Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (9)


11/14/2011 03:26 pm
Năm 1999, miền Trung lũ lớn.
Tôi được Tòa soạn cử áp tải một xe hàng cứu trợ đi từ Hà Nội vào Huế, xong thì ở đó chi viện cho Văn phòng miền Trung.
Đến nơi thì đã thấy Đặng Ngọc Khoa từ Đồng Nai, Hải Châu từ Đà Nẵng, Quang Minh Nhật dẫn một đoàn xe tải chở gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long, hôm sau thì Ngọc Giao theo máy bay quân đội từ Vinh vào...
Vì đèo Hải Vân tắc nên Văn phòng miền Trung có sáng kiến chuyển tiền ra mua hàng ngay ở Huế để kịp cứu trợ. Công việc làm không hết, bài vở cũng phải hoàn thành.
Buổi sáng, chúng tôi đến Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa là để lấy thông tin, vừa là để họ giới thiệu địa điểm cứu trợ. Hồi đó, tỉnh này không mặn mà với chuyện cứu trợ trực tiếp đến dân như bây giờ. Hàng hóa chuyển đến, họ cho vào kho để tự họ phân phối sau. Chúng tôi không chịu làm cách đó.
Trong lúc anh em báo chí tụ tập ở Văn phòng UBND, đứng ngồi chật cả phòng, thì một nhà báo nhớn đi vào. Ông gạt toàn bộ cốc uống nước trên bàn rồi bỏ ra một lọ hồ, một cái kéo, một bản báo cáo của Ban PCBL tỉnh dài dễ đến hai chục trang và bắt đầu cắt dán. Ông cắt từng khúc, dùng hồ dán dán lại, rồi đặt cái tít, viết thêm một đoạn champo...tổng cộng cỡ chừng 5 trang, sai người của văn phòng fotocopy lại rồi ghi số fax bảo họ fax ra cho tờ báo nhớn của ông. Ông làm tự nhiên đến nỗi, anh em các báo theo dõi, bình luận và cười cợt bao nhiêu, ông cũng không thèm để ý. Xong việc, ông lại thu hồ dán, dao kéo...cho vào túi rồi nói với chánh văn phòng ủy ban: “Ngày mai đăng nguyên văn hoành tráng đó!”.
Tôi chạy theo cô văn thư để xin một bản foto nói là “học tập kinh nghiệm”, mang về, anh em đọc cười tức cả bụng. Vì ông chỉ chọn những đoạn tỉnh báo cáo là đã chỉ đạo thế này, làm thế kia nên không để xẩy ra thiệt hại...Trong lúc đó thì dân tình đang kêu đói khản cả giọng...
*
Đêm lại, anh em trong đoàn Báo Thanh Niên lên phòng của một đoàn cứu trợ từ Hà Nội vào (ở số 2 Lê Lợi-Huế), đa số là sinh viên, người dẫn đầu có chút quan hệ nên muốn Thanh Niên chuyển sang cho 2 tấn gạo để hôm sau họ đi khám bệnh và phát luôn, nếu không, chỉ khám bệnh thì dân không khám.
Tôi đi trước, tiếp đến là Hải Châu rồi Đặng Ngọc Khoa...Mở cửa phòng thì...chao ôi, trai gái nằm ỏng ẻo trên giường, đang đục sữa hộp ra uống, vỏ lon sữa đặc có đường vứt nghênh ngang trong cái thùng đề bên ngoài “Hàng cứu trợ đồng bào Thừa Thiên- Huế bị bão lụt”. Dường như thấy chướng, người trưởng đoàn (là một vị  nghe danh rất khả kính) đá mấy cái thùng cát-tông vào gầm giường.
Ba chúng tôi ngồi bàn chuyện cứu trợ mà mặt mày ngượng đến mức chỉ mong tìm được cái lổ nẻ mà chui xuống.
Chuyện này sau đó đến mỗi đợt lũ, chúng tôi không thể không nhắc lại với nhau như một nỗi nhục không thể rửa.
*
Ngọc Giao đi máy bay quân đội, xách theo một cái va ly màu đỏ của gia đình một người rất nổi tiếng lúc đó gửi vào cứu trợ. Đặng Ngọc Khoa mình đầy kinh nghiệm bèn đề xuất ý kiến: Mở ra, chọn một cái áo của người này mang ra tổ chức đấu giá để lấy tiền giúp bà con. Mọi người đồng ý liền. Ngọc Giao mở va ly ra thì chỉ có vài bộ áo quần cũ, còn lại...toàn là đồ lót của cô vợ tương lai của anh chàng nổi tiếng.
Chúng tôi ở Huế một tuần, mỗi ngày nhận được ít nhất hai cuộc điện thoại của gia đình người nổi tiếng này hỏi vì sao chưa đưa tin gia đình họ gửi hàng cứu trợ đồng bào...
Đôi khi tấm lòng nằm trên miệng người đời. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét