Người Mã Liềng nói rằng, tộc người mình thích sống cao hơn các tộc người
khác, thích di chuyển tự do giống như con chim mơ leng trên bầu trời vậy. Và
Cao Châu hát : “Hỡi com chim me leng, hỡi con chim mơ leng, mày hãy bay về tổ”.
Tổ ấm đó chính là bản Cà Xen .
Trong ngôn ngữ của tộc người Mã Liềng ở Quảng Bình, “mơ leng”
có nghĩa là “đại bàng”. Người Mã Liềng coi con chim đại bàng là biểu trưng cho
mình. Và Mã Liềng chính là tên đọc trại từ “mơ leng” mà ra. Người Mã Liềng
không hiểu gì về “tô tem giáo”, họ chỉ nói rằng, tộc người mình thích sống nơi
cao hơn các tộc người khác, thích di chuyển tự do giống như con chim mơ leng
trên bầu trời vậy .
Dễ chừng đến mười lăm năm trước, nhà
văn Nguyễn quang Hà đã băng rừng lội suối đến Cà Xèng, một điểm cư trú của
người Mã Liềng, sau đó ông cho ra đời bút ký “Cà Xèng chon von”, bài bút ký hay
đến nỗi, suốt mười năm sau không ai dám đến và viết về đề tài này. Cho đến khi
người ta gióng lên hồi chuông báo động về các tộc người ở miền tây Quảng Bình
“có nguy cơ biến mất”. Bấy giờ, so với tộc Arem còn 98 người, Rục còn 198 người
thì tộc Mã Liềng vẫn còn đến … 400 người. Nhưng nếu biết rằng, năm 1981, tộc
người này có 486 người mới biết nguy cơ đó là có thật .
Dù chiếc xe “xuyên lục địa”phải cài
số một, rồ ga nhảy chồm chồm trên đường đá và phải bất lực dừng lại trước một
cái dốc cao để người trên xe cuốc bộ, thì đường đến bản Cà Xen (có người phiên
âm là Cà Xèng) của người Mã Liềng đối với chúng tôi như vậy là quá lý tưởng. Ấy
là tôi đang so sánh với những lần đi vào bản Mò O của người Rục hoặc bản 39 của
người Arem.
Đổ dốc, tất cả như chợt sững sờ trước
một Cà Xen xanh mướt màu xanh cây lá. Những khu vườn bời hời sức sống của cây
trái, hoa màu. Những ngôi nhà xinh xắn ẩn khuất trước tán cây xanh. Cà Xen thanh
bình, trù phú đến mức bất ngờ, càng bất ngờ khi biết cách đây ba năm về trước
vùng đất này chỉ là đất hoang.
Thực ra, người Mã Liềng sống tập
trung chủ yếu ở hai xã Lâm Hóa và Thanh Hóa của huyện Tuyên Hóa, nhưng có đến
năm bản: Mã Đao, Bịn, Quạt, Cà Xen, Chuối. Công việc định canh định cư được
tiến hành đồng loạt nhưng ở Cà Xen tập trung nhiều hộ hơn cả. Trong câu chuyện
trên đường đến bản, tôi buột miệng .
- Công việc định canh định cư (ĐCĐC)
người Mã Liềng có hiệu quả thế, sao không tiến hành sớm hơn ?
Một người trong đoàn cười:
- Ơ hay, cái ông này, mãi đến năm
1992 hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa mới được công nhận là huyện miền núi, cũng
năm đó, Ban Dân tộc – Miền núi tỉnh mới được thành lập, ai làm mà sớm hơn được
.
Theo chuyện ĐCĐC, người ta còn nhắc mãi đến tên một cán
bộ người dân tộc tên Hiền. Hồi ấy ông cất công đi vận động người Mã Liềng ở rải
rác khắp nơi quy tụ về bản Rào Tre (thuộc địa phận huyện Hương Khê – Hà Tĩnh).
Ông dạy bà con cách làm lúa nước, cách đào giếng, cách làm nhà ở cho chắc chắn.
Nhìn mức sống của bà con ở đây, ngay cả người Việt trong vùng cũng không dám mơ
ước. Người Mã Liềng ở Rào Tre coi ông như một người cha. Ông Hiển về hưu, mọi
việc lại đâu vào đấy. Người Mã Liềng – những con chim mơ leng lại cất cánh bay
trên bầu trời của họ. Họ đi đến đâu, những cánh rừng cháy theo đến đó… Mật ong
không đủ đổi Sali (ngô), gỗ quý không thay được ân tầu (sắn) nói chi đến chuyện
học cái chữ .
Trưởng bản Cà Xèn là Cao Châu – một
người đang độc thân - ở trong một ngôi nhà trệt chắc chắn và thoáng mát, bằng
sự bộc trực của người miền núi, trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách ngắn gọn
và chân thực :
- Bản có mấy hộ ?
- Ba lăm!
- Nhà anh tự làm ?
- Không! Dự án cho.
- Dân còn đốt rừng làm rẫy không?
- Không! Đốt vẫn đói. Ở nhà làm vườn,
dự án cho thêm, no hơn .
- Sao ở nhà trệt ?
- Cho giống đồng bằng, cho giống
người Kinh .
Anh Trịnh Tân Đức, một cán bộ xã
“nằm” lại ở Cà Xen từ tháng 8.1995 đến nay kể cho chúng tôi nghe về những ngày
đầu đưa bà con Mã Liềng về định cư ở đây. Thoạt đầu, những người thực thi dự án
phải dắt về 20 con trâu, 20 bộ cày bừa, tự tay làm mẫu 10ha ngô, 12 sào lúa
nước, quy hoạch 14 vườn hộ thí điểm .
Vậy mà dân vẫn chưa tin. Nhà bị lốc
cuốn thốc mái, mặc vườn bị trâu bò phá, mặc. Họ nói :”Cán bộ bắt định canh định
cư thì cán bộ “lo” mà làm lấy”. Nhận gạo trợ cấp ăn hết lại rục rịch bỏ bản mà
đi. Lớp học vừa mới tập trung đã có nguy cơ giải tán. Trước tình hình đó, Ban
ĐCĐC huyện và cán bộ xã Thanh Hóa phải cử người nằm lại với bản, vừa tuyên
truyền, vận động, vừa “bắt tay chỉ việc”. Lâu rồi thành quen. Dân thấy hiệu quả
từ ruộng lúa, nương ngô mới chịu làm theo. Bây giờ thì họ đã quen với việc đồng
áng, biết chăm chút vườn cây, nâng niu thành quả lao động của chính mình .
Đứng trên đỉnh dốc, nhìn bao quát
cánh rừng bao quanh bản, thấy ngút ngát một màu xanh 400 ha rừng đã được giao
đến tận hộ, vậy nên mùa phát rừng đốt rẫy vẫn tuyệt nhiên không mất một cây nào
.
Giữa bản, trường học tường xây mái
ngói khang trang đủ chỗ cho 40 học sinh học tập. Đó là 40 người đầu tiên được
biết thế nào là cái chữ (ở bản Chuối, một điểm định canh định cư khác, cũng đã
có một lớp học 30 em). Khó có thể mô tả
hết cảm giác của chúng tôi khi giữa vùng rừng núi hẻo lánh Cà Xen vang
lên trống trường. Nhìn vành đai xanh bao phủ bản Cà Xen, nhìn đàn em tung tăng
cắp sách đến trường tôi liên tưởng đến hình ảnh những con chim mơ leng của núi
rừng miền Tây đang quy tụ về tổ ấm của mình .
Hôm sau chúng tôi theo Cao Châu mang
cơm nếp vừa mới thu hoạch vào rẫy cúng con ma rừng. Anh đặt cơm trên tấm lá
trải xuống đất hướng về mặt trời lầm rầm cầu khấn. Anh bảo khấn để ma rừng phù
hộ cho việc trồng tỉa, cho cây lúa nhiều bông, bắp ngô nhiều hạt, cho người Mã
Liềng đuổi được con ma đói .
Tôi bảo :
- Người Mã Liềng hết đói rồi còn gì ?
Anh Đức quay lại nhìn tôi, giọng
chùng xuống :
- Chưa đâu. Từ đầu năm đến nay dự án
đã ba lần phải hỗ trợ lương thực, mỗi lần một nhân khẩu được 5kg gạo. Ông xem
mỗi hecta rừng giao cho dân bảo vệ được thanh toán 45.800 đồng. Mỗi hộ bảo vệ
10ha, tính ra mỗi năm có thêm 458.000 đồng, quy ra chừng hai tạ gạo. Cuộc sống
dựa thêm vào việc làm vườn nhưng vườn tạp một ít sắn, một ít bầu, bí, thuốc lá…
mà mỗi hộ lại có đến 5, 7 người. Năm trước, dự án hỗ trợ mỗi hộ 3 con bò giống,
cán bộ dự án kèm chặt lắm thế mà họ vẫn bán đi chỉ còn lại 9 con .
- Thế học sinh có đi học đều không?
- Dự án khuyến khích trẻ em đến lớp.
Cứ mỗi buổi có mặt được nửa cân gạo. Cái đó cũng giữ được các em trước mắt còn
lâu dài phải tính cách khác .
- Cách nào ?
- Mọi chuyện phải xuất phát từ “vấn
đề dạ dày” của người Mã Liềng. Có cái kẹt là đất canh tác không mở rộng được,
sức kéo không đủ, tôi nghĩ cần có nhiều chính sách thỏa đáng hơn cho đồng bào
mở rộng diện tích bảo vệ rừng và chăm sóc rừng tái sinh “giữ được rừng lo gì
không có củi đốt”.
Đối với rừng ở xã Thanh Hóa và Lâm
Hóa, nơi có nhiều gỗ quý hiếm, giữ được cây rừng đã là quý. Chúng tôi nói giữ
được cây rừng là vì người Mã Liềng có nhiều tập tục cũ nên việc giữ thú rừng là
điều rất khó. Ví như câu chuyện mà tôi kể sau đây :
Người phụ nữ Mã Liềng khi sinh đẻ
phải ra một cái lều con. Sau 10 ngày ở cữ họ mới được phép trở về căn nhà
chính. Nhưng trước khi lên nhà người chồng phải đi săn và bắt cho bằng được một
con thú rừng nào đó cho vợ ăn thịt. Mà phụ nữ Mã Liềng thì đẻ nhiều (cho dù
dưỡng được ít), hơn nữa thú rừng hầu như là loại thức ăn chính của người Mã
Liềng .
Một nghề phổ biến của người Mã Liềng
là nghề lấy mật ong. Mùa ong làm mật người ta đi tìm và đánh dấu những gốc cây
có tổ ong. Đêm họ chia thành từng tốp rồi đi vào rừng. Mùa không trăng hai
người đi đầu và cuối cầm hay cây đuốc. Mỗi người trong tốp đều ngậm một điếu
thuốc lá to bằng lá thuốc mà họ trồng được, nói là hút để xua con muỗi. Đi một
quãng đường, sắp hết đuốc lại thấy họ chui vào bụi, lấy ra một cây đuốc khác.
Hóa ra họ biết một cây đuốc sẽ cháy hết đến đâu nên chuẩn bị một cây khác giấu
sẵn ở đó. Đi hết chừng mười cây đuốc thì đến một cây to có đánh dấu. Người
trưởng tốp bảo ngồi chờ thêm một lúc nữa cho ong ngủ hết rồi ai mới làm việc
nấy theo phân công. Mỗi đêm họ lấy được chục lít mật mang về chia nhau đổi gạo.
Trước đây họ chỉ lấy mật còn chừa ong lại, nay do người miền xuôi đặt hàng, họ
bắt gọn cả đàn ong đem về ngâm rượu, nghe đâu chữa được bệnh hay bổ khỏe gì đó.
Kể chuyện lấy mật ong mới nhớ lại năm
trước một cán bộ nghiên cứu ngôn ngữ của trường ĐHTH Hà Nội tham gia một đêm đi
lấy mật. Sáng về, anh cũng được chia phần như mọi người. Trước khi chia, ông
trưởng bản mời anh uống thử. Lần đầu tiên lấy mật ong rừng, anh “trăm phần
trăm” hết một bát đầy. Lát sau thấy người nóng ran lên như trong bụng có bếp
lửa đang cháy. Ngồi không được, đứng không yên anh đành thổ lộ với dân bản. Ông
trưởng bản tỉnh bơ :
- Dễ thôi mà, cứ về ngâm dưới suối
nửa ngày là hết !
Nửa ngày ở dưới suối quả là cực hình
mà đến nay mỗi lần nói chuyện anh đều nhắc lại như một kỷ niệm khó quên trong
đời .
***
Đêm Cà Xen tịch mịch. Không đèn,
không có bếp lửa rừng “cho giống với miền xuôi”, hầu như chúng tôi không ai ngủ
được. Tôi nghĩ đến mấy năm trước đây người Mã Liềng du cư này đây mai đó, cái
đói, cái rét và bệnh tật luôn rình rập họ. Và hôm nay, dù thời gian chưa lâu,
họ đã có một ngôi nhà, một mảnh vườn, biết cầm cày, cầm cuốc, biết dùng con
trâu, con bò làm đất, biết giữ rừng, biết làm lúa nước… Đó là một bước ngoặt,
một thay đổi kỳ diệu. Dù biết rằng công việc sắp tới của những người làm công
tác định canh định cư còn nhiều bề bộn mới mong Cà Xen trở thành tổ ấm thực sự
cho những con chim mơ leng .
Ngày mai chúng tôi sẽ về xuôi, nhưng
ấn tượng về một Cà Xen xanh, màu xanh của rừng nguyên sinh, rừng tái sinh và
cây trái trong vườn vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi gọi đó là những tín hiệu xanh
.
Miên man nghĩ, lúc nào không hay tay
tôi níu chặt bàn tay Cao Châu và hát, một câu hát độc nhất mà tôi mới học được
dọc đường bằng tiếng Mã Liềng “Hỡi con chim mơ leng, hời con chim mơ leng, mày
hãy bay về tổ”. Cao Châu hòa theo rồi hát tiếp những câu sau đó, những câu mà
tôi chưa biết nghĩa …
Quảng Bình 1995
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét