Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Thức dậy, thành người thành phố


Chính phủ đã ra nghị định công nhận thị xã Đồng Hới trở thành thành phố từ tháng 8.2004. Nhiều người chưa hết "ngất ngây", sau một giấc ngủ, thức dậy họ đã thành người thành phố.
Ngồi ở nhà nổi trên sông Nhật Lệ, nhìn ra cửa biển, nghe đài phát thanh đọc nghị định của Chính phủ công nhận thị xã Đồng Hới trở thành thành phố, Vân - một người bạn đang làm việc ở Tỉnh Đoàn bắt chước một câu quảng cáo trên truyền hình: "Đã ngạc nhiên chưa?". Câu đùa ném ra đúng lúc đến mức ai cũng há mồm vì... ngạc nhiên. Và câu chuyện theo chủ đề "ngạc nhiên" bắt đầu...
Nghề nghiệp: “Chủ tịch UBND thị xã”
Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên sau 14 năm tồn tại đã tách ra làm ba tỉnh theo địa giới cũ: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Hồi ấy có một chuyện khôi hài nhưng có thật: Ông phó chủ tịch UBND một huyện ở Quảng Bình làm đến hai nhiệm kỳ nhưng chưa bao giờ thấy mặt Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Là vì hồi ấy truyền hình chưa phủ sóng đến Quảng Bình, đừng nói gì đến huyện ông. Mỗi lần đi họp tỉnh, đường xấu lại xa, xe cộ cọc cạch nên chỉ có chủ tịch huyện mới được đi để nhân đó vào làm việc luôn với các sở, mang theo dấu của huyện, cần là có thể ký và đóng dấu ngay. Khi chia tỉnh, lần đầu đi họp, gặp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình bấy giờ là ông Trần Sự, nguyên Phó chủ tịch tỉnh lớn Bình Trị Thiên, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Bình "khét tiếng một thời", vị phó chủ tịch huyện tròn xoe mắt: "Hóa ra ông này cũng hai mắt, một mũi, một miệng như mình!".
Tỉnh lớn, nên thị xã Đồng Hới 14 năm sau ngày giải phóng vẫn là Đồng Hới của thời mới kết thúc chiến tranh. Cả thị xã có hai cái gọi là nhà lầu, một còn sót lại từ thời Pháp, mảnh bom lỗ chỗ, "ưu tiên" làm đài truyền thanh thị xã. Một nữa, hai tầng, cũng là của xí nghiệp truyền thanh thời bao cấp. Còn lại thì "bời bời cỏ lút". Đi bầu cử lần đầu khi tỉnh mới tái lập, cử tri thấy ông Nguyễn Xuân Chàm khai trong lý lịch: "Nghề nghiệp: Chủ tịch UBND thị xã". Ai đọc cũng cười, nhưng ngẫm lại thấy ông rất đúng, hai mươi bốn năm làm chủ tịch, chả thành nghề nghiệp là gì? Làm chủ tịch lâu cũng chán, nên khi chúng tôi gọi ông là thị trưởng, ông khoái lắm, đọc hai câu thơ “ruột” do mình sáng tác bằng một giọng với âm vực rộng nghe ồm ồm: "Nhật Lệ sóng vỗ dập dồn/Ba o gánh cá qua cồn chang chang". Câu thơ thứ hai có nhiều "biến thể" lắm, tùy nơi, tùy lúc mà thị trưởng đọc. Nay ngài thị trưởng đã về hưu, gặp lại, vẫn chất giọng với âm vực rộng và cách trò chuyện dân dã, ông bảo: "Tao chừ được gọi là nguyên chủ tịch UBND thành phố rồi còn chi nữa".
Ba người lãng mạn
Người thứ nhất, hẳn nhiên, là một nhà thơ.
Trong bối cảnh cả thị xã như một cánh đồng hoang, mưa một trận, ếch nhái kêu ngay dưới chân mình, thế mà "nhà thơ Đồng Hới" Xuân Hoàng đã viết những câu thơ rất... lãng mạn: "Thành phố như cô gái trẻ/Vươn vai trước bình minh hồng". Ai đọc cũng thấy phơi phới cả tâm hồn, dù bấy giờ thị xã chưa ra hình hài thị xã. Không sao! Ngày còn chiến tranh, máy bay địch rải thảm biến Đồng Hới thành bình địa, nhà thơ cũng lãng mạn như thế: "Viên gạch đổ ta lại xây ở đó/Những ngôi nhà vời vợi mấy tầng cao". Sau này, khi ông đã đi xa, đọc lại thơ ông, người ta mới hiểu, đó không chỉ là một sự "lãng mạn cách mạng", mà đôi khi, như một lời tiên tri!
Người lãng mạn thứ hai mới thật bất ngờ: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Sự (thời kỳ tỉnh mới chia ra).
Có thể nói, phàm đã dân Quảng Bình không ai không biết đến cái tên Trần Sự. Người ta biết nhiều đến ông vì hai lẽ, ông là người đẹp trai có tiếng vào hạng nhất nhì xưa nay. Nguyên là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình trong chiến tranh, ông "khét tiếng" về sự quyết đoán đến... độc đoán. Có điều là chưa bao giờ thấy ông quyết sai. Có lẽ ông đúng, thời buổi "trên bom dưới đạn" không quyết đoán có mà... tự tử. Bằng một trí tuệ thông minh trác tuyệt bẩm sinh, khi chuyển sang dân chính, cũng chẳng có ai có thể "qua mặt" được ông. Hồi mới chia tỉnh, ông trải tấm bản đồ do các chuyên gia Cuba quy hoạch Đồng Hới nhìn một lượt rồi rủ mọi người lên xe chạy vòng quanh thị xã. Khi dừng lại bên cửa sông, ông khoát tay chỉ, rồi nhẩn nha: "Thành phố mình đẹp lắm!". Hai từ thành phố bật ra từ ông nghe nó thản nhiên, nhưng mọi người thì không thể nhịn được cười. Thành phố cái quái gì mà không nhà cửa, không đường sá, như "cánh đồng hoang" thế này? Ông chủ tịch lãng mạn quá chăng?
Ông Sự bắt đầu bằng hai việc nhỏ nhưng rất ấn tượng: Một, trong 700 triệu đồng được "chia" từ tỉnh cũ, ông không xây chung cư cho cán bộ mà chủ trương cấp đất rồi cho mỗi cán bộ vay 1 triệu đồng (bằng 6 chỉ vàng thời đó) để làm nhà. Trả tiền đất 1 chỉ, còn 5 chỉ, ai cũng có thể có nhà riêng, tùy theo năng lực của mình mà làm to hay nhỏ. Nhiều người đến nay vẫn nhớ ơn, nhờ ông mà họ có đất có nhà, không phải ở chung cư. Hai, mở rộng con đường qua thị xã rộng gấp hai thiết kế đang làm. Hồi ấy, dịp bầu cử, ông đã bị người ta kiện rằng: thị xã bé bằng bàn tay, người ít, nhà thưa, làm đường rộng họa chỉ để... trâu đi. Ông quả quyết: "Nếu có vốn tôi cho làm rộng gấp... ba!". Người ta nói ông là người lãng mạn đến... ảo tưởng. Bây giờ, nhà cao tầng mọc lên, dân cư phố thị sầm uất, trục đường chính qua thị xã trở nên quá hẹp. Ai cũng khen "ông lãng mạn" này quả là có tầm nhìn xa!
Ông Sự làm chủ tịch "nổi tiếng"với câu: "Tôi không xin Thủ tướng tiền, tôi chỉ xin cơ chế". Thời ấy, ở một tỉnh nghèo, nói thế là "bạo" lắm!
Ông về hưu trước khi thị xã thành thành phố "hai nhiệm kỳ", theo cách tính thời gian của người làm chính trị. Mỗi chiều, ông lại sơ-vin, lượn một vòng xe máy rồi vào nhà hàng làm vài ly rượu booc-đô trước khi về nhà nghiền ngẫm sách Tàu... cho vui.
Người lãng mạn thứ ba: "Người lãng mạn cuối cùng?".
Người ta đã đặt câu hỏi như vậy khi Võ Minh Hoài - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân trẻ và rất... phong độ - có ý tưởng xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tận bên... Bảo Ninh, quê hương mẹ Suốt vốn cách sông trở đò. Nhưng Hoài bỏ ra hơn 200 tỉ để làm thật, mà làm ra làm. Tác phong chuyên nghiệp của Hoài thể hiện ngay từ khâu đầu tiên: anh thuê hẳn một kiến trúc sư nước ngoài thiết kế. Cùng với việc thi công công trình, Hoài hợp đồng (thực ra là thuê) hẳn một trường du lịch, rồi cùng họ trực tiếp tuyển người, gửi 700 học sinh vào đào tạo. Tiền học anh "bao", việc làm anh "bao". Khâm phục cách làm của chàng trai trẻ này, lần đầu tiên, giám đốc một khu du lịch 5 sao ở Đà Nẵng đồng ý nhận học viên của Hoài gửi vào thực tập. Rồi Hoài tuyển các chức danh điều hành khu du lịch với mức lương cao, nhưng yêu cầu cũng cao. Ngày thị xã được công nhận là thành phố, cầu Nhật Lệ vừa thông xe, khu nghỉ dưỡng mang tên SUN SPA tuyệt đẹp đã hoàn thành, học viên cũng vừa ra trường... Vù một cái, từ trung tâm thành phố qua cầu là đến Khu nghỉ dưỡng Mặt Trời. Nhìn thành quả như trong mơ của Hoài, người ta bình luận: "Anh này lãng mạn nhưng lãng mạn... khôn!". Không có những người lãng mạn để "đón đầu" như Hoài thì có gì để làm nên hình hài thành phố? Còn ai tiếp tục lãng mạn như anh?
"Đã ngạc nhiên chưa?"
Ngạc nhiên lắm! Chỉ với 15 năm, người Quảng Bình đã biến một thị xã bình dị thành thành phố, hỏi không ngạc nhiên sao được? Bảo "ngủ một giấc trở thành người thành phố" không chính xác ở chỗ, thành quả này đã được xây dựng từ nhiều năm. Nhưng về nghĩa đen và cả về sự tỉnh táo mà nhìn nhận, thì quả đúng như vậy. Câu chuyện sau đây chỉ là một ví dụ...
Nhà báo Trương Duy Nhất (Báo Đại Đoàn Kết) tốn hết 125.000đ tiền xe taxi đi quanh thành phố để tìm chỗ e-mail bài về tòa soạn. Người lái xe xót tiền cho Nhất cứ can: "Tui cam đoan với anh không có, đừng đi nữa tốn tiền". Thật khó tin, vì lý do Đồng Hới là thành phố du lịch, vả lại khách còn đến di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, chẳng lẽ...
Ngày thông xe cầu Nhật Lệ, vì không tin nên tôi không mang đủ "đồ nghề". Thấy cạnh bưu điện có chỗ đề "đường truyền tốc độ cao", tôi mừng quá, lao vào. Nhưng bất ngờ, cô nhân viên thản nhiên cho biết, đề là đề vậy thôi, ở đây không gửi e-mail được. Tìm khắp không có, tôi nghĩ ra chuyện vào Báo Quảng Bình. Trụ sở của báo tỉnh "hoành tráng" nhưng chưa kết nối Internet. Không chịu khuất phục, tôi vào Phân xã Thông tấn xã tại Quảng Bình, anh em nhiệt tình lắm nhưng họ chỉ cài đặt mạng nội bộ. Hết cách, tôi quay lại một điểm khác năn nỉ cô nhân viên cho mình lấy địa chỉ riêng để kết nối đường truyền, cô từ chối đây đẩy: "Tui biết mấy eng mần chi trong nớ, hư máy tui đi!". Tôi đành ra bưu điện fax một bản tin không ảnh về tòa soạn.
Trở lại gặp Vân và các bạn, Vân cũng sốt ruột giùm tôi: "Thế nào, chuyển được chưa anh?". Tôi kể lại câu chuyện "gian truân đường Internet" cho mọi người nghe và hỏi: "Đã ngạc nhiên chưa?". Tất cả đều tròn xoe mắt như lúc Vân hỏi mọi người. Họ cũng ngạc nhiên lắm!
Tháng 9.2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét