Hồi còn tại
ngũ, chúng tôi chơi trong một bộ ba rất thân, tôi, Trọng và Thanh. Trong khi
thực hiện nhiệm vụ, ba thằng chung tổ ba người đã dành, những giờ rỗi rải, cùng
một sở thích như nhau. Tối ba đứa ba đàn ghi ta nghêu ngao hát, đêm đến tập võ,
phóng dao...Trọng không hôm nào không viết nhật ký, cuốn nhật ký rất hay, sau này
nó bảo, nhật ký tao hay, nhưng vì tao không hy sinh nên không ai để ý, thằng
Thanh hy sinh thì nó lại không viết nhật ký.
Sau chiến tranh
chỉ còn lại hai thằng. Trọng ra quân trước, thi vào âm nhạc, sau đó trở thành
nhạc sĩ, thạc sĩ...
Tôi từ quân đội
về làm sinh viên thì Trọng đã học năm thứ tư. Không chủ nhật nào mà chúng tôi
không gặp nhau, bấy giờ, Trọng có thêm một người bạn thân tên Dương. Biệt danh
“Dương thiên tài”.
*
Dương có một
“sở thích” rất...rùng rợn, đó là uống rượu xong thì nằm giữa đường cho ô
tô...chạy qua để thưởng thức cảm giác mạnh. Y cũng là người hứng bất tử, tức là
hành động chỉ theo bản năng, nhưng trong Dương, có tư chất của một thiên tài,
tôi cũng nghĩ thế.
Một hôm, biết
tin sinh nhật của thầy hiệu trưởng, Dương rủ Trọng đi, lát sau mang về một bông
hồng cực đẹp. Y cắm bông hồng vào lọ đặt lên cây piano và mời thầy lên: “Hôm
nay sinh nhật thầy, em kính tặng thầy một sáng tác mới có tựa đề “Cánh cò và
cơn mưa”. Và chơi...
Thầy hiệu
trưởng sửng sốt vì những âm thanh phát ra dưới bàn tay đứa học trò ngổ ngáo:
“Không phải nó, đó là một thiên tài!”- Thầy lẩm nhẩm.
Nhưng có một
điều thầy không bao giờ biết, đây là bản giao hưởng do Dương ngẩu hứng...chơi
luôn, hoàn toàn không được viết trước.
Nhìn ánh mắt
yêu quý và cảm phục của thầy hiệu trưởng, tôi nghĩ biệt danh “Dương thiên tài”
hình như là đúng.
*
Hôm sau Dương,
Trọng rủ tôi xách cây ghi ta đến một ngôi nhà bên đại nội; trong khi cả nhà
đang ngạc nhiên thì hai người cắm một tờ giấy chép bản nhạc viết nguyệch ngoạc
lên cây hoa hồng có bông duy nhất vừa mới cắt, và say sưa hát ca
khúc “Bông hồng”...
Sau này tôi mới
biết, hóa ra hôm trước, sinh nhật thầy, không có tiền mua hoa, Dương bèn
rủ Trọng đi quanh tìm hoa, đến đây hai tên thấy một bụi hồng chỉ nở một bông
duy nhất, biết xin khó được cho nên nhảy hàng rào vào...ngắt trộm.
Bài hát lay
động đến mức bác chủ nhà và mấy cô trong tổ thêu ren trong nhà chạy ra đứng
lặng để nghe và cảm động khôn cùng...Bài hát này do Dương ngẩu hứng viết ra
trong đêm.
*
Không biết câu
chuyện sau đó xẩy ra như thế nào, chỉ biết cô con gái “Huế toàn tòng” của bác
chủ nhà từ đó mê mệt Dương. Trong mắt mọi người, mối tình thật đẹp và lãng
mạn...
Thời gian cứ
thế trôi đi, một hôm Trọng nhận được tin báo, cô gái con bác chủ nhà đang đứng
trên cầu Tràng Tiền đòi...nhảy cầu vì bị Dương...xù tình. Trọng xách chiếc xe
đạp cà tàng đạp vội ra can ngăn, cô gái nghe lời nhưng vẫn nức nở. Đưa cô gái
về rồi, Trọng tìm Dương xỉ vả một trận đã đời. Không ngờ Dương lấy ra một tập
thư của 7 cô trong tổ thêu ren. Tất cả đều dọa sẽ nhảy cầu nếu họ Dương không
yêu họ. Hóa ra, trong thời gian đó, họ Dương không chỉ yêu mình cô gái con bác
chủ nhà mà yêu luôn cả...7 cô. Điều kỳ lạ là cả 7 cô đều yêu anh ta đến
mức...sẵn sàng nhảy từ cầu xuống sông Hương.
Trọng kêu tôi
sang, ba thằng mua một chai rượu trắng (hồi đó rượu trắng người ta lấy cả nước
chót, gọi là rượu bào; những người nấu rượu lấy một chiếc đũa tre ngâm vào
thuốc rầy (DDT666) xong phơi khô, sau đó bẻ chiếc đũa tre tước thành những sợi
nhỏ như que tăm rồi bỏ vào chai rượu bào cho tăng nồng độ lên, nhiều
người uống thế nhưng không hiểu sao lại không chết cũng không rách dạ dày?).
Ba đứa cưa xong
chai rượu thì thằng Dương ra đường nằm chờ xe chạy qua để tìm cảm giác mạnh.
Vừa nằm vừa ứng khẩu thành...ca khúc mà giai điệu rất hay. Đúng là quái kiệt!
Tiếc cái, hồi
đó không có ai có cái ghi âm, nếu có, sau này mở ra, ký âm lại chắc cũng có vài
ca khúc xứng đáng dự được chương trình bài hát Việt.
*
Rốt cục thì
không cô nào nhảy cầu cả, 7 người vẫn sống nhăn răng. Dương viết ra 7 ca khúc
tuyệt tác đến mức cô này nghe bài hát viết tặng cô kia vẫn...rưng rức như
thường.
*
Dương bị đuổi
học vì một chuyện lãng xẹt, xin không kể ra đây. Nghe nói thoạt đầu hắn lên Tây
Nguyên lập nghiệp. Rồi một ngày nhiều năm sau, tôi gặp quái kiệt này khi đang
chỉ huy đội văn nghệ của một công ty phân bón. Công ty này đang phất nên “thu
gom” rất nhiều người tài năng và xinh đẹp về đội văn nghệ. Đội này ăn rồi
chỉ...tập văn nghệ và con gái có thêm nhiệm vụ đi tiếp khách cùng lãnh đạo mỗi
khi khách ưa...văn nghệ.
Tôi là hạng
khách được xếp vào loại...văn nghệ. Ra nhà hàng, uống xỉn rồi lấy đũa gõ bát
theo lời hát của mấy cô ca sĩ phân bón: “Bồng bềnh ru ngọn sóng/ Điệu hát
tình lênh đênh/ Nhật Lệ đêm huyền thoại/ Sóng vỗ trào tim anh”...chát chát
xình, chát chát xình...
Thằng Dương
tưng rồi ôm vai bá cổ tôi, than đời là bể khổ. Tôi hỏi sao khổ, nó bảo vì tình,
tôi bảo tình thì ai cũng hám, có điều mày không phải si tình mà là lụy
tình nên khổ. Nó bảo tao không lụy tình mà là tình lụy tao nên khổ hơn. Tôi
khuyên mày như con ngựa bất kham, lấy vợ đi, nó giữ cương may ra còn đỡ khổ. Nó
bảo chừ tao lấy ai, lấy người này thì người khác nhảy cầu; lấy người khác thì
người khác nữa uống thuốc rầy...mày xem đời tao còn chi là đời tao nữa. Tôi
cũng tưng lên rồi mới hỏi, rứa trong đội văn nghệ ni đứa mô ưa mày. Nó đưa tay
huơ một vòng rồi bảo...toàn thể! Tôi ngớ ra, tỉnh cả rượu, hỏi, biết đứa này
yêu mày thì đứa kia lui ra chớ. Nó bảo không lui, tụi nó còn xáp lại nữa mới
đau. Tôi bảo mày là thằng đểu, mày không yêu thì nó đâu có xáp vô, đằng này mày
cũng ởm ờ muốn một nửa thiên hạ là của mình. Hắn bảo không yêu sao được mà
không yêu, không yêu tội chúng nó chết đi được. Nói rồi nó đứng dậy ôm cây đàn
hát luôn: Anh không đến nay chiều nhạt nắng/ Ừ rồi thì đêm tối mịt mờ hơn/
Anh không đến không phải quên lời hẹn/ Bởi hẹn lần này lại lỡ hẹn lần
kia...Ừ thôi đến dù sao cũng đến/ Với tình yêu ta vẫn phải dù sao...
Hát xong mấy cô
vỗ tay rần rần, lao đến ôm lấy nó quên hết cả...tôi!
Sếp nó lắc đầu:
Thiệt tình!
*
Trọng bạn tôi
hồi đó thôi yêu cô giáo trẻ để cưới cô học sinh. Bây giờ cô học sinh cũng không
còn là vợ bạn tôi nữa.Cũng không chắc được một thời gian sau vợ bạn tôi có phải
là người đó nữa hay là người khác. Nó bảo thiếu gì cha buồn cũng lấy vợ, vui
cũng lấy vợ, không vui không buồn cũng lấy vợ, lâu lâu lại lấy vợ thì mình đâu
có ngoại lệ!
Còn Dương vẫn
thế, buồn cũng yêu, vui cũng yêu, không vui không buồn cũng yêu, lúc nào cũng
yêu...Thế nên đến nay...vẫn thế!
*
Lần gặp mới đây
tôi nói với Dương, người ta đã đổ ông nghè, ông tổng, con cái đề huề cả rồi,
mình có tiếng thiên tài mà đến một ca khúc của mình cũng không nhớ nỗi, hát đâu
vứt đó thì mình là thằng gì? Nó bảo bọn nó sáng tác không được nên mới làm được
bài nào nâng niu bài đó, tao ưa thì hát, cả tỉ bài, mắc chi nhớ bài cũ cho mệt
óc?
Lại hỏi, rứa mi
yêu người ta rồi bỏ người ta, sau này mi có nhớ ai không, hay là có lúc nào mi
ân hận không? Hắn bảo thời gian yêu còn không có lấy đâu thời gian mà nhớ.
Khi đi nhậu, nó
gọi điện búa xua, lát sau đã có mấy em tề tựu đông đủ. Tôi bực mình xổ giọng
trọ trẹ ra: Tau uống với mi lần ni lần cuối nghe, lần sau tau không gặp mi nữa.
Nó hỏi vì răng, tôi bảo lần sau gặp mi già rồi, sợ mi run tay run chân làm bể
hết ly chén của nhà hàng, tau không có tiền đền.
Bỗng nhiên nó
ngồi im lặng.
*
Hôm qua tôi mới
nhận được mấy cái băng ghi âm của nó gửi kèm theo mẩu giấy viết mấy chữ “Cám
ơn mi nghe!”. Chạy đôn chạy đáo mới mượn được cái máy nghe băng. Mở ra, tôi
sửng sờ vì những giai điệu mê tơi không trộn lẫn. Nó ghi lại tất cả những lần
nó ngẫu hứng hát trong men tình và cả men rượu thời gian sau này.
Ứ ừ thì là hư
không/ Tình yêu ứ ừ cũng thế/ Hư không ứ ừ như thể/Hư không ứ ừ đây rồi...
Nó thì vẫn yêu,
nhưng tôi biết nó cảm thấy đã phải dừng chân trên con đường phiêu du mà nó
tưởng là bất tận...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét