Một buổi sáng bình thường như
nhiều buổi sáng khác. Tôi chuẩn bị hành lý để ra sân bay trở lại Đà Nẵng thì
mấy người bạn rủ đi Cần Giờ. Hỏi, Cần Giờ có gì hay. Một người trẻ nói, có khu
du lịch Lâm Viên. Thấy thông tin đó không làm tôi chú ý, một người bạn đồng
trang lứa bảo tôi, Cần Giờ có chiến khu rừng Rác.
Rừng Sác- hai từ đó làm tôi sửng ra giây lát rồi lập tức quyết định
đổi chuyến bay.
Từ trung tâm TP
Hồ Chí Minh theo hướng quận 7, huyện Nhà Bè, qua phà Bình Khánh vượt sông Sài
Gòn, chúng tôi đặt chân đến Cần Giờ, tỉnh Đông Nai. Con đường mang tên đường
Rừng Sác rộng trên 30 m với 6 làn xe, dài hơn 31 km với điểm đầu từ bến phà
Bình Khánh, điểm cuối ở giao lộ với đường 30/4 ven biển huyện Cần Giờ. Chỉ mất
chừng hơn một giờ, trước mắt chúng tôi ngút ngàn một màu xanh của rừng và không
khí mặn mòi của muối và phù sa. Không ngờ chiến khu rừng Sác nổi danh lại gần
đến thế.
Sống chung với…khỉ
Năm 2000, Cần Giờ
được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, rộng trên 70.400 ha
với hơn 23.000 ha mặt nước, có hai sông Soài Rạp, Lòng Tàu cùng các chi lưu Gò
Gia, Đồng Tranh, Vàm Sát... Vùng ngập mặn chiếm 56,7% diện tích toàn huyện, tạo
nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo. Thực vật đặc trưng của vùng là cây mắm,
đước. Anh Nguyễn Minh Mẫn cùng những
đồng nghiệp được cử vào đây hỗ trợ xây dựng Lâm Viên Rừng Sác thành điểm du
lịch, kể: “Thời điểm đó, tuyến đường từ
phà Bình Khánh về đến biển 30/4 chỉ rộng chừng hơn 3m. Cây cối mọc xõa ra che
kín trên đầu”. Bây giờ Lâm Viên đã thành
tấm thành món.
Chúng tôi dừng xe
bước xuống. Một đàn khỉ từ đâu chạy túa lại. Người hướng dẫn trong khu du lịch
cảnh báo với du khách cẩn thận với thức ăn và…điện thoại cầm trên tay, lũ khỉ
rất hay cướp điện thoại để…nghe. Rất nhiều khỉ, chúng đi lại, nhảy nhót như
chúng là…người.
Khó có nơi nào
khỉ sống chung với người thân thiện như ở…Đảo Khỉ này.
Bước qua cây cầu
nhỏ bắc qua con rạch là khu “đặc sản” rừng Sác: cá sấu. Người dân trong vùng
đến nay vẫn còn lưu truyền những câu chuyện thời con người đặt chân đến Cần Giờ
xa xưa với với cảnh "cọp trên bờ, cá sấu dưới nước"; hồi tưởng về
những đêm dân chài thường nghe cọp gầm ở phía sông Tiền, Rạch Lá, Giồng Chùa...
Người dân ở xã Tam Thôn Hiệp này gọi hổ là hạm. Hạm có lần hung dữ nhảy xuống
ghe vồ người. Những loài vật “tợn tướng” khác của rừng Sác là trăn nước và cá
sấu.
Bây giờ thì những
thứ đó đã thành “đặc sản” du lịch ở vùng đất bình yên được mệnh danh là “lá
phổi của thành phố” này.
Vào căn cứ rừng Sác
Hướng dẫn viên
nói rằng, để vào trung tâm của chiến khu, du khách có thể lựa chọn cách là đi
bộ men theo lối mòn trong rừng hoặc đi canô. Chúng tôi rất thích một chuyến đi
theo lối xưa nhưng vì không có thời gian nên lựa chọn di chuyển bằng canô. Mỗi
chiếc bobo chở 8 du khách (với giá 450 ngìn đồng).
Người cầm lái có
nước da màu đồng hun rất kiệm lời có tên Bảy Nhỏ khởi động máy. Từ khúc cua đầu
tiên, những thảm thực vật xanh mướt hiện ra trước mắt, những đàn khỉ di chuyển
trên cành cây...Hỏi Bảy, có cá sấu dưới nước không, Bảy cười, đáp không. Lúc đó
tầm 10 giờ trưa nên con nước bắt đầu xuống, lòng lạch chỉ hẹp chưa đầy 3m với
nhiều khúc cua gấp. Hai bên rễ đước tua tủa. Tốc độ bobo rất nhanh, chừng
45km/h nhưng Bảy nét mặt thản nhiên, “đánh võng” qua từng khúc cua điêu luyện
như người làm xiếc, Tịnh không quẹt vào một nhánh rễ đước nào.
Tuyến đường thủy
dài chừng 5 km dẫn đến khu căn cứ Rừng Sác do Công ty du lịch sinh thái Cần Giờ
phục chế lại. Đây là mô hình tái hiện hình ảnh con đường trong rừng năm xưa của
đoàn 10 đặc công 9 năm bám trụ trong lòng rừng Sác.
Và đây là căn cứ.
Gặp đồng hương trong cứ
Ca nô cập bến.
Chúng tôi bước trên những con đường giữa rừng cây được dựng từ tre nứa, thân
mắm, đước...Một khu nhà gồm những ngôi nhà nhỏ được kết nối với nhau bằng con
đường gỗ. Đó chính là căn cứ của bộ đội đặc công Đoàn 10 Rừng Sác nổi danh. Đây
là lán trại chỉ huy, kia là nhà y tê, hậu cần, nhà chế tạo vũ khí tự tạo…Chính
giữa là đài tưởng niệm liệt sĩ rừng Sác. Trong 9 năm, đã có 860 người từng làm
nên những chiến công hiển hách đã anh dũng ngã xuống ở mảnh đất này.
Tôi run run lật
từng tranh danh sách và bắt gặp những người đồng hương Quảng Bình của mình:
Trần Ngọc Lâm, Đặng Văn Sơn, Lê Quang Xúi, Trần Quang Vinh, Nguyễn Gia Khánh,
Trần Quốc Trực, Phạm Xuân Việt, Tưởng Vấn và Đinh Xuân Liêm. Nhiều anh hy sinh
lúc mới 19 tuổi.
Trong danh sách
có 821 liệt sĩ đến từ 30 tỉnh thành khác nhau (chưa kể liệt sĩ ở địa phương),
tỉnh Long An có nhiều người nhất: 115 và TP Hồ Chí Minh: 69.
Trong những lán
trại, vừa xem những hình ảnh, hiện vật, du khách còn được nghe những câu chuyện
kể về những trận đánh năm xưa của Đoàn 10. Người hướng dẫn viên trẻ tuổi nói
rằng, trước đây, chính ông Nguyễn Văn Tám, một trinh sát của Đoàn 10 đích thân
hướng dẫn du khách. Nhưng năm nay ông đã 68 tuổi, không còn thuyết minh thường
xuyên như trước nữa. Mấy hôm nay vết thương cũ tái phát ông lại bịnh.
Huyền thoại
Đoàn 10 đặc công
đã làm nên huyền thoại rừng Sác. Các chiến sĩ lại làm nên huyền thoại Đoàn 10.
Ngày 15.4.1966,
Bộ Chỉ huy Miền thành lập đặc khu Rừng Sác với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn
10 với nhiệm vụ án ngữ cửa biển, hướng dẫn nhân dân và xây dựng cơ sở, nắm tình
hình địch. Địa hình hiểm trở, lương thực, nước ngọt và vũ khí khan hiếm, khó
khăn, thiếu thốn trăm bề, không chỉ luôn bị địch càn quét bằng tàu và máy bay,
các chiến sĩ còn phải đối mặt với cá sấu quen mùi máu người. Phải chịu nhiều
mất mát, hi sinh ( như năm 1970, Đoàn 10 hi sinh gần hết) nhưng với một tinh
thần thép, Đoàn 10 đã lập được rất nhiều chiến công vang dội.
Bằng cách đánh
đặc công áp sát mục tiêu, đánh ngay trong lòng địch, đoàn 10 tạo nên những trận
đánh làm rung chuyển Sài Gòn như trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ (đêm 11.11 và
13.12.1972) phá hủy hàng trăm dãy nhà kho, hơn 100.000 tấn bom đạn. Trận đánh
kho xăng Nhà Bè vào lúc 0 giờ ngày 3.12.1973, các chiến sĩ mũi 5 Đoàn 10 đã
tiêu hủy 140 triệu lít xăng, 12 bồn butagap, một tàu dầu 12.000 tấn và nhiều cơ
sở vật chất khác của địch. Án ngữ vùng cửa sông, đoàn 10 phối hợp với du kích
đánh địch nhiều trận trên sông Lòng Tàu - đường thủy huyết mạch vào Sài Gòn.
Với độ sâu 9 - 12 m, có nơi 20 - 29 m, sông Lòng Tàu cho phép tàu trọng tải
hàng chục ngàn tấn đi qua. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đoàn 10
Rừng Sác đã đánh chìm và đốt cháy hàng trăm tàu giặc, trong đó có nhiều tàu vận
tải quân sự lớn, trọng tải hàng chục ngàn tấn. Nhiều trạnh đánh vang dội đó, có
những chiến sĩ là đồng hương của tôi. Nhắc đến tên, lòng lại thấy rưng rưng…
Gắn bó với chiến
khu Rừng Sác từ lúc mới 14 tuổi, ông Nguyễn Văn Tám vẫn còn nhớ những năm tháng
chiến tranh ác liệt như giai đoạn 1968, Mỹ đem chất độc hóa học vào rải ở Rừng
Sác làm cánh rừng ở đây nhiều nơi trơ chọi. Bị bao vây, lương thực cạn kiện,
các chiến sĩ phải ăn đọt chà là, đọt ráng, lá kìm, rau bui, dừa nước...để sống.
Để có nguồn nước khả dĩ có thể dùng được, các chiến sĩ đã phải chưng cất nước
ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu.
Tất cả những điều
đó đã được tái hiện bằng mô hình ngay tại căn cứ này.
Chúng tôi đang
sống giữa huyền thoại, một huyền thoại đang ở ngay đây: Huyền thoại về những
con người Rừng Sác!
*
Phong, Hưng, Châu- những người bạn đồng hành và tôi cùng ăn một
bữa cơm trong cứ. Bữa cơm theo kiểu đặc công rừng Sác ngày xưa: Mỗi dĩa 3 lát
cơm nắm, lá kìm, chà khía kho. Bữa cơm ngon đến mức không thể tả được bằng lời.
Đó là một bữa cơm đặc biệt của cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét