Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Đi dọc...vỉa hè


Hàng ngày, đi dọc những con đường, ai cũng thấy, dân ta cái gì cũng ưa chưng cả ra hè phố, nhưng ai cũng nghiễm nhiên cho rằng đó là một lẽ đương nhiên. Một phóng viên nước ngoài có lần hỏi: Việt Nam có văn hoá vỉa hè? Tôi giật mình: Có văn hoá vỉa hè không nhỉ?
Làm việc ở...vỉa hè
Cách đây chừng nửa năm, trong một cuộc đối thoại, với tư cách là một khách mời, tôi đã đưa ra một phóng sự ảnh do phóng viên Thanh Niên thực hiện kèm theo câu hỏi đại để, không hiểu vì sao ở TP Đà Nẵng có nhiều người ngồi ở vỉa hè như thế. Café cũng...vỉa hè, nhậu cũng...vỉa hè...Có lúc người ta uống một ly café mà ngồi ở vỉa hè từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, từ tối đến đêm. Như thế có thể thấy, TP này có rất nhiều người...rỗi việc hoặc không có việc làm. Một cán bộ có thẩm quyền đã lý giải rằng, TP nào chả có người café, nhậu nhẹt, chỉ có điều là họ ngồi trong nhà, trong vườn nên..ít ai thấy, người Đà Nẵng thích ngồi vỉa hè nên..để người ta thấy cả, chứ thực ra ở các TP khác còn nhiều hơn cả Đà Nẵng. Ông này còn bảo, người ta ngồi không phải vì không có việc hoặc rỗi việc mà thậm chí đó là chỗ “làm việc” của họ. Khán giả ngồi xem truyền hình trực tiếp đến đây thì phá lên cười (hic, hic, hay thiệt!).
Câu chuyện vỉa hè trở nên “hấp dẫn” tôi khi một đồng nghiệp nước ngoài hỏi về “văn hoá vỉa hè”, lúc ấy tôi cũng tự hỏi mình: Có văn hoá vỉa hè không nhỉ?

Vỉa hè “5 sao”

Dưới gốc cây ngô đồng trên đường L.H.P có một khoảng vỉa hè rộng cỡ 16m2 nhưng đã trở nên rất nổi tiếng. Ở đó, người chủ quán, từ một căn phòng rộng chừng 8m2 đã chế biến được rất nhiều món nhậu tuyệt hảo. Dù là ngồi quán vỉa hè, nhưng người ta chỉ uống hai thứ bia Heineken và Tiger, nên có người gọi đây là vỉa hè “5 sao”! Không sai, vì khách quen của quán này hầu hết là những người thành đạt tự lái xe hơi loại xịn đến đây để nhậu (vì thế nên có người còn gọi là “vỉa hè của các đại gia”). Ngoài ra cũng không ít người là cán bộ công chức vào hạng “thường thường bậc trung kèm thêm cá tính” cũng thường đến nơi này.
Một lần, tôi “ngứa miệng”, mang chuyện ra hỏi mấy người hay ngồi vỉa hè và không ngờ lại nhận được từ mỗi người một ý khác nhau. Một đàn anh ở TP Hồ Chí Minh sau đó đã tóm lại các ý kiến đó như sau:
1.Tôi làm ra tiền, đi nhậu, trả bằng tiền của tôi, ngồi vỉa hè vừa hội nhập (với..người đi đường chăng?) lại minh bạch công khai, không sợ ai nói mình cả.
2.Thiếu gì người đi nhậu theo kiểu tiêu tiền như nước, nhưng rất khổ sở, chỗ nhậu phải là chỗ không ai biết, cửa phòng lạnh đóng kín, nói chuyện thì thầm trông rất khả nghi! (Mình nhậu trả tiền tươi, người ta nhậu phải chọn nơi có hoá đơn đỏ. Tiền tươi là tiền của mình. Tiền hoá đơn đỏ là về thanh toán. Vậy thì nghi quá chứ còn khả nghi cái nỗi gì!)
3.Ngồi phòng lạnh thì uống rượu ngoại, rượu ngoại thì rất nhiều rượu giả; rượu giả là thuốc độc bảng A. Lấy “tiền chùa” mới uống thuốc độc chứ tiền mình dại chi uống thuốc độc!
Câu chuyện ngồi vỉa hè không ngờ lại có nhiều lập luận đa dạng đến thế!
Ngồi vỉa hè thì đúng cái gì cũng rõ ràng: trả tiền thì minh bạch (nay người này mai người khác, nếu không thì se (chia) chung; nói chuyện thì không thì thầm (chỉ là chuyện tiếu lâm để xả stress); tính cách từng người cũng được bộc lộ (đứa keo kiệt, tính toán, tên hào phóng, gã khoe mẽ, thằng tâm trạng...) nhưng tất cả ngồi vào vỉa hè đều bình đẳng như nhau (chứ không phải làm ra vẻ trịnh trọng như nhau). Đứa này làm ăn được thì cho đứa kia (lúc ấy có vẻ như đang bị vợ quản chặt hầu bao) trăm đô nhưng tuyệt nhiên không bỏ phong bì mà “đuya- rếch”, tức là rút trực tiếp từ trong ví ra luôn (điều này khác ngồi phòng lạnh là phải để trong phong bao). Vỉa hè không có chuyện bo cho em út và nhất là bao giờ cũng về sớm (điều này bà xã nào cũng OK!).
Thế thì vỉa hè cũng hay chứ bộ!

Vỉa hè..đánh võng

TP đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để kẻ vạch trên các vỉa hè nhằm khu biệt những khoảng đường dành riêng cho người đi bộ. Bà con ta mừng lắm! Thế mới gọi là văn minh chứ!
Nhưng rồi, cũng chính thành phố đã giao vỉa hè cho lực lượng thanh niên xung kích quản, ai muốn sử dụng thì đăng ký và được cấp phép rồi...trả tiền thuê. Tức là đoạn nào gia chủ có tiền trả thì “sory” người đi bộ, mời quý vị xuống lòng đường cho nó...rộng!
Bây giờ xin đố một câu: “Ở Đà Nẵng người đi xe máy được dựng xe phía trong hay phía ngoài mép vỉa hè?”. Trả lời được chết liền! Vì rằng người ta đã quy định rất là...không quy định: chỗ này thì dựng phía trong, chỗ kia thì dựng phía ngoài, nói chung là botay.com! Luật lệ này được gọi là “luật lệ của người quy định”.
Ví dụ, con đường Bạch Đằng hay đường Nguyễn Văn Linh, người ta làm nhà cũng có cái sảnh để dựng xe, không sảnh thì làm cái mái hiên di động phòng mưa gió. Lâu nay vẫn dựng xe mép trong vỉa hè, tức là dưới sảnh hoặc mái hiên. Bổng “một ngày đẹp trời nào đó” người ta quy định đường này phải để hết xe ra mép ngoài lề đường. Tội nghiệp mấy chiếc xe, cho dù mưa nắng bão bùng thế nào cũng phải phơi ra chịu trận, mà chiếc xe không chỉ là phương tiện mà còn là cả gia tài người ta. Nhưng như thế cũng chưa đủ, trước cửa hàng, của hiệu, nhiều vị khách do không rành quy định này, theo thói quen cứ dựng xe vào mép trong lề đường, trong lúc đó, người biết quy định lại dựng ở mép ngoài. Người đi bộ do vậy cũng toá loà loạ, không biết đâu mà lần. Có đi cũng phải lượn lờ uốn éo, lúc đi ở ngoài, lúc lượn vào trong, lúc cua ra giữa..theo cách dựng xe trên lề, đi bộ mà trông cứ như đánh võng.

Vỉa hè băng bó

Bây giờ ở Đà Nẵng đang du nhập một cái model gọi là bocay.com (bó cây chấm com). Thoạt đầu người ta thấy xuất hiện trước nhà hàng Đại Thống trên con đường đẹp Nguyễn Văn Linh. Một ngày khác mọi ngày, người ta thấy hàng cây công cộng trước nhà hàng này đều được băng bó lại bằng các dãi vải màu mè sặc sở. Trông cứ tưởng hàng cây này bị...tai nạn giao thông. Nhưng không phải, đó là chủ ý tạo ấn tượng của nhà hàng. Nhìn mà tức anh ách!
Tưởng chỉ có nhà hàng chơi kiểu ngông nghênh, ai dè, model bocay.com này được lan truyền nhanh chóng đến nỗi ngành văn hoá thông tin TP này cũng phải học theo. Vào các dịp lễ hội, người ta lại thấy nhiều hàng cây bị băng bó lại. Con đường ven sông Hàn có hàng cọ, cây cọ là do các bẹ cây kế tiếp tạo ra rất góc cạnh, đẹp là vậy bổng nhiên bị người ta lấy vải màu băng lại, đến nỗi mấy du khách Tây trọ ở Khách sạn Tân Minh cá nhau đó là cây gỉa hay cây thật. Họ cá cũng đúng, cây thật đẹp tự nhiên chứ có cây nào lại màu mè sến thế!
Không gì có thể “đỏ con mắt bên trái, ngứa con mắt bên phải” như khi nhìn vào hàng loạt cây bị băng bó. Nhưng vì sao có người thích nhỉ? Hết hiểu!

Vỉa hè di động

Đường Hoàng Diệu nằm ở trung tâm TP được gọi là con đường di động. Gọi thế theo hai nghĩa: Một là, con đường này toàn cửa hàng bán điện thoại di động (một phóng viên đài truyền hình đã làm một phép thử, nếu ghé vào một của hàng 2 phút thì cũng phải mất 4 tiếng đồng hồ mới vào hết các cửa hàng điện thoại trên phố này). Hai là, vỉa hè của con đường này luôn luôn thay đổi, đôi khi nó biến thành sân khấu với đầy đủ loa đèn kèn trống để khai trương một sản phẩm nào đó xung quanh bu nghịt người (tất nhiên là ách tắc giao thông); đôi khi lại biến thành cửa hàng hoa (khai trương tất nhiên phải chất đầy hoa chúc mừng); đôi khi nữa lại biến thành nơi hội họp của các vệ sĩ (nhiều của hàng khai trương muốn tạo ấn tượng nên thuê vệ sĩ mặc sắc phục đứng đầy vỉa hè..cho oai) khiến người dân hiếu kỳ dừng hết lại xem có chuyện gì mà nghiêm trọng thế này.
Chưa hết, khai trương không chỉ một ngày mà có khi cả tuần, cả tháng. Người đi đường ngang phố di động đinh tai nhức óc vì âm nhạc phát ra từ những cái loa quá cỡ. Luật giao thông quy định lái xe không được bóp còi khi đi qua khu dân cư từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Còn đây thì vô tư đi! Còi là cái đinh gì, tiếng của những chiếc loa này may ra chỉ có...bom mới sánh được!
Người đi đường chưa kịp dắt xe lên lề đã bị thanh niên xung kích thổi phạt, nhưng những lúc “biểu diễn văn nghệ” trên vỉa hè để lòng đường đứng đầy khán giả thì chẳng thấy họ đâu (chắc là chủ nhân đã nộp tiền thuê vỉa hè rồi!?). Có tiền sướng thật!
**
Một quan chức lý luận rằng, vỉa hè đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn người, tăng thu ngân sách cho thành phố từ thuế và từ tiền..thuê vỉa hè. Và ông cắc cớ: “Nếu vỉa hè mà không buôn bán sôi động như vầy thì..buồn òm, còn chi là..vỉa hè!”. Một người khác đưa ra con số tai nạn giao thông trong năm chỉ tính riêng người đi bộ bị xe tông, trong đó có hai giáo sư viện sĩ ở Hà Nội rồi cắc cớ lại: “Chẳng lẽ bảo đường phố không bị tai nạn giao thông thì còn gì là đường phố?”. Ông quan chức cười xí xoá.
Đà Nẵng, tháng 1.2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét