Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Tìm lại đứa con nuôi Việt Nam thất lạc cho bà mẹ tỉ phú Mỹ

Sau khi Thanh Niên số ra ngày 19.5.2007 đăng bài Một tỉ phú Mỹ muốn di chúc để lại một phần tài sản cho đứa con nuôi Việt Nam thất lạc, đã có nhiều bạn đọc đến tòa soạn Báo Thanh Niên cung cấp thông tin liên quan đến “cậu bé”. Đặc biệt, có 5 người có hoàn cảnh xuất thân từ các cô nhi viện tại Đà Nẵng trước 1975 và có vết mổ lớn tại ổ bụng đã tự nhận mình là người trong tấm ảnh đăng trên Báo Thanh Niên. Vậy ai thực sự là đứa con nuôi đó?
Câu chuyện ly kỳ: Tìm Nhi ở Huế
 Tài liệu duy nhất là một tấm ảnh ố vàng về một cậu bé trai, ôm trước bụng rất nhiều quà, miệng cười rất tươi với một số thông tin ít ỏi do chính bà mẹ tỉ phú người Mỹ cung cấp: Vào cuối năm 1974-1975, bà đã nhận một bé trai khoảng 5-6  tuổi, sinh khoảng 1970 tên Nhi, sống tại một cô nhi viện ở Đà Nẵng, đang chờ hoàn tất thủ tục thì giải phóng. Gia đình Nhi bị đầu độc, riêng Nhi được cứu sống nhờ phẫu thuật cắt những đoạn ruột bị hỏng do chất độc ngấm vào, vì thế có một vết mổ tại ổ bụng.
Sau khi đọc bài báo, có 5 người tự nhận mình là người trong ảnh và có cuộc đời giống với "cậu Nhi". Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu do 5 người này cung cấp, so sánh và kiểm chứng thực tế, đã loại bớt một số người, rồi bắt đầu từ người được coi là giống nhất.
***
Trước hết, phải nói ngay rằng, người mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này có một sự trùng hợp lạ kỳ với những thông tin nêu ra trong bài viết, nhưng trước sau, anh và gia đình vẫn một mực khẳng định: "Không phải vì chuyện một tỉ phú Mỹ di chúc tài sản mà tôi như người thấy sang bắt quàng làm họ, tôi mong muốn qua đây có thể biết được gốc gác gia đình tôi, dòng họ tôi ở Đà Nẵng mà bấy lâu tôi mất nhiều công sức tìm kiếm".
 Người phát hiện ra thông tin có nhiều điểm trùng khớp này là anh Văn Công Thi, trú tại 434 Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng). Anh Thi là chồng cô Trương Thị Hương, em gái của Trương Minh Dũng - nhân vật đầu tiên mà chúng tôi đề cập trong bài viết này. Thi báo cho Dũng biết và sau đó chính Dũng đã liên lạc với Thanh Niên.
Chúng tôi tìm đến nhà của Trương Minh Dũng tại Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Câu chuyện diễn ra như sau:
Chứng minh thư số 191113932 do Giám đốc CA Thừa Thiên-Huế Bạch Hiền ký ngày 18.1.2002 có ghi: Họ và tên: Trương Minh Dũng. Sinh ngày: 28.4.1969. Nguyên quán: Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Nơi thường trú: Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế.
Dấu vết riêng hoặc dị hình: Nốt ruồi cách 2 cm trên mép trái.
Nhưng câu chuyện cuộc đời của Trương Minh Dũng thì  không đơn giản như những gì ghi trong CMND.
Dũng kể: Lúc còn nhỏ, tôi đã nhiều lần hỏi ba mẹ tôi vì sao con có vết mổ trên bụng (vết mổ rạch ngang qua rốn, khá dài), ba mẹ tôi cứ ậm ờ nói là không biết. Lớn lên tí nữa, tôi thấy trong gia phả và trên các tấm bia do gia đình phụng lập, tôi vẫn được xếp thứ ba trong 11 anh em (Thạch, Nhung, Dũng, Phượng, Hương, Đương, Cúc, Cả, Thương, Mến) nhưng không đứng chung hàng mà lại xếp qua hàng khác. Tôi lại hỏi, nhưng ba mẹ tôi giải thích không thỏa đáng, còn bà con thì nói với tôi: "Mi là con nuôi nên phải thế!". Tôi không tin, nhưng lâu sinh nghi, vì thấy mình có khuôn mặt cũng khác tất cả anh chị em.
Mãi đến khi lập gia đình, ba mẹ tôi (ông Trương Sinh và bà Văn Thị Hạnh) mới gọi riêng vào phòng nói: "Bây chừ con đã lớn, ba mẹ phải cho con biết sự thật này, con là con nuôi của ba mẹ do o (cô) con dẫn ở Đà Nẵng về. Sau này có điều kiện, con nên vào Đà Nẵng tìm lại nguồn gốc, quê quán, họ hàng của  mình". Tôi cũng không lấy làm bất ngờ lắm nên bắt đầu đi tìm sự thật đó.
O tôi (hiện sống tại Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) kể: "Hồi nớ ba mẹ con sinh hoài không được con trai, toàn con gái lại khó nuôi. (Sinh nhiều nhưng chỉ còn lại 2 con gái là Thạch và Nhung). Đi coi bói, thầy bảo phải xin một đứa con nuôi là con trai sau này mới đẻ con trai. Năm 1974-1975 chi đó o không nhớ, thời loạn lạc mà, o đến ngã ba chợ Hòa Khánh (Đà Nẵng) gặp một người đàn bà dẫn đứa con trai (khoảng 4-5-6 tuổi chi đó) đi lui đi tới, o hỏi xin về làm con nuôi và đưa cho người ta ít tiền (khoảng 1 chỉ vàng) rồi đem về cho ba mẹ con nuôi, sau đó ba mẹ con sinh được thêm 3 đứa con trai nên mừng lắm!".
Dũng lại kể: "O tôi nói về địa chỉ nơi o bồng tôi thì nhất quán, nhưng lúc o nói mua khoảng 1 chỉ (vàng), lúc lại bảo họ thiếu ăn nên cho để nuôi, nói o dẫn đi tìm thì o không dẫn". Liên lạc điện thoại với bà Trương Thị Hồng (o Dũng) ở Long Khánh thì bà cũng nói lại như trên.
Sau khi được ba mẹ nuôi nói cho biết sự thật, Dũng đã nhiều lần tích cóp tiền (hiện anh làm nghề sửa xe đạp, xe máy, có vợ và 5 người con sống trong một căn nhà lợp tole gần biển Vinh An) vào Đà Nẵng tìm tông tích gia đình mình. Nhưng mãi cho đến nay, thông tin mà anh biết được do những người già sống tại Hòa Khánh kể lại cũng chỉ là vào thời gian đó, họ thấy một người đàn bà dẫn đứa con trai đi lại ở khu vực này nhưng sau giải phóng thì đi đâu không biết.
Ba mẹ nuôi và một số anh em của Dũng hiện đang định cư ở Canada.
Từ những thông tin trên, chúng tôi thấy có nhiều điểm trùng hợp sau:
1. Gia đình Dũng nhận con nuôi do bà cô mang về từ chợ Hòa Khánh (Đà Nẵng).
2. Độ tuổi trùng khớp.
3. Theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên, gương mặt Dũng và các con của anh khá giống với bức ảnh do bà tỉ phú người Mỹ cung cấp, càng nói chuyện tự nhiên, càng giống. Đặc biệt Dũng và 5 người con đều có hai má lúm đồng tiền rất sâu (y như Nhi trong ảnh).
 4. Dũng có một vết mổ cũ ở bụng (khi gia đình nhận về làm con nuôi đã có), vết mổ này rất đặc biệt, ai đã nhìn một lần thì không thể nào quên. (Trên bụng Dũng có một vết mổ thứ hai do cuộc phẫu thuật sỏi ống gan cách đây 2 năm ở Bệnh viện T.Ư Huế, do kỹ thuật tiến bộ nên có thể phân biệt dễ dàng). Nhờ vết mổ này (cộng với xuất xứ của Dũng) mà anh Văn Công Thi khi đọc báo đã liên hệ và phát hiện ra.
Do cuộc đời của Dũng có nhiều nét tương đồng, nhưng chúng tôi thật sự lúng túng, vì không có bất cứ một tài liệu nào để so sánh, với con ruột còn có thể xét nghiệm AND, nhưng là con nuôi thì thật sự rất khó để truy nguyên giữa hai người là một được, lại không có bất cứ một tài liệu nào để so sánh đối chiếu. Trong lúc đó, ký ức của Dũng cũng không hề ghi lại chút nào xem mình có ở cô nhi viện hay không.
Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện nhờ bên kỹ thuật hình sự giám định ảnh. Nhưng lại có một nguồn tin khác...
 Không phải Nhi mà chính là ... Nhị
Trong lúc đang lúng túng với trường hợp của Trương Minh Dũng ở Thuận An, Huế, thì anh Lê Cao Tâm, người phụ trách công việc tìm kiếm ở một hướng khác thông báo một kết quả quan trọng. Sau đây là câu chuyện đầy uẩn khúc về cuộc đời của nhân vật mà anh Lê Cao Tâm đã tìm ra tận gốc gác và kể lại:
Tôi nhận được mail của một người cho biết có một vị linh mục tên là Trần Hụt, 82 tuổi, tại Đà Nẵng biết rõ trường hợp này, nhưng khi liên lạc lại thì không có hồi âm. Do vậy, tôi đã tìm đến sơ (soeur) trưởng cộng đoàn tu viện Thánh Tâm (số 47 Yên Bái, Đà Nẵng), gặp sơ Teresa Nguyễn Thị Thới, nhờ  tra cứu tìm kiếm trong hồ sơ lưu trữ của cô nhi viện Thánh Tâm Sao Biển, xem thử có thông tin gì về Nhi hay không.
Qua hồ sơ được biết, ngày 20.8.1972, cô nhi viện Thanh Tâm Sao Biển Đà Nẵng có nhận nuôi hai cháu bé một tên là Nguyễn Văn Nhị sinh năm 1966 và chị gái là Nguyễn Thị Hồng sinh 1963. Sơ nhớ lại hai chị em được mẹ ruột đưa vào cô nhi viện, sau đó khoảng năm 1974 mẹ ruột chết, các sơ nuôi dưỡng các cháu. Trong thời gian này Nhị bị bệnh đường ruột và được các bác sỹ Mỹ, Pháp phẫu thuật 3 lần.
Sau đó, các sơ có giới thiệu cho một người Mỹ nhận làm con nuôi, trong thời gian hoàn tất thủ tục hồ sơ nhận con nuôi thì đất nước được giải phóng nên cháu bé mắc kẹt tại Việt Nam. Chị gái Nhị là Nguyễn Thị Hồng đã có chồng, 4 con trai,  hiện đang sống tại Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà  Nẵng. Sau khi liên lạc qua điện thoại, tôi đã gặp chị Hồng. 
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hồng, trước đây ba của chị là một du kích ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Khoảng năm 1972 chị bị bệnh, mẹ đưa chị ra Bệnh viện Tam Kỳ chữa và ở lại chăm sóc, ở nhà ba chị hy sinh trong một trận càn bỏ lại vợ cùng hai đứa con còn thơ dại. Đau khổ vì mất chồng lại không có khả năng nuôi dưỡng con, mẹ đưa chị Hồng cùng em Nhị vào tá túc ở cô nhi viện Thánh Tâm Sao Biển ở Đà Nẵng và bà cũng ở lại phục vụ tại cô nhi viện.
Đến năm 1974,  hai năm sau ngày ba mất thì mẹ chị cũng qua đời để lại hai đứa trẻ bơ vơ không người thân thích. Các sơ trong cô nhi viện thương yêu đùm bọc hai chị em và hứa sẽ tìm cho hai chị em một gia đình mới.
Chính trong thời gian mẹ mất, Nguyễn Văn Nhị bị bệnh đường ruột phải phẫu thuật làm hậu môn giả, chị Hồng tâm sự: Vừa mất mẹ, còn đứa em là người thân duy nhất, thấy em đang bị bệnh hiểm nghèo chị thương em vô cùng. Chị còn nhớ mãi hình ảnh em mình lúc vừa phẫu thuật xong, Nhị khát nước đến môi khô nứt nẻ nhưng bác sĩ bảo không được cho uống nước, chị phải lấy khăn thấm nước cho ướt rồi để vào môi em cho đỡ khát.
Về "bà mẹ Mỹ" (từ chị Hồng dùng), trước đây bà đã nhận nuôi một trẻ mồ côi tại cô nhi viện này nên các sơ có liên lạc với bà với mong muốn tìm được cho hai đứa trẻ vừa mất mẹ một gia đình tử tế. Và, bà mẹ Mỹ đã nhận lời nuôi dưỡng bé Nguyễn Văn Nhị. Trong lúc chờ đợi làm hồ sơ đưa Nhị sang Mỹ, mẹ Mỹ thường gửi tiền và quà  cho hai chị em (Hồng, Nhị). Mỗi khi nhận được quà, hai đứa trẻ rất vui mừng sung sướng và Nhị thường bảo với chị rằng "chị ơi chị viết thư cảm ơn mẹ Mỹ đi".
Bức hình đăng tải trên Thanh Niên chính là một trong những bức hình chụp khoảnh khắc vui mừng khi hai chị em nhận được quà từ người mẹ nuôi ở cách xa nửa vòng trái đất. Trong khi hồ sơ nhận con nuôi của bà mẹ Mỹ chưa hoàn tất thì miền Nam được giải phóng, bé Nguyễn Văn Nhị mất liên lạc hoàn toàn với mẹ nuôi.
Đến năm 1976, có một gia đình ở Đồng Nai nhận nuôi cả hai chị em. Gia đình này có một bà mẹ và một đứa con, họ nhận Hồng và Nhị về và hai chị em làm lụng vất vả trong điều kiện thiếu thốn và thường bị đánh đập. Chịu đựng được hai năm, một hôm Hồng nói với em: "Em ở lại chờ, chị tìm cách về cô nhi viện, khi nào có tiền chị sẽ vào đón em".
Nhờ hàng xóm giúp đỡ, Hồng cũng tìm về được đến cô nhi viện, sống ở đó một thời gian, Hồng đủ khôn lớn và trở lại Đồng Nai thì gia đình nọ đã dọn đi nơi khác. Qua thông tin của những người hàng xóm, chị Hồng biết được sau khi mình ra đi một thời gian, không chịu nổi sự ngược đãi và vì nhớ chị nên Nhị đã bỏ nhà đi đâu mất, không ai biết tung tích của em. Tuyệt vọng, lo lắng và nhớ thương em nhưng không biết tìm Nhị ở đâu nên Hồng đành ra về. Sống và phục vụ ở cô nhi viện một thời gian sau, Hồng có gia đình và an cư tại thôn An Ngãi Tây III, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, nhưng vẫn canh cánh bên lòng việc đứa em bị thất lạc.
Năm 2000, năm mà miền Trung gánh chịu tai ương sau trận bão lụt nặng nề năm 1999, bất ngờ Nhị tìm về Đà Nẵng, đến thăm cô nhi viện mà trước đây đã từng cưu mang hai chị em, được các sơ cho địa chỉ nhà chị Hồng. Hai chị em gặp nhau vui mừng không nói nên lời. Nhị bảo: "Nghe báo đài nói miền Trung bão lụt nặng nề, Nhị lo lắng nên tìm về thăm chị". Thời gian này Nguyễn Văn Nhị làm nghề vá xe honda trên lề đường, đã có vợ làm thợ may trong xí nghiệp và một con gái vừa tròn 1 tuổi (Nhị có đưa cả vợ con về thăm quê), vợ chồng đang ở nhà thuê tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Nhị ở nhà chị Hồng chơi khoảng 10 ngày thì đưa vợ con về Sài Gòn, sau đó Nhị quay trở lại nhà chị mình. Nhị nói với chị Hồng rằng, làm vá xe bên lề đường cực khổ quá, dăm bữa nửa tháng lại bị rượt đuổi. Nhị nói đang cần một số vốn để đi buôn bán. Chị Hồng gia cảnh khó khăn, con đông phải lo ăn từng bữa. Không có tiền nhưng lại thương em cơ cực nơi đất khách quê người, chị đi vay nóng được hai chỉ vàng với lãi suất rất cao để đưa cho Nhị đi buôn. Rồi chị lấy giấy tờ nhà đất cầm cho ngân hàng xin vay tiền để trả nợ, sau đó chị sẽ trả dần cho ngân hàng. Chị thật tình: "Tôi rất thương em, muốn bù đắp những tháng ngày nghèo khổ thiếu thốn cả tình thương lẫn tiền bạc cho em nhưng tôi cũng nghèo chỉ có thể giúp được đến đó".
Từ ngày cầm hai chỉ vàng ra đi đến nay không thấy Nhị trở lại, không một dòng tin tức nào gửi về cho chị. Chị Hồng ngày đêm mong nhớ và lo lắng. Chị lại mất em lần thứ hai. Thứ duy nhất còn lại của em chị chính là hai tấm hình Nhị chụp cùng vợ, con và bạn bè trong ngày đầy tháng con mình. Khi biết chúng tôi đi tìm Nhị theo nguyện vọng của bà mẹ Mỹ, chị thật lòng: "Em tôi bây giờ không biết sống chết ra sao, tôi rất lo lắng. Tôi rất xúc động trước tình cảm của người mẹ Mỹ, bao nhiêu năm qua bà vẫn còn nhớ đến em tôi. Tôi rất biết ơn bà vì bà đã dành cho chị em tôi một tình cảm khá đặc biệt, các anh thấy đấy, từ nhỏ chị em tôi đã khổ cực và thiếu thốn tình cảm gia đình. Tình cảm của người mẹ Mỹ lúc đó đã sưởi ấm được tâm hồn côi cút của chúng tôi".
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng hiện nay cuộc sống đầy đủ hơn xưa. Chị có chồng tên Nguyễn Văn Thọ (1963), có 4 người con đều học hành đàng hoàng gồm: Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Thanh Đông. Riêng con trai cả (Nguyễn Văn Đông) sau khi  tốt nghiệp đại học tin học đã đi tu tại chủng viện.
Từ thông tin trên cho thấy, Nguyễn Văn Nhị gần như chắc chắn là đứa con nuôi của bà mẹ Mỹ. Chúng tôi nói gần như chắc chắn là vì chỉ có thể nói hoàn toàn chắc chắn khi tìm gặp được Nguyễn Văn Nhị để biết chi tiết cuối cùng, đó là vết mổ.
Biết tin này chắc Trương Minh Dũng cũng vui, vì rốt cục, một người có hoàn cảnh éo le như mình đã tìm được gốc gác quê hương và một bà mẹ nuôi ở xa nửa vòng trái đất.
Như vậy, Nhị và gia đình anh vẫn đang ở đâu đó tại Sài Gòn. Hy vọng qua những thông tin trên đây, anh hoặc ai biết tin anh ở đâu, có thể liên hệ với các địa chỉ của chương trình kèm theo đây hoặc với Báo Thanh Niên.
Đà Nẵng- TPHCM, tháng 6.2007
***
Đoạn kết: Nhị chính là đứa con nuôi thất lạc đã được tìm ra. Tác giả không tham gia đoạn sau nên không ghi lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét