Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Cuđơ ra phố


Gặp nhau giữa Bắc Kinh phồn hoa đô hội, nghe giọng tôi trọ trẹ, Quang bảo nhất định tôi phải là người Hà Tĩnh. Tôi khai tôi ở Quảng Bình. Quang nói, Hà Tĩnh, Quảng Bình là một, gọi là tỉnh Bình Tĩnh, rồi nằng nặc kéo về nơi ở. Anh trịnh trọng pha trà, trịnh trọng rót ra hai bát, trịnh trọng lôi từ ngăn kéo, lấy ra một bọc giấy báo nhỏ, trịnh trọng mở ra: một miếng kẹo cuđơ hình tam giác nhỏ bằng hai ngón tay. Quang trịnh trọng bẻ đôi, mời tôi một miếng. Tôi lặng hết cả người.

Thời kinh tế thị trường, rất nhiều thứ giống nhau, học theo nhau chen lấn ra đường cái quan. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một lần nhàn đàm đã dẫn ra nào là thức ăn Con Cò - Con Cò - Con Cò, nào là bánh đậu xanh Rồng Vàng - Rồng Vàng - Rồng Vàng, nào là quán ốc Ông Già - Ông Già - Ông Già, nào là Galery - Galery - Galery, Photocopy - Photocopy - Photocopy...Rồi ông so sánh: “Thế cũng chưa vui bằng ở thị xã Hà Tĩnh, suốt một con phố nối tiếp nhau đồng loạt những Kuđơ - Kuđơ - Kuđơ... Như thế là cả một trung đội Cuđơ đồng phục xếp hàng dọc Welcome to you! Chỉ tội, kuđơ nhà nào cũng nghèo như nhau, ghé lại anh này ra đi cứ chạnh lòng, như là có lỗi với anh khác...”
Ấy là vào đầu năm 1998, còn bây giờ, báo cáo với bác Hoàng Phủ, kuđơ vẫn đồng phục xếp hàng, có điều, đội ngũ kuđơ đã hùng mạnh hơn nhiều. Không chỉ trung đội mà lên cả sư đoàn. Trung tâm kuđơ vẫn là Cầu Phủ - cửa ngõ phía Nam thị xã Hà Tĩnh - nhưng phía Bắc nối dài theo đường Hà Huy Tập, phía Nam đã vượt qua địa phận thị xã. Liên hiệp các trung tâm kuđơ, trung tâm nào cũng làm ăn phát đạt, rất thị trường, có quảng cáo, có khuyến mãi, có cạnh tranh hẳn hoi, giờ khách có ghé, có đi cũng khỏi phải chạnh lòng. Với lại, các bảng hiệu đề rất rõ : Trung tâm Cuđơ bà Nga, Trung tâm Cuđơ Minh Hồng, Trung tâm Cuđơ bà Lợi, Trung tâm Cuđơ bà Minh... toàn là trung tâm, nằm trong trung tâm lớn gọi là Trung tâm Cuđơ Cầu Phủ, gọi tắt nữa là phố Cuđơ. Chữ Cu viết rõ là cờ-u-cu, chứ không tế nhị viết là ka-u-ku như nhà văn viết. Nghe tin này chắc hẳn bác Tường cũng mừng cho anh cuđơ.
o0o
Trong các thứ quà quê nổi tiếng, hẳn phải xếp anh cuđơ vào loại topten. Nói như cách nói thời nay, thương hiệu cuđơ đã đứng được trên thị trường. Đó là một thứ kẹo lạc nhưng không phải là kẹo lạc mà ... cuđơ. Có thể mô tả bề ngoài thế này: dưới là một chiếc bánh đa (có nơi gọi là bánh tráng) tròn, giữa đổ mật mía ngào lạc, trên ép thêm một chiếc bánh đa. Tất cả thành một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời. Cuđơ có vị thanh, ngọt, thơm, bùi... Tất cả mùi vị này sẽ được tôn lên nhờ nền của nước chè xanh. Trước khi cắn một miếng cuđơ, nhất định phải chiêu một ngụm chè xanh, thế mới là ... “sành điệu”.
Nói thì đơn giản vậy nhưng chính người quê Hà Tĩnh mỗi người đều có thể giải thích cách làm kẹo cuđơ theo hiểu biết của mình, không mấy ai giống ai. Tôi biết kỹ thuật làm kẹo cuđơ từ bài thơ Quà quê rất mộc mạc, dân dã của nhà thơ Bùi Quang Thanh:
Phải là lạc cúc em ơi
Để nguyên vỏ lụa rang nồi đất nung
Phải là mật mía thơm lừng
Chín màu cánh gián nấu chừng se keo
Thế mà Xuân Hải - một người làm thơ mê bài thơ này đến thuộc lòng - lại không nhất trí. Anh bảo : “ Bài thơ thì hay nhưng kỹ thuật làm cuđơ thì sai bét. Lạc để làm cuđơ là thứ lạc cúc (chỉ có ở vung Hương Sơn) thật nhưng không được rang. Thế mới là ... cuđơ !”. Tôi hỏi : “ Thế bánh đa có phải nướng trước không ?”. Hải khẳng định : “Không! Mật mía ngào lạc đang nóng đổ ra bánh đa làm bánh đa cũng tự chín!”. Anh Lý ngồi nghe chuyện cãi lại: “Lạc thì không rang nhưng bánh đa phải nướng. Không nướng làm sao ngoài đường riềm của bánh đa không có lạc lại chín được?”. Cách làm kẹo cuđơ cũng như vì sao có tên gọi này nếu có ba người Hà Tĩnh cùng ngồi chưa chắc ai đã chịu cách giải thích của ai. Tôi lấy đó làm thích thú, bởi vì, theo tôi, cái gì càng có nhiều cách giải thích, nhiều cách hiểu thì càng hấp dẫn.
Ông Trọng Dinh kể: “Kẹo cuđơ có nguồn gốc từ chợ Bèm xã Thịnh Văn, huyện miền núi Hương Sơn quê tôi. Vùng này trước là hậu cứ của ta thời kháng chiến chống Pháp, cũng là vùng trồng mía, lạc có tiếng từ lâu. Hồi ấy ông Hai, người địa phương gọi là Cu Hai, chuyên làm kẹo bằng cách ngào mật mía với lạc rồi đổ ra cái bát hoặc cái khay. Mỗi bát bán hai hào tiền tài chính. Bộ đội ta người tứ xứ, về hậu cứ Thịnh Văn thế nào cũng phải thưởng thức kẹo lạc ông Hai với nước chè xanh đặc sánh. Hồi ấy nhà thơ Phùng Quán và nhạc sĩ Vĩnh Cường ở trong nhà cụ tôi, hai ông bảo ăn kẹo lạc ông Hai, uống chè xanh là mốt thời thượng. Kiểu như thanh niên bây giờ gọi là sành điệu. Danh tiếng kẹo lạc ông Hai theo bộ đội lan truyền đi khắp nơi. Rồi không hiểu tại sao lại biến thành kẹo Cuđơ. Có lẽ người ta gọi theo tiếng Pháp đơhai nên Cu Hai thành cuđơ. Xuân Hải vẫn chưa “tâm phục khẩu phục”, cãi lại: “Biết đâu ông Hai chỉ bán kẹo lạc giá hai hào nên đơ đơ hào cũng nên”.
o0o
Lò kẹo cu đơ của bà Thu ở thị xã Hà Tĩnh không cho người lạ vào. Vì thế người dẫn đường phải thuyết phục mãi, rằng tôi là người không có ý định học trộm nghề, bà mới bằng lòng cho “ngó qua một tí”.
Bên lò than hồng,cô con gái út bà Thu tên Hồng, tuổi đôi mươi, mặt lựng đỏ, tóc mai dính bết vào má bờ vai và eo lưng đẫm mồ hôi, tay cầm đôi đũa cả lớn như hai mái chèo đảo mật trong chảo dẻo như đang múa. Bà Thu khịt khịt mũi, đoạn bảo: “Mật tới rồi, cho lạc vào”. Tôi thầm phục vì bà không cần nhìn, chỉ cần ngửi hơi mật đã biết được mật chừng se keo. Tôi hỏi thêm trong lạc còn có thêm phụ gia gì nữa không và nói chắc phải có gừng. Hồng nháy mắt chỉ vào bà Thu rồi lắc đầu, ý không nói được...
Trong câu chuyện bên tấm kẹo cuđơ và bát nước chè xanh đặc sánh, Khanh - anh trai Hồng - nhẩn nha : “Khi thưởng thức kẹo cuđơ nhất thiết phải có nước chè xanh. Đàn ông, con trai phải uống nước chè om. Chè om hãm xanh và có vị chát. Trước đây các cụ đựng vào cái vùa làm bằng đất nung, nay người ta cho vào tô sành, uống chè xanh phải uống tô chứ rót vào cốc, ly thì ... vứt đi. Đàn bà, con gái, trẻ em thì uống chè lịch. Chè lịch là lá chè xanh nấu kỹ trong nồi gang, màu đỏ, vị ngọt, không chát. Uống lúc nước chè không nóng cũng không nguội. Thế này này ...”. Khanh bưng tô sành, chiêu một ngụm, lát sau cầm miếng cuđơ cắn nghe cái ráu: “Đấy, như thế mới gọi là biết thưởng thức cuđơ !”. Tôi học theo Khanh, trên cái nền chát của vị chè xanh, miếng kẹo tan ra trong miệng như thanh hơn, ngọt hơn, bùi hơn và thơm nức. Hóa ra cái món quà quê này cũng phải “biết ăn” ra phết.
o0o
Trong cơn lốc thị trường, thị xã Hà Tĩnh cũng tràn ngập Bia hơi - Bia hơi - Bia hơi, Karaoke - Karaoke - Karaoke, Cháo bồ câu - Cháo bồ câu - Cháo bồ câu ... nhưng anh cuđơ vẫn vươn ra mặt phố, chẳng những đứng vững mà còn nhân ra mới là sự lạ. Hải bảo tôi: “Ông hãy nhẩm xem, nếu chỉ tính mỗi lò cuđơ sử dụng 15 lao động từ khâu chế biến đến tiêu thụ, nhân lên phải đến cả ... sư đoàn. Mà cuđơ không chỉ đứng mặt phố, nó về tận các ngõ hẻm, vươn ra xa cả tỉnh bạn... Ông thấy có ... siêu không?”.
Cuđơ ra đường quan đứng ở phố ... cuđơ cho dù bản chất vẫn là anh cuđơ nhưng không còn quê kệch như ngày xưa nữa: có bao bì, có nhãn hiệu, có quảng cáo, có khuyến mãi ... như một thứ quà quê chất lượng cao. Ông Trọng Dinh bảo: “Đời sống bây giờ khá lên, đi đâu, thăm ai quà gì cũng khó... Tính đi tính lại, chỉ mua 10.000đ món quà quê này, vừa xách “đằm” tay, vừa có ý nghĩa”.
o0o
Lại nói, lần đi Trung Quốc mới đây, giữa đường phố Bắc Kinh phồn hoa đô hội, nghe giọng tôi trọ trẹ, một thanh niên lịch lãm quay lại: “Anh ở Việt Nam, anh nhất định là đồng hương của tui, tui quê Hà Tĩnh”. Đó là Quang, một thương nhân thành đạt có văn phòng đóng tại đây. Quang nằng nặc kéo tôi về nơi ở. Biết tôi người Quảng Bình, Quang vẫn bổ bã: “Đèo ngang hai mái chênh vênh / Nửa luyến lưu Hà Tĩnh, nửa ái ân Quảng Bình”,Quảng Bình - Hà Tĩnh cũng rứa cả, đồng hương tất, gọi chung là tỉnh Bình Tĩnh”. Rồi Quang trịnh trọng pha trà, một thứ trà có nước xanh như chè xanh, trịnh trọng rót đầy hai tô sứ, trịnh trọng lôi từ ngăn kéo ra một bọc nhỏ bằng giấy báo, trịnh trọng mở ra: một miếng kẹo cuđơ hình tam giác bé bằng hai ngón tay. Quang trịnh trọng bẻ đôi mời tôi một miếng... Tôi lặng hết cả người...
Quang khoái chí khi thấy tôi biết khá nhiều chuyện kẹo cuđơ. Đột nhiên anh hạ giọng: “Kẹo cuđơ ngon là ngon ở kỷ niệm. Phàm là người Nghệ Tĩnh, đã đến Nghệ Tĩnh hẳn ai cũng thấm thía điều này”. Rồi anh chiêu một ngụm trà, cắn một miếng nhỏ cuđơ quý như bánh thánh, đoạn đứng phắt dậy: “Thưa cả tỷ nhân dân Trung Hoa, sẽ có ngày các bạn biết đến anh cuđơ nhà choa. Choa phải làm. Choa nhất định làm. Các bạn sẽ vô cùng biết ơn choa mà nhà choa cũng vô cùng biết ơn các bạn!”.
Rồi Quang ôm chặt tôi, lắc lắc.

Tháng 2.2002




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét