Một đứa trẻ ngổ nghịch, đen nhẻm, trần
truồng lặn qua dòng sông Kiến Giang để chỉ làm mỗi việc...sờ vào chiếc xe Volga chở Đại tướng về làng; bị cận vệ đuổi, đứa trẻ lao
xuống sông như một con rái cá để lặn về. Đứa trẻ đó không ngờ sau này lớn lên,
được gặp Đại tướng và hơn thế, được ông dạy cho cách làm báo...
Đứa trẻ đó là
tôi.
“Nhất Cồn Dồi
An Xá, nhì Khuông Đá Lộc An”-ấy là người xưa nói về thế đất của hai làng đối
diện nhau qua dòng sông Kiến Giang của huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình).
Làng An Xá của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm bên kia sông, thuộc xã Lộc Thuỷ. Làng Lộc An (xã
An Thuỷ) ở bên này. Từ hồi chỉ thấy Đại
tướng qua bức ảnh treo trong nhà, đôi khi cả nhà đi vắng, tôi cứ đứng nhìn trân
trân vào bức ảnh mà như không thể tin vào mắt mình: Không hiểu vì sao đất Lệ
Thuỷ “đồng chua nước mặn” lại có thể sinh ra một danh tướng lẫy lừng như vậy.
Câu hỏi đó đến hôm nay vẫn cứ ám ảnh tôi...
Dạo đó, vào
những năm giữa thập kỷ 60 của thế kỷ 20, tôi không nhớ vào
ngày tháng năm nào (hồi đó ở vùng quê nghèo chúng tôi, khái niệm thời gian cũng
rất mơ hồ, chả thế mà sau này anh em tôi đồng loạt đi làm giấy khai sinh, đứa
nào cũng lấy ngày 11 tháng 12 làm ngày sinh của mình, chỉ khác mỗi đứa cách
nhau hai tuổi), hình như là vào mùa hè, cả làng tôi bỗng nhiên chộn rộn hẳn
lên. Theo mọi người chạy xuống bờ sông, thấy một đoàn xe dài nối đuôi nhau,
người ta bảo, hôm nay Đại tướng về làng!
Trong lúc
người làng Lộc An của tôi dán mắt vào từng chiếc xe, hy vọng từ đó có thể thấy
được Đại tướng (vì sông Kiến Giang rất hẹp) thì tôi, thằng bé đen nhẻm nung nấu
một ý đồ khác: Nhất định phải nhìn thấy Đại tướng bằng xương bằng thịt. Cỡi áo
quần giấu vào một đụn rơm, lần xuống sông, lặn hai hơi đã đến bờ bên kia. Bám
vào một bụi tre trầm (tre bị xói lở gốc), tôi leo lên bờ và bắt đầu trườn đi
như một con lươn. Đến sát chiếc xe Volga màu
đen (trước đó mọi người bảo là xe Đại tướng ngồi), tôi nằm im, lấy cỏ trùm đầu,
nín thở...
Cuối cùng, tôi
đã nhìn thấy Đại tướng từ nhà đi ra. Ông không mặc quân phục màu trắng, đeo hàm
đại tướng uy nghi như tôi thấy trên ảnh mà giản dị trong chiếc áo cộc tay màu
cỏ úa, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi. Cả người tôi như bị một luồng điện
chạy qua làm tê dại.
Ông chào bà
con rồi bước lên chiếc Volga màu đen ngay trước
mắt tôi. Chiếc xe nổ máy...
Một ý nghĩ
chợt loé lên trong đầu, nhanh như con sóc, tôi vùng dậy, chạy về phía trước
và...sờ tay vào chiếc xe chở Đại tướng. Nhanh hơn cả sóc, một bàn tay cứng như
sắt túm lấy vai tôi, tôi vùng mạnh và có lẽ vì người trơn quá nên anh bảo vệ đã
không giữ được. Lao vội xuống sông, còn nghe vẳng bên tai một câu giọng Bắc:
“Thằng nhóc!”. Không hề gì. Chỉ hai hơi, tôi đã lên bên kia bờ và đang sướng
phát điên lên vì đã được...sờ tay vào xe Đại tưóng.
Mãi sau đó
nhiều năm, khi lên học cấp ba, tôi vẫn còn “nổi tiếng” đến mức trong một lần
phát thưởng, thầy hiệu trưởng sau khi tuyên dương còn kèm theo câu: “Đây chính
là thằng nhóc làm công an phát mệt khi dám...sờ vào xe Đại tướng!”. Đứng dưới
cờ, tôi nhìn xuống và thấy hàng trăm cặp mắt bạn bè đầy vẻ thán phục. Tôi chắc
chắn rằng, không phải vì tôi học giỏi mà vì tôi đã ...sờ được vào xe của Đại
tướng. Bỗng thấy mình như một người hùng!
**
Năm 1990.
Anh Đỗ Quý
Doãn, Tổng biên tập Báo Quảng Bình (nay là Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin)
thông báo cho tôi (bấy giờ là Thư ký Toà soạn) biết Đại tướng sẽ đến thăm và
nói chuyện với anh em phóng viên.
Trong căn
phòng 16 m2, bàn ghế lộc cộc chiếc cao chiếc thấp (hồi đó tỉnh Bình Trị Thiên
mới được tách làm ba), tôi vinh dự được ngồi nay cạnh Đại tướng và phu nhân.
Sau khi nghe Tổng biên tập báo cáo tình hình xuất bản báo Quảng Bình, Đại tướng
nở một nụ cười thân thiện và thông cảm. Ông hỏi:
-
Báo
của mình ra một tuần mấy số?
-
Dạ
thưa, mỗi tuần một số- Anh Doãn báo cáo.
-
Mỗi
số có mấy trương ? (Đại tướng không nói trang mà là trương)
-
Dạ 8
trương!
-
Mình
nói với các cậu với tư cách là một đồng nghiệp, mình cũng đã từng làm báo, chứ
không là tư cách đại tướng đâu nghe. Làm báo là phải tìm cách đưa thông tin đến
người đọc một cách nhanh nhất, thế mà báo ta mỗi tuần ra có một số thì tin
nhanh cũng thành nguội. Đành rằng tỉnh mới chia tách, ngân sách còn khó khăn,
nhưng thay vì làm tờ báo mỗi tuần ra một số 8 trương, các cậu có thể cho ra hai
số, mỗi số 4 trương; hoặc 4 số, mỗi số hai trương có được không?
Anh Đỗ Quý
Doãn tiếp thu ý kiến và báo cáo lên Ban thường vụ Tỉnh uỷ; không lâu sau, báo
ra mỗi tuần 4 số.
Câu chuyện đưa
thông tin đến người đọc một cách nhanh nhất, sau này cứ làm chúng tôi suy nghĩ
mãi, ngay cả khi tờ báo vẫn được “bao cấp”, làm thế nào lương cũng chỉ chừng
ấy.
**
Sau này, dù
tuổi đã cao, Đại tướng vẫn rất nhiều lần về quê.
Nhiều vấn đề
Đại tướng nói chuyện với cán bộ tỉnh Quảng Bình hay huyện Lệ Thuỷ quê ông, có
dịp tôi sẽ ghi lại đầy đủ hầu bạn đọc. Với tư cách là người làm báo, tôi “phát
hiện” ra ông rất quan tâm đến vấn đề môi truờng. Câu chuyện tôi kể sau đây liên
quan đến “duyên phận” làm báo của mình.
Hồi ấy, tôi ra
Hà Nội, làm ở Toà soạn Báo Thanh Niên, nhưng mỗi lần nghe thông tin đại tướng
về quê, tôi đều nhảy tàu vào Đồng Hới để “đón đầu”.
Một lần, ông
đến thăm vườn ươm cây của mẹ Phạm Thị Nghèng ở Quang Phú (Đồng Hới). Mẹ Nghèng
bấy giờ đã trên 70 tuổi, không biên chế, không hưởng lương mà có đến 40 năm
trồng cây chắn cát. Cả một rừng cây phi lao
ven biển Đồng Hới bây giờ đều do mẹ và đội trồng rừng của mẹ lập ra tạo
nên. Hơn thế, mẹ Nghèng là người đầu tiên có sáng kiến dùng đọt phi lao để ươm
cây giống (trước đó người ta chỉ bết ươm từ hạt). Một chuyên gia nước ngoài hỏi
nguyện vọng của mẹ khi về già, mẹ bảo chỉ cần cho mẹ một cổ săng cấp (gỗ làm
quan tài). Bấy giờ Đại tướng rất xúc động, ông bảo: “Quảng Bình cát trắng, gió
Tây Nam
(gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy!”. Rồi quay sang
cánh phóng viên, ông nhắc: “Nhiệm vụ của các cậu là phải làm để Quảng Bình có
nhiều người như mẹ Nghèng”.
Vâng lời ông,
tôi viết bài “Chuyện chưa kể về người mẹ 40 năm trồng cây chắn cát”. Và năm đó,
Chi hội Báo Thanh Niên chọn bài này dự giải Báo chí toàn quốc, tác phẩm được
giải B (không có gải A) năm 1999. Năm sau, mẹ Nghèng được Nhà nước phong tặng
danh hiệu Anh hùng lao động.
Một lần khác, tôi theo chân Đại tướng lên
vùng đồi huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thăm vườn của thương binh Ngô Văn Lý ở xóm
Cồn Chay. Trong lúc đề tài nghiên cứu nhân giống cây huỷnh (tiếng địa phương là
huyệng- một loại gỗ tốt dùng để đóng tàu thuyền) được các nhà khoa học nghiên
cứu nhiều năm chưa có kết quả thì ông Lý đã nhân được giống để trồng cả một
rừng huỷnh để bán mỗi cây giá bằng 3 ha bạch đàn. Ông Lý còn “chuyển giao công
nghệ” cho lâm trường nhà nước miễn phí. Ông Lý đã làm cho đất đồi hoang của Bố
Trạch trở nên “đắt như tôm tươi” vì nhà nhà nhận đất trồng huỷnh. Trong lúc ông
Lý luống cuống vì không ngờ được rằng trong cuộc đời ông lại may mắn được đón
vị Tổng tư lệnh quân đội mà ông kính phục ngay tại... nhà mình, thì Đại tướng
nói với các cán bộ và cánh phóng viên đi theo: “Trong lúc Quảng Bình đang băn
khoăn với việc “trồng cây gì, nuôi con gì thì anh Lý đã chứng minh bằng việc
làm của mình. Anh xứng đáng là một chiến sĩ quân đội nhân dân, một cựu chiến
binh, một tiến sĩ thực hành như nhân dân “phong” cho”.
Năm 2001,
phóng sự “Một lão nông tài ngang...tiến sĩ” của tôi đoạt giải nhất.
**
Vậy là, từ chỗ
là đứa trẻ nghịch ngợm chỉ mong ước được sờ tay vào xe Đại tướng, chúng tôi may
mắn được nghe Đại tướng dạy cách làm báo, hơn thế, một cách gián tiếp, ông còn
chỉ cho chúng tôi đề tài để viết và đoạt nhiều giải thưởng.
Kể lại chuyện
này không phải để khoe mình, có khoe chăng là chuyện tôi được may mắn nhiều lần
đi theo Đại tướng về quê, thoả được ước mơ từ tấm bé, mà tôi đang muốn kể về
ông- một vị tướng tài ba, một nhân cách lớn và tầm nhìn cao rộng của ông về
nhiều lĩnh vực đã ảnh hưởng đến cả những con người bình thường như tôi- một
thần dân có niềm tự hào ngấm ngầm là được sinh ra cùng quê với ông.
N.T.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét