Ngày
21.12, người dân sống trên đường Tôn Đức Thắng, TP Đà Nẵng chứng kiến một người
đàn ông mặc bộ đồ Jin, phóng xe Win đuổi theo rồi bám vào ba-dờ-xốc của một
chiếc xe gây tai nạn cố tình bỏ chạy, kiên quyết bắt xe phải dừng lại...Hơn 20
người dân đã dùng mô tô giúp sức cùng
anh. Đó là Trần Nhật Ninh, sinh năm 1958, một công dân của thành phố Đà Nẵng,
là “khắc tinh” của bọn quái xế và trộm cắp, dù nghề nghiệp của anh không liên
quan đến...săn bắt cướp, hiện là Phó chủ nhiện HTX Vận tải ô tô Liên Chiểu.
Chiếc ô tô con mang biển kiểm soát 78K-2780
vẫn vù ga cố tình tẩu thoát, phía sau, một người đàn ông tay bám vào ba- đờ-
xốc, tay đập mạnh vào ca-bô, miệng hét lớn “Dừng lại, dừng lại!”. Lúc ấy khoảng
17 giờ ngày 21.12, may thay là lúc tan tầm, đường phố đông người, nên chiếc xe
ô tô không thể phóng nhanh hơn. Nhận ra người đàn ông bám theo xe là Trần Nhật
Ninh, người dân gần đó đã đồng loạt xông ra đường, chặn đầu chiếc xe lại. Nếu
không có sự can thiệp kịp thời, trong cơn tức giận, người dân đã cho chủ xe và
tài xế “ăn trầu”...
Câu chuyện bắt đầu từ trước đó chừng 35 phút,
anh Ninh đang đứng trước cơ sở sản xuất của HTX (718- Tôn Đức Thắng) thì nhìn
thấy một chiếc ô tô màu đỏ tông vào một thanh niên đi mô tô làm anh này ngã xuống
đường. Sau một thoáng chần chừ, chiếc xe vù ga phóng nhanh về phía Nam. Trần
Nhật Ninh nhanh chóng gọi anh em chạy ra cấp cứu người bị nạn, cùng lúc gọi
điện thoại cho cảnh sát giao thông Trạm ngã ba Huế (một đường vào trung tâm TP
Đà Nẵng, một đường vào phía Nam). Phía đầu dây bên kia, cảnh sát cho biết, họ
sẽ giữ ngay chiếc xe này. Nhưng chỉ 10 phút sau, không hiểu sao chiếc xe nói
trên quay lại, chạy ra hướng Bắc, ngang chỗ gây tai nạn, chiếc xe đi hơi chậm
lại, người trong xe nghiêng ngó rồi bỗng nhiên vù ga phóng rất nhanh. Biết lái
xe cố tình bỏ trốn, Ninh nhanh chóng lấy xe Win của mình phóng theo. Đến đoạn
Bệnh viện tâm thần Hoà Khánh thì Ninh bám sát được xe 78K-2780, anh vừa gọi vừa
làm động tác yêu cầu lái xe dừng lại để cứu người, nhưng chiếc xe vẫn cố lạng
lách qua chỗ đông người hòng tẩu thoát. Trong tình huống khẩn cấp, Ninh buộc
phải tăng tốc xe máy, vượt lên phía trước ô tô, nhưng tài xế vẫn không chịu
giảm tốc độ. Là người tham gia dạy đào tạo lái xe nhiều năm, Ninh phán đoán và
quyết định rất nhanh, anh mạo hiểm thắng
mô tô dừng hẳn trước đầu ô tô. Lúc đó, lái xe mới chịu thắng xe lại.
Ninh xuống đường, đi về hướng ô tô, yêu cầu lái xe quay lại để giải quyết hậu
quả vụ tông xe vừa xảy ra, chiếc ô tô lùi lại, bất ngờ tài xế đánh tay lái rồi
vù ga. Sự việc diễn ra nhanh và đột ngột, Ninh chỉ còn biết chạy theo rồi bám
vào ca-bô, chiếc xe không những không dừng mà còn chạy nhanh hơn (theo mọi
người chứng kiến thì khoảng 60 km/h). Xe càng tăng tốc kéo theo Ninh, còn Ninh
càng la lớn và dùng tay còn lại đập vào ca- bô. Khi mọi người nhận ra Ninh mới
đổ ra đường, dùng khoảng 20 mô tô đuôỉ theo. Nhiều người không ngần ngại đã
chạy vượt lên phía trước chặn đường. Thấy không thể thoát được gọng kìm của
nhân dân, chiếc xe ô tô mới chịu dừng lại. Trong khi mọi người đang phẫn uất,
vây lấy chiếc xe, Ninh rút điện thoại gọi cho Công an quận Liên Chiểu. Cùng
lúc, có hai cảnh sát mặc thường phục tên là Anh và Định đi ngang, thấy sự việc
đã kịp thời can ngăn, nếu không, ông sếp (chủ xe), tài xế và một cô gái ngồi
trên xe đã phải..."nhai trầu".
Khi
công an đến lập biên bản hiện truờng, chủ xe vẫn liên tục điện thoại hết người
này đến người khác nhờ can thiệp bằng một giọng điệu rất...có tiền. Ông này còn
ngang nhiên nói với người bị hại: “Mày ưa bao nhiêu tiền để tao đưa cho!”
**
Đây không phải là lần đầu Ninh tham gia ngăn
chặn một trường hợp bất chấp đạo lý và luật pháp như thế này. Người dân trong
vùng kể rằng, anh đã “ra tay” nhiều lần để giúp người bị hại, trong đó có lần
dùng chính chiếc xe Win đang sử dụng, hỗ trợ cảnh sát giao thông đuổi theo một
đối tượng vi phạm định tẩu thoát đến tận chân núi Bà Nà mới bắt được. Sau đó
công an đã tạm giữ phương tiện của đối tượng này 3 tháng và phạt 6.000.000
đồng.
Ở địa bàn dân cư, Ninh có tiếng là “khắc
tinh” của bọn trộm cắp. Nhiều vụ trộm cắp xẩy ra quá lâu nhưng không tìm ra thủ
phạm, Ninh đã mai phục nhiều đêm mới tóm cổ được chúng.
**
Sáng
28.12, khi chúng tôi nhận được nguồn tin từ một người sống trên địa bàn,
gần chỗ anh Ninh làm việc và đã đến tìm anh tại Văn phòng HTX, nơi anh đang làm
việc. Trong tiếng ồn ào của một xưởng sửa chữa ô tô, anh phải nói to hơn: “Tôi làm thế vừa mất thời gian, vừa nguy hiểm
đến tính mạng, nhưng vì sự công bằng của xã hội, cũng là để góp phần giảm tai
nạn giao thông, nạn tộm cắp...tóm lại, đó là nghĩa vụ của một công dân. Tôi tự
hỏi rằng, nếu ai thấy chuyện cũng làm ngơ thì xã hội sẽ ra sao? Anh thấy đó,
nếu như hôm ấy tôi không được nhân dân ủng hộ, cùng tham gia vây giữ chiếc ô tô
nói trên, không những chiếc xe đã tẩu thoát mà tính mạng của tôi cũng khó bảo
toàn...”
Tôi tỏ ra thán phục: "Làm sao anh nhớ số điện thoại của công an
các nơi nhanh thế, trong tình huống gấp như thế anh cũng có thể gọi được
ngay?". Ninh cười: "Vì tôi
làm vụ này hoài! Sống gần đường quốc lộ, hàng ngày chứng kiến nhiều chuyện oái
oăm về giao thông, không thuộc số điện thoại sao được!"
Lại hỏi: “Anh
đã bao nhiêu lần tham gia bắt trộm, bao nhiêu lần bắt đối tượng vi phạm giao
thông?”. Gương mặt cương nghị của Ninh ánh lên nụ cười, rồi anh thản nhiên:
“Nhiều lắm! Lần nào bắt được tôi cũng
giao cho công an giải quyết, nếu muốn biết cụ thể anh nên gặp...”.
Anh kể nhiều chuyện khá...độc đáo, nhưng ít
biểu cảm trên gương mặt, tôi bạo dạn (dù lần đầu mới gặp):“Nhưng có vẻ như anh
không được vui vì một điều gì đó?”. Sau
một thoáng chần chừ, Ninh tâm sự: “Anh đã hỏi thì tôi cũng nói luôn, vì chuyện
này tôi không định nói, vụ chiếc xe gây tai nạn rồi bỏ chạy nói trên, tuy hậu
quả không lớn, cậu sinh viên đi làm thêm hôm đó không nguy đến tính mạng, nhưng
xét về hành vi của tài xế thì lại mang tính côn đồ, xã hội đen, gây tai nạn rồi
bỏ chạy, khi có người yêu cầu dừng thì “tha” luôn cả người đó sau xe, chuyện
chưa từng thấy xảy ra trên địa bàn quận tôi. Tôi nghe nhiều người nói lại, “ông
chủ” ngồi trên xe có "máu mặt" lắm, e có nhiều sự tác động nào đấy để
được xử êm. Nếu xử không nghiêm thì tôi
và những người giúp tôi giữ chiếc xe ô tô hôm đó, kể cả anh em công nhân chúng
tôi tham gia cấp cứu cho người bị nạn, sẽ buồn lắm!”
Thấy không khí cuộc nói chuyện bỗng chùng hẳn
xuống, tôi chuyển “đề tài”:
“Anh ninh
này, anh bao nhiêu lần được tặng bằng khen về thành tích tham gia giữ gìn trật
tự xã hội?”. Ninh cười buồn: “Anh nhắc làm tôi buồn lây. Tôi đã bảo, việc tôi
làm không vì tiền, lại tốn thời gian và nguy hiểm, tiếc là chưa ai một lần động
viên tôi, nói lời cám ơn tôi. Tôi không phải là người háo danh, nhưng chẳng lẽ
không ai làm được một điều tối thiểu chỉ là để khẳng định việc tôi làm là đúng
và khích lệ tôi?”
Tôi nói với Ninh rằng, thế thì tôi cũng buồn,
nhưng may thay, trên đường tìm đến anh, tôi đã hỏi nhiều người, ai cũng biết
anh, cũng kể vài ba chuyện về anh, họ gọi anh là “công dân săn bắt cướp”. Mỗi
câu chuyện như thế là một tấm bằng mà nhân dân đã vinh danh anh!
Ninh không nói gì, chỉ bắt tay tôi rất chặt.
Bàn tay của một người lao động thô và ấm.
Đà Nẵng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét