1.
Không hiểu vì sao, từ đâu mà hồi nhỏ, tôi rất thích nghe
chuyện các quan lớn ở kinh thành giả dân thường đi kinh lý, đến đâu, chứng kiến
tận mắt cảnh quan binh, sai nha sách nhiễu dân, liền giáng chức về làm dân thường
hoặc tống vô lao. Mà không chỉ tôi, trong dân gian, vẫn lưu truyền những chuyện
đại để thế, có chuyện thật, có chuyện chỉ là giai thoại, nhưng đó gần như là
mong muốn, là khát vọng của người dân.
Lớn lên đi học, tôi vẫn nghe những câu chuyện như thế lưu
truyền trong dân gian. Một thời, người ta kể, thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Chính ủy kiêm Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559. (nay gọi là Bộ đội
Trường Sơn) một lần cởi giày cao cổ xách tay, vắt quần dài lên cổ lội qua ngầm
Phú Kỳ (đường 15 đoạn ngang qua Quảng Bình), ngẩng lên, thấy bờ bên kia có một
anh sĩ quan đeo súng ngắn, dày đen Cô-sô-gin đang gọi mình ê, ê…rồi chỉ chỉ vào
chân, ý nói cõng anh qua ngầm kẻo ướt dày. Ông Tuệ dạ dạ, cúi lưng cõng anh sĩ quan quay lại phía bờ bên kia. Đến
giữa ngầm, ông Tuệ hỏi, anh ở đơn vị nào, bảo 559; hỏi ở 559 có biết cha Phan
Trọng Tuệ không. Anh sĩ quan bảo Phan Trọng Tuệ là chính uỷ kiêm tư lệnh của tôi.
Ông hỏi tiếp, đã gặp chả chưa. Anh sĩ quan bảo chưa. Ông Tuệ bảo chưa thì bây
giờ gặp rồi, có điều chi muốn đề đạt với ổng không. Anh sĩ quan bảo tôi làm gì
mà gặp được tư lệnh. Ông Tuệ từ tốn, thì chính uỷ, tư lệnh đang cõng anh đây còn
chi nữa…Đến lúc này viên sĩ quan mới nhìn lên bờ, thấy một đoàn tuỳ tùng, biết đó
là Phan Trọng Tuệ thật nên tụt vội xuống
giữa ngầm. Ông Tuệ quay lại, giáng chức anh này xuống làm lính.
Chuyện có thật đến mức độ nào tôi không rõ, nhưng nhiều người
kể y như thật, và chí ít, nó trở thành một gai thoại răn đe cho những ông quan “chưa
đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, nghe cũng đã đời lắm!
2.
Cuối năm 1960 công cuộc cải tạo nông nghiệp cơ bản hoàn
thành ở miền Bắc. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Trưởng ban Nông
nghiệp Trung ương, chăm lo hoàn thiện quan hệ sản xuất mới và phát triển sản
xuất. Trong buổi đầu, kinh nghiệm làm ăn tập thể chưa có, phong trào không
tránh khỏi một số khó khăn. Nhiều nông dân ồ ạt xin vào hợp tác xã, có những
người vào rồi, chưa kịp thấy cái lợi, đã tính chuyện xin ra. Phong trào không
ổn định. Lại thêm vụ chiêm năm 1960 mất mùa vì rét, để lại nhiều hậu quả. Hồ Chủ tịch mời đại tướng đến
bảo: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình
tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn
khởi”
Nhiều cụ già ở quê tôi kể lại, hồi đó đại tướng về huyện Lệ
Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, mang tơi rách, nón cời (nòn lá đã mất vành ngoài) ra
đồng. Thấy một cụ già đang bứt cỏ cho trâu, qua trận lụt, cỏ dính đầy phù sa,
đại tướng hỏi: “Bứt cỏ ni trâu ăn răng được, bác?”. Ông gìa quay lại, thấy một
ông cũng…nông dân như mình bèn ngúng ngẳng trả lời: “Hắn ăn không được thì hắn
chết, được bữa xào lá lốt”. Đại tướng hỏi tiếp: “Rứa hợp (hợp tác xã) mềng (mình) trâu chết nhiều
không?”. Ông cụ cắt cỏ thúc thắc: “Xào lá lốt phân nửa rồi!”. “Phân nửa là
khoảng mấy con bác?”. “Hơn trăm!”-Ông cụ đáp.
Đại tướng vào trụ sở uỷ ban xã, hỏi chuyện chống rét cho
trâu, thấy cán bộ ấm a ấm ớ. Ông bảo vấn đề sức kéo đang bức xúc mà để trâu
chết hàng loạt lại còn ngồi trong nhà mang áo ấm nói ấm a ấm ớ như ri thì mần
cán bộ mần chi. Sau đó hầu hết cán bộ chủ chốt trong xã bị thôi chức. Bà con đã
lắm!
Năm 1963, một tuần
trước ngày khai mạc đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, đại tướng nguyễn Chí Thanh
thay mặt Bộ Chính trị nghe Thường vụ báo cáo. Ông Phạm Xuân Thiết, nguyên Chánh
văn phòng Tỉnh uỷ kể lại, biết anh Thanh về nên báo cáo chuẩn bị kỹ lắm, cũng
đặt ra các tình huống anh Thanh sẽ hỏi thêm, không ngờ khi vào họp, anh nói với
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tư Thoan: “Báo cáo mình đọc kỹ rồi, khỏi trình bày lại,
mình chỉ hỏi một câu: Ở Quảng Bình HTX nào khá nhất, HTX nào bét nhất?”. Cả Ban
Thường vụ nhìn nhau, quả thật, nhận xét chung chung thì dễ chứ chỉ ra được HTX
khá nhất và bét nhất thì khó. Đại tướng đứng dậy nói: “Thôi, các ông cứ bàn đi,
chỉ ra được thì nhất định có vấn đề cho đại hội, mình đi cơ sở cái đã!”.
Hôm sau Thường vụ báo cáo chỉ ra, HTX Đại Phúc khá nhất, Tây
Trạch bét nhất, đại tướng bảo đi Đại Phúc trước, sau đi Tây Trạch.
Đến Đại Phúc, vào nhà một nông dân, đại tướng hỏi: “Răng nhà
nhốt lợn lành với lợn ghẻ”. Chủ nhà thấy “ông hôm qua đến nhà mình” nên không
giấu được, đáp: “Đây là lợn ghẻ của trại chăn nuôi HTX gửi vì nghe nói hôm ni
đại tướng về thăm”. Đại tướng nghiêm khắc: “Đúng là HTX có nhiều mặt tốt thiệt,
nhưng điều quan trọng là cái chi tốt thì nói tốt, cái chi còn kém thì cứ nói
còn kém, đừng xấu che tốt khoe thì mới tiến bộ được!”. Mấy ông cán bộ bấy giờ
mới cằn nhằn nhau, đã bảo đừng đưa lợn ghẻ vô nhà xã viên, các anh không nghe.
Cứ thiệt thà với đại tướng có phải hơn không nà?
Hồi đó đại tướng về chỉ đạo HTX Đại Phong, sau này trở thành
HTX kiểu mẫu (Duyên Hải, Đại Phong, Thành Công, Ba Nhất… là các mô hình về ngư
nghiệp, nông nhiệp, tiểu thủ công nghiệp. quân sự…), ông Phan Xuân Thiết kể,
hôm biểu diễn văn nghệ, nghe nói có đại tướng đến dự, bà con hồ hỡi đến để gặp
cho được đại tướng. Nhiều bác nông dân chen vô, thấy một ông cũng đang chen như
mình bèn hỏi đại tướng mô, đại tướng
mô…Đại tướng chỉ vào một ông cán bộ đang ngồi trên ghế đại biểu, bảo chắc ông
to béo đó là đại tướng. Bà con cứ thế chen vào nhìn…đại tướng, còn đại tướng
thiệt thì chắp tay sau lưng đi lân la hỏi chuyện làm ăn của bà con.
Về Lệ Thuỷ bây giờ, vẫn nghe người ta kể nhiều giai thoại về
đại tướng, như chuyện ông xếp hàng mua thịt lợn tem phiếu bị cô bán hàng thấy
ông có vẻ…nông dân nên cho đoạn thịt bạc nhạc bị ông phê cho một trận…Hình ảnh
vị đại tướng áo tơi nón lá lội khắp đồng đã trở nên quá đỗi thân quen với người
dân vùng đất này…Từ đó sinh ra nhiều giai thoại phản ánh mong muốn của người
dân đối với cán bộ cấp trên.
3.
Hồi còn tỉnh lớn Bình Trị Thiên, một lần nhóm phón viên được
đi chung xe với ông Võ Nguyên Quảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Đang ngon trớn,
ông hô, dừng lại, dừng lại…Anh lái xe phanh kít. Ông bảo lùi lùi…Hoá ra ông
thấy một bà già đang gánh gánh rau đi chợ bán nên bảo dừng xe cho bà lên, mà xe
thì đã chật. Ông dứt khoát, mọi người chờ ở đây, lái xe chở mệ lên chợ rồi quay
lại. Bà gánh rau ngạc nhiên đã đành, chúng tôi cũng ngạc nhiên không kém. Anh
lái xe tâm sự, không phải lần ni mô, ổng mà thấy ai đi đường cũng bắt dừng lại
cho họ đi với kẻo tội.
Một lần khác, chúng tôi theo ông đi về vùng bão lụt. Hồi đó
không có chuyện cứu trợ như bây giờ nên khi làm việc xong, ông cởi áo khoác
tặng một cụ già trong xóm. Lên xe ông bảo, tí nữa có cuộc họp ở huyện không thì
cởi luôn bộ áo quần dài cho thêm cụ nữa, mình về nhà lấy bộ khác mang…Một lần ông Quảng bổ bả: “Tau nghe mấy
ông bà ở quê đó nói mới thiệt, nghe báo cáo thì láo cả!”
Hồi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển về làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ
An, chúng tôi cũng nghe được nhiều giai thoại về ông. Người ta kể, chuyến đầu
tiên ông Tuyển về làm việc với một xã nghèo, sáng ra cả đoàn xe rinh rang chờ
ông trước sân trụ sở Tỉnh uỷ. Mãi không thấy ông xuống (hồi đó ông nghỉ tại
phòng làm việc), tưởng ông ngủ quên, lâu sau mới có người điện thoại. Ông bảo
ông đã đến xã rồi. Đoàn xe chạy về xã vẫn không thấy ông. Điện lại lần nữa, té
ra ông bắt xe thồ đi trước, ra ngoài đồng đang trò chuyện với ông chăn vịt.
Tôi vào Đà Nẵng, nghe người ta kể chuyện Bí thư Thành uỷ
Nguyễn Bá Thanh, hồi đang làm chủ tịch, ông đi ăn ốc hút rồi lân la trò chuyện,
hỏi bà bán ốc hút lời lãi bao nhiêu, bà kể bán một ngày chừng ni, thuế chừng
ni, còn được chừng ni. Ông Thanh nghe xong rút điện thoại ra điện Cục trưởng
Cục Thuế tới, bảo người ta bòn từng hào ri mà ông đánh thuế như rứa ai mà chịu
thấu…Rồi chuyện ông bắt xe thồ đi quanh để hỏi họ về đời sống, về tâm tư…Nhiều
chuyện thật, nhiều chuyện người ta kể như giai thoại…Những giai thoại đẹp đẽ và
chứa đầy khát vọng của người dân.
*
Sinh thời, Bác Hồ ví đại tướng Nguyễn Chí Thanh như con đại
bàng bay cao, nhìn xa. Đó là Bác nói vệ một vị tướng tài ba, mưu lược trong
chiến tranh và có tầm nhìn trong xây dựng kinh tế ở tầm vĩ mô. Nhưng để đạt
được như thế, cán bộ phải gần dân, biết thực chất của vấn đề mà giải quyết. Đại
tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã học từ Bác những
điều cụ thể như thế. Ông đã đến thật gần dân để có được cái nhìn thật xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét