Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Cổ tích bên sông


1. Giữa đêm, đi bộ ra cầu sông Hàn, làn gió từ phía dòng sông thổi lên rười rượi. Hít một hơi đến căng lồng ngực. Đã từ rất lâu không được hít sâu như thế, vì hầu như không khí ở thành phố lớn bây giờ không đủ để hít sâu.Trong không gian thơ mộng của thành phố biển chưa nhuốm mùi ô nhiễm, chợt có nhã hứng ngâm nga thành tiếng mấy câu thơ trong bài Đà Nẵng mình tôi của Nguyễn Nhã Tiên:Và tôi ở chỗ ngày qua em ở /Phía Sơn Trà đỉnh núi vẫn mây bay/ Sông Hàn vẫn trôi/ Tôi thì ngồi lại/ Nước xa xăm câu chuyện kể ngàn ngày...
 ***  
Sách cũ chép rằng, Vĩnh Điện hà ở phía bắc huyện ,thượng lưu tiếp hai nguồn sông Ô Da và Thu Bồn chảy về phía Bắc đến xã Hoà Khuê đông hiệp với sông Cẩm Lệ chảy ra cửa biển Đà Nẵng. Đoạn hai dòng hiệp nhau đến cửa biển chính là sông Hàn. Chạy dọc bờ biển một đoạn chừng 10 km, Hàn giang mang nước ngọt của những dòng sông nhỏ và nguồn nước mặn của biển hoà vào nhau tạo thành dòng nước lợ có độ mặn biến động theo các mùa mưa nắng khác nhau. 
   Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương từng đặt câu hỏi: Tại sao lịch sử lại chọn Đà Nẵng làm mảnh đất của Tổ quốc hơn 140 năm trước xáp mặt với những hải đoàn thiện chiến của thực dân Pháp; và rồi hơn 100 năm sau đó, những gót giày của đoàn lính viễn chinh Mỹ cũng đã dẫm lên trên những bãi cát của thành phố biển này? Đất nước có bao nhiêu cửa biển, bao nhiêu là bến sông mà vị trí của chúng đã góp phần làm nên những chiến công trong lịch sử chống ngoại xâm.Nhưng phải giải thích thế nào về việc lịch sử đã trao cho Đà Nẵng lần đầu thử lửa với những khẩu đại pháo và những chiến thuyền mang hiểm hoạ từ bên kia đại dương tràn tới? Sử học đã và sẽ còn tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy...
Lạm nghĩ, trong câu hỏi này bao gồm cả câu trả lời, đó là vị trí quan trọng của Đà Nẵng trên bản đồ Tổ quốc.Vị trí quan trọng đó lịch sử đã trao cho Đà Nẵng không chỉ trong lịch sử mà cả bây giờ.
Năm 2000, tác giả Trần Kim Thạch trong một bài viết đã chỉ ra rằng, TP Đà Nẵng là gạch nối Nam- Bắc; gạch nối Tây Nguyên- biển Đông; trung tâm của Đông Dương và biển Đông; trung tâm của Viễn đông và Nam Á... Từ lợi thế của vị trí đó, tác giả cho rằng, Đà Nẵng là điểm tựa của đòn bẩy miền Trung, mà nối dài đòn bẩy miền Trung là đòn bẩy đất nước, do vậy, có thể nói Đà Nẵng là điểm tựa cho đòn bẩy của đòn bẩy. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, báo chí cũng thao thức cùng Đà Nẵng. Thậm chí có người từng đặt câu hỏi: Đà Nẵng đứng ở đâu trong công cuộc đổi mới của đất nước? Sau hơn 100  năm kể từ khi Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định chính thức công nhận Đà Nẵng là thành phố đồng đẳng cấp với Chợ Lớn trước đó và Phnôm Pênh sau này...nhưng câu hỏi thao thức thì vẫn còn nguyên.
Lúc đương nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận ra điều này, ông nói: “Nếu Đà Nẵng được chấp nhận là đô thị loại I thì sẽ là hạt nhân quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm Đà Nẵng- Quảng Nam- Quảng Ngãi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của bản thân TP, của vùng và của cả nước”.
Ba năm sau đó...
Người ta nói đến Đà Nẵng như một hiện tượng, hiện tượng Đà Nẵng, còn Thủ tướng Phan Văn Khải cụ thể hơn: “Đà Nẵng không chỉ là một điểm sáng mà là một điển hình, một nhân tố mới”. Người ngoại tỉnh thì bình luận một cách dân dã hơn, cho rằng, Đà Nẵng đã làm nên thương hiệu của mình, thương hiệu Đà Nẵng. Công dân thành phố vừa được công nhận là đô thị loại I không khỏi tự hào với thành quả của chính mình, thành quả đó, tất nhiên, đã đổi bằng nhiệt huyết và cả sự hy sinh trên nhiều nghĩa.
2. Trong lần gặp mặt cả nghìn cán bộ hưu trí Câu lạc bộ Thái Phiên sau khi nhậm chức Bí thư Thành uỷ, ông Nguyễn Bá Thanh đã kể một câu chuyện đại ý rằng, ngày trước có một anh nho sinh và một anh nông dân cãi nhau. Anh nho sinh cho rằng 4 cộng 5 bằng 9, còn anh nông dân kiên quyết 4 cộng 5 chỉ bằng 8. Hai người kéo nhau ra công đường. Quan huyện xử anh nông dân thắng nhưng không nói rõ lý do. Bực mình, anh nho sinh kiện kên quan phủ, quan phủ xử anh nông dân thắng và cho rằng phải phạt chàng nho sinh vì tội ...ngu, đã biết 4 cộng 5 bằng 9 sao còn đi kiện? Đoạn ông nhắc lại chuyện làm cầu sông Hàn. Hồi mới bắt đầu đã không ít người chất vấn ông, nếu làm cái cầu quay ấy mà xẩy ra sự cố gì thì ai chịu trách nhiệm? Ông Thanh trả lời: “Chủ trương thì của chung thường vụ và thường trực, nhưng nếu xẩy ra điều gì thì trách nhiệm chỉ thuộc về một người, đó là tôi!”. Bây giờ cầu đã làm xong, câu ca ám ảnh một thời Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang đã lùi về quá khứ. Khu nhà chồ bên tê Hàn đã nhường chỗ cho con đường Bạch Đằng Đông còn đẹp hơn cả bên phố xá nghênh ngang. Ông Thanh nhận xét một cách khôi hài, bảo mấy anh đi kiện ngày đó đáng phải bị phạt như chàng nho sinh nọ vì cái tội...biết rồi mà vẫn kiện.
Có thể nói không ngoa rằng, nếu ai biết đến thương hiệu Đà Nẵng thì không thể không biết ông Nguyễn Bá Thanh, báo chí gọi ông là ông Thanh Đà Nẵng. Nhiều chuyện người ta đã viết lên báo, nhiều chuyện được truyền khẩu, thậm chí đã thành giai thoại. Kiểu như chuyện ông đi ăn ốc hút để biết ngành thuế đánh thuế nặng với bà con thế nào; chuyện ông đi taxi rồi sau đó tự tay ký hàng trăm bản quy định buộc lái xe phải cam kết; chuyện ông dự giờ giảng văn ở trường học, hay chuyện giữa đêm ông đến khoa cấp cứu của các bệnh viện...Ngay cả chuyện ông đối thoại trực tiếp trên truyền hình cũng lạ, đến mức nhà đài phá lệ, kéo dài thời gian lên gần 3 giờ đồng hồ, chuyện sau đó cũng biến thành...giai thoại “Chủ tịch TP đi thi vấn đáp”, tất nhiên lần thi ấy ông được bà con cho điểm tối đa.
Ông Bùi Thành, Phó giám đốc Công an Quảng Bình, trong cuộc hội thảo bàn về thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong ngành đã phát biểu rằng, có những đề tài không cần nghiên cứu từ đầu mà chỉ cần đi học tập mà làm. Ông ví dụ, chuyện ông Nguyễn Bá Thanh, lúc còn là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt những người đã từng vi phạm pháp luật để biết tâm tư, nguyện vọng của họ, cho họ vay vốn để hoàn lương. Từ nguồn vốn đó, nhiều người không chỉ trở thành công dân tốt mà còn trở thành ông chủ, bà chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, không những làm giàu cho bản thân mà giải quyết được công ăn, việc làm cho nhiều lao động. Chỉ cần vào Đà Nẵng, học và làm theo chuyện đó cũng đã thành công, còn hơn tốn tiền làm đề tài mà không ứng dụng được.
Một lần khác, ông Nguyễn Minh Kỳ, bấy giờ còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết sắp tới sẽ cử một đoàn cán bộ đi Trung Quốc học tập việc xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông, ông Nguyễn Hữu Thăng, Phó chủ tịch đưa ra ý kiến: “Đi đâu xa cho tốn tiền mà không thực tế, vào Đà Nẵng mà học cách làm của ông Thanh”.
Ông Thanh không phải là ông thánh, ông cũng như bao người khác, ông cũng có người khen, người chê. Nhưng ý tưởng, cách làm và sự quyết đoán của ông thì ít ai...phủ nhận. Khi ông tổ chức gặp và đối thoại với những người từng vi phạm pháp luật, đã có người tiếng ra tiếng vào đầy vẻ...khả nghi, đến khi ông gặp mặt những người đạp xích lô xe thồ, rồi gặp và đối thoại với cán bộ công chức hay cán bộ hưu trí...thì tiếng xì xầm hầu như không còn.
Với cách nhìn của một người làm báo, có lần nhân vui chuyện, tôi hỏi thật ông, những việc đó là do tham mưu hay tự ông nghĩ ra. Bằng giọng thường ngày rất đặc trưng, ông bảo: “ Thì tui tham mưu chơ còn ai nữa!”
3. Cổ nhân từng nói: “Đường nối mạch, đất sẽ vượng”. Bây giờ thì không chỉ cầu sông Hàn nối mạch đất Đông- Tây, cầu Tuyên Sơn đã hợp long và sắp đến là cầu Thuận Phước. Lại nghĩ chuyện hơn trăm năm loay hoay tìm câu trả lời, và mới đây thôi, năm 2000, người ta còn ca thán, so sánh rất khôi hài rằng, kinh phí rót cho TP Đà Nẵng chỉ bằng kinh phí của TP cùng loại Hải Phòng cấp cho...công ty vệ sinh của họ. Bây giờ chỉ sau 3 năm, TP Đà Nẵng đã trở thành đô thị loại I cùng người anh em Hải Phòng.Bước ngoặt quan trọng đó được tạo ra trước hết bằng nội lực của người Đà Nẵng. Như một cuộc chạy việt dã mà đích đến vẫn còn phía trước, dừng lại có nghĩa là tụt hậu, nhưng phải chạy thế nào cho khỏi hụt hơi?
Người đời vốn ghét đề cao vai trò cá nhân, nhưng không thể ghét người đề cao trách nhiệm cá nhân. Ông Thanh Đà Nẵng đã lên tiếng tuyên chiến với tệ nhũng nhiễu cũng nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của công chức và hiệu quả lãnh đạo của ông với tư cách Bí thư Thành uỷ. Đó cũng là một cách tiếp sức cho cuộc chạy việt dã. Một đồng nghệp của chúng tôi từ Hà Nội vào có nhận xét, hình như ông Thanh thường bắt đầu bằng những vấn đề người ta thường gọi là “nhạy cảm” của xã hội, do vậy chính ông trở thành người “nhạy cảm” trong mắt dân chúng. Điều này có vẻ có lý, vì người ta lại bắt đầu theo dõi lời ông nói và việc ông làm. Nhưng thử đặt lại vấn: Có nhũng nhiễu không? Có! Có nên chống nhũng nhiễu không? Có! Biết chống nhũng nhiễu là đúng mà còn nghi ngờ há chẳng giống chuyện anh nho sinh đã kể ở trên!?
4. Hai năm trước, trên Thanh Niên đăng phóng sự Thiên hạ man man đã “xếp hạng” Đà Nẵng “nhậu nhất toàn quốc”. Nhiều người bảo, có ai tổ chức thi đâu mà biết nhất với nhì? Nhiều lần bên hành lang các cuộc giao ban báo chí do TP tổ chức, ông Thanh nửa đùa nửa thật: “ Cái ông Thanh Niên này nữa, thỉnh thoảng lại thụi một cái”. Nói thế để biết, cũng như các nơi khác, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm, và sự phản ánh của báo chí cũng là một cách tiếp sức cho cuộc chạy việt dã của thành phố. Nhưng báo chí cũng rất công bằng khi đánh giá, những gì hiện hữu trên thành phố bên sông Hàn như là một câu chuyện cổ tích.
Bạn hãy thử một lần, giữa đêm ra cầu sông Hàn, hít một hơi thật sâu làn gió mát, hẳn sẽ có nhã hứng đọc hai câu thơ của Nguyễn Nhã Tiên: Tôi đang ở nơi ngày xưa em ở/ Chuyện ngày xưa giờ cổ tích bên sông.

Đà Nẵng cuối năm Quý Mùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét