Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Thiên hạ man man...


Xin được nói ngay rằng, cái đầu đề là tôi mượn lời thơ trong bài Hồ trường nổi danh của cụ Nguyễn Bá Trác, người xứ Quảng. Chỉ có điều, hai từ mang mang trong bài thơ này được người Quảng phát âm thành man man và tôi ghi theo cách phát âm này.
Thú tiêu dao đã có từ lâu, nhưng đó là một thú thanh tao, còn bây giờ, hãy nghĩ lại xem, cái thú ấy đã biến thành nạn, nạn...nhậu.
          Trước khi vào TP Đà Nẵng, tôi từng nghe nhiều giai thoại về làng nhậu ở TP này, lúc ấy, nghe là để...cho vui.
Chuyện thế này: Thủ trưởng một đơn vị, thấy anh nhân viên của mình hay đỏ mặt, có hơn men trong giờ làm việc, nhắc mãi không được, ông bực mình quát: “Ông muốn nhậu tôi điều ông vào chi nhánh ở Đà Nẵng cho ông nhậu cho chết!”. Giám đốc một công ty xây dựng quả quyết: “Đà Nẵng là nơi nhậu...nhất Việt Nam, mà nhất VN tức là nhất thế giới!”. Để minh chứng điều này, ông kể: Một lần ông vào Đà Nẵng ký hợp đồng làm ăn cho công ty, ông bị kéo đi nhậu lu bù. Đến nỗi hai năm sau vào quyết toán, gặp đối tác từng dẫn mình đi nhậu là ông ...ọe liền, cứ như trận nhậu làm ông say mãi từ đó đến giờ.
Vào Đà Nẵng, tôi mới công nhận, ở TP này nhậu chi là nhậu. Có thể nói không ngoa rằng, đi đâu cũng gặp quán nhậu. Từ trên rừng xuống dưới biển, trên các trục đường phố lớn đến các kiệt dài, kiệt ngắn, từ quảng trường 2.9 đến chân cầu sông Hàn, người ngồi san sát, đông như xem Jackson biểu diễn. Mà lạ, không biết người ta làm chi mà 9-10 giờ sáng trước các quán xe máy đã dựng san sát như chỗ gửi xe vào rạp hát. Lạ hơn, họ chủ yếu là công chức, có người đi nhậu còn mặc sắc phục hẳn hoi.
          Ngày trước, cụ Nguyễn Bá Trác (có tư liệu đề là Trạc) viết bài Hồ trường (lại có người nói cụ chép lại lời một bài dân ca bên Trung Quốc) là để gửi gắm tâm sự trong chuyện...nhậu, rằng: Chí không thành danh chẳng toại/ Trai trẻ bao năm mà đầu bạc/ Thiên hạ mang mang ai người tri kỷ/ Lại đây cùng ta cạn một hồ trường. Còn chừ, thưa cụ Nguyễn, họ toàn là người “công thành danh toại, điện thoại...cầm tay”. Nhậu chưa hẳn đã là tri kỷ mà là chuyện làm ăn, chuyện tiền. Nói chung, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, bình thường cũng nhậu. Chuyện gì ở bàn làm việc giải quyết không xong thì ra quán nhậu. Nhậu mãi đã thành thói quen đến mức ai không nhậu mới là chuyện lạ.

*
Trong bàn, người ra chia cuộc nhậu thành ba giai đọan: kỷ cương- tình thương và trách nhiệm. Kỷ cương là nói bao nhiêu phải uống bấy nhiêu, 50% là 50%, 100% là 100%. Chuyển qua đoạn tình thương là đoạn ôm vai, bá cổ nhau để nói chuyện riêng, thì thầm to nhỏ. Và trách nhiệm là đọan... tính tiền. Có người tình thương thì nhiều nhưng hiếm khi có trách nhiệm; có người trách nhiệm thì luôn phải làm tròn nhưng không dám thực hiện kỷ cương. Ấy là  tùy danh phận của mình.
Những người biết bài Hồ trường hẳn vẫn nhớ và thích thú khi đọc những câu đầy khẩu khí của cụ Nguyễn: Hồ trường/ Hồ trường/ Ta biết rót về đâu/ Rót về Nam phương, phương Nam ngàn dặm thẳm/ Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong heo hút cát chạy đá bay...Còn bây giờ, đi nhậu người ta cũng than khổ lắm. Cứ vào quán là các em tiếp thị xanh đỏ tím vàng ào ra, một tay cầm chai bia của hãng mình, một tay lăm lăm cái bật nắp. Chỉ cần một động thái gần như đồng ý là lập tức...bụp, bụp, bụp...Các loại bia đồng lọat mở ra, rót vào ly tạo thành một thứ bia... đa chủng tộc. Liêm nói như than: “Con mình xin ăn sáng 3.000đ mẹ nó cứ nhất quyết chỉ cho 2.000đ, vào đây nó bụp một cái, nắp mở ra mình phải trả chục nghìn, bụp, bụp, bụp...là ba chục nghìn...xót thế”.
Thành là một doanh nhân trẻ, thành đạt nhưng kỹ tính, mỗi lần tiếp khách, Thành đều phán một câu: “Ông nào dại gái thì cứ uống theo tiếp thị mời, còn tôi chỉ một loại” . Biết tính Thành nên nhiều chủ quán cũng nễ (họ nễ là nễ tiền) nên Thành thoát được cảnh bụp, bụp, nhưng anh phàn nàn: “Mình vừa ngồi, có người đến vỗ vai, tưởng quen, ai dè quay lại: "Có đánh giầy không chú?; lại vỗ vai: Vé số đi chú? Lại lại vỗ vai: "Lạc luộc đi chú? "Kẹo cao su đi chú?", "Trứng cút đi chú?"... Nhậu cũng không yên chứ ông tưởng sướng à?”
Không yên nhưng vẫn ...nhậu. Thành than: “Không nhậu, nói thật với ông, chả làm được việc gì. Nhậu thì mình chết, không nhậu thì doanh nghiệp chết. Cực rứa đó!” 
Tôi tỏ ra thông cảm với Thành và giả giọng miền Bắc kể cho Thành nghe chuyện mình từng nghe người Bắc nói về người Trung: "Văn hoá quy đổi của người miền Chung của các ông kém nắm. Ngay cả chuyện quy bia dza tiền cũng chả nàm được”. Thành bực mình: "Ông ơi, tiền là tiền, bia cứ phải bia!”.
Hậu chuyện nhậu, xưa cụ Nguyễn viết: Có người quá chén như điên như cuồng/Nào ai tỉnh nào ai say... Và bây giờ vẫn thế. Bao nhiêu chuyện khôi hài kể lại nghe vừa buồn cười vừa... xót.
Có anh tên Thu, lại tự xưng mình là Thu lận đận. Mỗi khi nhậu tưng lên, anh lại kể một chuyện về... vợ mình. Hồi đầu anh kể: "Bà xã mình dễ tính lắm, đi sớm về khuya bả cũng chẳng nói chi mình, toàn nói đến ông cố, ông nội, ông thân của mình thôi”. Thời gian sau lại kể: "Giờ bả chẳng nhắc chi đến ông bà mình mà toàn nói đến tên súc vật, toàn là chó với bò...”. Lâu sau nữa anh than: "Hồi đầu ông già tìm vợ, cứ nhất định tìm cho mình một cô tai dài sống cho nó thọ. Chừ mỗi lần nhậu về, nhìn cái tai cứ muốn cắn một cái cho nó đứt ngắn lại”. Nhiều anh lại có thói quen rất kỳ lạ, mỗi khi say xỉn, cứ nhất quyết phát âm thành phố loại một thành thành phố loại mạt dù nhiều người không đồng tình, bịt miệng anh ta lại nhưng anh vẫn nói. Chuyện nực cười kiểu này có kể mãi cũng chẳng hết được.
Nguyễn Ngọc Thuận là sinh viên kinh tế tốt nghiệp loại giỏi được một công ty gạch men nhận vào làm việc và cử làm trưởng đại diện chi nhánh miền Trung vài tháng nay, viết thư về cho bố mẹ ở một làng quê thuộc tỉnh Thái Bình: "Thưa thầy, u. Con vào Đà Nẵng thấy cái gì cũng được. Thành phố sạch sẽ, khang trang, tốc độ phát triển nhanh chóng. Người Đà Nẵng tốt bụng, chân tình. Công việc của con thuận lợi, chỉ trừ một việc không được, đó là nhậu. Không nhậu thì không hoà đồng, không hòa đồng thì không làm được việc, mà nhậu thì không sức nào chĩu nỗi, không chịu nỗi thì công việc bỏ bê, con sợ lắm !”
Chưa ai làm phép tính thống kê mỗi ngày dân thành phố có bao nhiêu người đi nhậu, tiêu tốn bao nhiêu tiền, lãng phí bao nhiêu thời gian, ngân sách thu được bao nhiêu từ các quán nhậu. Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện để trở thành thành phố “5 không” nhưng cũng chưa bao giờ đặt vấn đề chấn chỉnh chuyện...nhậu. Cũng cần nói cho rõ rằng, thú tiêu dao xét ra là lẽ thường tình, nhưng để chuyện nhậu biến thành nạn nhậu thì không còn thường tình nữa.
Để kết thúc bài viết này, xin kể câu chuyện của một nhà doanh nghiệp: Buổi chiều khi đang làm việc với chúng tôi, anh than: "Hôm qua nhậu dữ quá, mệt, sáng nay dậy nghĩ mà hối hận, thôi, kiên quyết từ nay ít nhậu, chí ít hôm nay phải nghĩ một buổi cho lại sức”. Cuối buổi làm việc, nghe điện thoại réo, anh hỏi:”Thế à ? Ở đâu ? Ừ ! Tới liền, tới liền !” Nói rồi anh rủ: "Thôi kệ, đi làm vài ve, tụi nó đang chờ”.
Chắc sáng mai anh sẽ lại hối hận như hôm nay.
Đà Nẵng 3.2002



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét