Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (4)

10/10/2011 10:49 pm
Cái may mắn của cuộc đời tôi khi bước chân vào làm báo là gặp được hai người thầy, đó là anh Trần Đàn, Thư ký Toà soạn và ông Phạm Xuân Thích, Tổng biên tập. May mắn hơn rất nhiều, đó là những ngày đầu tiên của thời kỳ đổi mới, và người thầy vĩ đại chính là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với “những việc cần làm ngay”. Báo chí được cởi trói và có vẻ như bọn tôi rất hung hăng. Các số báo ra đời đầy tính chiến đấu với hàng loạt vụ việc được phanh phui. Đó có vẻ như là địa hạt sở trường của tôi nên tôi chiến đấu không biết mệt mỏi, nhờ thế, công bằng mà nói, ít người mới chân ướt chân ráo vào làm báo, lại làm báo Đảng của tỉnh, lại nhanh chóng có tiếng như tôi. Hồi đó tôi chưa có thẻ nhà báo nhưng đi đâu, chỉ cần nói tên là mọi người đều biết và yêu quý. Từ đó về sau, tôi chưa bao giờ phải sử dụng đến một loại giấy tờ gì để chứng minh mình làm báo và cũng chưa bao giờ ai bắt tôi phải xuất trình. Thẻ nhà báo chỉ sử dụng khi bị công an thổi phạt.
Dường như thấy được bọn báo chí khá manh động nên Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức một cuộc gặp, thực tế là để chấn chỉnh lại tư tưởng. Sau khi nắn gân xong,  ông bí thư Tỉnh uỷ nói một câu an ủi đại để, báo chí thì vẫn chiến đấu, như chiếc xe cài số vào rồi là phải chạy, không được cài số lùi. Thế là bài tường thuật của tụi tôi chớp lấy, đặt ngay cái tít: Bí thư Tỉnh uỷ…: “Báo chí không được cài số lùi!”. Bài báo gây được không khí ngoài ý muốn của Thường vụ. Còn bạn đọc thì hỉ hả ra trò. Đây là một xảo thuật mà báo chí Việt Nam hay dùng, bỏ lơ sự bất lợi, chỉ ghi lại những điều có lợi cho mình.
Nói chúng tôi là vì, hồi đó, tôi và Lê Công Doanh được Ban biên tập cử làm “phóng viên xung kích”. Đó là từ Tổng biên tập Phạm Xuân Thích gọi. Nói nghe ghê thế nhưng thực chất hai đứa chúng tôi có nhiệm vụ viết thật nhanh, Toà soạn yêu cầu viết cái gì, bao nhiêu chữ phải có liền. Bài tường thuật trên hai đứa ký tên chung. Doanh vào làm báo trước tôi ít lâu và viết rất hay. Sau này bị một sự cố nên tự nhiên Doanh như người đứt mất giây thần kinh viết, gọi chữ không về được. Rất uổng.
Tôi vẫn nhớ một vụ việc xẩy ra ở Công ty Ngoại thương. Một cục trầm rất lớn trị giá hàng tỷ đồng hồi đó tự nhiên mất tiêu. Chúng tôi nhảy vào điều tra, có chị Hoàng Thị Thọ lúc đó làm bên Đài Truyền thanh TP tham gia. Chị em tôi còn mượn chiếc xe U-oát chở ông Nguyễn Vạn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh lên tận A Lưới, vào cái bản nơi có người tìm được khúc trầm rục đó. Ông Nguyễn Vạn vốn hoạt động ở vùng này và được bà con người dân tộc kính trọng như một già làng. Sau một tháng lần theo dấu vết, cuối cùng đường dây lộ dần ra và xác định được khúc trầm đó ở nhà của một người mà khi nghe báo cáo, Tổng biên tập tôi đã bảo thôi, dừng lại ngay dù ông rất đau khổ vì chuyện này. Đó là lần đầu tiên tôi nhận thức được có những giới hạn mà người làm báo không thể vượt qua cho dù đó là sự thật. Sau này, tôi luôn luôn gặp những giới hạn đó đến mức thành quen và có vẻ như là rất nản chí.
Tom Plate nói rằng, trong làm báo nói riêng và cuộc đời nói chung, có những thời khắc đòi hỏi con người phải quyết định có cho “thằng lùn nhảy trang”(*) hay không. Đó là thời khắc mà Tổng biên tập của tôi không thể cho “thằng lùn nhảy trang” được. Sau này tôi hỏi ông, nếu được quyết định lại thì chú có cho đăng bài báo đó không, chú Thích vẫn lắc đầu.
Tổng biên tập Phạm Xuân Thích là con người rất sâu sắc và tinh tế. Ông viết rất hay, nhìn vấn đề thấu đáo và có tầm nhìn. Chỉ tiếc trên ông có rất nhiều ông trùng chung một cái tên, gọi là Quyền Lực. Trong cơ quan cũng có rất nhiều ông Quyền Lực thường gần gủi và tham mưu nhiều chuyện mưu tham, trong lúc ông lại đứng quá cao nên ít hoặc không nghe được tiếng nói của lớp trẻ. Ông Thích là người mà khi tiếp nhận anh Đỗ Quý Doãn (sau này là thứ trưởng Bộ TTTT) vào đã nói chắc như đinh đóng cột, anh Doãn sau này sẽ là tổng biên tập. Quả nhiên,3 năm sau thì anh làm tổng biên tập.
Thư ký Toà soạn Trần Đàn là một dạng khác, cuộc đời làm báo của tôi cho đến nay chưa thấy ai yêu nghề và có nghề bằng anh. Sau này tách tỉnh Bình Trị Thiên làm ba, tôi nhanh chóng làm được mọi việc của một thư ký toà soạn là nhờ học từ anh. Đó là những đêm anh trằn lưng ra làm báo Tết, tính toán, làm ma-két từng trang; tôi ngồi chầu bên cạnh và học được hết các chiêu thức của anh. Thỉnh thoảng anh viết, bài cũng rất hay. Anh là một người thầy thực thụ.
Phải sống một thời gian tôi mới biết anh chức danh chính thức là Phó thư ký Toà soạn phụ trách chứ chưa bao giờ là thư ký cho đến khi gặp sự cố và về nhà viết sách, dịch chữ Hán. Hồi đó chia tỉnh rồi và tôi nghe máng máng hình như anh gặp nạn là do ký vào cái bản ủng hộ Dương Thu Hương.
Tôi vào làm báo tháng 12.1986, đến tháng 9. 1989, chưa đến 3 năm đã làm thư ký toà soạn kiêm trưởng phòng phóng viên, sau đó gọi chung là trưởng phòng nghiệp vụ, như thế gọi là rất nhanh tiến bộ. Hồi đó đi hội thảo báo Đảng, tôi được coi là thư ký toà soạn trẻ nhất và đặc biệt nhất (do chưa phải là đảng viên). Một thời gian sau, lại được gọi là thư ký toà soạn lâu nhất, chậm tiến bộ nhất Việt Nam . Hồi anh Đỗ Quý Doãn làm tổng biên tập. Có lẽ đó là thời kỳ huy hoàng nhất của Báo Quảng Bình quê choa và là thời kỳ làm báo đã nhất của tôi. (Còn tiếp)

***
(*) Thằng lùn nhảy trang
(Điều không được dạy trong các trường báo chí)
Thành phố xẩy ra hàng loạt vụ trộm bí ẩn. Những căn biệt thự sang trọng của những người lắm tiền và lắm quyền liên tục bị thăm viếng. Tên trộm tài ba này có thể qua mặt nhân viên bảo vệ, các thiết bị chống trộm chỉ là đồ chơi của y. Các vụ trộm hay đến mức, tờ báo có luôn một chuyên mục chỉ chờ…trộm xẩy ra để tường thuật và hốt tiền bán báo.
Một hôm, phó tổng biên tập chạy bổ vào phòng tổng biên tập hét toáng lên: Cảnh sát đã bắt được tên siêu trộm. Thưa sếp, đó là một tên lùn!
Tổng biên tập sững người, đoạn nói, cuối cùng thì Chúa cũng cho ta một cơ hội. Hai người thảo luận việc tường thuật vụ việc sốt dẻo này như thế nào, giật tít  lên trang  nhất ra sao. Việc này cũng bình thường, vấn đề là trình bày cái bài sốt dẻo Chúa ban này như thế nào.
Tống biên tập với bộ óc đặc biệt khác thường của mình đã đưa ra gợi ý: Sao chúng ta lại không thể cho tên lùn nhảy trang?
Không ai hiểu được ý của sếp lúc đó nên ông giải thích thêm, chúng ta có thể đặt một tiêu đề với bài tường thuật như đã bàn, nhưng chúng ta sẽ gây sốc bằng cách đăng hình ảnh với kích thước thật của tên lùn.
Sếp phó giãy nảy, nó là một tên nhỏ con nhưng đâu đến nỗi nhỏ để nằm trong tờ báo chúng ta. Sếp tổng từ tốn, đúng vậy, nhưng ta sẽ nhảy trang khi đăng hình hắn. Này nhé, khi ngang ngực hắn ta sẽ rạch ngang rồi ghi (xem tiếp trang 7), đến hết trang 7 ta sẽ đăng tiếp hình hắn khúc thứ hai rồi rạch ngang và ghi (xem tiếp trang 9), cứ như thế…Bạn đọc mua báo, có thể cắt các trang ghép lại hình kích thước thật của tên trộm tài ba và treo nó trên tủ lạnh. Đây sẽ là để tài nóng bỏng cho bạn đọc thảo luận ngày mai…
Phó tổng biên tập nhìn sếp mình hồi lâu, ngạc nhiên vì thấy ông vĩ đại hơn sự vĩ đại mà mình từng thấy. Nhưng rồi ông bàn lùi, cho rằng làm như thế sẽ có người nói này nói nọ (kiểu như xúc phạm người khuyết tật, vi phạm nhân quyền, thằng đó đâu đáng đưa lên trang nhất....).
Cuối cùng, để an toàn, bộ óc vĩ đại của sếp đã phải chùn lại. Hôm sau, tờ báo đăng bài tường thuật với tấm hình bình thường như truyền thống. Tên trộm không bị chặt khúc ra nữa.
Nhiều năm sau, câu chuyện này vẫn gây tranh cãi trong tờ báo.
*
Quyển sách dày 566 trang của Tom Plate đã được tôi “nghiền nát” trong một ngày. Và, không thể kiềm chế được sự hưng phấn trong người như thể được uống trà sâm Hàn Quốc, tôi phải kể lại một trong muôn vàn câu chuyện thú vị này cho bạn đọc blog tôi, nhất là các em sinh viên báo chí có gọi tôi bằng thầy, những người sẽ là đồng nghiệp, có thể là sếp truyền thông trong tương lai như một sự chia sẻ về nghề nghiệp. 
Câu hỏi đặt ra cho cả chúng ta bây giờ là: Trong trường hợp đó, nếu là sếp, chúng ta phải quyết định thế nào. Có cho tên lùn nhảy trang?
*
Hãy xem ông phó tổng biên tập, sau này là tổng biên tập tờ báo nói trên, nghĩ gì.
Ông nói với cộng sự trong toà soạn rằng, sau này khi ông không còn thời gian ở trên cõi đời này nữa, hãy đọc điếu văn và khắc trên bia mộ của ông dòng chữ: “Giờ đây khi đã nằm xuống và không thể làm gì được nữa, tôi nhận ra rằng, lẽ ra tôi đã phải cho nhảy trang khi đăng hình tên trộm lùn”.
*
Trong cuộc sống, trong nghề nghiệp, nhất là đối với những người làm báo, chúng ta vẫn đối mặt với những khoảnh khắc “nhảy trang”. Quyết định thế nào là quyền của chúng ta, không quyết định và ân hận muộn màng cũng là quyền của chúng ta.
Thằng trộm lùn thật quỷ quái!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét