tay hành động. Có thể kể ra đây vài vụ điển hình: Vụ tên Dương Văn Dũng, vụ tên Lưu Quang Thông rạch bạt ô tô lấy cắp 120 lít cồn công nghiệp, Nguyễn Văn Hải giật dây chuyền 5 chỉ vàng của lái xe rồi bỏ trốn, vụ tên Hiếu chủ mưu lấy trộm xe ôtô 53A-4943 bị Ngô Tiến Ngân (phụ xe) phát hiện và đâm chết... Danh sách này có thể kể ra dài hàng trang giấy.
“Một năm ở phà...”
Ấy là tôi mới nói đến nỗi khổ của những người bị tắc phà, còn người phục vụ ở bến phà thì sao? Dân Quảng Bình có câu “Một năm ở phà bằng ba năm đi Đức”, điều đó đúng hay sai?
Một lần trước đây, bản báo nơi tôi công tác, cử tôi điều tra hiện tượng tiêu cực ở phà Gianh. Lần đó tôi đóng vai một phụ xe và ghi âm được nguyên văn mấy cuộc mặc cả tiền bạc giữa lái xe và nhân viên bến phà. Sự việc bại lộ, chiếc ghi âm bị đập bể, nhưng tôi quyết phản ánh sự việc này với Ban giám đốc Phân khu quản lý đường bộ I. Ông Bành Trọng Vinh, bấy giờ là phó giám đốc, bảo tôi: “Ông cứ nói vậy chứ làm gì có bằng chứng”. Tôi chịu thua. May thay cách đó không lâu, công an đã bắt quả tang nhân viên phà Quán Hàu nhận tiền của tài xế. Một vụ tham ô tập thể lớn nhất được đưa ra xét xử và kết quả từ nhân viên đến bếp trưởng đều lĩnh án tù. Bây giờ, người ta thành lập một đơn vị có cái tên rất khó gọi: Đơn vị phà Gianh - Quán Hàu và ông Bành Trọng Vinh giữ chức vụ giám đốc.
Trong tháng 5.1996, ít nhất có 10 tờ báo có bài viết về “Khổ nạn phà Gianh”. Tất cả đều đề cập đến khía cạnh “làm luật qua phà”. Riêng tôi, tôi khẳng định, việc tiêu cực của các nhân viên bến phà là có. Rất tiếc là ai cũng biết nhưng cơ quan pháp luật lại không rõ vì lí do gì lại không làm. Trong lúc để bắt quả tang một vụ tiêu cực ở đây là điều hoàn toàn không khó.
Ông Võ Xuân Khuể, phụ trách phà Gianh là một con người tôi vô cùng kính phục bởi thành tích của ông trong thời kỳ chống Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện về ông: Ngày 14.8.1968, Võ Xuân Khuể lái chiếc cano dắt phà ra giữa sông. Thủy lôi nổ, 5 thủy thủ, 3 lái xe và 10 anh bộ đội đi trên phà cùng hy sinh. Riêng anh Võ Xuân Khuể bị hất tung lên cao rồi rơi xuống sông. Anh dùng sức đạp mạnh trồi lên mặt nước, vớ được chiếc thùng phuy, bơi một lúc thùng phuy chìm, anh vớ được mảnh ván và bơi vào bờ. Sau này, anh được phong danh hiệu Anh hùng. Tôi không nghi ngờ gì phẩm chất của người anh hùng đã được thử thách trong chiến tranh khốc liệt, nhưng trong cơ chế thị trường, có những điều người anh hùng trong chiến tranh khó mà lường trước. Dân Quảng Bình có thể kể rành rẽ nhân viên phà Gianh gồm con cháu những ai? Tại sao có gia đình có đến chín người là anh em bà con cung vào làm việc? Tại sao có em đang học đại học cũng bỏ về làm nhân viên bến phà? Đó là những câu hỏi mà chính người dân nơi đây đều có chung câu trả lời: Vì tiền!.
Tắc phà, kẻ được người mất...
Vì sao phà Gianh liên tục bị ùn tắc? Theo báo cáo của đơn vị phà Gianh- Quán Hàu thì trước đây bình quân mỗi ngày có chừng 400 - 500 xe qua phà. Nhưng từ tháng 8.1995 đến nay, lượng xe qua phà tăng lên gấp ba trong lúc phương tiện vượt sông vẫn như cũ. Tháng 1.1996, Cục Đường bộ đã cho phà Gianh đóng một chiếc phà tự hành trị giá đến 3 tỉ đồng với năng lực gấp ba phà thường. Nhưng phà vận hành được 3 tháng thì bị hư hỏng phải tu sửa hêt tiền triệu. Tu sửa xong, phà đang vận hành thì bị gãy trục cơ đành nằm chết dí. Mà gỉa sử có khắc phục được thì phà tự hành này cũng “hành” rất khó khăn vì dòng chảy của sông Gianh mạnh, kết cấu bến phà lại không phù hợp với loại phà này. Trong khi triển khai thi công cầu, Bộ GT - VT đã cho xây dựng thêm hai bến phà mới, mất hàng tỉ đồng, nhưng hai bên phà này vừa đưa vào sử dụng 8 tháng thì bị hư hỏng làm cho xe lên xuống rất khó khăn. Và xe ùn tắc vẫn cứ ùn tắc.
Cuối tháng 5. 1996, Bộ GT - VT đã có cuộc làm việc với phà Gianh-Quán Hàu để giải tỏa “điểm nóng” này. Sau đó 10 ngày tức vào ngày 27.5, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vào kiểm tra tiến độ thi công cầu sông Gianh. Kỳ lại thay, trong ngày Thủ tướng vào kiểm tra, xe đã được giải tỏa sạch ở hai bên bờ. Đến mức chỉ có một chiếc xe con đến, phà cũng cứ chở sang, ông Bành Trong Vinh, Giám đốc đơn vị phà Gianh-Quán Hàu hỉ hả báo cáo với Thủ tướng: “Thủ tướng thấy chưa, có xe nào phải chờ phà đâu”. Đám phóng viên chúng tôi trố mắt kinh ngạc, không hiểu ông Vinh phù phép thế nào để đoàn xe biến mất. Thế nhưng khi Thủ tướng ra Hà Nội, ít nhất là cho đến những ngày này, phà vẫn thông, không có ùn tắc. Hóa ra lâu nay đã không phải hết cách giải quyết, nếu cho tăng giờ chạy, tăng ca, tăng kíp vẫn xóa được nạn tắc xe. Nhưng tại sao đơn vị không làm? Tại năng lực tổ chức của cán bộ hay một cái gì khác?
Sẽ có lời ai điếu cho phà Gianh
Từ ngày 17.5.1996, những người thợ cầu thuộc Tổng công ty XD cầu Thăng Long đã viết những dòng đầu tiên trong bài ai điếu phà Gianh. Rồi hai bờ phà Gianh sẽ được nối liền bằng một chiếc cầu dài 746km được chia làm 9 nhịp do KSTK Bộ GT - VT thiết kế phần hạ, phần thượng có sự trợ giúp kỹ thuật của hãng Fuyssinet (Cộng hòa Pháp) với số vốn đầu tư là 200 tỉ đồng. Theo dự án, thời hạn thi công sẽ là 39 tháng. Tổng giám đốc Tổng công ty XD cầu Thăng Long Nguyễn Hải Thoại cũng hứa hẹn sẽ thông xe cầu Gianh vào tháng 9.1998 trong lần Thủ tướng vào kiểm tra mới đây.
Vâng, tháng 9 năm 1998 chúng ta sẽ hoàn tất bài ai điếu cho phà Gianh. Lúc ấy chuyện kẹt phà Gianh sẽ trở thành cổ tích. Rồi sẽ có những chuyến phà chỉ chở du khách tham quan muốn tìm về quá khứ sang sông. Nhưng từ đây đến đấy còn những hai năm nữa, liệu phà Gianh có còn diễn lại vở tuồng tắc phà? Liệu việc thông xe như hiện nay có thể duy trì cho đến lúc thông cầu?
Một cảnh sát giao thông khẳng định với tôi: “Nhất định là duy trì được”. Một đồng nghiệp của anh bổ sung: “Nhưng với điều kiện Bộ GT - VT phải kiểm tra thường xuyên”.
Tôi hỏi lại họ: “Tại sao không để những người ở phà Gianh tự kiểm tra lấy mình?”. Họ trố mắt ngạc nhiên như thể tôi là kẻ vừa ở trên trời rơi xuống.

Quảng Bình,6.1996


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét