Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (8)


Quay trở lại chuyện về Thanh Niên.

Tôi làm thường trú tại Quảng Bình- Hà Tĩnh một năm thì có giấy báo được Giải Báo chí Toàn quốc (nay gọi là Giải Báo chí Quốc gia). Điện thoại xin anh Trương Điện Thắng, Trưởng VPMT, anh Thắng báo với BBT và BBT đồng ý cho ra Hà Nội nhận giải. Đó là lần đầu tiên tôi biết Toà soạn Hà Nội.

Cuộc đời tôi từng có lần được thưởng Huy hiệu của Người (cách gọi của Huy hiệu Bác Hồ) hồi học lớp 5 ở xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) về thành tích cứu người trên sông Mã. Lần đó Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Nội vụ lúc đó có cả công an) Lê Tất Đắc trao. Thế đã thấy oai lắm rồi. Lần này oai hơn, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương trực tiếp trao.

Nhận xong giấy chứng nhận, bằng khen và tiền thưởng, thấy một anh tiến đến, hỏi, anh là Nguyễn Thế Thịnh? Tôi gật. Người đó bảo, em là Việt Hưng, anh Quốc Phong nói em đón anh về Toà soạn. Đó cũng là lần đầu tôi gặp Việt Hưng.

Hồi đó anh em tuy chưa gặp nhau nhưng đọc nhau rất kỹ. Ai đều biết ai như thế nào. Không phải như bây giờ người ta ít đọc về nhau, có đọc cũng ít nhớ, chủ yếu là vì làm báo bây giờ chỉ cần thông tin, không quan trọng bản sắc. Mà bản sắc từng cây bút có được nhờ giọng điệu. Bây giờ ai viết giọng điệu thế nào cũng bị chặt đầu chặt đuôi, chặt vi cạo vảy bỏ vào nồi cho vừa.

Việt Hưng chở tôi về Toà soạn thì gặp anh Quốc Phong, Phó tổng biên tập. Ấn tượng đầu tiên là anh quá giống ông anh vợ của tôi, giống đến mức càng lâu thấy càng giống. Anh Phong giới thiệu tôi với mọi người. Nói đến ai nhớ đến nấy vì đọc bài của họ rất nhiều. Mọi người có vẻ cũng biết tên tôi.

Liên Châu thì hỏi tôi chuyện “thổi thắt thổi mở”, vì lúc đó tôi có viết một bài về chuyện có bà người Nguồn ở huyện Minh Hoá (Quảng Bình) có tài thổi thắt thay cho đặt vòng chị em, thổi mở để cần sinh thì sinh được. Thu Hồng thì hỏi chuyện văn nghệ, Việt Chiến thì bảo thằng này được, thằng này được…Quảng Bình đã có anh em Quang Lập, Quang Vinh lại còn sinh ra anh em Thế Tường, Thế Thịnh…Nói chung anh em như đã quen nhau từ lâu. Không khí này bây giờ không có. Một phần như tôi nói, là do khuynh hướng làm thông tin hiện nay, phần khác có vẻ như con người càng ngày càng ích kỉ, chỉ biết mình là đủ.

Tôi ở lại Hà Nội một ngày và gặp rất nhiều bạn bè làm báo. Hồi đó ai đi công tác vào Quảng Bình nhất định phải tìm đến tôi vì hai nhẽ, tôi có nhiều thông tin và quan trọng hơn, rất nhiệt tình với bạn bè. Nhẽ thứ ba, cũng là nhẽ đã nói, anh em đọc nhau và quý nhau.

*

Năm sau đó, anh Trương Điện Thắng điện thoại bảo, mày vào Đà Nẵng đi TPHCM xem Duyên dáng Việt Nam với tao,  Nguyễn Công Khế cho rồi (anh Thắng rất bản lĩnh, đến nay không có ai là sếp mà ảnh gọi bằng anh, gọi bằng tên là may rồi, khác với tôi, bạn tôi, em tôi lên làm sếp lập tức tôi gọi bằng anh và xưng tên). Tôi sướng quá nhảy tưng tưng. Mình mới về báo chưa lâu lại được đi coi chương trình bao nhiêu người mơ ước, không tưng mới lạ.

Hôm chiêu đãi anh em nghệ sĩ ở Quê Hương, anh Khế hỏi, ông có ưa ra Hà Nội không. Tôi hơi bất ngờ nhưng gật đầu vì cũng đã đến lúc phải thay đổi, ở Quảng Bình, thường trú một thân một mình, không ai quản lý, tự do thoải mái vô cùng, nhưng tự do quá, rảnh rỗi quá cũng chán. Tưởng nói thế rồi thôi, ai dè khoảng tháng sau tôi nhận được quyết định.

*

Lại kể, ở Quảng Bình, phải nói về thông tin thời sự không được như các nơi khác, nhưng tôi viết nhiều là nhờ đi vào một mảng khác, đó là chuyện lạ. Những đề tài khác thường, trái với quy luật đều là…lạ. Tôi quy ước với tôi như thế. Bây giờ, như đã nói, anh em thường trú cày ải trên một mảnh đất vốn không phải là đầu mối thông tin, trong khi báo chí càng về sau càng chú trọng vấn đề thời sự nên nhiều lúc cũng nản. Tôi biết, vì tôi từng trải qua cảm giác đó. Tham nhũng thì ở tỉnh vài trăm triệu mình thấy đã to, như viết vào toà soạn lại cho như hạt cát. Vì vậy phải viết về cách…tham nhũng…lạ, không giống ai mới được.

Tôi nhớ nhất chuyện hồi đó, cứ mỗi nhiệm kỳ đại hội, ông này lên thay ông kia nhưng nhất định không đi xe ông kia mà phải mua xe mới vì sợ…xui. Chuyện này có lẽ ở đâu cũng có, nhưng tôi viết bài “Cả nghìn con trâu bị nhốt trong nhà xe uỷ ban” thì lạ. tít thế không đọc chết liền. Đó là chuyện một chiếc xe Crow 3.0 bị đùn qua đẩy lại, cuối cùng phải cho vào nhà xe khoá lại để mua xe mới. Chiếc xe đó giá trị bằng một nghìn con trâu.

*

Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy, đôi khi chỉ một ý tưởng, một quyết định của sếp cũng làm thay đổi số phận một (hoặc nhiều) người. Trong trường hợp của tôi thì hoàn toàn như thế. Về làm Thanh Niên là định mệnh, từ Quảng Bình ra Hà Nội cũng là định mệnh. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét