Hồi tui mới vô Đà Nẵng, sáng, anh Trương
Điện Thắng hỏi, mi ăn được cháo lòng không. Tui hỏi lại, lòng chi anh. Ảnh nói
lòng heo. Tui nói lòng con chi quay lưng lên trời là em chén được tất. Ăn xong,
thấy ngon, tui hỏi nhiêu một tô, anh Thắng nói hai nghìn. Lúc đó tui chỉ nghĩ
cháo lòng là cháo lòng thôi, không ngờ hơn một thập kỷ sau, tui lại nói chuyện
cháo lòng nhưng không phải…cháo lòng!
Nhân
vật nữ chính: chị bán cháo lòng.
Chị
không muốn tui nói ra tên chỉ vì, “thôi, để yên cho tui mần ăn chú”, tôn trọng
chị, chúng ta hãy gọi chị như mọi người thường gọi, chị bán cháo lòng. Ở Đà Nẵng, dù nhiều người bán cháo lòng, nhưng
nói thế là biết chị liền.
Chị
bán gánh cháo lòng đó thoạt đầu ngồi ven sông Hàn, sau bị đuổi, chạy qua thuê
một cái kiệt nhỏ đi vào nhà một người, cách đó vài chục bước chân. Khách đông
ngồi lấn ra vỉa hè. Nhiều lần đang ngồi tự nhiên chộn rộn cả lên. Người cầm tô
cháo nép vô hàng rào, người xếp dù, người cầm ghế nhao vô hẻm…Ấy là khi thấy xe
công an. Bị thu bàn ghế, ô dù nhiều lần...chịu không nỗi, chị chạy tuốt lên vỉa
hè con đường nối vuông góc với Bạch Đằng, chỗ ngoài hàng rào của một dãy nhà. Vỉa
hè ở đây rộng và ít người đi lại, được cho nộp lệ phí để kinh doanh.
Sáng
ra lề đường chật cứng người ăn. Không mời mọc săn đón gì sất, ai đến tự tìm ghế
mà ngồi, chưa có ghế thì đứng. Muốn thêm nước mắm, ớt, rau thơm, tự mà đi tìm
lấy, đừng hỏi chị mất công dạ, chị gốc Huế nên cứ rứa mà dạ thôi.
Thoạt
đầu mỗi tô chỉ có 2.000đ. Giá xăng lên, khách quen đề nghị chị tăng lên 3.000đ
cho họ trả tiền cho nó “hoành tráng”. 3.000đ một tô cháo lòng đầy ụ và tất
nhiên là ngon mới đông khách đến thế. Rồi xăng lại tăng, tô cháo lên 5.000đ;
tăng nữa, bây giờ là 8.000đ. Giá tăng, chất- lượng không đổi. Y như xăng.
Một
lần, vì chuyện chi đó tui mới hỏi, chị thốt lên, lâu ni mới nghe chú nói một
câu. Khi đó sắp hết cháo, thưa khách nên chị bảo, rằng vì thấy tui là người
kiên nhẫn, đông khách thì chờ, chờ lâu cũng chẳng nói gì nên mỗi lần múc tô
cháo cho tui chị chọn miếng ngon đã đành lại còn thêm cho nhiều hơn người khác,
trên tô bao giờ cũng có đủ gia vị, rau thơm và ớt.
Mỗi
sáng chị bán từ 6 giờ đến 8 giờ 30 hết một gánh cháo khoảng 150 tô, mỗi tô lãi
2.000đ, vị chi là có 300.000đ/ngày, trừ ngày rằm và mùng 1, tháng chị kiếm gần
9 triệu bạc!
Nhân vật nam chính, thăng Hớt
Nó
có tên đẹp hẳn hoi, Nguyễn Văn Tùng, tên thân mật là Hớt. Hớt ở cùng quê với
tui. Ai hỏi quê mô, chảnh lên thì nói "gần nhà bác Giáp" dù chỉ là
cùng huyện với bác.
Một
ngày đẹp giời tự nhiên thằng Hớt xuất hiện trước cơ quan tui, hắn cười điệu đàng
như mấy anh chị Jang Dong, Kim Tee He Hàn Quốc. Hỏi, mi mần chi đây Hớt. Hắn
nói chú tề, cháu tên Tùng mà. Tui nói Tùng- Hớt chi cũng được, răng? Hắn nói,
chú cháu mình đi ăn sáng nói chuyện. Tui rủ hắn đi bộ đến gánh cháo lòng.
Vừa
đi tui vừa hỏi, nghe nói mi vô Sài Gòn mần chi đó mà, răng chừ có đây. Hắn bảo,
cháu vô làm công nhân may, tháng được hai triệu, không đủ thuê nhà, ăn uống,
mấy cái Tết không có tiền về nhà. Tết rồi nói mẹ gửi tiền vô để về, về rồi ở
lại luôn, không đi nữa. Nhân đó tui hỏi
luôn mấy đứa cháu chắt ở quê, nó kể, con ông Tư, ông Rạm, con mụ Hòe, mụ Xê…(đến
mấy chục đứa) bỏ làng bươn chãi lên thành phố chừ kẹt cứng, về không được, ở
không xong. Nó hỏi, chú biết thằng Đức con ông Tô không; nói có, cái thằng to
cao như tây lai chi nữa. Hắn gật rồi nói, chừ hắn như cây sào, ốm nhách, đau
chi không biết mà ho suốt ngày, chỉ còn 42 ký.
Hỏi
con Trâm con mụ Chiêu biết không, nói biết. Con đó có bầu bự chảng mà không ai
nhận, gần đẻ rồi.
Tui
hỏi, tháng hai triệu, thuê nhà một triệu, một triệu bây tiêu răng. Hớt nói, thì
rứa đó chú, mua đồ họ bán ế cho rẻ, về nấu chi đó ăn qua loa.
Đứng
chờ mãi, chị bán cháo lòng múc ra hai tô, chỉ tô ni của chú, tô ni của anh đó,
tui tự vô bưng lấy. Kiếm được bàn ngồi, thằng Hớt hỏi, họ không bưng cho mình à
chú, tui nói không. Lại hỏi, răng chỉ tô đó của chú. Nói, chị ấy biết khách
thích ăn chi, chú ăn cháo lòng nhưng thích bỏ thịt nạc phía họng con heo. Hắn
nói cháu ăn cay, cho thêm tí ớt, tui bảo, mi tự đi mà lấy. Thăng Hớt lấy ớt
xong vừa ăn vừa nhìn xung quanh.
Tui
kêu thêm cho thằng Hớt tô nữa, nói, mi thanh niên, ăn được ăn vô, cháo lòng thì
tao có thể đãi mi cả ngày. Hắn dạ.
Lát
sau hắn kéo ghế lại gần tui hỏi nhỏ, chú thấy ông tay đeo nhẫn đo đùng không, tui
gật. Nói tiếp, thấy ông đi xe SH đỏ đó không, tui gật. Hai ông đó vô kêu hai tô
chỉ dạ dày, không gan, không lòng non vì sợ bệnh gout. Cháu thấy cổ cho ổng
toàn lòng non. Đã bệnh gout sao còn ăn lòng, cháu thấy cha này xạo, chắc cổ cho
toàn thứ để “gút-bai” luôn. Hớt cười rin rích. Tui nạt, ăn lo ăn, nói lung
tung. Hắn im. Tui nghĩ trong bụng, thằng ni cũng có đầu óc quan sát dữ.
Nhân vật phụ thứ nhât: tui
Khi
khách đã vãn, tui hỏi chị bán cháo, chị có nghe thằng nhỏ ni nó nói chi không.
Chị gật, không giận mà cười: “Tui cũng có quyền lắm chứ bộ, ưa bỏ già non chi
trong tô là bỏ à nghe. Ngon dở hên xui ráng chịu!”.
Vui
chuyện chị kể, nghe mấy chú mấy cô chú đi ăn cháo lòng nói chuyện bức xúc ở cơ
quan phát mệt, lương tháng có hai triệu bạc làm chi bức xúc cho hung, tui làm
ri cũng đủ cho con ăn học rồi!
Chị
bán cháo nói khiến tôi giật thót mình.
Lại
hỏi, sao chị không thuê lấy một chỗ đàng hoàng để khách họ ngồi cho thoải mái,
chị bảo, thiếu gì quán cháo lòng ngồi
thoải mái, tô 15-20 nghìn đồng, nhưng tiền thuê mướn chỗ chừ đắt lắm, tính đi
tính lại lỗ lã cũng rứa cả thôi. “Chỗ này khách “truyền thống” của tui, có thêm
khách lạ là thiếu cháo liền. Làm ri đủ ăn rồi!”
Câu
chuyện của chị bán cháo lòng khiến tôi suy nghĩ mãi, hoá ra chuyện làm ăn cũng
không có gì là khó, sao phải phức tạp hoá nó lên. Chị bảo mai kia chị bán thêm
buổi đêm cho người đi nhậu khuya về tráng bụng, không phải cháo lòng mà cháo
hành hoa với cá bống kho khô hoặc trứng muối: “Ngày kiếm thêm đêm hai trăm nghìn
nữa vừa xài!”. Chị tỉnh bơ.
Thằng
Hớt gãi đầu. Nói. ừ, lạ chú hè.
Bực
lên tui nói, lạ chi mà lạ, cứ đua đòi lên cho được thành phố, ngày làm 10
tiếng, ăn không đủ no, về nhà sức đâu mà biết phố với xá. Chỉ được cái sỉ diện
hão. Ta đây làm công nhân “ở trỏng”. Nhà mày cái vườn rộng như thế, cuốc đất
trồng rau, làm giàn trồng bầu trồng mướp, làm chuồng nuôi gà nuôi qué, nuôi
ngỗng nuôi ngan…Ưa ra nhổ rau, lấy trứng vô mà ăn cho đã cái bụng, mắc chi đi
mua đồ ế? Vô thành phố, tự làm tự ăn, nuôi thân còn không đủ nói chi tiền về.
Mà có tiền muốn về quê Tết nào hè nào cũng chen lấn nhau trên xe như heo răng
ưa mần chi rứa?
Nhân vật phụ thứ hai: anh Thắng
Về
trước cơ quan, tui chỉ người đang xách một bọc lớn, nói với thằng Hớt: “Đó là
bác Thắng, bác ấy ở phố nhưng về làm cái vườn ở quê, quanh năm suốt tháng hết
rau lại quả, ăn không hết xách ra cho anh em. Rau quả là rau quả sạch. Nhà bác
có một cái hồ nhỏ thôi nhưng nuôi cá rô đồng đẻ ra dày đặc, thích ăn lúc nào
thì bắt. Bây chừ bác ấy còn mua đất trồng lúa. Tụi bây sức dài vai rộng, ruộng nương thế lại không
lo làm cứ ưa chuốc cái khổ vào thân”. Sáng ni mi thấy cô bán cháo lòng nói
không? Cổ nói mỗi tối bán thêm cháo hoa cho người đi nhậu về tráng bụng tháng
thêm 6 triệu bạc như chơi. Sáng cháo lòng, tối cháo trắng tháng kiếm 15 triệu, học
bở hơi tai, bằng cấp đầy mình theo khướt mới kịp.
Thằng
Hớt gãi đầu. Nói, ừ, lạ chú hè, ừ, lạ chú hè. Răng mà phải đi chú hè. Tui nói
chừ răng, hắn nói, cháu định vô kiếm việc, nhưng thôi, ở chơi ngày nữa mai về.
Răng mà lâu ni cháu nghĩ không ra chú hè?
Tui
mang chuyện ni kể với anh Thắng, ảnh nói, bây giờ nhiều người về nông thôn đầu tư
mở nhà máy như trong Duy Xuyên, Đại Lộc...(Quảng Nam ), người quê, ở nhà mình, trồng
rau nuôi gà vườn mình mà vẫn làm công nhân, gọi là ly nông mà không ly hương,
rứa mới hay. Đến lượt tui gãi đầu, ừ, hay anh hè, răng mà lâu ni ít người mần
rứa anh hè?
Đà Nẵng,
tháng 4.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét