Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (7)


Lại kể chuyện trước đó, tôi mới về Báo Dân (Bình Trị Thiên) nhận việc, thấy một người dong dỏng cao, gầy như không thể gầy hơn, ngồi trước hiên, xung quanh là một đám nhà báo trẻ, nam có, nữ có...Đang chuyện rôm rã, anh dong dỏng cao bất chợt thở dài rồi đọc hai câu:
Sự đời như cái lá đa/ Ngẫm đi ngẫm lại mả cha cái sự đời.
Sau này tôi mới biết đó là anh Ngô Đức Biền, bút danh Hiền Lương, phụ trách công tác bạn đọc và giữ chuyên mục mỗi kỳ một chuyện trên báo.
Anh có bệnh hen, sức khỏe không mấy tốt nhưng lại hay đi. Trong khi mọi người chú trọng đến chuyện đại sự quốc gia thì anh một mình một chiếc xe đạp cà tàng anh đi khắp ngõ ngách, đến từng gia đình có hoàn cảnh oan trái hoặc gặp khó khăn trong đời sống. Anh bảo mình rứa thôi, sức yếu làm việc nhỏ.
Mục mỗi kỳ một chuyện của anh là mục được nhiều bạn đọc theo dõi nhất. Từ câu chuyện tranh nhau một lối đi, một cái hàng rào, một bụi chuối, những hiềm khích trong đời sống gia đình, hàng xóm...được anh khái quát lên thành một vấn đề xã hội bằng lối viết nhẹ nhàng, chân chất như con người Quảng Trị quê anh.
Anh bảo tôi, mình phải viết cho người đi lượm ve chai cũng hiểu.
Không chỉ viết, nhận được đơn từ khiếu nại anh tham gia giải quyết rốt ráo, có hiệu quả. Nhiều lần người ta đến cám ơn anh, mang cho anh hai lá thuốc lá (anh bị hen nhưng hút thuốc quấn nguyên lá), thấy anh rất vui.
Thời bắt đầu luồng gió đổi mới, mục mỗi kỳ một chuyện (lúc đó báo tuần ra 4 kỳ) và là mục “nóng” nhất. Nhiều người có chuyện thấp thỏm không biết hôm nay nó có nói mình không?
Một hôm chúng tôi hoảng hồn khi hay tin anh nhập viện. Mọi người chạy ào lên. Thế rồi bác sĩ bảo anh đã đi.
Đám trẻ chúng tôi không kiềm chế được, khóc rống lên. Anh đi, chúng tôi mất một chỗ dựa tinh thần gần như duy nhất. Bởi vì lúc đó cánh phóng viên già là một nhóm có tên chung là ông Quyền Lực, đối với họ lớp trẻ làm gì cũng...không đáng tin, thậm chí là cái gai trong mắt họ, không khí tòa soạn nặng nề vô cùng. Chỉ có anh Biền (và anh Tân Dân, sau này nữa là anh Quý Doãn) là người để chúng tôi tụ tập xung quanh.
Cánh phóng viên trẻ thay nhau trực 3 ngày ba đêm bên linh cửu anh. Tôi sống 3 ngày đó và thấy yêu thương cuộc đời hơn, nhờ anh.
Người đến viếng anh là chị lượm ve chai, bà bán cá ở chợ, anh đạp xe thồ...Họ đến, quỳ sụp bên linh cửu anh, khóc than như thể chính họ mất đi một người thân, một chỗ dựa, một niềm tin...Trong số họ có người không đủ tiền mua nguyên một thẻ nhang, một chai rượu...Họ cầm trên tay chỉ 3 que nhang, thắp lên mà lạy mà kêu khóc thảm thiết...
3 ngày chứng kiến những chuyện đó khiến đứa nào trong chúng tôi cũng cạn khô nước mắt nhưng đều rất tự hào khi có một đồng nghiệp như anh.
Cái chết của anh hồi đó cũng có đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề tiêu cực, nhưng sau đó mọi chuyện đều chìm xuống và trôi đi.
Tiễn anh đi rồi, cánh trẻ chúng tôi tụ tập lại trong quán rượu, tôi nhớ có anh Tân Dân, anh Đỗ Quý Doãn và bọn tôi, Chung Anh, Lê Công Doanh, Lê Văn Điểm...ôm lấy nhau mà khóc. Không phải khóc thầm mà khóc tồ tồ. Người ở quán biết chuyện cũng khóc theo. Đến lúc đó chúng tôi vẫn không thể nào dám tin là anh đã bỏ chúng tôi mà đi...
Thấy chúng tôi khóc dữ quá, mấy ông ở Viện Kiểm sát tỉnh (gần đó) bèn điện thoại về cơ quan. Ngay lập tức Tổng biên tập Phạm Xuân Thích đạp xe đến kêu về. Và cuối năm đó, những người khóc đều bị cắt lao đông tiên tiến chỉ vì cái tội...khóc.
Anh Ngô Đức Biền mất để lại mấy đứa con còn nhỏ, gia đình rất khó khăn. Thế rồi chia tỉnh, tôi về Quảng Bình, bôn ba với đời sống và công việc. Cho đến khi vào Đà Nẵng, nhận được nhiều bài cộng tác viết rất tốt của một cô gái ở Huế. Trong một cuộc thi viết về Người tình nguyện do báo Thanh Niên tổ chức, cô ấy đoạt gải nhì. Sau này anh Nguyễn Tuấn mới cho tôi hay, đó là cô con gái đầu của anh Ngô Đức Biền.
Anh Ngô Đức Biền là một nhân cách ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời tôi, cho dù thời gian sống cùng anh rất ngắn.
Sau này, theo thời gian, tôi chứng kiến nhiều sự ra đi của nhiều đồng nghiệp nhưng thấy không ai giống anh Biền. Không giống ở chỗ, người ta viết bài chia buồn trên báo rất nhiều và rất dài vì người viết không có thời gian khóc đến mức bị kỷ luật như bọn tôi hồi đó.
Trong cuộc đời, đôi khi chỉ gặp một con người cũng là định mệnh. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét