“Nỗi niềm chi rứa Nở ơi/Mà
đem sự học lột đời hớ hênh/Cao học đâu phải cháo hành/Húp nhẵn một bát đã thành
kiệt nhân…”
Người xưng tôi trong
phóng sự này là một giáo viên trẻ đang dạy ở một trường có tiếng của thành phố
Huế vừa dự thi cao học tại Đại học Huế, mở đầu câu chuyện bằng cách rào đón:
"Thấy người ta thành ông nghè, bà nghè dễ quá, lại tỏ ra khinh dễ mình,
tôi cũng theo người đi “làm” cao học. Bước chân vào rồi, được chứng kiến nhiều
chuyện, thấy kỳ quái quá. Không nói thì bứt rứt, nói ra sợ người ta cho mình là
người lắm chuyện. Tôi không phải là người nhu nhược, nhưng tôi còn có cuộc sống
gia đình và một cái nghề để sống, câu chuyện này lại liên quan đến các thầy cô,
bạn bè của tôi, vì thế xin anh giấu tên cho".
Thí sinh
yêu cầu giám thị... không cho xem tài liệu
"Đúng là khi
tham gia kỳ thi cao học vừa qua, chính tôi và một số thí sinh trẻ tuổi đã đứng
dậy trong phòng thi yêu cầu giám thị thực hiện đúng chức năng của mình, không
cho thí sinh xem tài liệu. Anh thấy chuyện ngược đời không? Đáng lẽ giám thị
mới là người yêu cầu thí sinh không được xem tài liệu, đằng này thí sinh lại
yêu cầu giám thị. Vì sao à? Dường như các thí sinh trẻ tuổi hoặc là tự tin vào
kiến thức của mình, hoặc là giàu lòng tự trọng hơn, nên chúng tôi không mang
tài liệu vào phòng thi. Nhưng thấy các thí sinh khác xem tài liệu một cách vô
tư, chúng tôi sốt ruột quá. Tôi nghĩ, thi là thi chứ không phải đến để chép tài
liệu. Còn anh hỏi vì sao giám thị cho mang tài liệu à ? Tôi không biết có
"chủ trương" của ai đó không, nhưng một thầy giáo nói với tôi rằng:
"Miễn làm bài đừng có điểm "chết" thì ai cũng đỗ cả. Có môn có
đủ người thi đầu vào đâu mà ganh với đua. Đầu vào không đủ làm sao dạy? Vậy thì
chúng tôi phản ứng làm gì? Nhưng không phản ứng thì chướng quá. Nhiều thầy cô
giáo của các trường luôn dạy dỗ học sinh trung thực, lại đang thi vào... cao
học quản lý giáo dục, thế mà đi thi thì xem tài liệu, thế thì sau này làm sao
dạy dỗ học sinh? Làm sao quản lý giáo dục?
Nói thì nói thế
nhưng phản ứng của chúng tôi cũng có hiệu quả, kỳ thi vừa rồi có đến 700 thí
sinh dự thi nhưng cũng đã có 8 thí sinh bị lập biên bản, trong đó có cả thí
sinh đang đảm đương các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục của tỉnh. Xin anh
nhớ cho, biên bản là do thanh tra của Bộ Giáo dục - Đào tạo lập, chứ còn giám
thị thì có bắt đâu mà lập. Tôi nghe nói đây là lần đầu tiên trong các kỳ thi
vào cao học của trường này có lập biên bản. Vâng, lần đầu tiên !".
Cao học
"pha trà rót nước"
"Trong kỳ thi
nói trên có một chuyện làm dư luận ở Huế bàn tán râm ran, anh có nghe không? Có
à? Chuyện là thế này: Cô này đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, sau khi ra trường,
cô được tuyển vào làm văn phòng Đại học Y khoa Huế, sau đó lại chuyển sang làm
lễ tân ở văn phòng Đại học Huế. Chưa một ngày đi dạy, chỉ "pha trà rót
nước" thế mà cô được chính cơ quan mình cho đi thi vào... cao học quản lý
giáo dục (!?).
Vào phòng thi, vì
không có kiến thức trong đầu, và có lẽ kèm theo cả chủ quan cho rằng cô thầy
giám thị là người nhà, nên cô cứ thế mang tài liệu ra chép. Không may cho cô,
thanh tra Bộ GD-ĐT bắt được và lập biên bản. Tất nhiên cô lại tiếp tục trở về
văn phòng pha trà rót nước. Nhưng câu chuyện thì không dừng lại ở đó.
Việc học để bồi bổ
kiến thức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là điều đáng khuyến khích,
càng phải khuyến khích những người có chí học hành. Nếu cô "pha trà rót
nước" tiếp tục học lên cao theo một chuyên ngành nào đó để có thể trở
thành một giáo viên tốt, hẳn chẳng nói làm gì. Điều lạ lùng ở đây là cô lại
được chính nhà trường đại học cho đi thi cao học chuyên ngành quản lý giáo dục
do... chính trường tổ chức. Nếu việc giở tài liệu trót lọt, cô ta sẽ đậu và tất
nhiên sẽ học xong cao học (có ai vào mà không trở thành thạc sĩ đâu ?). Và sau
đó, cô sẽ thành cán bộ quản lý giáo dục. Một cán bộ quản lý giáo dục trưởng
thành từ việc... giở tài liệu chép trong phòng thi. Thật nực cười !".
Chỉ nhớ mỗi
một từ khơ-ra-sô là... đồng chí
"Câu chuyện
tôi kể với anh đây có địa chỉ hẳn hoi, nhưng thôi, cô ấy cũng như tôi, có bạn
bè, gia đình, quan hệ và công việc, nói ra phiền hà lắm. Xin anh chỉ ghi lại
việc cho mọi người cùng biết mà hiểu chuyện đời... cho vui. Nhắc đến cô này,
hẳn những người từng thi cao học đều được nghe danh, không chỉ vì cô thi điểm
đầu vào môn tiếng Nga đến 9,5 điểm - hình như là cao nhất các kỳ thi cao học từ
trước đến nay - mà còn "giỏi" nhiều chuyện khác. Một lần tôi hỏi thật
cô, rằng học tiếng Nga bao giờ mà giỏi thế. Vì mọi chuyện đã qua nên cô ta
không còn phải e dè mà hồn nhiên: "Nói thật với mày, tiếng Nga tao chỉ nhớ
mỗi một từ khơ-ra-sô là... đồng chí". (Thật ra khơ-ra-sô có nghĩa là tốt).
Để kiểm chứng, anh có thể bất ngờ hỏi cô ta một câu đối thoại đơn giản nhất,
tôi cam đoan với anh, cô ta nghe như "vịt nghe sấm".
Cách đây vài hôm,
tôi nghe chuyện vợ của một người thầy dạy đại học đang hướng dẫn cao học cầm tờ
báo Thừa Thiên - Huế có đăng bài Những vấn đề ở bậc đào tạo sau đại học:
Chữ danh to hơn danh dự đưa cho chồng, giọng mỉa mai: "Đọc đi cho
biết!". Câu nói này có hàm ý sâu xa không tiện kể ra đây.
Bài báo thì nói
nhiều chuyện, trong đó có chuyện của một cô tạm gọi là "bỗng nhiên trở
thành... thạc sĩ". Cô này học hành dở dang, vừa chạy đôn chạy đáo tìm việc
làm vừa học bổ túc văn hóa hết phổ thông. Tốt nghiệp đại học tại chức, cô thi
vào cao học và hiện đang làm việc ở một trường trung học chuyên nghiệp, con
đường công danh nghe đâu có người đỡ đầu nên cũng đang hanh thông lắm! "Ý
chí" của cô thì không phải bàn. Nhưng quanh chuyện này thì... nhiều chuyện
lắm ! Bài báo đặt vấn đề, đang có một "con đường tơ lụa" cho những ai
không đậu đại học hệ chính quy, vì họ có thể học tại chức... Con đường này vừa
được ở nhà hoặc vừa đi làm vừa học, vừa có thể trở thành... tiến sĩ, thậm chí
khi có bằng cấp, rất dễ trở thành... lãnh đạo. Bài báo dẫn ý kiến của GS-TS
Nguyễn Văn Toàn (ĐH Huế) cho rằng, đây là một tồn tại cần giải quyết, rằng ông
và nhiều người đã nhận ra vấn đề này và sẽ có ý kiến để bộ chỉnh sửa cho phù
hợp.
Chuyện vĩ mô là
thế, còn chuyện... vi mô thì cười ra nước mắt. Anh có biết ông giám đốc (....)
vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ không? Có à? Thầy giáo dạy ông này môn cơ
bản kể rằng, ông không còn nhớ cách đọc các ký hiệu hóa học (mặc dầu nghe đâu
ông có học đại học). Một lần thầy gọi ông đọc phản ứng giữa clo và natri, ông
ấp úng: "Cờ lờ cộng với na thành na cờ lờ". Anh tưởng chuyện đùa à?
Không ! Nếu không tin, tôi dẫn anh đến gặp thầy cho biết. Điều quan trọng là
bắt đầu từ đây, trước tên ông bao giờ cũng "đính kèm" hai chữ TS.
Không biết ông đọc từ này là tờ sờ hay thuốc... gì đó ?. Một lần tôi hỏi:
"Sao thầy không đánh trượt ông ta ?". Thầy tôi cười ngượng: "Kể
ra thì thầy cũng không phải, nhưng chuyện tế nhị lắm em ơi !". Không biết
chuyện gì mà thầy tôi khó xử thế".
“Nở vào cao
học”
Người viết bài này
đem câu chuyện “làm” cao học hỏi một giáo viên đang dạy ở Trường Đại học Huế,
"ông đồ Nghệ" này không nói nhiều, đưa cho tôi một bài thơ châm biếm
nhờ gửi cho mục "Cười mỉm chi" của Thanh Niên cuối tuần. Nhân nói về
chuyện "làm cao học", xin phép ông được chép ra đây. Nhan đề bài thơ
cũng rất... đồ Nghệ: "Nở vào cao học": Nhờ luống tuổi đặc cách mẫu giáo/Quen trưởng phòng, bằng tiểu học:
OK!/Trung học bổ túc, đúng là táo bạo/Cho con Bỉnh Chức thi thuê/Còn đại học từ
xa hay tại chức/(Cả hai đều tốn kém ngang nhau)/Tư vấn bảo: hệ nào chẳng
được/Miễn là bằng có đượm "màu"/Ngày nhập học xóm làng náo động/Lò
gạch hoang trầm mặc, kiêu sa/Sông Vũ Đại khẽ khàng vỗ sóng/Giảng đường tráng
lệ, nguy nga/Cao học... luận văn thật là lãng mạn/Thầy cùng trò ngây ngất, đê
mê/Ngày nhậu nhẹt, đêm đắm mình với biển/Tình yêu thêm ngọt hương quê/Có học vị
rồi, Nở thường tự hỏi/Mình vào đô thành, lò gạch cũ ai trông ?/Sông Vũ Đại suốt
hai bờ lở xói/Liệu còn người tắm nữa không?
Dường như sợ mọi
người chưa hiểu hết "sự học cao", ông đồ còn làm thêm một số bài thơ
nữa về chuyện này, trong đó có bài tựa như một lời than: Nỗi niềm chi rứa Nở ơi/Mà đem sự học lột đời hớ hênh/Cao học đâu phải
cháo hành/Húp nhẵn một bát đã thành kiệt nhân/Trải qua mấy khóa đánh vần/Luận
văn của Nở "muôn phần trội hơn"/Sự học, cả một nỗi buồn...
Huế, tháng 6.2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét