Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Lên tàu đi...Tây

Có thể đi Mỹ, đi Nga và về trong ngày? Có thể bạn cho rằng đó chỉ là chuyện...khoa học viễn tưởng. Nhưng chính chúng tôi đã đi Tây bằng cách...lên tàu như thế!
Đi Mỹ ở Tiên Sa
Chúng tôi làm thủ tục hải quan cửa khẩu ở cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng, được kiểm tra cẩn thận và chỉ cần vài chục bước chân, thế là lên tàu sang...Mỹ. Trung tá John T. Lauer và 303 sĩ quan và thuỷ thủ quân phục trắng lốp, tinh tươm, xếp hàng nghênh đón. Cứ như mình là...nguyên thủ, chỉ có những khẩu đại bác là...trùm mền.
Tôi khoái chí từ khi được Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cấp cho chiếc thẻ lên tàu cực “xịn”, tưởng chỉ mình có sự sung sướng này, hoá ra, Sở VH - TT và Biên phòng TP Đà Nẵng đã cấp hàng chục thẻ (cho dù không đẹp bằng) để cho những người khác cùng có quyền như tôi.
Xin nói ngay để bạn đọc khỏi...hồi hộp, rằng, chúng tôi chỉ lên tàu chiến  hải quân Hoa Kỳ USS Curtis (số hiệu DDG54) khi nó cập cảng Tiên Sa, nhưng thủ tục thì cứ y như là đi...Tây vậy! Bởi theo công pháp quốc tế, chúng tôi đã bước chân vào lãnh thổ Hoa Kỳ mà các chiến hạm này là đại diện (như một lãnh thổ hải ngoại).
Chỉ huy chiếc tàu chiến kềnh càng trọng tải 8.315 tấn này là trung tá John T. Lauer, ông bảo, tàu đến vịnh Đà Nẵng khi vầng đông hừng sáng, mặt trời “từ dưới biển” dần dần nhô lên đẹp một cách...kinh khủng. Toàn bộ thuỷ thủ đoàn háo hức như muốn “dọt” ngay lên bờ, để được đặt chân lên đất Việt Nam, nơi mà với họ gần như chỉ nghe qua sách báo. Nhìn gương mặt của các thuỷ thủ, tôi tin ngay điều John nói.
Tại cuộc họp báo được tổ chức ngay trên boong tàu, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Raymont Burhadt nói rằng, 40 năm trước, tàu hải quân Mỹ đã đổ quân lên bãi biển Xuân Thiều bên vịnh Đà Nẵng, và 40 năm sau, họ quay trở lại nhưng với một mục đích hoàn toàn khác, đó là hoà bình và hữu nghị. 
Tôi giật mình khi một thuỷ thủ đứng cạnh bất ngờ hỏi bằng...tiếng Việt: “Anh quê ở đây à?”. Hoá ra, anh chàng đeo quân hàm trung uý này là người gốc Việt. Tôi mừng như “trúng số”, ngỏ ý muốn hỏi han anh đôi điều (vì nghĩ chắc thú vị lắm) để có thêm tình tiết hay cho bài viết của mình, nhưng chàng trung uý nghiêm nét mặt vẻ nhà binh và “sorry” liền.
Một tuần lưu lại Đà Nẵng (từ 28.7 đến 2.8.2004), các thuỷ thủ có nhiều hoạt động giao lưu với hải quân vùng 3, đi tham quan Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An. Tôi thực sự ấn tượng khi họ đến cái lô cốt được xây lên từ hồi chiến tranh bên bãi biển Xuân Thiều - nơi ngày trước lần đầu tiên người Mỹ đổ bộ lên đất Việt Nam và từng bị đánh bật ra ở đó - để tranh nhau chụp ảnh. Gương mặt tươi trẻ và trong sáng của họ không in bất kỳ dấu ấn nào của quá khứ, của chiến tranh. Có lẽ vì họ là một thế hệ khác, có một suy nghĩ khác, tất cả vì một thế giới hoà bình.
Đi Nga… vịnh Đà Nẵng
Sừng sững hai tàu chiến hiện đại của Hạm đội Thái Bình Dương đã cập vào cầu cảng số 3 và 4 của thương cảng Tiên Sa trên vịnh Đà Nẵng. Làm xong  thủ tục với Bộ đội Biên phòng trên cầu cảng, chúng tôi đã bước một chân vào... lãnh thổ nước Nga mà các chiến hạm này là đại diện. Một sĩ quan trẻ trong lễ phục trắng thẳng nếp nghiêm chào khách ở chân cầu thang. Vladimia, tên người sĩ quan trẻ ấy, nói tiếng Việt giọng miền Bắc: “ Mời quý anh đi theo lối này!”. Thì ra, sau đó, chàng lính 20 tuổi này kể, anh đã có  ba năm ruỡi học tiếng Việt tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trước khi vào học viện hải quân! Một đồng nghiệp đi cạnh tôi nói vui: “Vào nước Nga mà gặp ngay người nói tiếng Việt, coi như chúng tôi gặp được bạn mình vậy!”. Lại một sĩ quan khác, cũng nói tiếng Việt: “ Thì chúng ta là bạn cũ mà!”. Chúng tôi cùng vui vẻ theo họ, lách qua những thiết bị chằng chịt màu xám lên boong tàu. Ở đó, Phó đô đốc hải quân Nga Xergey Avromenco Victorovic, Phó chỉ huy trưởng hạm đội Thái Bình Dương và nhiều sĩ quan cao cấp khác đã chờ sẳn ở bàn làm việc có đặt sẵn  hai lá quốc ký Nga Việt bên nhau.. Ôâng ra  bắt tay từng người thân mật trước khi giới thiệu lý do đến Việt Nam lần này!
 “Con tàu Varyag đầu tiên được đóng tại xưởng đóng tàu Krump của bang Philadelphia ( Mỹ) vào năm 1898 theo đơn đặt hàng của Bộ Hải quân Sa hoàng. Nó thừa kế từ tên của một thuyền chiến đã bị hư hỏng từ trước đó hai năm. Đến năm 1901, cờ của Sa hoàng Nga đã được kéo lên boong tàu và  được đưa từ Mỹ về Kronshtadt, rồi về Nga và được biên chế vào đội tàu chiến Thái Bình Dương. Tháng 12 năm 1903, đô đốc hải quân Vsevolod Rudnve được chỉ định chỉ huy tàu. Năm đó, Varyag đã tiến vào các cảng biển của Nhật, Trung quốc  và Triều tiên thi hành các nhiệm vụ quân sự.
 Từ 12.1903 toàn bộ thuỷ thủ đoàn đóng quân tại cảng Chemulpo và cùng với pháo hạm Koreyets làm nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán Nga. Bên cạnh những tàu chiến Nga tại Chemulpo còn có các chiến hạm của Anh, Pháp, Ý, Mỹ và Nhật.
  Từ ngày 27 tháng giêng năm 1904, khi chiến tranh Nga- Nhật xảy ra, Varyag và chiến hạm Koryeyets đã chiến đấu dũng cảm với hải quân Nhật. Hàng chục người lính bị thương và hy sinh trong tổng số 85 thuỷ thủ. Varyag đã được lệnh đánh chìm để không rơi vào tay lính Nhật”. Những sĩ quan Hải quân Nga đã kể với các vị khách nhà báo Việt Nam lịch sử  oai hùng của chiến hạm Varyag như vậy.
   Ngày nay tàu  chiến tên lửa Varyag trở thành một biểu tượng sức mạnh của hạm đội Thái Bình Dương. Bắt đầu từ năm 1996, Varyag trở thành tàu Varyag trở thành tàu quân sự nhờ vào các thiết bị ra đa và truyền tin hiện đại được trang bị. Vladimia cho biết: ““Mọi thuỷ thủ trên tàu vẫn được thường xuyên liên lạc được với bạn bè ở nhà... Hiện nay, Varyag đã ký kết một thoả thuận lên quan đến việc bảo trợ của hãng hàng không Vladivostok. Các nhà tài trợ đã thăm viếng thường xuyên chiến hạm và có các hoạt động hỗ trợ đời sống cho toàn bộ thuỷ thủ đoàn. Mọi người đều là những chuyên viên được đào tạo tại các học viện hải quân, tuổi trung bình của họ là 35. Là  chiến hạm đô đốc của lực lượng Hải quân TBD, Varyag thực hiện nhiều lần các chuyến thăm hữu nghị đến các cảng của các nước thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Thuỷ thủ đoàn Varyag cũng nhiều lần tiếp các vị lãnh đạo cao cấp nhất, kể cả Tổng thống Putin, đến thăm..." Vladimia kể thêm: "Rời giảng đường đại học và trở thành thủy thủ của chiến hạm đô đốc Varyag  và trở lại thăm Việt Nam là ước mơ của anh cũng như nhiều bạn trẻ khác trên tàu..."
 Những sĩ quan Hải quân hướng dẫn chúng tôi “đi thăm nhà” của họ với một thái độ thân mật và chu đáo. Trong giọng nói của những người lính đã dạn dày suốt mặt biển Thái Bình Dương ấy, như chứa đựng cả niềm hãnh diện của một sự nghiệp có truyền thống qua ba thế kỷ của Varyag! Tôi chợt nhớ đến câu nói của nhân vật Piere của Lev Tolstoi trong “Chiến tranh và Hoà bình”: “ Khi chúng ta bị xô ra khỏi con đường mòn quen thuộc thì chúng ta tưởng thế là mất hết. Nhưng chính lúc đó mới bắt đầu một cái gì mới mẻ, tốt đẹp”. Vì thế, những chàng trai, như Vladimia, cũng có những niềm hạnh phúc riêng của họ trên đại dương! 
Những ngày cập cảng Tiên Sa (27.11 đến 2.12.2005), chiến hạm mở cửa cho người dân lên tham quan một cách thoải mái. Đó là điều chưa từng xảy ra. Còn tôi, thế là đã một lần đến nước Nga thân thương như trong ký ức.

Chào mừng quý khách
Thưa quý vị,
Chúng tôi vô cùng vinh dự được tiếp đón quý vị lên tàu. Chiến hạm của chúng tôi được trang bị những loại vũ khí mạnh và tối tân. Tuy nhiên  các thuỷ thuỷ đều thật sự tin tưởng rằng vũ khí cao nhất của họ luôn bao gồm lòng chân thành và sự hiếu khách của nước Nga.
Chúng tôi hy vọng rằng quý vị sẽ hiểu hơn điều đó khi làm quen với con tàu và những nhân viên của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét