Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Lão nông tài ngang...tiến sĩ


Trong khi các nhà khoa học đang loay hoay trong phòng thí nghiệm và thực hiện các đề tài nghiên cứu thì ông thương binh Ngô Văn Lý – nông dân xóm Cồn Chay – đã hoàn thành một quy trình khép kín và nhân ra đại trà một số loại cây lấy gỗ đưa lại giá trị kinh tế cao trên vùng gò đồi Bố Trạch (Quảng Bình). Kết quả này khiến ông Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp (cũ) rất đỗi ngạc nhiên, thốt lên rằng : “Ông xứng đáng được đặc cách phong … tiến sĩ thực hành …”.
Người nông dân, thương binh Ngô Văn Lý không ngờ rằng, có ngày ông lại được vinh dự đón vị Tổng thư lệnh mà ông rất đỗi ngưỡng mộ, kính phục – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – ngay tại nhà ông ở xóm Cồn Chay heo hút. Ông cũng không ngờ, có ngày, ông lại được  trao đổi với các nhà quản lý và các nhà khoa học với tư cách … ngang hàng như vậy. Lại càng không ngờ, một lão nông như ông lại được mọi người “phong” cho một học vị cao gắn liền với tên gọi dân dã : “Tiến sĩ xóm Cồn Chay Lý Huỷnh”. Lý là tên cúng cơm của ông, còn Huỷnh là cây trồng mà ông đã nhân ra. Huỷnh, tên khoa học là Tarretica cochichinensis Pierre, thân thẳng, gỗ mịn, dễ gia công. Gỗ huỷnh vừa đẹp lại vừa dai và chịu nước nên sử dụng rất nhiều trong xây dựng, mộc dân dụng và nhất là đóng tàu thuyền. Với tốc độ xây dựng và phát triển tàu thuyền hiện nay, cây huỷnh có một tương lai đầy hứa hẹn .
“Kéo rừng về vườn”
Ông Lý kể : Đất Cự Nẫm quê tôi nghèo lắm. Hồi mới về mất sức, không biết làm gì, cha con kéo nhau vào rừng khai thác gỗ. Lắm lúc về nhà, gác rìu lên, lại nghĩ, nhà mình 5 người ngày nào cũng vào  rừng, e rừng không mọc kịp mà chặt. Phải làm cái gì khác thôi. Nhưng làm chỉ thì chưa biết. Một lần đi dự hội nghị tạo tán xanh cho vùng đồi ở Cự Nẫm sau chiến tranh, tôi nghe bác Đồng Sĩ Nguyên gợi ý : “Ngoài Bắc người ta trồng cây xoan để lấy gỗ làm nhà, còn dân ta không có thói quen làm nhà bằng gỗ xoan. Phải tìm giống cây nào đó cho phù hợp. Vừa có tán xanh, vừa có giá trị kinh tế”. Trong đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ : Tại sao  không lấy giống cây rừng để trồng. Tức là “kéo rừng về nhà”? Ý nghĩ càng  ngày càng thôi thúc tôi. Dân mình thường làm nhà bằng gỗ huỷnh (tiếng địa phương có nơi gọi là huệng), gỗ màu đỏ, đẹp, cây huỷnh trong rừng thường thẳng, gỗ huỷnh còn đóng được bàn ghế, tàu thuyền, dùng được trong xây dựng. Tôi quyết định vào rừng nhổ cây huỷnh con về trồng thử. Sau gần hai tháng, cây phát triển tốt, thế là tôi quyết định trồng thêm 300 cây. Thấy tôi trồng huỷnh tốt, bà con trong vùng làm theo, ngặt nỗi, cây giống tự nhiên càng ngày càng hiếm. Lâu nay ai cũng biết cây huỷnh, nhưng không biết nó sinh sản ra sao, mà chờ vào tự nhiên thì mất chủ động lắm!.
Dưới các gốc cây huỷnh, tôi cho trồng tiêu. Điều kỳ lạ là huỷnh cũng tốt mà tiêu cũng tốt. Thế là trúng rồi. Nhìn hàng trăm cây huỷnh vươn lên thẳng tắp, tiêu xanh và sai quả, tôi mừng hết nói. Vậy là mình đã kéo rừng về được rồi! Mười năm sau, tôi tỉa huỷnh, xẻ ván, dựng cho hai con đã lập gia đình hai liếp nhà. Thu nhập từ cây tiêu mỗi năm cỡ chục triệu đồng. Mừng lắm, nhưng đầu óc tôi luôn suy nghĩ: Làm sao có giống huỷnh để nhân ra ?
Một hôm ra vườn, gió Lào thổi mạnh, ông Lý bất chợt ngẩng nhìn và nhận thấy như có một đàn bươm bướm từ trên cây cao bay túa theo chiều gió, cánh quay tròn như chong chóng trực thăng. Ông Lý mắt vừa nhìn, chân vừa chạy đuổi theo ra tận cánh đồng xa tít. Ông nhặt được mấy cánh và nhận ra đó là trái huỷnh. Ông mừng lắm, về nhà giục con trèo lên cây vạch lá bẻ nốt những chùm trái còn lại. Hôm sau, ông cuốc xới mảnh đất sau nhà gieo những quả huỷnh hình cánh ve cứng như viên cuội xuống. Gần hai tháng trời, hạt huỷnh vẫn nằm trơ ra mà lòng ông thì như lửa đốt… Ông mất ngủ nhiều đêm nhưng ông vẫn tin cây huỷnh có thể mọc lên từ quả. Rồi ông tiếp tục thử nghiệm bằng nhiều phương pháp khác, cho đến một hôm, cây huỷnh đầu tiên nhú lên mặt đất. Ông đã thành công …
Trong thời điểm đó, ông Nguyễn Đình Long – Phó giám đốc Sở Lâm nghiệp, vốn là kỹ sư lâm sinh từng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về cây huỷnh từ thời còn là tỉnh Bình Trị Thiên – mang ra tập tài liệu dày cả gang tay đã ố vàng, quả quyết: - Cây huỷnh không dễ trồng đâu. Nếu được chăm sóc trong điều kiện tốt thì … 20 năm mới cho quả. Lâu nay người ta vẫn biết huỷnh sinh sản bằng phát tán nhưng chẳng ai gieo được cây từ hạt .
Chuyển giao công nghệ cho Nhà nước
Tiếng lành đồn xa, một ngày, ông Lý thấy chiếc ô tô bóng loáng đỗ xịch trước nhà mình. Người ta giới thiệu với ông hai người : Thứ trưởng Phan Thanh Xuân và Giám đốc Xí nghiệp giống cây con miền Trung Lê Chiêu Hùng. Mặc áo quần tuềnh toàng, giội vài gàu nước giếng qua quýt, ông Lý Huỷnh dẫn khách đi thăm vườn nhà. Thứ trưởng Xuân xuýt xoa : “Ai cũng làm được như anh Lý thế này thì Quảng Bình sẽ sớm giàu to”. Nhìn vào khoảng đất ươm cây giống quanh giếng, nghe ông Lý giải thích cách ươm cây huỷnh, Thứ trưởng vừa ngạc nhiên, vừa mến phục, ông không dám tin vào mắt mình mà luôn miệng hỏi lại câu : “Có thật vậy không, anh Lý?”. Nghe lời giải trình mạch lạc, động tác thì thuần thục đúng của nông dân, Thứ trưởng không kìm được, ôm chầm lấy anh nông dân mà nói : “Phải! Nhà nước phải đặc cách cấp bằng tiến sĩ cho anh. Thành công này xứng đáng được cấp bằng tiến sĩ thực hành lắm!”.
Thứ trưởng Xuân quay sang Giám đốc Lê Chiêu Hùng : “Cái hạt này đang nằm trong phòng thí nghiệm, trồng huỷnh là đề tài mà nhiều nhà khoa học quan tâm nhưng chưa có kết quả. Thành công của anh Lý đã giúp chúng tôi bỏ qua giai đoạn nghiên cứu. Xí nghiệp phải mua ngay giống học cách làm của anh Lý. Đây là một thuận lợi lớn, không nên bỏ phí thời cơ”.
Thế là gia đình người nông dân Ngô Văn Lý với phẩm chất đảng viên của cả hai vợ chồng gương mẫu chuyển giao quy trình gieo ươm cây huỷnh, kết quả của nhiều đêm mất ngủ, nhiều tháng thực nghiệm, cho xí nghiệp của Nhà nước tự nhiên như việc nhà mình. Từ đó, ông trở thành người cung cấp hạt giống duy nhất, có năm cao điểm đến 4 tạ (giá 40 triệu đồng). Xí nghiệp giống cây con, nay là xí nghiệp giống lâm nghiệp Bắc Trung Bộ từ đó cũng thay đổi cách làm. Nếu như trước đây chỉ ươm giống phi lao, bạch đàn, tràm, thông nay có thêm cây huỷnh, lát, trầm hương, táu … phục vụ cho nhu cầu trồng rừng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế. Rừng huỷnh 10ha lấy giống từ nhà ông Lý nay đã 12 tuổi và đã cho quả giống đầu mùa .
Một cây huỷnh  bằng 3 ha bạch đàn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người từng trăn trở nhiều về việc phát triển kinh tế vùng gò đồi ở quê hương ông, lần đến thăm vườn ông Lý, đã nói : “Trong nhiều năm, chúng ta cứ suy nghĩ mãi chuyện trồng cây gì, nuôi con gì? Rồi mang ngoại tệ đi mua giống nước ngoài. Có giống tạo được tán xanh nhưng làm kiệt đất, giá trị kinh tế không cao; có giống sau thời gian thử nghiệm phải bỏ. Anh Lý đã tạo được giống cây phù hợp, giá trị kinh tế cao, cải tạo đất tốt,có thể trồng tiêu dưới gốc huỷnh, thế là trúng rồi”. Những cây huỷnh ông trồng đợt đầu có cây bán được 5 triệu đồng, bằng cả 3 ha bạch đàn cao sản. Ấy là chưa kể thu hoạch từ tiêu.
Thành công ở vườn nhà, năm 1993, ông Lý lập trang trại 30ha cách nhà chừng cây số. Ba đứa con ông đã lập gia đình cất 3 liếp nhà trên đó. Ông trồng 10ha huỷnh, 3 ha gỗ lát, còn lại là trầm hương. Dưới mỗi gốc cây là một gốc tiêu. Nhìn trang trại quy hoạch chỉnh chu, cây trồng ngang hàng thẳng lối với một sự tính toán kỹ càng, ai cũng cảm phục ông .
Bây giờ thì không chỉ xóm Cồn Chay mà cả xã Cự Nẫm vùng đồi Bố Trạch, ai cũng lập trang trại trồng huỷnh. Ai cũng bảo “chúng tôi làm theo ông Lý Huỷnh”. Đất ngày trước hoang hóa mênh mông là thế, nay ông Lý bảo có muốn nhận thêm vài mét vuông cũng chẳng còn. Còn sao được, một cây huỷnh 10 năm tuổi nếu chỉ tính giá 2 triệu đồng, có 1.000 cây, chả phải đã trở thành tỉ phú sao ?
Ông Lý khoát tay một vòng, nói : “5 năm nữa anh quay lại vùng đồi này thì phải biết”. Từ phải biết nói bằng giọng Quảng Bình nghe đã lắm .

Quảng Bình 4.2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét