Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Lái xe nghiệp dư chính chuyện

Cũng như ngày xưa tập xe đạp, rồi sau đó tập đi honda, bây giờ đời sống cao hơn nên người ta chuyển sang tập lái ô tô. Người mua được xe riêng đã đành, người chưa mua được xe riêng (mà làm sếp, cơ quan có xe hẳn hoi) cũng học lái. Chuyện đó cũng thường tình, điều không thường tình là các anh tài xế nghiệp dư này không ít phen gây ra những chuyện bi hài...

Như phim hành động của Mỹ!

Người ta bảo muốn được vào học lái xe ngay phải “mua một bộ hồ sơ” giá 1.500.000đ, nếu không phải chờ “mút mùa Lệ Thuỷ”, nghĩa là phải đến đâu năm... 2010 mới đến lượt. Bạn tôi đang “máu” một chiếc Xe-vic, Xe- viếc gì đó nên gật đầu cái rẹt. Không biết gã cò mua ở đâu mà lẹ, lấy tiền hôm nay, mai có hồ sơ và đầu tuần tới đã đi học. Anh này muốn cái gì là phải làm cho bằng được, nên trong đường công danh cũng thành đạt. Trong lúc đám bạn bè đồng khoá giữ cho yên cái ghế công chức còn khó thì anh đã lên làm sếp. Vì thế anh bảo học là học. Tất nhiên cũng thi đỗ cái rẹt, lấy bằng cái rẹt. Xong!
Đã đăng ký trước nên anh trả tiền, nhận xe cũng rẹt rẹt như mọi chuyện anh làm. Tôi cả mừng cho bạn, bảo: “Mày là thế hệ sếp đời mới, tự lái xe riêng đi làm, khỏi dính dáng gì đến cơ quan, trên cả tuyệt cú mèo rồi còn gì!”. Hắn không nói gì chỉ cười cười.
Sau khi được bạn chở đi một vòng quanh thành phố Đà Nẵng, tôi về ngủ trưa vẫn còn lâng lâng như bay trên mây, tỉnh dậy, ước một ngày nào đó bỗng dưng nhặt được cục vàng đem bán mà mua một chiếc. Nhưng lại tự vấn lương tâm, nhớ bài học đạo đức ngày xưa thầy dạy “Được của rơi trả lại cho người đánh mất”, nên biết ước mơ của mình chỉ là viễn vong mà thôi, chấp nhận xách chiếc xe cà khổ ra đạp cái phạch, chạy đến cơ quan.
Chiều, bạn tôi đánh xe đến đón vợ, không biết chiếc xe nửa tỷ trở chứng hay bạn tôi trở chứng thế nào mà hai bên không tuân lệnh của nhau, cứ thế nó lao vào cổng cơ quan, húc tung cánh cửa, cảnh tượng y như phim hành động của Mỹ.
Sau vụ này, nhiều người ghen tỵ “chế” ra rằng, lúc ấy bạn tôi lái xe, mặt vênh lên như “bố vợ phải đấm”, nói theo ngôn ngữ 9X là “mặt đang..khè thiên hạ”, oách lắm, thì ..rầm một cái. May mà anh em lính lác trong cơ quan bà xã biết ý, tỉnh bơ, coi như đó là chuyện thường tình, cứ thế đổ lỗi cho “thông số kỹ thuật” của chiếc xe nên cũng đỡ ngượng. Tôi không tin điều đó, vì biết cha này “tỉnh” lắm, làm quan sớm thế, không tỉnh có mà toi, nên chuyện “khè” chắc là không có. Đây có thể là một tai nạn rủi ro mà thôi!
Nhớ chuyện năm 1992, phong trào mua xe máy công cho sếp đi làm đang thịnh hành ở miền Trung, ông giám đốc Sở Tư pháp của tỉnh Q.B mặc áo vét, thắt cà- vạt phóng chiếc Honda đời 81 “kim vàng, giọt lệ có đồng hồ báo xăng” mới được cơ quan tậu cho, đến trụ sở liên cơ (6 cơ quan đang làm việc chung) để họp, bao nhiêu người đứng trên ban công nhìn xuống mà lác mắt. Nhưng vào đến sân rồi, ông không dừng lại, cứ thế chạy quanh sân mỗi lúc một nhanh, mọi người tưởng ông đang “khè”, hoá ra ông muốn dừng mà không dừng được, thay vì giảm ga thì ông cứ vù lên cho to. Vừa vù ga vừa dạng hai chân chà xuống đất để hãm tốc độ, đến nỗi hai gót dày đen bóng bốc mùi khét lẹt. Cuối cùng, ông quyết định lao vào đống cát cạnh sân, chiếc xe dừng lại, ông ngã  xuống, người bê bết cát. Mọi người bụm miệng cố nhịn cười mà đau cả bụng.
Chắc bạn tôi chưa có nhiều giờ “bay” nên còn lúng túng như ông giám đốc đi honda, đôi khi muốn đạp côn lại cứ thế mà đạp ga chưa chừng!
Chạy theo đường thẳng
Anh này (tế nhị, xin không nhắc tên) cũng mới tập toẹ lái xe hơi. Mỗi lần đi đâu, anh đều bảo lái xe de xe từ garage ra đường, trả tay lái về ngay ngắn rồi mới lên xe lái chạy. Sở trường của anh là chạy thẳng, mỗi lần qua ngã ba ngã tư là anh toát cả mồ hôi. Vì thế, đi họp ở đâu anh cũng đi sau để đỗ xe bên ngoài, đặng khi về cho dễ. Hôm có hội nghị của một đơn vị trung ương tổ chức ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), tan họp, hàng chục chiếc xe cùng nổ máy, anh cũng ngồi lên xe, vẫy tay chào đám đi xe máy chúng tôi với lời chào đầy hãnh diện: “Mình về trước nhé, bái bai!”. Nhưng én..én..én, khục khục. Xe không nổ. Đám lái xe phía trong  chờ lâu bực mình chửi toáng lên (dù biết trên xe không phải là tài xế mà là một ông sếp cầm vô lăng). Anh xuống xe năn nỉ cánh lái xe đẩy giùm, nhưng mấy cha lái xe đâu vừa, văng ra rất bừa bãi: “Làm sếp thì lo mà làm sếp, định cướp cơm anh em à?”. Tôi là người ủng hộ cái..lạ nên xông vào phân bua giùm, rồi gọi đám bạn bè đi xe máy đến đẩy cho xe nổ, cứu anh một bàn thua trông thấy.
Mặt anh lúc đó thuỗn ra, dài như cái bơm, tôi chợt nhớ đến một tình tiết trong bộ phim đã chiếu ở miền Bắc xem từ hồi còn bé. Đoạn anh cán bộ luống tuổi đi xe đạp, đeo cái đài Orionton (thời ấy là oách lắm!) đi tán gái. Đến nhà cô gái, mọi người xúm quanh nhìn anh đầy thán phục. Anh đưa chiếc đài lên, “khè”: “Xin mời cả nhà nghe nhạc”. Rột rột..ọ ọ. Anh vỗ thêm mấy cái. Lại rột rột, ọ, ọ rồi câm hẳn. Lúc đó mặt anh ta cũng dài ra như cái bơm xe, y chang anh “bái bai” mà xe không nổ.
Muốn ngồi trên xe phải biết..đau bụng.
Người bạn này đồng ý cho tôi kể lại chuyện này nên xin được giới thiệu tên anh là Ngọc, làm giám đốc chi nhánh của một đơn vị trung ương đóng tại Quy Nhơn, Bình Định. Chuyện anh kể thế này:
Hôm nhận bằng lái, anh mượn được chiếc xe của bạn đánh thẳng về cơ quan, con trai anh chạy ra (chả là gia đình anh đang ở tầng trên, tầng dưới làm văn phòng), thằng nhỏ nhà anh thán phục: “Ua, ông boa từa dữ (ông ba tài dữ) ta!”. Đang ngon trớn, anh bảo: “Lên luôn!”. Thằng nhỏ chạy vội sang nhà cạnh, rủ đứa bạn cùng leo lên xe. Trong khi hai đứa trẻ nhún nha nhún nhẩy vô tư ở băng sau thì anh đánh vật với cái vô lăng đến toát mồ hôi hột. Bỗng rầm một cái, Ngọc liếc qua gương chiếu hậu, thấy một người đi xe đạp quét sượt vào xe anh rồi đổ uỳnh xuống đất. Anh hoảng hồn, dừng lại thì..sợ nên cho xe tiếp tục thẳng hướng. Nhưng chạy rồi nghĩ cũng sợ, lỡ có cảnh sát rượt theo thì sao? Anh gắt lũ nhỏ: “Một thằng ôm bụng, có ai hỏi thì kêu đang đau bụng phải vô bệnh viện cấp cứu gấp!”. Đứa trẻ nhà cạnh lập tức tuân lệnh, ôm bụng quằn quại. Còn thằng nhỏ con anh không hiểu mô tê chi cả nên cật vấn: “Chớ răng đi xe lại phải đau bụng hở ông boa?”. “Không hỏi, kêu đau là đau, la dữ vô!”.
Về đến văn phòng chi nhánh, anh cua xe chạy lên lề, không biết chiếc xe bà điên thế nào cứ thế thông thẳng vào cánh cửa chính làm kính vỡ loảng xoảng. Khi nhân viên chạy ùa ra, anh cúi gằm xuống đất kiên nhẫn nhặt kính vỡ cho..đỡ ngượng. Đoạn sai người gọi thợ đến sửa ngay lập tức. Xong việc, anh lấy xe máy chạy đến chỗ quẹt phải chiếc xe đạp để nghe ngóng tình hình. May sao người bị ngã không sao, đã dựng xe dậy đi ngay được.
Sau này tay lái vững rồi, anh bảo con rũ bạn nhà cạnh lên xe đi biển, nhưng ông trẻ này bảo: “Đi xe boa mi phải đau bụng mới đi được, cực lắm, tao không có đi nữa!”.
Dằn mặt lái xe..chuyên nghiệp
Trong lúc lấy tư liệu viết phóng sự này, tôi được nghe nhiều câu chuyện khác thường về các ông lái xe nghiệp dư dằn mặt lái xe chuyên nghiệp, bèn chép ra đây hầu bạn đọc:
Chuyện thứ nhất kể:  Ông sếp của một sở có biết lái xe. Hôm đó, bảo tài xế đưa đi họp. Chờ mãi không thấy, ông chạy lên phòng thấy anh tài xế trẻ đứng chải tóc, ông xách cặp xuống sân đứng chờ. Cả chục phút sau, sốt ruột, ông chạy lên, vẫn thấy anh tài xế chải tóc. Bực mình, ông dằn mặt: “Đưa khoá xe cho tôi, cậu ở nhà mà. ..chải tóc!”. Nói xong, ông lên xe nổ máy chạy.
Nhưng khi đến ngã tư (thị xã mới tách ra nên chưa kịp làm đèn giao thông), thấy xe cộ đi lại búi cả mắt, ông đâm hoảng, dừng xe, rút điện thoại bấm số anh lái xe: “Cậu còn chải tóc, không ra đây mà lái xe à?”. Anh lái xe đang buồn rầu tính đến đường mất việc giật mình như tỉnh ngủ, gọi xe thồ rượt theo sếp, đến ngã tư thì gặp.
Chuyện thứ hai:  Sếp có việc vội, nhưng đến ngã sáu thì gặp đèn đỏ, lái xe dừng lại chờ, sếp quát: “Cậu tới luôn đi!”. Anh lái xe sợ “cái cần câu cơm” của mình bị bấm lỗ nên đâu dám. Thấy vậy ông cáu tiết, thò chân đạp anh tài xế xuống đường rồi cầm vô lăng cứ thế vù qua đường. Lần ấy may sao không gặp cảnh sát nên ông đi trót lọt. Nhưng khi trở về cơ quan, chả hiểu cua quắng thế nào lại tông vào gốc cây giữa sân. Ông bực mình lôi trưởng phòng hành chính ra, lệnh chặt tận gốc, trốc tận ngọn cái cây vốn lấy bóng mát cho cả cơ quan. Anh em ngạc nhiên đứng nhìn nhưng không ai dám mở lời.
Chuyện thứ ba: Sếp một cơ quan nội chính vốn hay “đọc lệnh” nên lúc đang đi trên đường thấy một chiếc honda lạng lách đánh võng qua mặt mình, ông hét: “Cậu phóng lên, bắt cái thằng ấy nhốt cho tôi!”. Anh tài xế tuyệt đối tuân lệnh nên rượt đuổi chiếc honda chạy trên đường cứ như trong phim săn bắt cướp. Cảnh sát thấy vậy rượt theo. Cuối cùng cả ô tô của sếp lẫn honda của người đánh võng đều được áp giải về đồn. Tại đây, chỉ có anh lái xe chịu thiệt thòi nhất, bị bấm lỗ thứ..ba (nghe đâu hai lần trước cũng rượt đuổi thế này). Anh tài xế méo mặt, còn sếp tỉnh bơ: “Cậu bị bấm 3 lỗ không lái được thì từ nay...tôi lái!”. Ông lái nhưng liệu có cho anh tài xế nhận lương nuôi vợ con để..ngồi cạnh ông cho đến khi học lại để lấy lại bằng?
**
Kể chuyện thiên hạ nhiều rồi (mà cũng chả biết kể đến lúc nào cho hết), bây giờ đến lượt tôi kể chuyện tôi: Lần đầu tiên tự lái xe chở ba mẹ tôi về quê (định “khè” bà con trên xóm một bữa cho oai), đi được nửa đường, ba tôi nói nhỏ: “Con dừng lại cho ba mạ xuống chút”. Tưởng ông cụ buồn tháo nước, tôi dừng xe. Ba mạ tôi cầm tay cầm túi, tay cầm mũ, bảo: “Con đi đi, ba mạ đón xe đò đi sau cũng được”. Tôi trố mắt ngạc nhiên, ông tiếp tục: “An toàn là trên hết!”.
Từ đó trở đi, kể cả khi tay lái đã rất..lụa, có năn nỉ bao nhiêu đừng hòng ông bà ngồi lên xe khi tôi cầm lái. An toàn là trên hết mà!
Một thầy dạy lái xe từng khuyên: “Họ có thể  thuê người học tiến sĩ, cũng chẳng chết ai; các anh chị học lái xe là học để lái cả tính mạng của mình và tính mạng người khác, nên không thể học dối được”. Ngẫm lại xem chừng chí lí!
 Đà Nẵng 9.2004 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét