Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Cuộc tìm kiếm kho báu vua Hàm Nghi


Sau tết Ất Dậu, một người báo cho tôi một thông tin bí mật về một người “bí mật” đang có trong tay bản đồ kho báu của vua Hàm Nghi. Rằng, bản đồ này xuất phát từ ông cụ, kỵ gì đó bên ngoại, từng là cận thần của vua Hàm Nghi, truyền lại cho con cháu đang ở Pháp, rồi những người này thông qua một thuỷ thủ gửi về nước cho gia đình. Vậy là một lần nữa, vấn đề kho báu được coi là bí ẩn lâu nay lại được đề cập đến.

Cuộc xuất bôn của vua Hàm Nghi

Vua Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, công tử thứ 5 của Kiên Thái Vương Hồng Cai, sinh ngày 17.6 năm Tân Mùi (1871), là em cùng cha khác mẹ của hai vua Đồng Khánh và Kiến Phước, được hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập lên làm vua ngày 12.6 năm Giáp Thân (1884) lúc mới 13 tuổi.

Sau thất bại trong việc tấn công quân Pháp ở trấn Bình Đài, ngày 23.5 Ất Dậu (1885) kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết hộ tống cùng các quần thần thân tín xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, đạo ngự đến Tân Sở (Quảng Trị), sau đó ra Hương Khê (Hà Tĩnh). Lúc đó ở Hà Tĩnh đang nổ ra khởi nghĩa Phan Đình Phùng, quân Pháp truy đuổi quân nghĩa quân nên vua tôi lui vào Quảng Bình, chọn Minh Hoá làm căn cứ địa.

Ngày 14.11.1888, Trương Quang Ngọc làm phản, ám sát con trai của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp - cận vệ nhà vua, giao vua cho Pháp, thế là sau 3 năm 4 tháng, cuộc xuất bôn chống Pháp của vua đã bị thất bại, nhưng chiếu Cần Vương và ý chí của vua Hàm Nghi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và quyết tâm chống Pháp của nhân dân cả nước. Ngày 26.11.1888, vua bị đày sang Alger và mất tại đó năm 1913.

Giai thoại về kho báu

Theo B.A.V.H mô tả thì khi đến tổng Thanh Lạng, bô lão và chức sắc trong vùng đến yết kiến vua. Lúc đó vua mặc áo vàng, ngồi trên kiệu có 4 người khiêng và 4 cận vệ luôn bên cạnh. Gương mặt vua rất trẻ nhưng hiền dịu và uy nghi. Cùng đi còn có Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn (Đề Soạn). Đoàn hộ tống khiêng 50 thùng lớn cùng nhiều thứ chở trên 5 voi, 3 ngựa (mà sau này nhiều người đoán trong đó chứa các vật quý), có 100 lính gươm súng đi kèm. Thoạt đầu, vua ở nhà ông Đinh Hiền, sau đó đến Khe Ve (cách thị trấn Quy Đạt của huyện Minh Hoá ngày nay 5 km) ở tại nhà ông Đinh Xớn. Tại Khe Ve, quân sĩ xây thành đắp lũy để kháng Pháp. Những dấu tích như đồn Thác Dài, hang Quan Tán, hang Vua... hiện vẫn còn.

Nhiều tư liệu ghi lại rằng, những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, một người đi rừng ở Dân Hoá (Minh Hoá) phát hiện ra hai đống kim loại màu vàng nằm cách nhau một chiếc đòn gánh (người ta bảo do người gánh bị chết), ông lấy về lát hiên nhà thay cho gạch, sau mới biết đó là vàng. Ít lâu sau, mưa lũ làm bật gốc một cây cổ thụ để lộ rất nhiều vàng. Được tin, Ty Văn hoá Quảng Bình cho người lên thu lại. Tất cả các tư liệu này đều ghi qua lời kể mà chưa có cơ quan nào xác nhận hoặc có ý kiến phản hồi. Tuy vậy, suốt hơn trăm năm qua, đã có không ít người nung nấu ý đồ khám phá kho báu trong lòng đất Minh Hoá. Điều đáng nói là, cũng như các giai thoại, câu chuyện tìm kho báu của vua Hàm Nghi thỉnh thoảng lắng xuống nhưng thỉnh thoảng lại rộ lên với những phát hiện mới khiến nhiều người rất kỳ vọng. Có người còn bỏ công sức, sưu tầm tài liệu để vẽ một bản đồ về cuộc hành trình của vua Hàm Nghi rồi đi đến kết luận: có một kho báu đang nằm trong lòng đất Minh Hoá (!?).

Những cuộc tìm kiếm...

Cuốn Di tích - danh thắng Quảng Bình ghi lại lời kể của các cụ già ở Phong Nha (miền Tây huyện Bố Trạch, tiếp giáp Minh Hoá) rằng, có hai vợ chồng người Hoa đến sống ở vùng này, vì không có con nên trước khi lâm chung, họ gửi cho bà con một gia phả nói rõ địa điểm chôn cất vàng ở Phong Nha. Sau đó ít lâu, một đoàn người Hoa lấy danh nghĩa đi du ngoạn đến đây tìm vàng, nhưng họ đã đổi một giá đắt khi bỏ lại mấy mạng người để về tay không. Người ta bảo, vợ chồng người Hoa đã phát hiện ra kho vàng của vua Hàm Nghi, sau đó đúc thành hình các bức tượng người cưỡi ngựa, bôi dầu quả trám rừng rồi thả xuống nước ở một động nào đó.

Khoảng năm 1930-1932, không biết người Pháp có nắm được gia phả của người Hoa kia không nhưng đã tiến hành một cuộc tìm kiếm mới. Lúc tìm kiếm, có rất đông dân trong vùng đến xem, nhưng quan Pháp đưa ba-toong lên hét: “Về hết, không được ai bến mảng tới!”. Sau đó có chừng 20 chuyến xe ô tô bịt kín đi lên đi xuống, không biết có phải chở vàng không?

Những năm 1990-1991, có một “đơn vị đặc biệt” vào đào bới trong lòng sông Son đoạn trước cửa động Phong Nha, người ta nói đơn vị này cũng tìm vàng. Bấy giờ, chúng tôi có hỏi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Sự, ông Sự xác nhận có đơn vị này tìm kiếm gì đó nhưng không cho tỉnh tham gia. Kết quả không biết thế nào, chỉ biết một cột thạch nhũ đẹp nhất đã bị sụt xuống lấp cửa động. UBND tỉnh đã phải chi gần 150 triệu đồng (lúc đó tương đương 75 cây vàng) cho Công ty Xây dựng thủy lợi tỉnh để chẻ cột thạch nhũ, giải phóng cửa động.

“Người hoang tưởng”

Năm 1987, người viết bài này đã được dự một cuộc họp báo rất đặc biệt do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức. Diễn giả chính trong cuộc họp đó là anh Nguyễn Hồng Công, quê gốc Thanh Hoá, thường trú tại 1011 đường Tân Khai, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nguyên là bộ đội biên phòng phục viên, năm 1984, Nguyễn Hồng Công đến đất Hoá Sơn (Minh Hoá) bắt đầu cuộc tìm kiếm kho báu của vua Hàm Nghi.
Sau khi trình báo với các cơ quan chức năng, năm 1987 anh được Vụ Bảo tồn - Bảo tàng giới thiệu về kết hợp với tỉnh Bình Trị Thiên để tìm kiếm kho báu nói trên. Cơ sở để tìm kiếm anh hoàn toàn không tiết lộ, mà nói chỉ báo cáo cho cấp trên, nhưng những gì anh nói hồi đó đủ thuyết phục tỉnh cử một đoàn công tác có đầy đủ các thành phần để lên Minh Hoá đưa vàng về.
Không lâu sau, đoàn lần lượt rút quân, chẳng những không lấy được vàng mà còn mang theo bệnh sốt rét vàng da về thành phố. Năm 1989, Bình Trị Thiên chia làm ba tỉnh, Nguyễn Hồng Công lại xin phép tỉnh Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm kho báu. Có tiền thì thuê dân bản địa đào bới, hết tiền tự một mình làm, hết hạn xin gia hạn, chưa có giấy phép cho gia hạn thì cứ thế âm thầm đào.
Năm 1993, một trận lũ lớn làm số đất đá đào lên trôi lấp cạn cả một dòng suối. Không nản, Nguyễn Hồng Công tiếp tục đào. Cần mẫn với một sức mạnh kỳ bí, ròng rã 14 năm trời, Nguyễn Hồng Công ngày một tiến sâu vào lòng núi Hoá Sơn với một niềm tin khó lay chuyển: Chỉ ngày mai thôi, cánh cửa kho báu sẽ mở ra, anh sẽ trở nên giàu có như một Alibaba thời hiện đại.
Ngày 16.6.1997, Nguyễn Hồng Công gửi lên các cơ quan chức năng Bản tường trình về việc phát hiện kho báu tại xã Hoá Sơn mà theo anh, đây là “bản tường trình cuối cùng”. Bản tường trình chủ yếu đề nghị mức độ “ăn chia”. Trong đó, nói rõ: “Trong 14 năm tìm kiếm, chi phí tốn 242 triệu đồng (chủ yếu là thời điểm trước năm 1990), số tiền này do tôi vay mượn nên phải trả gấp 20 lần (khoảng 5 tỷ đồng). Bản thân xin được hưởng 10% số tài sản thu được như thoả thuận nếu không đóng thuế; nếu chịu thuế xin được hưởng 25%. Số tài sản tôi được hưởng sẽ được thanh toán 50% bằng hiện vật, 50% bằng tiền mặt chậm nhất là 50 ngày kể từ khi chuyển về địa điểm tập kết”. Thế nhưng, một lần nữa, đoàn cán bộ liên ngành được cử lên “mở cửa kho báu” phải lắc đầu quay về tay không.

Nguyễn Hồng Công vẫn không dừng lại, hết thời hạn, anh tiếp tục ở lại trong rừng sâu một mình để đào chui.

Nguyễn Hồng Công là con người kỳ lạ nhất mà tôi được gặp. Không kỳ lạ sao được khi anh chịu từ bỏ thành phố náo nhiệt để lên vùng rừng núi thâm u, hứng chịu nỗi buồn khổ, cô đơn và sốt rét rừng để kiên nhẫn xách từng xô đất dưới lòng núi lên. Càng kỳ lạ hơn khi nghe anh diễn dịch về những dấu tích anh phát hiện với một sự logic lạ lùng. Có lần, tôi bạo mồm khuyên anh nên bỏ hết để về với gia đình, vì không có vàng, đào mãi anh cũng chết; có vàng, mừng quá cũng chết, người ta xông vào hôi của anh cũng chết. Nhưng anh ta chỉ cười, một nụ cười rất bí hiểm.

Năm sau, tôi được điều ra công tác tại Hà Nội nên không có điều kiện theo dõi chuyện tiếp theo. Lâu sau nữa, nghe người ta nói anh đã trở về TP Hồ Chí Minh và ra toà, hình như vì nợ nần gì đó. Thế là “người hoang tưởng” rốt cục đã trở về với thực tại.

Chiếc chìa khoá và bản đồ bí ẩn

Sau “vụ Nguyễn Hồng Công”, cuộc truy tìm kho báu tạm thời lắng xuống. Mãi cho đến ngày 11.5.2003, 4 đứa trẻ chăn trâu nghịch ngợm vào hang bắt dơi, luồn từ nơi này qua nơi khác và phát hiện ra một số cổ vật có giá trị. Trong đó có chiếc chìa khoá và một bản đồ mà theo dự đoán ban đầu sẽ mở ra một hướng mới trong việc lý giải câu hỏi: có hay không kho báu của vua Hàm Nghi?

Địa điểm phát hiện là một hang lèn ở huyện Tuyên Hoá (tiếp giáp Minh Hoá), bao gồm 1 tráp kim loại màu trắng hình tròn, xung quanh có chạm khắc hoa văn tinh xảo (hình vân vũ, quấn thư, chim phượng...) và chạm 4 chữ Hán Giáp - Ngọ - Bình - Nam. Một hộp kim loại hình trụ, trong có đựng một vật kim loại to bằng quả cau (vật này chưa thu hồi được). 3 tráp gỗ lớn bé khác nhau, lồng vào nhau. Tráp ngoài bị mủn. Tráp thứ hai có vẽ một sơ đồ, trên đó có chấm 5 điểm. Tráp trong cùng sơn màu đỏ cánh gián, trong có đựng 2 chìa khoá... Theo đánh giá bước đầu của đoàn công tác liên nghành thì “về giá trị kinh tế hiện hữu không lớn, nhưng có dấu hiệu là các đồ vật cổ rất có giá trị trong nghiên cứu, đặc biệt có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có nhiều thông tin để xác định một số vấn đề khác, trong đó có thể có những tài sản quý mà cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn...”. Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình cũng “đề nghị tỉnh cho bảo vệ địa điểm phát hiện cũng như khu vực xung quanh để tránh các đối tượng khác đào bới tìm kiếm kho báu như đã từng xẩy ra”. Nhưng vấn đề đến nay cũng chỉ dừng lại ở đó!

Tháng 10.2004, những người đi tìm phế liệu đã phát hiện ở đồng Nghè, xã Thạch Hoá (Tuyên Hoá) hai chục chum vại chôn dưới đất trong có chứa hơn 2 tấn tiền cổ và bán cho người mua phế liệu. Câu chuyện lập tức lan truyền và nhiều người nhanh chân đã đến đào nát một khu vực rộng lớn của cánh đồng nhưng không tìm được gì thêm. Vấn đề kho báu của vua Hàm Nghi một lần nữa được thổi bùng lên.

Năm Ất Dậu này là đúng 120 năm vua Duy Tân hạ chiếu Cần Vương kháng Pháp, câu chuyện về kho báu vẫn còn là một bí ẩn khiến nhiều người không thể từ bỏ lòng tham dù bài học thì đã có. Để kết thúc bài viết này, xin được nhắn gửi với con người “bí mật” nói là có tấm bản đồ trên rằng, câu chuyện về tấm bản đồ từ Pháp gửi về tôi đã từng nghe từ năm 1987 và sau đó được nghe đi nghe lại nhiều lần y một bài như nhau. Vì thế, hãy đừng ảo tưởng...

"Chạm tay vào kho báu"
Ngày 19.6.2011, sau khi nhận thông tin từ PV Thanh Niên Trương Quang Nam, ông Nguyễn Hồng Công đã gửi tờ trình cho rằng mình đá "chạm tay vào kho báu", Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thanh Xuân đã kiểm tra và trả lời: “Văn phòng không nhận được bất cứ một văn bản, thông tin gì liên quan đến việc ông Công báo tìm được kho báu của vua Hàm Nghi tại xã Hóa Sơn, H.Minh Hóa. Tôi cũng đã điện thoại đề nghị Chủ tịch UBND H.Minh Hóa kiểm tra nhưng tình hình cũng không có gì khác”.

Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn Bàn Văn Sơn cho biết: “Cách đây khoảng 2 tháng thì ông Công trở lại Hóa Sơn, vào khu đã đào cũ rồi ở lại đó. Thông tin ông ấy tìm thấy kho báu của vua Hàm Nghi là hoàn toàn không chính xác, không có đâu. Những năm trước đây, nhiều lần công an huyện và UBND xã đã cấm, tiến hành xử phạt và khuyên nhủ ông không đào nhưng ông cứ làm.

Khi ông đào vùng ngoài thì một lượng lớn đất đá trôi xuống đã làm hư hỏng, bồi lấp một số diện tích ruộng lúa của bà con nên lãnh đạo xã đã mời ông lên làm việc mấy lần nhưng ông không chịu nghe. Giờ số ruộng đó không thể sản xuất gì được nữa. Sau này thì ông không đào vùng ngoài mà khoét hang sâu trong lòng núi. Lần này ra lại ông không báo gì với địa phương mà lặng lẽ vào”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 16.6.2011, ông Nguyễn Hồng Công đã viết một tờ trình có nội dung: "Qua 14 năm trời ròng rã, suy ngẫm, nghiên cứu, đào bới, tìm kiếm, nay tôi đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi”.

“Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi đã phải trả giá gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. Vậy để đảm bảo được công sức và tiền của đầu tư gần 30 năm qua, tôi đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu, thay vì 10% mà ông Trần Sự (Chủ tịch UBND tỉnh trước đây) ký năm năm 1989”.

“Trong thời hạn 50 ngày phải thanh toán xong kể từ ngày lấy được tài sản kho báu chuyển về kho của tỉnh”

Ông Công “đề nghị tỉnh cho người giám sát và bảo vệ tôi trong 15 ngày. Nếu có gì sai trái tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật hiện hành”.

Tuy nhiên, ông Công xác nhận với PV Thanh Niên qua điện thoại trưa 19.6 là ông vừa ở TP.HCM ra ngày 18.6 và chưa gửi tờ trình này. Ông chỉ mới xin gặp Chủ tịch UBND tỉnh nhưng ông chủ tịch bận nên chưa gặp được. Chiều 19.6 thì không còn liên lạc được với ông qua điện thoại.

Cũng trong chiều ngày 19.6, một tổ PV, CTV Thanh Niên đến nơi ông Công ở và đào vàng thì thấy tại nơi ông ở hiện nay chỉ có một căn nhà nhỏ mới dựng cách đây gần hai tháng. Bên cạnh ngôi nhà là vòi nước để sinh hoạt, nhà đã có điện để thắp sáng. Dưới gốc cây dâu da sát nhà có hai hang đất. Hang dưới thấp rộng hơn có nước xâm xấp. Hang bên trên nhỏ hơn đầy dây leo bám xung quanh. Đây là chỗ mà ông Công cho rằng đã tìm được vàng trong đó.

Tuy nhiên, đại úy Trần Văn Công, Trạm phó Trạm biên phòng Hóa Sơn và anh Đinh Quang Đại, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, khẳng định không hề có vàng hoặc bất cứ thứ gì. Ông Đại nói: “Chẳng qua ông Công bịa tin lung tung kiểu như bệnh hoang tưởng”.

Đến "cửa kho báu"

Ngày 20.6.2011, PV Trương Quang Nam và một tổ CTV Thanh Niên lại vào Hóa Sơn, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), địa điểm ông Nguyễn Hồng Công đang tìm kho báu.
Lúc 13 giờ 30, gặp ông Đinh Xuân Đại, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, hỏi chuyện và nhờ ông Đại chỉ cách gặp được ông Nguyễn Hồng Công. Ông Đại nói: "Việc ông Công tìm được vàng thật hay không thì xã không biết. Vì ông Công không báo cáo với chính quyền". Tuy nhiên, ông Đại một mực cho rằng: "Ông Công mắc bệnh hoang tưởng. Ông ta mới trở lại Hóa Sơn được hai tháng và mới dựng xong căn lều nhỏ chứ chưa đào...".
 14 giờ, làm việc với ông Đinh Thanh Tiến, Trưởng công an xã Hóa Sơn. Ông Tiến cho biết: “Ông Công đi khỏi nơi đào vàng từ ngày 19.6. Sáng 20.6, công an xã viết giấy triệu tập và cùng lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn xã tìm ông về trụ sở làm việc nhưng chưa thấy ông ấy đâu cả".

Khoảng 14 giờ 45 phút, công an xã tìm thấy ông Công và đưa về trụ sở UBND xã. Sau khi làm việc khoảng 1 tiếng, ông Công rời khỏi trụ sở ủy ban.

Chúng tôi tiếp cận nhưng ông lẩn tránh, không chịu tiếp xúc. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, ông tỏ thái độ rất bực bội rồi bỏ chạy thẳng về phía trước, lội băng qua con suối cạn. Chúng tôi cố gắng vượt lên thì ông quay mặt đi và lấy tay che ống kính máy ảnh. Trông ông dạo này khỏe hơn nhiều so với những ngày một mình chui sâu trong lòng đất đào từng xô đất đá xách ra.

Công an xã Hóa Sơn cho biết trước đó không lâu, ông có đến trao đổi với công an rằng ông đã tìm thấy kho báu trong hang cây đa (miệng hang có cây đa). Ông đưa tay vào và đã chạm được cửa kho báu. Nhưng lúc đó, nhìn trong hang ra ngoài sáng, ông thấy có người chặn lại. Hỏi ai chặn thì ông nói đó là người bị giết sau khi chôn vàng hiện về ngăn cản.

Ông Đinh Thanh Tiến, Trưởng công an xã Hóa Sơn, cho biết khi đến làm việc ở trụ sở ủy ban, ông Công có cầm theo tờ trình ghi ngày 11.6.2011 mà chúng tôi đã dẫn ở bài trước, tờ trình vẫn chưa được gửi đi.

Trong tờ trình này, ông Công viết rằng qua quá trình nghiên cứu và tự giải mã nay ông đã tìm được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi. Nhưng liền sau đó ông lại viết:

"Nhưng thực ra đây là công trình xây dựng, nơi cất giấu kho báu của vua Tự Đức trước khi quân Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông, Sài Gòn - Gia Định. Đây là công trình có sự chuẩn bị chu đáo, được lựa chọn và lợi dụng vào một hẻm núi do hai khe nhỏ tạo nên.
Sau khi chuyển hai con suối cạn chảy về hai hướng phía trên, họ đã cải tạo lòng khe thành một đường hào sâu 18m, dài 100m. Miệng hai bờ sông rộng 50m, đáy rộng 2m với tỏa y là 50 độ, phía dưới đáy xếp đá hộc, có kẽ hở để thoát nước và sát vách bên phải từ ngoài vào để hở 3x5 cm. Từ 9m trở lên chắn ngang 5 dãy đá, mỗi dãy dày 5m, cao 9m đè ngang lên dãy đá chặn dọc phía dưới, mỗi dãy đá chắn ngang dài 50m.
Sau đó lấp đất đá ngang bằng với mặt bằng tự nhiên của sườn khe và phủ lên 1m đất. Sau đó toàn bộ bề mặt 5.000 mét vuông đất được lợp phía trên một lớp đá hộc. Những hòn đá được gắn dày và to 0,5m tạo cho giống đá tự nhiên...".

Ông Công mô tả, khi làm xong công trình thì trả lại dòng chảy tự nhiên cho hai dòng suối để xóa dấu vết, sau đó đặt tên cho khe, thôn, làng xã... để nhớ nơi cất giấu. Ông Công cho rằng để tạo ra công trình như thế vào thời điểm đó phải cần 200 quân lính làm việc trong 3 năm, khai thác một lượng đất đá 30 triệu mét khối...

Ông viết: "Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi phải trả giá mất gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. 1.825.000.000đ" (con số sau chắc ý ông muốn nói chính xác ra). Từ đó, ông yêu cầu được hưởng 20% giá trị kho báu thay vì 10% như các tờ trình trước.

Ông Đinh Thanh Tiến cho biết thêm, trong cuộc làm việc nói trên, ngoài việc đưa tờ trình, ông Công còn đề nghị cán bộ xã đề nghị lên huyện, tỉnh lập am thờ để cúng bái vong linh nghĩa quân và những người chôn kho báu trước khi khai quật. Còn nếu không lập am thờ thì bản thân ông cũng "không dám sờ vào" mà tỉnh có muốn khai quật cũng không được.

Lãnh đạo UBND, công an xã yêu cầu ông Công đăng ký tạm trú tại địa phương thì khi đi đâu phải báo tạm vắng; muốn làm (đào bới tìm kho báu) phải xin phép để xã trình lên trên; từ nay ông không được tiếp xúc với người lạ, không được tự ý cung cấp thông tin không xác thực làm cho mọi người hiếu kỳ tìm đến và có thể đào bới gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Công hứa chấp hành.

Cũng như ông Công đã hứa chấp hành nhiều năm trước, yên ắng một thời gian, ông lại tiếp tục công việc tìm kho báu giữa chốn rừng thiêng với một suy đoán hết sức mơ hồ.

Ông đã gần 60 tuổi và đã mất 30 năm cô độc.

(Tổng hợp các bài viết từ năm 1997 đến 2011)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét