Bữa chiêu đãi "đặc sản"
Gọi điện thoại cho đám bạn bè cùng trang lứa đang sống cùng thành phố thông báo có gia đình Thành vào nên chiều chủ nhật mời anh em đến nhà tôi dùng "bữa cơm đặc sản". Đám bạn từng "phong" cho tôi là "chồng Việt Nam chất lượng cao" (chủ yếu là vì tôi hay... đi chợ) nên không có gì nghi ngại, chị Lưu - vợ Thành - sau chút ngạc nhiên như muốn hỏi, vì sao không ra nhà hàng cho tiện lại về nhà cho... phiền phức, nhưng đã kìm được và lái qua chuyện khác, rằng ăn uống đạm bạc thôi, cần chi đặc sản tôm, cua, rùa, cá... vì các món ấy đã chán quá rồi, tôi chỉ cười, quyết tâm "bảo vệ bí mật" đến cùng.
Đến bữa, vợ tôi dọn ra đến hai nồi cơm điện, nấu bằng gạo đỏ nhà quê, hai tô canh cá khô nấu khế (không nêm bột ngọt mà bằng... ruốc - người Bắc gọi là mắm tôm), hai dĩa cá thát lát kho khô (khi phẻ cá văng cả... bột ra) và hai dĩa muối mè (vừng) giã dập (không giã mịn), hai dĩa rau lang luộc chấm mắm nêm (có nơi gọi là mắm cái)... Khỏi phải mô tả cũng biết được sự thất vọng của mọi người, điều cơ bản vì là... khách nên không ai dám nói ra. Tất cả ngồi xuống chiếu.
Nhưng chỉ một loáng sau, hai nồi cơm... sạch bách. Tất cả gác đũa chờ và yêu cầu vợ tôi cắm tiếp... hai nồi cơm nữa. Điều lạ là hai đứa con của Thành (đều sinh ra ở thủ đô và lại có bố làm đến chức vụ trưởng) hăng hái ăn như... chưa bao giờ được ăn, khiến mẹ Lưu phải "mắt tròn mắt dẹt".
Bữa chiêu đãi "đặc sản" của gia đình tôi thành công ngoài dự kiến với tổng chi phí cho 20 thực khách lớn nhỏ "tiêu tốn"... 60.000 đồng. Nhưng điều tôi muốn kể là câu chuyện sau đây...
5 năm không dùng hết một bình gas
Tôi từng sống ở Hà Nội nên không lạ gì chuyện này, cái lạ là vì câu chuyện sau đó được chính "ông vụ trưởng" kể lại nên nghe nó day dứt thế nào ấy. Chuyện thế này: "Khi tôi lên vụ phó thì vợ tôi lên phó phòng của một công ty; hai năm sau tôi lên vụ trưởng, vợ tôi cũng lên trưởng phòng hành chính. So với bạn bè cùng trang lứa, hai vợ chồng đều "công thành danh toại điện thoại Nokia". Nhưng cũng từ đó tôi rất ít được gặp mặt con. Mỗi ngày đều bắt đầu như mọi ngày. Khi tôi thức dậy thì đã thấy vợ ngồi ở bàn trang điểm, nghĩa là nàng đã phát tiền cho con đi ăn sáng và đến trường (một cháu học lớp 12, một cháu học lớp 7). Khi tôi tắm xong thì vợ dắt xe ra khỏi nhà và tôi cũng kịp dắt xe tiếp bước theo sau. Trưa, vợ tôi đã đặt quán cơm hộp gần nhà mang vào cho con, còn tôi và nàng thì... ai ăn đường nấy. Chiều đến, tôi bận khách khứa tùm lum và bao giờ cũng có một cuộc nhậu, nhẹ thì sương sương, nặng thì túy lúy. Khi về đến nhà thì đã thấy con nằm ngủ hoặc đóng kín phòng học bài. Vợ tôi sau một ngày làm việc mệt mỏi cũng đã ngon giấc. Có lần, tôi thấy ân hận nên quyết tâm từ chối mọi lời mời để về nhà ăn cơm với gia đình, nhưng vì đã quen không có mặt tôi nên vợ chỉ đặt 3 suất cơm hộp. Thế là tôi đành lò dò ra quán ăn uống qua loa rồi vào đóng cửa phòng xem ti vi. Sáng dậy, như mọi ngày, đã thấy nàng ngồi bên bàn trang điểm... Tôi nhớ hình như bình gas nhà tôi mua cách đây 5 năm vẫn chưa thay lại. Có lần, người cung cấp gọi điện đến nhưng nghe vợ tôi trả lời là gas vẫn còn đầy.
Ngày 24/3 vừa qua, nhân sinh nhật con gái lớn, hai ngày sau đó lại là ngày sinh nhật con trai, mọi năm vợ tôi vẫn cho các cháu tiền để tự tổ chức mời bạn bè ở nhà hàng, năm nay tôi muốn "làm một cái gì đó" vì con gái sắp thi đại học. Tôi về sớm hơn mọi ngày rồi gọi cả hai đứa lại bảo rằng, bố định mua quà nhưng sợ không vừa ý hai con, nên cho bố hỏi trước, hai đứa thích bố tặng quà gì? Hai chị em nhìn nhau một lát rồi cậu em lên tiếng: "Chị và con muốn bố đi làm về sớm và mẹ đi chợ nấu một bữa cơm cho cả gia đình cùng ăn". Câu nói bất ngờ của cậu con trai làm hai vợ chồng tôi lặng đi, bé chị gật đầu và lén lau nước mắt. Tôi và vợ tôi đã làm như thế. Đó là bữa cơm gia đình đầu tiên sau nhiều năm. Những ngày tiếp theo, lòng tôi mãi day dứt, tự hỏi: Rốt cuộc thì mình vì cái gì? Vì công việc hay công danh? Vì tiền hay vì nhiệm vụ? Tôi đã nghe nhiều gia đình tan vỡ chỉ vì bếp không đỏ lửa. Nhưng cuộc sống cứ mãi cuốn mình vào guồng máy, biết làm sao đây? Tôi và vợ tôi quyết định xin nghỉ một tuần để đi du lịch chuyến này vào Đà Nẵng cũng vì sự sám hối của mình đối với con. Lần đầu tiên sau nhiều năm, gia đình tôi sống cùng nhau lâu như thế. Nhưng rồi nghĩ lại, sau chuyến đi này, khi về Hà Nội, gia đình lại tiếp tục sống theo kiểu "một ngày như mọi ngày" hay sao? Công việc thì ông biết rồi, làm sao dứt ra được? Không nói gì tôi, vợ tôi làm trưởng phòng hành chính, đôi khi còn bận hơn cả tôi ấy chứ. Suy cho cùng, ông thế mà sướng hơn tôi!".
Sáng đưa "cơm" đi ăn phở, trưa đưa "phở" đi ăn cơm!
Lưu xác nhận với vợ tôi rằng, câu trên là nói về một hiện tượng... phổ biến. Thậm chí cô đã "mục kích sở thị" chuyện ngay chính cơ quan mình. Và bàn thêm: "May mà ông xã nhà mình không có chuyện "cơm cơm phở phở", nếu có e mình chết mất. Nói thực với mày, cái câu nói đùa "đi ngủ trưa thân mật" cũng có luôn đó, không đùa đâu! Nghĩ mà sợ quá, nhưng biết làm thế nào. Đi làm thông tầm, cơ quan thì xa, đường phố đông đúc, con cái đi học thêm môn này môn khác lu bu. Tớ phải trả tiền tháng cho xe thồ đưa đón con từ nơi này qua nơi khác vì mình đâu có thời gian. Nghĩ mãi cũng chưa tìm ra giải pháp nào".
Thành nói thêm: "Con đường dẫn đến "ngủ trưa thân mật" cũng ngắn lắm. Thoạt đầu chỉ vì có người đi ăn chung cho đỡ buồn. Lâu dần không có người đi cùng thì nhớ. Tình cảm phát sinh lúc nào không hay". Lưu đe: "Ông kinh nghiệm đầy mình nhỉ?". Thành chống chế: "Cái bà này, tôi phải giữ tư cách của tôi chứ!". Lưu ngọt nhạt: "Ngủ thì còn biết gì mà... tư cách!". Thành cãi: "Bà cũng coi chừng, đến khi trở thành "đặc sản của cha láng giềng" thì tôi bái bai luôn đó!".
Vợ tôi kể lại chuyện cũ: Cố nhà thơ X. khi còn ở Đồng Hới là người rất thân thiết với gia đình tôi. Một hôm ông sang nhà vào lúc đang cơm trưa, vẻ mặt vẫn còn giận dữ (điều rất hiếm thấy ở ông), hóa ra chỉ vì chuyện ông đi làm về, thấy vợ (lúc đó còn công tác) để lại mẩu giấy viết tay: "Tiền để trên bàn, ba con ra ăn cái gì đó, trưa nay mẹ bận việc không về được". Ông nổi đóa: "Bếp không đỏ lửa thì giải tán gia đình!". Câu "giải tán gia đình" nói bằng giọng Quảng Bình nghe như "xóa sổ" đến nơi.
Câu nói đó không ngờ đã ảnh hưởng đến vợ chồng tôi rất lớn. Để được bạn bè "phong" cho danh hiệu "chồng Việt Nam chất lượng cao" có lẽ vợ tôi phải cảm ơn nhà thơ lắm! (Đành rằng đôi khi "danh hiệu" đó bạn bè dùng để khích bác tôi).
Sau này con sẽ... nấu cơm!
Con gái lớn của bạn tôi tên Thủy, sau "bữa cơm đặc sản" tại nhà tôi đã xin bố mẹ không đi Bà Nà để theo tôi... đi chợ. Cháu không tin được là một ông có vẻ "râu ria" như tôi lại có thể... mặc cả với mấy bà hàng rau, hàng thịt. (Xin nói riêng, chuyện này chỉ là sự... cực đoan của tôi mà thôi, các ông chồng nghe chứ đừng có học. Số là vì, tôi và vợ tôi kiên quyết bằng mọi giá phải giữ cho bếp đỏ lửa hằng ngày, trừ trường hợp bất khả kháng là mất cả điện lẫn nước hoặc cả hai đi công tác xa. Vợ tôi lại còn... bận hơn tôi nên chuyện đi chợ, nấu cơm là chuyện... không có gì xa lạ. Đành rằng công việc này chủ yếu là của vợ). Thủy tròn xoe mắt khi tôi bước vào chợ Hàn và được các bà bán hàng chào đón một cách... nồng nhiệt (vì tôi bao giờ cũng sợ thiếu nên mua nhiều và mặc cả cũng để cho vui).
Đến hàng thịt, tôi bảo: "Chị bán cho đúng, bán đắt lần sau vợ tôi nó không cho đi chợ nữa thì... nguy". Người miền Trung hay nói trạng cho vui, còn bé Thủy thì lại... tưởng thật, lại càng ngạc nhiên hơn. Bữa đó, tôi đã trả bài kiểm tra của cháu Thủy một cách xuất sắc khiến cháu vô cùng kính phục cả tài đi chợ lẫn tài nấu nướng của tôi. Bữa ăn hôm đó có mặt cả 4 người trong gia đình tôi và bé Thủy - đó là một bữa ăn "ấn tượng" đối với cháu.
Thủy tâm sự với hai con tôi: "Sau này đi làm rồi lấy chồng, chị nhất định sẽ... nấu cơm!". Bé Chi nhà tôi ngúng nguẩy: "Chị không biết chớ em nấu cơm cũng ngon gần bằng... ba!". Chị Thủy trố mắt như trong quảng cáo... "ngạc nhiên chưa?".
Điều làm chúng tôi đau lòng nhất là tiết lộ của cháu Thủy, sau đó thông qua tôi, lần đầu tiên ba mẹ cháu mới biết được, cháu đã bỏ học từ 4 tháng nay!
***
Đàn ông đi chợ nấu cơm không phải
đã hoàn toàn là tốt. Nhưng khi cần có thể đi chợ nấu cơm thì là điều tốt. Đó là
quan điểm của tôi - dù đối với nhiều người cũng hơi... cực đoan. Cũng cần nói
thêm, tôi cũng là người đàn ông thích bù khú và vẫn thường... bù khú những khi
vợ không bận việc gì quá. Cuộc sống công nghiệp cuốn chúng ta vào guồng máy
không thể ngưng lại được. Nhưng một ngôi nhà không có ngọn lửa ấm từ bếp ăn,
lòng thấy lạnh lẽo thế nào ấy.Ai đó từng nói, hạnh phúc là tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Gia đình tôi quan niệm "đỏ lửa là hạnh phúc" thì có gì là... không đúng?
Đà Nắng, 5.2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét