Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Chiếc cầu Định Mệnh (1)


10/07/2011 01:42 am
Cho dù có cố gắng bao nhiêu thì tôi cũng không thể nhớ được lần đầu tiên mình được đọc báo là từ khi nào. Nhưng mang máng rằng, hình như lần đó, ba tôi gửi về nhà một gói đồ, trong đó có ít kẹo, một gói polyvitamin, hai gói trà và hai gói thuốc kèm một lá thư. Tất cả bọc trong một tờ giấy báo khổ lớn, đó là tờ Nhân Dân.
Theo thư ba dặn, tôi mang trà thuốc biếu bác tôi, kẹo thì mạ tôi chia cho mỗi đứa mấy cái, polyvitamin thì trút vào một cái chai cất vô tủ chờ khi nào có đứa ốm mới được bồi dưỡng. Tôi vuốt thẳng tờ Nhân Dân ra và đọc. Tôi cũng nhớ mang máng là hình như họ nói về Tết trồng cây. Tóm lại lần đầu tiên tôi biết được có chuyện người ta làm xong thì được người khác viết lại và in lên trên một tờ giấy gọi là tờ báo. Ấn tượng duy nhất chính xác là việc gì họ cũng không nêu ngày tháng cụ thể mà nói “vừa qua…”. Chẳng hạn hạn, “vừa qua, tỉnh Vĩnh Phú tổ chức Tết trồng cây…”.
Suốt một thời kỳ dài dằng dặc của tuổi thơ, nền văn hoá của người miền Bắc chủ yếu được xây dựng thông qua đài phát thanh, mà radio thì mỗi làng hoạ hoằn mới một nhà có. Xóm tôi có nhà anh Lộc. Anh làm ở cửa hàng thương nghiệp huyện, tối thứ bảy về mang theo radio, cả xóm tụ tập lại để nghe “Câu chuyện cảnh giác”. Tôi thậm chí còn không ấn tượng người viết nên câu chuyện đó bằng người đọc (kể) lại nó trên đài. Và vì thế, tuyệt nhiên không khái niệm gì về nghề làm báo chứ đừng nói là trở thành mấy người đó.
Tôi cũng không hề mơ trở thành chủ tịch nước hay thủ tướng mà mơ trở thành Stalin, hay ít nhất cũng là một thượng tướng, đại tướng chỉ huy quân đoàn nào đó như mấy ông tướng oai hùng được mô tả trong Bộ chỉ huy Xô viết trong chiến tranh, quyển sách hiếm hoi mà tôi đọc được thời đó. Nói chung, nếu nói có ước mơ thì tôi ước mơ trở thành tướng và nghề phải làm khi lớn lên là chỉ huy đánh trận.
Thực sự thì tôi không hiểu bản thân mình có tố chất gì và đến đâu, nhưng nói công bằng thì có chút vai trò thủ lĩnh. Trong các cuộc chơi tôi đều chỉ huy, sắp đặt hết mọi thứ. Nhất là những trận đánh giả, tôi thậm chí đóng vai thống soái để phong tướng cho những đứa khác và cất chức những đứa khác.
Người bạn thân nhất của tôi lúc đó là Thắng, Phan Đức Thắng, người ở sau nhà tôi. Cậu ta lớn hơn tôi hai tuổi và thực sự là một người bạn tuyệt vời. Tôi cùng Thắng chia sẻ rất nhiều chuyện và có cùng sở thích. Khi đánh trận giả tôi với Thắng thường ở một phe. Chúng tôi cày cục khoét sáo và tập thổi cho đến hay mới thôi. Mỗi đêm khuya, hai thằng lại vác sáo ra thổi. Công bằng mà nói thì Thắng thổi sáo hay hơn tôi nhiều nhưng người làng tôi thẩm âm không được tốt nên xếp hai đứa bằng nhau. Tiếc là khi tôi đi K8, một kế hoạch của miền Bắc hồi đó, đưa con em cán bộ ra Thanh Hoá sơ tán vì chiến tranh ác liệt, gọi là giữ những hạt giống đỏ, sau này lỡ quê hương bị huỷ diệt thì mình là hạt giống được mang về gieo lại. Thắng thì không đi. Sau này, không biết đưa đẩy thế nào cậu ta vào làm công an.
Tôi ra Thanh Hoá, ở huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Yên, thôn Thọ Đồn. Lúc đi đang học lớp 4, bỏ mất một học kỳ đi đường nhưng ra vẫn được lên lớp 5. Lớp tôi do cô Kiền chủ nhiệm. Lúc đó cô chừng 40, người gầy và không đẹp nhưng dễ mến. Cô Kiền rất yêu thương hai anh em tôi, có lẽ vì thế mà cô Vân thì bảo tôi vô đội học sinh giỏi Toán còn cô Kiền thì bảo vào đội học sinh giỏi Văn. Tôi yêu quý cô Kiền nên không cãi lại dù lúc đó không thực sự biết mình học Văn thế nào, chỉ biết mình viết chữ rất đẹp, đó là một lợi thế.
Ở Thanh Hoá tôi được nghe đài qua hệ thống truyền thanh công cộng chứ không cần vào nhà anh Lộc như khi ở quê. Tôi không hề biết làm đài cũng được gọi là làm báo. Tuổi thơ bên dòng sông Mã của tôi vẫn miệt mài với những trận đánh giả và ước mơ làm nguyên soái.
Duyên nợ có lẽ bắt đầu từ hồi học ở trường quân sự. Lúc đó Chi đoàn Radar-Tên lửa của tôi làm một tờ báo tường, mỗi người đóng góp một bài. Cái này là nỗi đau khổ của không biết bao nhiêu người, họ thà làm công việc khổ ải còn hơn viết một cái gì đó lên báo tường. Lúc đó không hiểu thế nào lại làm một bài thơ. Không hiểu thế nào khi tờ báo tường đăng bài thơ đó lên thì Bí thư Chi đoàn tên Kim, một anh chàng bảnh choẹ học trên một khoá, đi tìm tôi. Anh ta bảo trong cuộc đời anh ta chưa từng đọc một bài thơ nào hay như thế. Bài thơ từ đó nhanh chóng được mọi người chép lại, học thuộc lòng, thậm chí chép nguyên văn hoặc trích dẫn trong thư gửi bạn gái. Tôi nổi tiếng trong K (K giống như một khoa. Lại giống như một tiểu đoàn) của trường. Một hôm, đại uý Vui, Chính trị viên K gọi tôi lên thông báo, tôi đuợc chọn làm cộng tác viên cho tờ báo quân chủng, trách nhiệm của tôi mỗi tháng viết 3 cái tin cho tờ báo này. Viết xong thì đưa ông kiểm duyệt và gửi đi.
Suốt một năm tôi chẳng viết được cái tin nào, cho dù vậy tôi vẫn không bị cắt suất cộng tác viên và vẫn được đi dự họp mỗi khi tờ báo này về trường tổ chức. Tôi đang bận học để thực hiện ước mơ trở thành nguyên soái.
Chính trị viên cho rằng tôi làm thơ hay nên cho vào đội văn nghệ. Đội trưởng là thằng Minh, người Hà Nội, một công tử bột con của một vị tướng. Hắn nói chỉ có bọn nhà quê mới thổi sáo nên phân tôi chơi guitar bass, thứ mà tôi mới học từ khi vào bộ đội. Sở đoản nên tôi mất vị trí chỉ huy, luôn phải ngồi hàng sau của dàn nhạc, chán phèo. Cho đến khi đội văn nghệ đi hội diễn được giải nhất, chính trị viên bảo tôi viết một báo cho báo quân chủng, tôi viết. Bài báo được chuyền tay nhau đọc và được khen nức nở nhưng không bao giờ được đăng. Nhưng mà, nhờ bài báo không đăng đó, thằng Minh suy nghĩ khác về tôi. Thậm chí nó còn dẫn tôi về nhà ở Hà Nội diện kiến bố nó, một vị tướng, và giới thiệu em gái mình, lúc đó đâu như đang học lớp 8…
Tôi hoàn toàn không có ý định trở thành một nhà báo. Ngay cả bây giờ thì tôi vẫn cho rằng, đó là một sự sắp đặt của định mệnh. Một định mệnh sai lầm. Bởi, cho dù bình tĩnh xem xét một cách khách quan, tôi vẫn thấy như Tom Plate, cuộc sống của người làm báo hời hợt và không có niềm tin. Người làm báo hầu như chỉ có một điều duy nhất là ham muốn, ham muốn săm soi cuộc sống của người khác, gần như là để phá hỏng cuộc sống của họ dưới bất cứ hình thức nào, vô tình hay cố ý. Cuộc sống của một con người luôn luôn bị áp lực về thời hạn, cái gì cũng ra thời hạn, mà tư duy lại không phụ thuộc vào thời hạn. Đó là hai mặt của cuộc sống mà tôi đang sống. Cuộc sống do định mệnh tạo nên chứ không phải do tôi lựa chọn. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét