Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Đặt tên cho…cầu


Trong khi nhiều người đang nô nức sinh con vào năm tốt, mổ đẻ trúng giờ tốt, đặt tên con cũng hợp năm, hợp tháng, hợp ngày, hợp ngũ hành, tứ tượng…thì chuyện đặt tên cho một cây cầu cũng phát sinh nhiều chuyện chưa từng có trong tiền lệ…

Mời đặt tên cầu
Ngày 10.2, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra thông báo mời toàn thể cán bộ, nhân dân trong và ngoài địa bàn tỉnh góp ý đặt tên cho cầu đường bộ qua sông Hương. Cầu được xây dựng ở vị trí gần cầu đường sắt Bạch Hổ, khởi công từ tháng 12.2009, có tổng mức đầu tư 730,284 tỉ đồng, rộng 24,5m, gồm 2 mố và 11 trụ, chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố là 542,5m. Theo kế hoạch, công trình phấn đấu thông xe kỹ thuật vào ngày 30.4; chính thức đưa vào sử dụng nhân dịp Lễ Quốc khánh 2.9 sắp tới.
UBND tỉnh yêu cầu, tên của chiếc cầu mới phải khái quát được giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ, xứng tầm với công trình hiện đại và gắn bó với địa danh sông Hương của thành phố Huế.
Đọc bản tin vó nội dung trên đăng trên các báo, người dân hân hoan. Hân hoan vì mình được đặt tên cầu (nghe nó long trọng như nhà hàng xóm nhờ mình sang đặt tên cho con họ); hân hoan vì chính quyền bây giờ coi trọng ý kiến người dân (đúng là cầu làm từ tiền thuế của ta đóng có khác), nói tóm lại, có lẽ đây là lần đầu tiên có loại thông báo này (hình như chỉ sau việc chọn quốc hoa mà thôi!).
Thông báo làm tôi giật thột, nghĩ, đúng là bà con mình quá thụ động. Chả thế mà năm 1999, khi cả nước vui mừng vì 9 nhịp cầu nối dòng sông Gianh xóa đi ranh giới hơn 400 năm Trịnh- Nguyễn phân tranh hai nửa Trong-Ngoài (đàng Trong- đàng Ngoài), người ta vẫn nghiễm nhiên coi đó là cầu Gianh, không ai nghĩ đến một cái tên nào khác. Giá như bây giờ là lúc đó, được tỉnh Quảng Bình hoặc Bộ GT-VT kêu gọi đặt tên, không chừng bây giờ cầu Gianh đã có tên là cầu….Nguyễn Huệ!
Nhưng mà…
Đặt tên chưa chắc đã gọi
Tôi nói nhưng mà là vì, giả sử, lúc đó Bộ GT-VT hay tỉnh Quảng Bình có đặt trước cho dự án là cầu Nguyễn Huệ thì rồi sau này, người dân chưa chắc đã gọi đúng tên, không chừng cứ cầu sông Gianh mà kêu cho tiện.
Hơn ba chục năm trước, cầu Phú Xuân bắc qua sông Hương (TP Huế) bây giờ, từ khi thi công cho đến lúc khánh thành đã có tên là Phú Xuân. Thế nhưng suốt từ đó đến nay, không ít người vẫn cứ gọi đó là cầu mới. Cầu mới tức là khác cầu cũ Tràng Triền ở hạ lưu, cây cầu đã thành biểu tượng của Huế trong lòng người cả nước.
Ngày trước, muốn qua phá Tam Giang phải qua đò Ca Cút. Tiếng gọi đò là nỗi ám ảnh nhiều đời người. Đến năm 2010, cây cầu bắc qua phá Tam Giang (đầu cầu bên này thuộc địa phận xã Hương Phong, huyện Hương Trà, bên kia là xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Cầu được đặt tên là Tam Giang. Đò ngang Ca Cút đã đi vào dĩ vãng.
Một ngày giữa tháng tư sau dịp festival Huế năm nay, một nhóm bạn nhiếp ảnh tổ chức hành trình sang phá Tam Giang. Đứng cách đoạn đường có biển chỉ đướng rẽ vào cầu nhưng hỏi cầu Tam Giang người địa phương vẫn lắc đầu, bảo ở đây chỉ có cầu...Ca Cút.
Đặt tên cho cầu…Bạch Hổ?
Nói chi nghe lạ. Đã có tên là Bạch Hổ sao còn phải đặt? Nhưng cái lạ này đang còn tồn tại trong câu chuyện thường ngày. Ví như hỏi nhau: “Mi đặt tên cho cầu Bạch Hổ chưa?” hay: “Theo mi, cầu Bạch Hổ mần xong đặt tên chi?”
Có chuyện trái khoáy như thế là vì, từ năm 1908, cầu Bạch Hổ hoàn thành, tuyến đường sắt nối Huế với Đông Hà, tuyến cuối cùng trong toàn tuyến đường sắt Bắc Nam khai thông. Thật ra tên cầu Bạch Hổ vốn để gọi chiếc cầu bắc qua sông Kẻ Vạn, xưa là cầu Lợi Tế, bây giờ là cầu Kim Long. Còn cầu đường sắt qua sông Hương có tên là cầu Dã Viên bắc qua cồn Dã Viên gồm hai đoạn, phía Bắc cồn dài hơn 302 mét, phía Nam cồn dài 102 mét. Nhưng người Huế vẫn quen gọi cầu này là cầu Bạch Hổ, nhiều người phát âm là Bạch Thổ. Nói như thế để biết, không chi bằng dân gian, cứ tiện mà gọi thành quen.
Cầu Bạch Hổ lâu nay giữa là đướng sắt cho tàu lưu thông, hai bên dành cho người đi bộ, xe đạp và xe máy. Cầu đường bộ bắc qua sông Hương nằm kề phía hạ lưu. Nếu cứ gọi là Bạch Hổ thì mọi người sẽ mất công hỏi lại: “Bạch Hổ mô?” (tức là cũ hay mới, đường sắt hay đường bộ) cũng khá bất tiện. Nhưng đặt tên mới phải là tên chi?
Rồng-hổ, rồng hay hổ?
Theo "trường phái hổ", người bạn người Huế nói vói tôi, đã có cầu Bạch Hổ (đường sắt) quen tên rồi, chừ cầu đường bộ nằm ở hạ lưu nên đặt là Bạch Hổ Hạ. Thấy chữ "Hạ" có vẻ không mạnh nên người khác bảo, nên đặt Bạch Hổ Đông (phía đông cầu Bạch Hổ cũ).
Theo rồng, trên một trang báo mạng, Nguyễn Phi Hoàng, sinh viên CĐ tại TP.Huế, đề xuất đặt tên cầu là Thanh Long và lý giải: "Em nghĩ đặt tên Thanh Long là hợp lí. Cây cầu mới xây gần cầu Bạch Hổ. Như chúng ta đã biết Bạch Hổ có nghĩa là Hổ trắng dũng mãnh, nếu mình đặt tên cầu là Thanh Long sẽ tạo thành bộ đôi Thanh Long - Bạch Hổ rất hợp lí và có ý nghĩa. Một cây cầu ý nghĩa Rồng xanh, một cây ý nghĩa Hổ trắng khi cùng nhau qua dòng sông Hương thơ mộng sẽ tạo ra sự oai nghiêm cổ kính cho cố đô Huế và nói lên sự phồn vinh đến thành phố du lịch TP.Huế. Cây cầu mới xây sẽ khánh thành vào 2.9 năm Nhâm Thìn 2012 là năm của con Rồng, một linh vật linh thiêng và mang đậm chất mạnh mẽ phù hợp với dáng cây cầu nên trong tên có chữ "Long". Hai chữ "Thanh Long" vừa mang ý nghĩa của năm khánh thành cầu, mang hình dáng một con Rồng mạnh mẽ bay ngang sông Hương. Vừa mang một nét mềm mại của người con gái Việt Nam nói chung và người con gái xứ Huế nói riêng.
Theo "trường phái rồng", anh Bùi Đình Trọng viết: "Tôi hiện là giáo viên dạy lịch sử. Trước đây cũng là sinh viên của đất cố đô Huế. Theo tôi nên đặt tên là cầu Kim Long (Rồng Vàng), vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có yếu tố truyền thống dân tộc, hơn nữa cây cầu được hoàn thành năm 2012, năm con Rồng là mốc để con cháu đời sau dễ nhớ".
Ngoài hai "trường phái" rồng và hổ, nhiều người còn đề xuất nhiều tên khác. Ví dụ, bạn (hoặc hai bạn) Mai - Hùng viết: "Huyền Trân công chúa là người có công lớn đối với đất nước, nhất là trong việc tạo lập, hình thành và phát triển vùng đất Thuận Hoá xưa tức Thừa Thiên Huế ngày nay. Để nhớ tới công đức của tiền nhân, tôi đề nghị nên đặt tên cho cây cầu này là cầu Huyền Trân".

Nguyễn Phong Vân thì đơn giản hơn, cầu bắc qua sông Hường thì: "Nên là tên Hương Giang!". Bạn Nguyễn Văn Thọ đơn giản hơn nữa: "Cứ gọi là cầu sông Hương!"
Nên đặt tên gì?
Tôi không rành về chuyện này lắm nên tra Google để xem thì thấy, ở nước ngoài người ta cũng khá bối rối khi thảo luận về việc đặt tên cầu-đường. Nhiều người cho rằng, đã có quá nhiều cây cầu "trở thành đài tưởng niệm" cho những nhân vật lịch sử, các quan chức mà không có mối liên hệ nào đến việc thuận tiện khi tra cứu địa chỉ giao thông. Theo quan điểm này thì tên cầu phải gắn liền với lịch sử vùng đất và dễ nhận biết. Trường hợp đặ biệt nào đó khi sử dụng tên ai đó có nhiều cống hiến cho đất nước thì thậm chí "phải trả tiền cho cái tên đó". Ở nước ta thì thuận lợi hơn nhiều nhưng cá nhân tôi ủng hộ quan điểm "dễ nhận biết".
Theo đó thì Bạch Hổ Đông cũng dễ nhận nhưng hơi dài và không mạnh. Kim Long thì dễ bị trùng tên. Hương Giang hay sông Hương cũng đã có con sông quá nổi tiếng rồi. Vả lại, sau này nếu còn làm tiếp nhiều cầu hoặc hầm đường bộ "hoành tráng" hơn thì nó lại...uổng đi. Thế nên cái tên Thanh Long coi ra ưa ý nhất. Phong thủy chả từng nói: "Tả thanh long, hữu bạch hổ" là đắc địa đó sao? Vậy thì, nhắc đến Thanh Long hẳn ai cũng dễ nhận biết bên cạnh Bạch Hổ. Cầu bắc qua Kim Long vậy thì càng tốt.
Ấy là "nhàn" mà mang ra "đàm" vậy thôi, còn thì, mọi người vẫn tiếp tục đề xuất đặt tên theo ý mình, biết đâu lại có tên hay và hợp ý của...chính quyền. Lúc đó, lần đầu tiên chúng ta có một cây cầu do chính dân đặt tên một cách...chính thức chứ không phải gọi mãi mà thành như lâu nay.
 Huế, tháng 4.2012
  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét