Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Nỗi niềm người phải..ra tòa

Những người chủ động nộp đơn ly hôn thường giải thích đó là cách “cởi trói cho mình”. Có  hàng nghìn lý do khác nhau để dẫn đến kết cục này, trong đó có những lý do, những tình huống khiến không ít quan toà nghiêm khắc là thế cũng phải bật cười. Phóng sự này chỉ đề cập đến một phần nhỏ vốn rất tế nhị và không kém phần phức tạp của cuộc sống mà ai đó từng nói “Hôn nhân mới chỉ bắt đầu của một cuộc sống chung”.
Lý do lãng xẹt!
Một người công tác trong ngành tòa án ở Thừa Thiên- Huế kể: Trong một tháng cuối năm rồi, riêng một trường đại học thuộc Đại học Huế có đến 6 cặp vợ chồng nộp đơn xin ly hôn, hầu hết họ đều vừa là giảng vên, vừa là nghệ sĩ. Đến mức, một thẩm phán phải thốt lên: “Các thầy cô từ từ cho chúng tôi giải quyết cho người khác với, chẳng lẽ ăn rồi cứ xử chuyện các thầy cô không à?”. Thấy chuyện không được bình thường, chúng tôi quyết định tìm hiểu xem sao.
Trường hợp đầu tiên ông thẩm phán kể, lý do anh T.T đưa ra để ly hôn vợ mình là do bếp nhà anh không bao giờ đỏ lửa. Lần đầu, tòa gọi hai người lên hòa giải, đứng trước tòa, anh dõng dạc: “Xin hỏi chủ tọa, nếu vợ ông cho bố con ông ăn cơm hộp suốt 6 tháng trời thì ông có ăn được không?”.
Ông thẩm phán kể xong đoạn này ghé tai tôi nói nhỏ: “Theo thủ tục thì mình tổ chức hòa giải thế thôi, chứ cơm hộp mà ăn suốt 6 tháng thì bố ai chịu được”.
Trường hợp của anh P.V và chị H.B thì lại khác, anh chị này có một mối tình đẹp và gian truân đến mức... nổi tiếng cả trường. Khi lấy được nhau, họ trở thành đôi bạn phải nói là “chồng tung vợ hứng”, điều đó đã giúp họ thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Bạn bè vẫn còn nhớ,  nếu anh ngồi nhậu ở đâu cũng có chị ngồi bên cạnh, đến hai giờ sáng cũng ngồi vui vẻ như là “chuyện thường ngày”. Nhìn cảnh ấy, không ít người ao ước vợ mình cũng được như thế. Bẳng đi ít lâu, bạn bè trở lại Huế, mới biết họ đã ly hôn. Hỏi lý do, anh tỉnh rụi: “Nếu suốt đời đi đâu cũng có vợ ngồi bên cạnh, ông có thể tưởng tượng nó khốn nạn đến thế nào không?”.
Người ta còn kể rằng, ở trường còn một thầy giáo đã lớn tuổi, mỗi chiều xong việc, ông thường rủ anh em uống vài chai bia giải khát, theo ông là để “xả stress”. Không hiểu bằng cách nào mà ông ngồi đâu bà cũng tìm đến được. Mỗi khi bước xuống từ xe thồ, bà tiến thẳng đến bàn nhậu, quỳ xuống và cứ thế chấp tay lạy: “Các anh tha cho chồng tôi! Các anh tha cho chồng tôi!”. Bà cứ quỳ mà lạy cho đến bao giờ ông về mới thôi. Từ đó cho dù quý ông nhưng không ai đủ can đảm để ngồi với ông. Quá bức xúc, ông xách va li ra đi...
Ông thẩm phán tiếp tục câu chuyện: “Làm quan tòa như chúng tôi mà nhiều khi nghe họ trình bày lý do, không nhịn được cũng phải...bật cười. Đúng là...lãng xẹt!”
Người lãng mạn ra tòa
Những ai sống ở Huế hoặc giả có giao du bạn bè ở đó, hẳn nghe tiếng của một người làm thơ rất đặc biệt (tôi không tiện nêu tên vì anh đã qua đời trong một hoàn cảnh rất thương tâm). Anh làm nghề đòi hỏi nhiều đến cơ bắp, nhưng đầu óc lại rất lãng mạn, lãng mạn đến mức như không sống trong cõi thực. Nhưng những vần thơ của anh thì được rất nhiều người tâm đắc, bởi đó chính là tiếng lòng của mọi người.
Cuộc đời bỉ cực của anh có quá nhiều cú sốc, khiến đầu óc lắm lúc không được bình thường. Một trong những cú sốc đó là vợ anh đưa anh ra toà li dị.
Đau khổ khiến lời nói của anh trước toà cũng thành...thơ. Rằng, Em đến với ta trong thời lãng đãng/ Lúc quá mộng mơ em chẳng cần tiền/ Qua tháng ngày cọ xát cùng cơm áo/ Em nghĩ rằng ta chỉ là một thằng điên/ Thế nên em lôi ta như lôi một con trâu ra toà ly dị/ Tình yêu ta gặp phải thiên tai...
Vì biết nàng theo người khác, lại viện dẫn lý do này nọ không thể chung sống với anh, nên anh không ngần ngại phát biểu: Khi biết tẩy em chỉ là con 8 bích/ Em cái cú gì mà dám tố đời ta?
Vị thẩm phán có mặt tại phiên toà kể rằng, đây là trường hợp hy hữu, phát biểu toàn bằng thơ, khiến họ vô cùng lúng túng nhưng cuối cùng cũng đành chấp thuận. Mãi cho đến trước khi phán quyết, chủ toạ yêu cầu anh phát biểu quan điểm của mình, anh trở nên thực tế hơn bao giờ hết: Khi nỗi buồn của em cũng man khai lý lịch/ Em là sợi dây gì mà dám buộc đời ta?/ Kỷ niệm trong em trôi nhanh như từng tờ lịch/ Em là cái kìm gì mà dám kẹp đời ta?
Ông thẩm phán thì lạ, nhưng tôi thì không lạ chuyện này, vì trước đó, một nhà thơ trẻ có tài ở Đồng Hới (Quảng Bình) từng nộp một lá đơn ly dị vợ bằng...thơ dài như một trường ca! Trong đó, anh kể về công lao người mẹ già đơn chiếc đã tần tảo nuôi anh thành người. Thế mà vợ anh, người được mẹ đồng ý cho về làm dâu lại đối xử với bà không tốt. Bài thơ được anh đọc trước toà khiến cô thư ký phiên tòa cũng phải...lau nước mắt. Sau đó rất người chép bài thơ này, chuyền tay nhau để làm bửu bối...răn vợ. Cái hay là ở chỗ, vợ anh vì cảm động quá nên đã xin lỗi trước tòa, mong được anh tha thứ. Bây giờ họ vẫn sống với nhau nghe đâu rất hạnh phúc. Đọc thơ như thế thì cũng nên đọc vậy!
Kể ra nhiều người vẫn cho là chuyện tiếu lâm, nhưng dây là câu chuyện hoàn toàn có thật. Giám đốc một công ty cùng vợ ra tòa lần 3, tòa xử ly hôn, cả hai chấp thuận xong việc phân chia tài sản, chủ tọa đứng lên định tuyên bố kết thúc phiên tòa thì ông giơ tay xin phát biểu: “Thưa tòa, việc đã xong, trước khi chia tay, tôi xin hát tặng vợ tôi một bài”. Chủ tọa chưa kịp phản ứng thì ông đã cất giọng, một chất giọng rất...karaoke: “Chia tay em, chia tay hoàng hôn, anh mang theo về tình yêu và nỗi nhớ, anh mang theo về con tim cô đơn...”. Các vị quan tòa cho dù cố nén cũng phải phì cười, còn bà vợ xông đến, túm lấy cổ áo ông: “Tim ông thì mấy con mắt xanh mỏ đỏ nó chia nhau hết rồi, còn đâu mà cô đơn, cô điếc!”
“Bạo hành” 
Chị vợ ngoại tình, anh chồng (lúc bấy giờ là phó giám đốc một sở ở tỉnh Quảng Bình) buộc phải ly hôn (phải thôi!). Lúc phân chia tài sản, chị bảo chị không cần gì, chỉ cần nuôi con mà thôi. Mới nghe có vẻ như chị là một người mẹ cam con. Tuy vậy, ngôi nhà mặt tiền 6m vẫn được tòa án xử chia ra làm đôi và chị chủ động ngăn nó ra bằng một bức vách bằng...tre đan (lúc tỉnh mới chia còn khó khăn). Hàng ngày, chị dẫn người tình của mình về nhà, ngang nhiên làm trò nhăng cuội và cũng không ý tứ trước mặt con gái đã lớn, khiến anh (dù sao cũng có một thời là vợ chồng và là bố của con gái sống với chị) hết chụi nỗi. Cuối cùng, vì con, anh xin chị được đưa con đi thuê nhà ở. Không cần năn nỉ, chị đồng ý cái rẹt với điều kiện rất đơn giản: để chị sở hữu ngôi nhà. Vì con, anh cũng gật đầu cái rẹt, thế là xong!
Chuyện này lại rơi vào một anh đang công tác trong ngành bảo vệ pháp luật. Có chút tiền, anh đâm ra lêu lỏng. Nghe đâu có một lần chị bố trí và bắt được quả tang anh trong...khách sạn. Không còn đường chống chế, anh giở bài cùn: “Đây chẳng phải là chuyện yêu đương chi cả, “tiền trao cháo múc”, xong ai về nhà nấy”. Bị vợ ly dị đã đành, chuyện đến tai cơ quan, anh không còn được giữ cương vị cũ (tất nhiên là cũng không được nhiều tiền như xưa). Buồn đời, anh đâm ra nát rượu. Sau mỗi lần uống say anh ta lại mò về nhà vợ cũ và đòi “chuyện ấy” như chị vẫn còn là vợ mình. Chị vợ là tay cao thủ, bảo: “Anh với tôi không còn tình cảm, nếu anh muốn thì “tiền trao cháo múc”. Anh chồng say xỉn không làm chủ bản thân nên móc tiền ra liền. Mãi thế, cho đến một ngày không còn đồng xu nào dính túi mà chuyện thì đã quen, anh chồng “đòi” không được bèn quay ra cưỡng bức. Bà vợ cũ hô hoán lên và tổ dân phố đến lập biên bản gửi về cơ quan. Mất việc, anh ta suốt ngày ngập trong rượu, sống như một gã khùng.
Lại kể, trường hợp của một giáo viên, anh đã 3 lần nộp đơn ra tòa, nhưng lần nào cũng vậy, đến khi tòa gọi anh lại phải rút đơn vì chị lại có bầu. Đồng nghiệp trêu anh rằng 3 đứa con của anh đều...ngoài giá thú. Đến bây giờ, mỗi lần hỏi anh cuộc sống vợ chồng thế nào, anh cười ngượng: “Thế nào thì chịu thế đó, không nộp đơn ra tòa nữa, bả cao tay lắm, sợ nộp đơn thì bả lại có bầu”.
Khó xử
Hôm nghe chuyện vợ chồng người bạn có “trục trặc” gì đó, tôi đến nhà chơi, đem các câu chuyện “lãng xẹt” nói trên ra kể nhằm nói rằng, “ba cái lý do lãng xẹt, bỏ đi!”.
Kể xong, tôi hỏi người vợ: “Cho chồng con 6 tháng ăn cơm hộp thì thế nào?”. Chị vợ dứt khoát: “Bỏ!”. “Chồng ngồi đâu ngồi theo đấy thì thế nào?”. “Bỏ!”. “Chồng ngồi uống vài ly với bạn mà vợ đến quỳ lạy thì thế nào?”. “Bỏ!”...
Đoạn, chị vợ mở thoại di động của chồng (nghe đâu đã thủ sẵn từ mấy ngày không cho chồng lấy lại), chìa ra trước mặt tôi tin nhắn: E RAT YEU A! A XÓA NGAY KEO MU CHAN TINH BIET. (Em rất yêu anh! Anh xóa ngay kẻo mụ chằn tinh biết), đoạn hỏi: “Chồng mà thế này thì tôi nên thế nào?”. Tôi định phán một câu ngắn gọn như chị, nhưng nhìn anh chồng khốn khổ ngồi như trời trồng nên ngụy biện: “Biết đâu ai nhắn chọc phá ông này thì sao, phải điều tra cho rõ đã”. Chị vợ tỉnh bơ: “Đây là số điện thoại của con Lan làm trên siêu thị, mới ly dị chồng tháng trước...”. Thấy chị vợ còn tiếp tục đọc lý lịch, tôi chặn ngay: “Nhưng vợ không tôn trọng chồng, suốt ngày kiểm tra điện thoại của chồng thì sao?”. Chị vợ không trả lời, đay chồng: “Thì sao?”. Anh chồng ấp úng: “Không bỏ! Không bỏ!”
Đà Nẵng, 7.2004



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét