Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Ba người đi khắp nhân gian


Ba chị em, người cao nhất chừng 1m, người thấp nhất chưa đến 60cm. Ngày ngày họ lê thân hình cứng đờ với những bước chân nghe tiếng xương lạo xạo đến từng nhà hàng, ngõ phố để bán từng tấm vé số lấy tiền nuôi người mẹ đơn côi và người chị tàn phế. Từng ngày, từng ngày như thế, trong một thế giới qua mắt của người tí hon nhưng họ đã gặp đủ hạng người của cả nhân gian.
Kinh Báo Ân có đoạn: Trong mười tháng mang thai, mẹ hiền thật cùng cực khổ sở... Nên sinh đẻ được thân này là phước đức lắm vậy! Bà Nguyễn Thị Liễu ở thôn 7 xã Duy Hòa II (Duy Xuyên - Quảng Nam) có lẽ cũng đã từng nghĩ như vậy co dù 10 lần sinh hạ thì đã có 3 gái 1 trai dị thường. Nhưng con nào thì cũng là do mình đứt ruột đẻ ra...
Họ ngồi trước tôi, ba người. Mắt sáng, trí mẫn nhưng toàn thân co rút lại, cứng đờ. Người chị lớn tên là Nguyễn Thị Bảy, 40 tuổi, cao chừng 80 cm; cô em kế Nguyễn Thị Chín, ngoài 30 tuổi nhưng chỉ cao chưa tới 60 cm; còn cậu em Nguyễn Văn Tới, 25 tuổi, là người cao nhất cũng chỉ 1m. Nhìn họ, tôi tưởng như nỗi bất hạnh của một gia đình đến thế đã là cùng, không ngờ không chỉ có vây...
Những năm tháng khốn cùng
Nguyễn Thị Bảy bảo, hồi trước Bảy cao hơn bây giờ, vì người càng lâu càng rút lại. Hai đầu gối của Bảy to như hai quả bưởi và luôn luôn nhức mỏi như có kim châm. Bảy kể: Chị Hai em tuổi Bính Thân, dễ thương lắm, nhưng hồi chiến tranh cụt mất một chân, mảnh đạn bắn vào làm mắt mờ; chị Sáu cũng như tụi em, nhỏ vậy. Cách đây 10 năm chị buồn quá, bỏ nhà đi đâu không rõ. Ba em ngày còn sống đã biết mình bị bệnh nặng, nhưng ông lao vào làm việc không kể chết sống chi cả. Những năm cuối đời, ông bán thóc lúa, làm một căn nhà xây, nói là để cho tụi em sau này không phải lo chuyện nhà cửa nữa, giờ nhà đã nứt toác. Rồi ông lập vườn, trồng bạch đàn, dặn tụi em sau này ai mua thì phải hỏi lấy tiền, giờ bạch đàn không có giá, chẳng ai mua, chỉ làm củi. Ngày ông nằm liệt giường, ông bảo má em cố xây cái thành giếng cho cao lên kẻo sợ tụi em ngã xuống. Trước lúc lâm chung, ổng còn dặn: "Tôi chết đừng làm ma chay chi tốn kém, để tiền lại mà mua cái máy bơm nước cho con". Giờ mới biết ba chết vì bệnh ung thư.
Ba mất, má già, chị đi lấy chồng, còn lại 5 người, một tàn phế, 4 dị tật đều trông cả vào cô Út Mười. Út làm ruộng quần quật vẫn không đủ cho cả nhà ăn.
Nhà có một con bò, bốn chị em đi chăn té lên té xuống cũng không giữ được. Ở nhà thì má và cô Út phơi lúa, mưa ướt hết mà mấy chị em không làm sao giúp má được, thương má, trách mình nhưng chỉ biết ngồi ôm nhau khóc...
Thấy có mình ở nhà cũng vô dụng, mấy chị em rủ nhau trốn nhà, đi đâu thì đi, cho má đỡ gánh nặng. Nhưng má quay quắt, nhờ người kiếm, định nhờ cả ti vi... với lại tụi nhỏ cũng nhớ má nên quay về.
Chị Hai mắt càng lâu càng mờ, đi viện họ bảo có 5 triệu mới mổ. 50 nghìn cũng không có nói chi 5 triệu, nên chị về. Má thương con lắm, suốt ngày cứ lặng lẽ khóc thầm... Tụi em cũng đứt ruột nhưng biết làm sao?
Lên phố
Chị Sáu bỏ nhà đi rồi, mấy chị em ngồi khóc hoài cũng không được, quyết phải làm một cái gì đó nhưng không biết sẽ làm gì. Cuối cùng, ba đứa rủ nhau ra Đà Nẵng. Khi đặt chân đến Thanh Khê, thấy ba chị em nhỏ xíu, người ta xúm lại coi như như thể người trên trời rơi xuống. Hiếu kỳ mà coi vậy nhưng ai cũng sợ, cuối cùn họ tản đi cả. Hồi đầu cả ba đi ăn xin. Được mấy hôm thì bị lùa lên xe, về nhốt chung cùng bọn xì ke, ma túy. Sợ hết chịu nổi. May nhờ có sư cô Diệu Cảnh trụ trì chùa Bảo Quang sư nữ xin cho về tá túc ở chùa. Ngày cơm ba bữa, không còn lo đói, nhưng nghĩ đến má và người chị tàn phế ở nhà, lòng không an. Ở chùa được các sư cô dạy chữ, càng học, càng hiểu, càng thấy thương ba má của mình. Ở nhà đâu có biết má cực khổ đến đâu, ra đây tiếp xúc nhiều trí mới sáng, càng thấy trước nay ba má quá khổ vì mình. Kinh Báo Ân dạy: Ân đức cha mẹ cao cả ngần nào, tội báo bất hiếu nặng nề chừng ấy. Cho nên những kẻ bất hiếu nghịch bội, tội khổ vô cùng, không chi sánh bằng, không chi nói hết... Má ơi! Chúng con ra đi không phải là bất hiếu, nhưng để báo hiếu thì chúng con phải làm gì đây khi thân mình còn lê không nổi, mỗi bước chân như có ngàn vạn kim châm?
Nhưng chí đã quyết, ba chị em đi mua lại một chiếc xe đạp trẻ em giá 50.000 đồn. Về, một tay Tới lục cục, lày cày sửa chữa. Từ đó, cứ hai người một chở nhau đi bán vé số. Nhưng bán vé số cũng không yên. Thấy mình người ta cứ nghĩ là ăn xin nên cứ lùa hết lên xe... Lại năn nỉ nhờ sư cô lên bảo lãnh.
Bây giờ thì họ đã biết, hàng ngày Chín và Tới chở nhau đến từng nhà hàng, từng quán cà phê, từng góc phố, ngõ phố... với tập vé số trên tay...
Báo ân
Có ngày mưa tầm tã, hết giờ mà không kịp trả vé, còn lại 8 vé, thế là hết lời lãi. Về chùa người mỏi nhừ. Chín kể: "Có hôm bắt chị Bảy đấm bóp cả đêm, bả la quá trời. Sư cô Diệu Cảnh góp chuyện: "Tui là tui không muốn cho tụi hắn đi bán vé số, sợ về đau ốm tiền thuốc còn nhiều hơn tiền bán vé. Nhưng cả mấy chị em cứ muốn có tiền để giúp mẹ, giúp chị. Nhất là hôm chị Hai tụi nó ra khám bệnh, họ biểu có tiền mới mổ mắt cho, thế là cả mấy chị em túa đi bán vé".
Từ khi ở nhà, không biết chữ, không biết mặt đồng tiền, giờ thì ba chị em được nhà chùa làm cho cái tủ, có cái khóa để cất tiền. Khi được kha khá thì gửi cho sư cô, có ghi sổ hẳn hoi. Sư cô Diệu Cảnh kể: " Tụi nó có hiếu lắm. Có tiền thì mua quần áo cho má,làm giỗ cho cha. Mùa gặt lúa cũng mua về cả ký chanh muối để pha nước cho má và em uống. Chị đau mua thuốc cho chị. Trước đây, má thường ra thăm, lúc nào cũng có nhúm khoai, nhúm sắn, mùa rồi mưa bão, thu hoạch toàn lúa lửng nên không thấy ra".
Tôi hỏi chung ba chị em về ước muốn của mình. Bảy nước mắt lưng tròng: "Anh nhắn cho tụi em lên báo: Chị Sáu ơi, chị Sáu bỏ đi 10 năm, nay còn sống hay đã chết. Sống thì về tụi em nuôi, chị em sướng khổ có nhau, ai biết chị tui sống chết thế nào thì cho tụi tui biết . Nếu chết thì để tụi em giỗ chị. Chị ơi!".
Tới tỏ vẻ đàn ông: "Tụi em lớn rồi,đau ốm, không giúp gì được má, được chị nên mong có tiền cho chị chữa mắt, cho chị ít vốn dựng cái quán ở quê mà sống. Với lại, má em cũng đã già yếu quá rồi".
Tôi nhìn 3 em cầm  chổi quét nhà, người cứng như que củi. Sư cô Diệu Cảnh giải thích: "Tụi nó chỉ quét đi tới thôi, quay ngang quay dọc không được, nhưng siêng lắm!". Cái thằng tôi, sức dài vai rộng thế này mà lắm khi cũng nản, đôi khi chuyện gia đình cũng chưa nghĩ được như các em. Mới hay, "ông trời" không bao giờ lấy hết của ai...
Nhân gian
Nguyễn Thị Chín, gương mặt hiền lành, giọng như đứa trẻ lên bảy: "Có hôm tụi em vô cái quán, ông chủ quán chẳng nói năng gì, chụp cổ áo xách hai đứa hai tay như xách con vịt rồi ném ra đường. Biết làm sao, quán người ta không cho mình vào thì mình đi chỗ khác". Bằng một giọng rành rẽ như một thanh niên 25 tuổi thực thụ, Tới kể: "Có ông uống bia đổ cả vào người,nói tụi em có tiền nhà nước nuôi rồi còn tới đây làm chi để ổng ... ghê. Mà tụi em có tiền chi đâu. Mới đây xã kêu về chụp ảnh, rồi hỏi han nhưng cũng chưa thấy chi cả". Bảy kể, giọng ngậm ngùi: "Bữa trước nghe người ta nói, tụi em đến chỗ bảo trợ, từ thiện chi đó, ông chủ thấy tụi em cực, rút tiền ra cho, nhưng có một bà ngăn lại, kêu: Ở Quảng Nam thì về Quảng Nam mà xin bảo trợ. Không thì trồng sắn trồng khoai mà ăn ... ra đây chi?". "Lâu lâu rùi người ta cũng biết tụi em đoàng hoàng. Nhận vé số thanh toán tiền sòng phẳng nên cũng nhiều người thương. Có người thấy em và chị Chín chở nhau đi giữa đường, họ còn dừng xe lại dặn dò đi đường cẩn thận; nhớ đội nón không đau thì khổ. Gặp nhiều người như vậy em mới thấy cuộc đời mình đáng sống lắm" - Tới tâm sự.
o0o
Bằng những bước chân nặng nề, tiếng kêu phát ra từ xương thịt nghe rổn rảng, ba người với tập vé số lại đi khắp nhân gian, không sợ đau, không sợ mỏi, không sợ cả ... nhân gian, họ chỉ nghĩ về người mẹ già và người chị tàn phế ở quê. Giờ này, không biết "nhân gian lành lặn đang nghĩ gì...

Đà Nẵng 1.2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét