Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Thoát khỏi thành phố

Ông tên Trần Văn Trính, người Lệ Thuỷ, Quảng Bình quê ông gọi ông là bọ Trính. Lần đầu ra thăm con ở Hà Nội, bọ hoan hỉ lắm, thế mà ra thủ đô được ba ngày, bọ “tuyên bố” một câu xanh rờn: “Sống ri mà gọi là sống à? Phải gọi đây là... chiến đấu”. Và bọ nhất định mua vé tàu về quê. 
Lần đầu ra thành phố
Người Quảng Bình thế hệ ông Trính trở về trước con cái gọi ba mẹ bằng bọ mạ. Chuyện này một thời đã vào tiếu lâm nhưng bọ không ngại. Phục viên, lấy vợ, sinh con, ngày “bám đít trâu”, tối về cơm nước xong, “ba xoa hai đập” ngủ khì. Bọ không cho con gọi bằng ba, cứ bọ mà gọi. Con bọ cả ba đứa đều lần lượt vào đại học, mà học tận thủ đô. Báo tỉnh lên nhà bọ lấy tư liệu để viết bài biểu dương, bọ “trạng”: “Thì tui cho tụi hắn học để xoá mù chứ làm vương làm tướng chi mà viết với lách!”. Có một điều ai tinh ý mới phát hiện ra, bọ người Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, chính quê của dòng họ Ngô Đình, nhưng bọ không bao giờ “khai ra”, ai hỏi, bọ đều bảo “tui cùng quê với Đại tướng”, cũng không sai, vì quê Đại tướng ở xã Lộc Thuỷ liền kề, chỉ cách xã bọ một con kênh nhỏ, người quê gọi là con hói.
Đi cùng chuyến tàu, thấy ông nông dân đặc sệt lại nằm toa hạng sang, tôi bắt chuyện. Giọng bọ tưng tửng, có vẻ hơi “trạng”- theo cách nói của dân Quảng Bình. Bọ bảo: “Con tui ba đứa học xong, tui “cho” ở lại Hà Nội mần việc luôn. Về quê, mần chi còn ruộng mà cày. Mà về quê chừ cực lắm, trong xóm họ đồn con tui bị tâm thần hết rồi. Hôm hè, tụi hắn vô, bà con đến chơi đông lắm. Rứa mà có cái chi reng trong túi, hắn móc ra, đưa lên tai rồi đi đi lại lại dưới bụi tre nói lảm nhảm mãi, Tưởng chỉ thằng anh, té ra thằng em còn lảm nhảm lâu hơn. Con em út cũng như rứa, ngồi cùng bà con mà hắn cầm cái chi đó bấm bấm luôn tay, thỉnh thoảng lại cười một chắc. Chú nói rứa hắn có bị điên thiệt không? Tui thì bán tín bán nghi, răng mà nhà nước lại đi dùng người điên mần việc được”. Tui ra Hà Nội lần ni để coi tụi hắn ra răng..
Chuyến tàu E2 đến ga Hà Nội đúng 7 giờ sáng, tôi xách túi giùm bọ ra ga, bọ bảo: “Đêm qua bọ nằm giường trên tàu tốn đến hai tạ thóc, cũng tiếc, nhưng cả đời mới đi có một lần, ra thủ đô phải cho oách, không họ khinh mình nhà quê”. 
Ba ngày “chiến đấu”
Chuyện này do chính ông Trính kể ngay ở Toà soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội khi ông đến tìm tôi. Xin chép và biên tập lại cho dễ hiểu  như sau:
Ngày thứ nhất: Đón ông ở ga là con trai đầu, ông hỏi: “Xe ni của mi à?”, con ông cười, giải thích đó là taxi, ai trả tiền thì họ chở đi. Xe chạy về khu Hào Nam thì dừng lại ở đường lớn, Tráng- tên người con đang công tác tại một công ty dược dẫn ông đi vào kiệt. Ông bình luận: “Đường chi mà cứ như giao thông hào thời chống Mỹ, ri thì trâu đi răng lọt. May xe ô tô nớ không phải của mi”. Đến nhà, ông đứng trước cửa ngắm đi ngắm lại: “Đây họ tài hè, mần nhà nhỏ mà cao rứa răng hắn không trúc (đổ)”. Vợ Tráng cả cười, mời bọ vào nhà. “Giờ vợ chồng con phải đi làm việc. Hai đứa nhỏ ra đầu ngõ ăn sáng xong rồi đi học, buổi trưa ở lại nhà cô giáo để chiều học thêm. Bọ ở nhà, nước nóng trong bình, pha phở gói ăn tạm, trưa vợ con tranh thủ  mua cơm hộp đưa về cho bọ. Bọ nghỉ ở phòng ni, ti vi con bật rồi, bọ nhớ đừng mở cửa kẻo hư máy lạnh, bọ nằm nghỉ, xem ti vi, tối cả nhà về cùng ăn cơm, nói chuyện”.
Ông Trính ngạc nhiên thốt lên: “Rứa tau ở nhà một chắc à?”.
Khi cả nhà đi hết, buồn quá, ông định sang nhà hàng xóm chơi nhưng cửa bị khoá chặt. Bất đắc dĩ ông lại phải vào phòng. Nhưng phòng mỗi lúc một lạnh khiến ông khó chịu, đành phải ra ban công. Ở ban công thì quá nóng, ông lại đi vào phòng. Cứ vào vào ra ra như thế cho đến tối. Khi cả nhà Tráng cùng gia đình hai đứa em được tin bố ra cùng kéo đến. Tráng hỏi: “Ở nhà buồn không bọ?”. Ông Trính dằn lòng: “Bình thường thôi!”
Đến thăm bọ xong thì ai về nhà nấy. Ông Trính đêm ấy thao thức không ngủ được. Phần vì lạ nhà, phần vì ngủ nệm không quen làm ông đau nhừ cả xương.Ông nằm và suy nghĩ miên man.Sáng dậy, vợ Tráng hỏi: “Bọ ngủ được không bọ?”. Ông đáp: “Bình thường thôi!”
Ngày thứ hai: Hôm nay thứ bảy nhưng Tráng có việc làm ăn phải đi sớm, hai cháu vẫn đến nhà cô học thêm, chỉ một mình Đào, vợ Tráng ở nhà. Bố chồng và cô con dâu người Bắc ít về quê nên chẳng có gì để nói ngoài mấy câu hỏi thăm sức khoẻ. Ông đang uống trà thì chuông cửa reo.
Người khách là bạn cùng cơ quan với Đào mà sau này kể lại, ông Trính nhận xét là “nói như cái máy”. Ông kể: “Cô ni nói tiếng Việt Nam rõ ràng, mà răng phải mang áo quần bên Tây. Cổ nói với con dâu tui là bộ áo váy mua tận bên Ốt-trây chi đó đến mấy trăm đô, tính ra gần chục triệu bạc. Cổ bảo hôm qua cổ ăn cơm ở khách sạn hu hu  (hình như là DEAWOO- người viết đoán) mà họ tính dĩa rau muống đến ba trăm nghìn, bằng ba tạ thóc trong quê. Cổ còn nói, hôm nay không đi được đôi giầy mới mua bên Ý đến nghìn đô vì hôm qua bị hai con ô-sin trong nhà làm đổ nước sôi vào chân. Ô- sin là con chi chú, mà trong nhà nuôi đến hai con? Chú nì, có cục chi như miếng gỗ vạt tròn hai góc nhưng gọi được như điện thoại mà cổ mua đến chín triệu tư, bằng chiếc máy cày của hợp tác xã? Mấy cô Hà Nội nói với chồng con lạ hi. Tui nghe cổ điện thoại nói: “Chồng ơi, chồng ở bên Tây lâu quá, vợ nhớ chồng lắm!”. Ui chao, cổ với con dâu tui ngồi nói suốt cả buổi mần tui đau cả óc. May mới một buổi, qua buổi thứ hai chắc tui điên mất”.
Chiều vợ chồng thằng Trương chở tui qua nhà hắn bên Gia Lâm, xe chi mà xe đã lắm! Ừ, mà răng người Hà Nội  suốt ngày họ đi giữa đường rứa chú hè? Hắn cho tui đội cái mũ bảo hiểm nóng thấy mồ. Chen lấn mãi mới qua đi đến được nhà. Tui hỏi: “Ngày mô cũng rứa à con?” Hắn đáp: “Ngày mô cũng như ngày mô bọ nờ!”. Tui qua nhà hắn,  đường có to hơn đường vô nhà thằng Tráng, nhưng cái rãnh thoát nước hắn hôi chi mà hôi lạ rứa chú hè? Con tui ở đây cả năm cả tháng, tội hắn quá chú ơi!”
Ngày thứ ba: Ông nhờ cô con gái tên Trâm chở lên trường đại học cảnh sát để mang quà của ông hàng xóm gửi cho con học ở đây. Trâm bảo cứ để cô đi một mình nhưng ông không chịu. Ông nhất quyết phải gặp mặt và đưa quà tận tay để ông hàng xóm biết ông là có ra thủ đô thật. Với lại, ông muốn tận mắt thấy cu Giang để còn vô báo cáo tình hình với bọ hắn. Hai bố con loay hoay mãi ở ngã Tư Sở nhưng không thể nào thoát ra khỏi dòng người xe chật cứng. Toát mồ hôi, hoa cả mắt, như cái lò xo bị nén quá mức nay có dịp bật ra, ông hét lên: “Sống ri mà gọi là sống à, phải nói đây là đi ..chiến đấu”. Và ông nhất quyết đòi Trâm mua vé tàu cho ông vô Quảng Bình ngay lập tức. Trâm đùa: “Con không mua vé làm sao bọ vô được?”. Ông bực mình bắt Trâm chở đến Báo Thanh Niên: “Tau đến nhờ chú Thịnh đồng hương hôm cùng đi tàu với tau mua vé, nhà báo mà không mua được vé à?”.
Bọ “đào ngủ”
Thấy bố kiên quyết quá, Trâm trở nên lo lắng, cô thuyết phục tôi cùng đến nhà Tráng ở Hào Nam để “đồng hương gặp nhau cho biết”. Tại đó, tôi  được dự  cuộc họp gia đình ông Trính mà hai thế hệ đụng độ nhau về quan điểm sống.
Tráng là dược sĩ cao cấp, trạc ba nhăm tuổi, trông lịch lãm nhưng nhanh nhẹn theo kiểu con nhà làm ăn, là anh cả nên mở lời trước: “Bọ mới ở quê ra, chưa quen, chứ ai ở đâu quen đó, không đến nỗi phải “chiến đấu”như bọ nói đâu?”. Ông Trính chặn ngang lời Tráng, quay mặt sang phía tôi: “Tui hỏi chú, ngày mô cũng vô ra con đường nhỏ như giao thông hào có phải là chiến đấu không? Ngày mô cũng cơm hộp, mì gói, cha con vợ chồng không gặp nhau, bếp không đỏ lửa có phải là chiến đấu không? Vào phòng thì lạnh, ra ban công thì nóng có phải là chiến đấu không? Ra đường thì chen lấn, kẹt xe, tai nạn giao thông, về nhà ngửi mùi hôi cống rãnh có phải là chiến đấu không? Bọ ra thăm con cháu phải ở nhà một mình, bị khoá cửa nhốt như bị tù có phải là chiến đấu không? Ngày nghỉ không nghỉ được vì người ta đến nói chuyện đô la đô xòn, ô sin ô siếc, chồng ơi chồng hỡi.. đến nhức cả tai có phải là chiến đấu không?..”. Ông làm một mạch không dứt nếu Trương, con trai thứ, là kỹ sư cầu đường, không cắt lời: “Bọ thông cảm, độ này vợ chồng con kẹt quá, công trình đang gấp, không thể vắng mặt được”. “Rứa mi mần để mần chi, đến nỗi bọ ra cũng không gặp con thì thà bọ ở nhà quách cho rồi! Trâm, con vô Quảng Bình mà lấy chồng, đừng ở đây mà chiến đấu nữa, cho thằng Tráng, thằng Trương hắn muốn chiến dấu thì chiến đấu”. Nói rồi ông rơm rớm nước mắt: “Cháu suốt ngày đi học, tối về chúi mũi vô ti vi với điện tử, không hỏi han, nói chuyện, coi như không có ông nội ra, chú coi, đời rứa thì còn chi là đời nữa chú?”.
Tráng, Trương và Trâm  lái câu chuyện sang tôi, nói chuyện mà như để giải thích với ông Trính về áp lực đời sống, công việc, quan niệm sống của lớp  bây giờ. Ông Trính ngồi yên không biết có nghe hay không nhưng ông chẳng nói gì.
Chiều, Tráng mở lời: “Nhân có bọ ra, anh Thịnh đồng hương đến chơi, vợ chồng con mời cả nhà đi nhà hàng đặc sản”. Ông Trính đứng phắt dậy: “Bọ không đi. Bọ không chiến đấu nữa, bọ đào ngũ đây! Chú nhà báo thông cảm nghe!”
Hôm sau, tôi nhận được cú điện thoại gọi từ bưu điện huyện Lệ Thuỷ, giọng bọ hoan hỉ: “A lô, chú Thịnh à? Tui đã thoát khỏi thành phố rồi chú ơi!”

Hà Nội tháng 8 năm 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét