Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (3)

Lại kể, giấc mơ trở thành nguyên soái của tôi chấm dứt khi mắt không còn nhìn thấy dù chiếc kính đã dày hết cỡ. Thể trạng suy yếu. Người xanh rớt như tàu lá chuối. Bàn tay trắng bệch chỉ thấy gân xanh, giơ lên trời nó trong như thủy tinh. Vết thương trên đỉnh đầu, ngay chỗ cái xoáy đã thành sẹo tự nhiên sình lên, xọp xuống. Cái mảnh đạn nằm ở chân phải lâu nay yên vị tự nhiên nó chạy đi mất tiêu. Đi chụp phim, người ta đọc thấy nó bị bao mỡ nhưng nằm...trong động mạch. Hết.
Đoạn này dài dòng nhưng tóm lại thế này, tôi thất vọng đến tột cùng vì giấc mơ thuở nhỏ bỗng dưng tan biến. Lại nghĩ, một mai mình mù thì sao? Và lúc đó, tôi nhớ đến Pa ven Cooc-sa-ghin, nhân vật trong Thép đã tôi thế đấy, tiểu thuyết gối đầu giường đúng nghĩa của chúng tôi hồi đó. Và tôi nghĩ, rất ảo tưởng rằng, mù thì mình...viết văn (và đôi khi cuộc đời sống được cũng nhờ ảo tưởng). Thế là xin nhà trường cho đi thi vào Khoa Văn, Trường ĐHTH Huế với lời cam kết: Thi được thì chuyển ngành sang ăn lương đi học, không đậu thì phục viên. Và đậu.
Tôi về làm sinh viên chỉ nặng 42kg như hồi bắt đầu đi bộ đội (thời gian ở bộ đội chưa bệnh tôi nặng 58kg), người vẫn xanh rớt như tàu lá. Nói chung là bi thảm trên mức bình thường.
Thế rồi đi mổ mắt. Mắt sáng dần, họa sang năm 2 thì khỏi đeo kính (đến nay không cần đeo kính). Theo đó, đời sống sinh viên tuy khổ cực nhưng thoải mái đã làm thể trạng dần nâng lên. Chỉ mỗi tháng mỗi trận sốt rét như con gái đến kỳ. Thời gian này hầu như tôi không còn mơ ước, thậm chí không biết khi ra trường mình sẽ làm gì. Trống rỗng.
Cuối năm thứ hai, thầy Nguyễn Đình Thảng, Bí thư chi bộ, Phó chủ nhiệm khoa, nói với tôi, họ Nguyễn Thế nhà cậu là thứ dữ, tớ là bạn ông Thiệp. Ông Nguyễn Thế Thiệp là chú tôi, linh mục ở nhà thờ Châu Ổ (Quảng Ngãi), quê thầy. Chú chậm tiến theo đường này là vì vào Ủy viên MTTQVN, lại có anh em toàn là tướng tá của cách mạng. Chú nói tiếng Anh và tiếng Pháp như cháo chảy. Trên đất nước này, thầy Nguyễn Đình Thảng không phục ai về chữ Hán ngoại trừ chú Thiệp. Thầy Thảng nói, cố gắng duy trì kết quả, tôi giữ cậu lại trường. Từ đó tôi đinh ninh sau này mình sẽ làm thầy giáo nên cũng không có mơ ước gì hơn. Tưởng đó đã là định mệnh.
Nhưng một người phụ nữ đã làm thay đổi định mệnh này, người đó là cô Trần Thùy Mai, nhà văn, hồi đó là giảng viên trường ĐHSP, người trường tôi mời phản biện luận văn tốt nghiệp của tôi. Chuyện này tôi đã kể, cô Mai cho tôi điểm...11 và đề nghị xuất bản luận văn thành sách. Lời phê của cô sock đến độ mấy thầy (Hồ Quốc Hùng, Phạn Phú Phong) mang luận văn về đọc lại và phát hiện ra tôi viết 3 câu, dài 43 chữ giống tham luận thầy Hùng đọc ở đâu đó (chứ không phải in đâu đó). Mấy câu đó nói về địa lý làng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh), Đông giáp, Tây giáp...Luận văn nổi tiếng thành tai tiếng và bị hội đồng quyết định trừ một điểm. (Nhiều năm sau này nhiều người ác khẩu đồn lên tôi đạo luận văn. Nhưng nói thế này, đến lúc tôi thực hiện luận văn đó chưa hề có ai làm về đề tài chuyện trạng Vĩnh Hoàng, mà hình như sau này cũng chẳng có ai, thành ra có muốn đạo cũng không được. Sau này, tôi về khoa tìm lại luận văn để sửa chữa in thành sách theo lời khuyên của thầy Trần Quốc Vượng thì luận văn đã mất tiêu. Rồi thầy Nguyễn Xớn phát hiện một người đạo hai chương y chang luận văn tôi trong luận án phó tiến sĩ, người đó làm thầy nhưng đã đi trường khác).
Kể chuyện này là vì, do chuyện này, định mệnh đã thay đổi. Cũng không thể nói là may hay rủi. Thầy Thảng sau này về hưu, mỗi lần ra Đà Nẵng, chỉ ngồi với tôi và Trương Duy Nhất (chính xác ra là chỉ tôi và Trương Duy Nhất tiếp), mỗi lần thế hay nhắc lại chuyện xưa, coi đó như một sai lầm của thầy, nhưng tôi nói thôi thầy, cứ gọi là "Tái ông thất mã".
Tôi ra trường thì người yêu tôi đã có việc ở Huế. Và vì thế tôi chọn Huế, dù chưa hình dung về đâu, hồi bạn bè khăn gói vô Nam hoặc lên Tây Nguyên hết, ở Huế dường như là điều không tưởng.
Nhưng một người khác đã tạo ra định mệnh của tôi. Anh họ tôi, nhà văn Nguyễn Thế Tường.
Anh nói, không thử thì không thể nói là không thể. Và tôi đi theo anh sang Báo Bình Trị Thiên, hồi đó vẫn quen gọi là Báo Dân. Hành trang của tôi lúc đó là dzia-rô, tôi chưa từng viết một cái tin. Thử việc, và tôi được nhận ngay sau 1 bài viết. Bài đó có tên "Rau xanh TP-nhìn từ hướng người sản xuất". Bài báo đầu tiên của tôi được đăng y nguyên không sửa một chữ. Theo Tổng biên tập Phạm Xuân Thích nói với Thư ký Tòa soạn Trần Đàn thì đó là "bài viết quá tốt!".
Đây cũng là là bài học trong cuộc đời làm báo.Tôi muốn kể lại để nói rằng, các bạn trẻ đừng bao giờ tự đóng cửa cơ hội của mình bằng những lời đồn đại (kiểu chỉ con ông cháu cha mới có thể ở lại Huế). Không thử thì không thể nói là không thể. Anh họ tôi nói. Chúng ta nên tin điều đó.
Nhưng bây giờ tôi không biết nên cám ơn hay nên trách anh Nguyễn Thế Tường. Đó là mâu thuẫn tồn tại trong đời tôi từ khi bước chân vào làm báo cho đến nay. Dù tôi biết đó là định mệnh. Cũng như anh Tường thôi, anh từng nói với tôi ngày tôi được kết nạp, rằng, mày đến nỗi chi mà phải vào đảng, nhưng năm 57 tuổi, anh lại viết đơn xin vào Đảng. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét